Hải quân Thiên Hoàng Nhật Bản bắt đầu tiến
hành mã thám vào năm 1925 sau khi thành lập Nhóm Đặc biệt
trong Phòng Truyền tin, Bộ Tổng Tham mưu Hải quân.
Khi đó, nhóm này chỉ có năm nhân viên và được ở trong tòa nhà bằng gạch của Bộ Hải quân ở Tokyo. Chuyên gia mật mã Ba Lan Jan Kovalevski đã giảng về mã thám ở đây. Các chuyên gia giải mã có đầu óc cải cách dưới sự lãnh đạo của ông đã có được các khả năng giải mã đáng gờm khi mà họ còn sử dụng mật mã của Bộ Ngoại giao Mỹ để huấn luyện.
Trong thập niên 1930, nhân viên của Nhóm Đặc biệt chủ yếu làm nhiệm vụ đọc điện mã của Trung Hoa. Chẳng hạn, họ đã đọc được bức điện mã thông báo các kế hoạch của Trung Hoa sử dụng không quân tấn công quân Nhật. Thế là quân Nhật liền ra tay tấn công trước và tiêu diệt phần lớn không quân Tưởng Giới Thạch.
Sở dĩ các nhân viên Nhóm Đặc biệt tập trung “sự say mê” của mình chủ yếu vào điện tín của Trung Hoa là vì tay nghề của họ không cho phép giải mã các mật mã hải quân và ngoại giao của kẻ thù chính là Mỹ. Chỉ các tình thế thuận lợi không tận dụng được mới là ngoại lệ.
Một trường hợp thuận lợi như thế đã xuất hiện ngày 26 tháng 2 năm 1936 khi hai trung đoàn nổi loạn ở Tokyo và một số nhà hoạt động nhà nước bị treo cổ vì âm mưu làm chính biến. Các chuyên gia mã thám Nhật đã thu được một số lượng lớn điện mã và thu được nhiều từ vốn có thể tìm thấy trong bản rõ các bức điện đó.
Không lâu sau, họ đã đọc được phần lớn điện mã của Mỹ, kể cả các bức điện mã của tùy viên hải quân Mỹ ở Tokyo. Sau đó, Mỹ đã thay đổi các hệ mã của mình và một lần nữa các nhân viên Nhóm Đặc biệt lại không đủ kiến thức toán học để giải mã chúng.
Người Nhật cố bù lấp những khiếm khuyết về kiến thức lý thuyết mã thám bằng sự sáng tạo. Khoảng cuối năm 1937, một nhân viên Nhóm Đặc biệt là Morikawa đã cùng một thợ nguội đột nhập lãnh sự quán Mỹ và chụp ảnh được loại mã gọi là “mã màu nâu” của Bộ Ngoại giao Mỹ và máy mã M-138 mà trước đó người Nhật chưa từng thấy.
Không lâu sau, trong một hành động chuẩn bị chiến tranh, Bộ chỉ huy Hải quân Nhật đã cho xây dựng trạm kiểm thính đầu tiên ở làng Owada, cách Tokyo 50 phút đi xe. Các tài liệu phân tích định vị vô tuyến điện và điện mã trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ đã giúp Bộ Tổng tham mưu Nhật có được hình dung về hạm đội Mỹ và chiến thuật của nó.
Do các phương tiện liên lạc truyền tin của Mỹ có sự phát triển nhanh chóng sau sự kiện Trân Châu Cảng, Nhóm Đặc biệt đã buộc phải áp dụng các biện pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của mình. Nhóm 50 nhân viên mới đầu tiên mà Nhóm Đặc biệt nhận vào làm việc được chọn từ các trường ngoại ngữ và cao đẳng thương mại dân sự. Đợt thứ hai gồm 70 sĩ quan sự bị được chọn theo tiêu chuẩn ngoại ngữ của họ từ 500 người và được đào tạo lại.
Trong vòng năm tháng, các tân binh được nhận vào Nhóm Đặc biệt đã thực hành mã Morse, nghiên cứu các mã sơ đẳng (của Caesar và Vigenere), học cách giải mã các hệ mã phức tạp hơn. Trong những năm Thế chiến II, đã có sáu khoá học viên ra trường. Một số học viên tốt nghiệp đã được cử đến hạm đội và bộ tham mưu các đơn vị để tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử. Tuy vậy, đa số học viên tốt nghiệp các khoá học phục vụ ngay tại Nhóm Đặc biệt.
Một dòng thác lớn điện tín kiểm thính đã đổ về đơn vị mã thám này của Hải quân Nhật. Phần lớn chúng được gửi đến từ hàng trăm máy thu và các máy định vị vô tuyến của trạm kiểm thính ở làng Owada.
Tại đó có một số tù binh Mỹ và Australia bị cưỡng bức làm việc cho tình báo vô tuyến điện tử Nhật. Do thiếu thốn các chuyên gia lành nghề, nên Nhật đã buộc phải nhận vào cơ quan mã thám 30 cô gái trẻ người Nhật gốc Mỹ, điều chưa từng có ở Nhật thời đó.
No comments:
Post a Comment