Những lò đào tạo ca sĩ của một thời Sài Gòn đáng nhớ đáng yêu
Nguyễn Đức* Ngọc Chánh*Hoàng Thi Thơ*Nguyễn Văn Đông*Duy Khánh
Trúc Giang MN
1* Mở bài
Miền Nam trước năm 1975 là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu
cho cây tự do đơm hoa kết trái. Văn nghệ và âm nhạc cũng do đó là phát
triển với muôn màu, muôn sắc vô cùng rực rỡ.
Có thể nói nền tân nhạc Việt Nam nầy là thời kỳ cường
thịnh nhất lịch sử. Môi trường văn nghệ mở rộng, là nơi để tuổi trẻ
phát triển năng khiếu và tranh đua thi thố tài năng âm nhạc.
Nhạc sĩ nổ lực sáng tác vì được tự do diễn đạt cảm
xúc của người nghệ sĩ. Nhưng điều quan quan trọng nhất là người dân miền
Nam, đủ ăn đủ mặc, sẵn còn cái tâm trạng để thưởng thức âm nhạc qua các
đài phát thanh, phát hình, đại nhạc hội, phòng trà ca nhạc và vũ
trường. Các trung tâm băng, dĩa cũng góp phần truyền tải âm nhạc đến
quần chúng. Cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, món ăn tinh thần không
thể thiếu. Âm nhạc lên ngôi.
Âm nhạc lớn mạnh kéo theo các lò đào tạo ca sĩ, các lớp nhạc, cung ứng tài năng âm nhạc cho miền Nam.
Sau năm 1975 nền âm nhạc đó đã được hồi sinh tại hải
ngoại với những trung tâm tổ chức trình diễn và sản xuất băng, dĩa nhạc
như Trung Tâm Asia, Thúy Nga Paris, Vân Sơn và nhiều trung tâm khác.
2* Các lò đào tạo ca sĩ trước 1975
Trước năm 1975 các ca sĩ thành danh xuất thân từ các
lò đào tạo, từ các phòng trà ca nhạc, vũ trường, phong trào văn nghệ học
đường, phong trào nhạc trẻ, các đoàn văn nghệ của Tổng Cục Chiến Tranh
Chánh Trị.
Lò nhạc có nhiều môi trường để lăng xê đệ tử của
mình, nổi tiếng nhất là lò Nguyễn Đức, đã đào tạo nhiều ca sĩ thành danh
trong làng nhạc Việt Nam. Kế đến còn có các lò nhạc như Tùng Lâm, Duy
Khánh, Bảo Thu, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Đông…
3* Lò nhạc Nguyễn Đức với các ca sĩ tên Phương
Kim Loan Phương Diễm Hạnh
Nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều ca sĩ thành danh
nhất trước 1975. Một lô ca sĩ tên Phương gồm Phương Hồng Loan, Phương
Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương
Diễm Hạnh (1999 ở Canada) và trước đó có Hoàng Oanh, Kim Loan và Thanh
Lan, hai danh hài Thanh Hoài và Trần Tỷ. Nguyễn Đức còn đào tạo xướng
ngôn viên cho đài phát thanh và truyền hình gồm có Bạch Yến, Xuân Kiều,
Phương Hồng Trinh.
Lò nhạc nào cũng có môi trường để lăng xê đệ tử của
mình trước công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Đức có hai chương trình trên đài
truyền hình và hai chương trình ở đài phát thanh để đánh bóng đệ tử của
mình. Đài truyền hình số 9 có Ban Thiếu Nhi Sao Băng với 40 thiếu nhi,
và Chương Trình Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức. Ở đài phát thanh có
Ban Việt Nhi và Ban ABC.
Hơn nửa thế kỷ đào tạo ca sĩ từ trong nước ra tới hải
ngoại, với bàn tay phù thủy nhạc sĩ Nguyễn Đức đã biến những thiếu nhi
trong ban Việt Nhi và ban Thiếu Nhi Sao Băng trở thành những ca sĩ nổi
tiếng hiện nay.
Ra hải ngoại năm 1991, định cư ở Toronto, Canada. Về Việt Nam nhạc sĩ Nguyễn Đức mất tại Sài Gòn ngày 25-5-2015. Thọ 86 tuổi.
4* Ca sĩ Thanh Lan
4.1. Vài nét tổng quát về Thanh Lan
Trước năm 1975, trong lãnh vực sân khấu và điện ảnh
Việt Nam nổi bật lên sáu mỹ nhân tài sắc: Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng,
Kim Cương, Thanh Nga, Mộng Tuyền và Thanh Lan. Trong đó Thanh Lan là một
hiện tượng khá đặc biệt, một tài năng hiếm có và đa dạng, đã thành
công trên ba lãnh vực: âm nhạc, kịch nghệ và điện ảnh.
Thanh Lan nổi tiếng với những bài hát tiếng Pháp và
cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào nhạc trẻ
đầu tiên ở Sài Gòn.
4.2. Tiểu sử Thanh Lan
Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan sinh ngày
1-3-1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Cha là Phạm Đình Vịnh, mẹ tên Thái
Chi Lan, em của đạo diễn Thái Thúc Nha, chủ hãng phim Alpha.
Thanh Lan học chương trình Pháp, tên Tây là
Cathérine. Tiểu học ở trường Saint Paul, trung học Marie Curie. Đậu tú
tài toàn phần Pháp. Tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa ban văn chương
Anh.(1973)
4.3. Quá trình học nhạc của Thanh Lan
Từ năm 9 tuổi, Thanh Lan học đàn piano suốt 3 năm với
các Sơ ở Saint Paul rồi được bà Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi
hướng dẫn.
Đã ghi tên học các lớp dân ca Việt Nam và đàn tranh ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.
Tóm lại, Thanh Lan thông thạo tiếng Pháp, lưu loát
tiếng Anh, trình độ văn hóa đại học và được đào tạo về âm nhạc một cách
rất có bài bản.
4.4. Sự nghiệp văn nghệ của Thanh Lan
Thanh Lan tham gia văn nghệ từ năm 9 tuổi. Bắt đầu sự
nghiệp văn nghệ năm 12 tuổi trong Ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức,
đơn ca đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn với bản nhạc Vui Đời Nghệ Sĩ
của Văn Phụng.
Năm 18 tuổi tham gia ban kịch Vũ Đức Duy trên đài truyền hình. Năm 20 tuổi đóng phim.
1). Sinh hoạt âm nhạc của Thanh Lan
Năm lớp 11 trung học Marie Curie, Thanh Lan gia nhập
ban nhạc sinh viên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Là ban nhạc trẻ đầu
tiên có khuynh hướng Việt hóa nhạc trẻ Việt Nam. Nét đặc biệt của Thanh
Lan là hát nhạc Pháp.
Thanh Lan là một hiện tượng trong giới ca nhạc Sài
Gòn trước 1975. Báo chí săn đón. Hình ảnh Thanh Lan tràn ngập trên các
bìa băng nhạc, bản nhạc, bày bán khắp nơi ở Sài Gòn.
Thời gian đó, Sài Gòn có hai trung tâm nhạc lớn và có
uy tín là Trung Tâm Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và trung tâm
Shotguns của Ngọc Chánh.
Thanh Lan thường hát chung với Nhật Trường Trần Thiện Thanh, với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Từ Công Phụng…
Năm 1967, Thanh Lan theo đoàn văn nghệ Nguồn Sống lưu
diễn các nước từ Châu Á tới Châu Âu: Thái Lan, Lào, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ,
Anh Quốc và Đức.
Năm 1973, Thanh Lan cùng với Phạm Duy và Ngọc Chánh
sang Nhật Bản tham dự Đại Hội Âm Nhạc Quốc Tế Yamaha Festival in Tokyo,
với 100 quốc gia tham dự. Thanh Lan hát bản Tuổi Biết Buồn của Phạm Duy
và Ngọc Chánh, được vào chung kết với hai ca sĩ nổi tiếng thế giới là
Anne Marie David ca bản “Tu te Reconnaîtras” (Nhạc Pháp)
và với nam ca sĩ nổi tiếng Hy Lạp Demi Roussos với bản Rain and Tears.
Sau đó Thanh Lan ở lại Tokyo để thu hai bài Ai no hio Kesanaide và Tuổi
Mộng Mơ của Phạm Duy.
2). Về kịch nghệ
Trong chương trình học của trường Marie Curie, nữ sinh có môn học về kịch nghệ
cụ thể là phân tích và phê bình nhiều vở kịch của
Molière, Corneille, Racine…Đó là căn bản về kịch nghệ của Thanh Lan. Hồi
còn bé Thanh Lan thủ vai em bé trong Ban Kịch Kiều Hạnh trên đài phát
thanh Sài Gòn. Rồi trong ban kịch Linh Sơn diễn chung với Vũ Huyến.
Năm 1973 Thanh Lan tham gia ban kịch Vũ Đức Duy trong vở kịch Những Người Không Chịu Chết của Vũ Khắc Khoan.
Năm 2009 khi ở Hoa Kỳ, Thanh Lan thủ một vai trong vở
bi trường kịch “Âm Mưu và Tình Yêu” (Intrigue and Love) của Friedrich
Schiller, và vở Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông.
3). Về điện ảnh
Từ năm 1970, Thanh Lan thủ vai chánh trong phim Tiếng
Hát Học Trò của đạo diễn Thái Thúc Nha. Qua bộ phim nầy Thanh Lan được
trao giải nữ diễn viên triển vọng nhất, là Giải Văn Học Nghệ Thuật của
Tổng thống VNCH.
Thanh Lan cũng thủ những vai diễn trong các bộ phim Lệ Đá, Gánh Hàng Hoa, Ván Bài Lật Ngữa…
Cuối năm 1974, Thanh Lan nhận giải Diễn Viên Đẹp Nhất
Miền Nam, do đạo diễn Lê Dân trao trong buổi lễ ở khách sạn
Continental. Như vậy tài sắc vẹn toàn.
Tháng 3 năm 1975, Thanh Lan đóng vai chánh bên cạnh
các diễn viên Nhật Yusuke Kawazu, Kenji Isomura và tài tử Đoàn Châu Mậu.
Phim do hãng Amino in Tokyo thực hiện với tựa đề Number Ten Blues, về
sau đổi tên lại là Goodbye Saigon.
Thanh Lan đóng 8 bộ phim, trong đó có hai bộ phim truyền hình
Tóm lại, Thanh lan là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn có
tầm vóc quốc tế, thành công trên ba lãnh vực, ca nhạc, kịch nghệ và
điện ảnh. Đóng phim, đóng kịch, làm thơ và sáng tác nhạc.
Cuộc đời cũng lắm gian truân. Vượt biên bảy lần, hai
lần bị bắt, nếm mùi tù tội dưới chế độ Cộng Sản. Xin tỵ nạn chính trị
tại Hoa Kỳ ngày 28-12-1993.
Có thể nói “Cuộc đời lắm nổi gian truân đúng với câu hồng nhan bạc phận”
5* Lò nhạc Tùng Lâm
5.1. Liên kết Tùng Lâm, Bảo Thu và Duy Khánh
Tùng Lâm Bảo Thu Duy Khánh
Lò nhạc Tùng Lâm giới thiệu Trang Thanh Lan, Trang
Kim Yến, Trang Mỹ Dung rồi Chế Linh, Giang Tử. Riêng Trang Mỹ Dung là
tên do gia đình đặt ra. Quái kiệt Tùng Lâm tuy có môi trường lăng xê ca
sĩ là Đại nhạc hội và Ban Tạp Lục trên đài truyền hình, nhưng vì Tùng
Lâm mù tịt về việc đào tạo thanh âm nên phải liên kết với lớp nhạc Bảo
Thu và Duy Khánh. Việc liên kết nầy tạo ra cơn sốt đối với các lò nhạc
khác vì có đầy đủ môi trường để mầm non trẻ phát triển tài năng. Tùng
Lâm có chương trình đại nhạc hội, Bảo Thu có chương trình truyền hình và
lớp nhạc dạy thanh âm và nghệ thuật trình diễn. Chế Linh thuộc lò Tùng
Lâm nhưng được Duy Khánh đào tạo thành danh đến ngày hôm nay.
5.2. Câu chuyện về Tùng Lâm và Chế Linh
Tác giả Nguyễn Việt kể lại. Sáng chủ nhật đại nhạc
hội hôm đó tại rạp Olympic, một anh chàng da ngâm đen, tóc quăn vào tận
bên trong hậu trường gặp ông bầu Tùng Lâm để xin hát. Tùng Lâm quyết
liệt từ chối. Thế rồi những chủ nhật sau đó, anh ta không bỏ cuộc. Cuối
cùng Tùng Lâm phải chịu thua trước cái lì lợm của anh ta. Cho lên hát
thử mà không có tiền “cát sê” (Cachet-Pháp). Được giới thiệu tên Chế
Linh, hát một bản của Duy Khánh.
Bài hát chấm dứt. Hàng loạt tiếng vỗ tay nhiệt liệt không ngừng ở hàng ghế khán giả. Những tiếng hét bis, bis.
Sau đó mới biết khán giả đó là những người đồng hương
họ Chế mà Chế Linh mua vé cho họ vào xem và chờ đúng cái dịp ngày hôm
đó để vỗ tay, hô bis!, bis!. Tuy Chế Linh thuộc lò Tùng Lâm nhưng ông
bầu đại nhạc hội nầy không biết về thanh âm nên mới liên kết với Duy
Khánh, Bảo Thu để rèn luyện ca sĩ.
6* Những ca sĩ thành danh từ các phòng trà, vũ trường
6.1. Nở rộ phòng trà ca nhạc và vũ trường
Năm 1963 phòng trà ca nhạc nở rộ ở Sài Gòn. Chỉ riêng
quận 1 đã có mấy chục phòng trà và vũ trường: Maxim’s, Tự Do, Queen
Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jo Marcel, Thanh Thế, Kim
Sơn, Olympia, Văn Cảnh, Tháp ngà, Ritz,
Baccara, Macabane, Anh Vũ, Mỹ Phụng, Bồng Lai, Melody, Đệ Nhất Khách
Sạn…Khách đến đó vừa nghe nhạc vừa khiêu vũ.
6.2. Những ca sĩ nổi bật của phòng trà và vũ trường
Đó là thời điểm của Lệ Thu, Elvis Phương, Nhật
Trường, Thanh Lan, Carol Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim,
Cathy Huệ, Julie Quang…
Phòng trà Anh Vũ ra đời khoảng năm 1957 ở đường Bùi
Viện. Lớp ca sĩ đầu tiên được biết đến như danh ca Duy Khánh, Việt Ấn,
Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Ca sĩ Việt Ấn để lại
trong lòng khán giả với bản Hận Đồ Bàn làm say mê người nghe.
Cũng tại Anh Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lần đầu tiên
đệm dương cầm cho Thanh Thúy hát bài Ướt Mi của Trịnh Công Sơn. Dấu ấn
sâu đậm còn in lại trong lòng công chúng là hàng đêm Thái Thanh và ban
hợp ca Thăng Long (Hoài Trung, Hoài Bắc) được đánh giá là “Tiếng hát
vượt thời gian”.
Ban Hợp Ca Thăng Long và Thái Thanh
Thời đó, ca sĩ Sài Gòn được chia làm hai nhóm: một
nhóm chuyên hát phòng trà và vũ trường, nhóm kia thường xuất hiện trong
các đại nhạc hội hoặc trong những chương trình lưu diễn các tỉnh như:
Túy Phượng, Hùng Cường&Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao
Linh, Phương Hồng Quế…
Trong tất cả các ca sĩ, Thái Thanh luôn được gọi là con chim đầu đàn, “Tiếng Hát Vượt Thời Gian”.
7* Những lớp nhạc đào tạo ca sĩ
7.1. Lớp nhạc Nguyễn Văn Đông
Hai đệ tử Giao Linh,Thanh Tuyền chụp chung với sư phụ Nguyễn Văn Đông
Năm 1963, Nguyễn Văn Đông là Trưởng Ban Tiếng Thời
Gian của đài phát thanh Sài Gòn. Ban nhạc gồm có: Lệ Thanh, Khánh Ngọc,
Trần Văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc…
Thành lập hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Năm 1960,
Nguyễn Văn Đông và người bạn tên Huỳnh Văn Tứ, một doanh nhân có tiếng ở
Sài Gòn, thành lập hãng dĩa chú trọng về tân nhạc và sân khấu cải
lương.
Sản xuất những album riêng cho từng cá nhân. Lệ Thu
Sơn Ca 9. Thái Thanh và Ban Thăng Long với tên Sơn Ca 10. Tiếp theo là
những dĩa Hà Thanh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh…
Nguyễn Văn Đông thu nhận Giao Linh, Thanh Tuyền và
Sơn Tuyền (Em Thanh Tuyền) làm học trò. Giao Linh nổi tiếng là “Nữ Hoàng
Sầu Mộng”. Thanh Tuyền là “Nữ Hoàng Bolero”.
Giao Linh Thanh Tuyền Hà Thanh Phương Dung
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác những ca khúc nổi
tiếng như: Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Tình Khúc Hàng Hàng Lớp
Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh
Trước Tôi Sau, Lời Giả Biệt…
Nguyễn Văn Đông mang cấp bậc đại tá phục vụ tại Bộ
Tổng Tham Mưu QLVNCH. Bị tù cải tạo 10 năm. Đủ điều kiện để được thu
nhận vào chương trình HO nhưng vì sức khỏe quá yếu do nhiều chứng bịnh,
nên ở lại Sài Gòn chờ…thế nhưng vẫn còn sống đến hiện nay.
7.2. Những lớp nhạc Hoàng Thi Thơ, Bảo Thu và Duy Khánh
1. Lớp nhạc Hoàng Thi Thơ.
Ca sĩ Họa Mi
Hoàng Thi Thơ đào tạo ba ca sĩ nổi tiếng là Sơn Ca, Họa Mi và Bùi Thiện.
Sáng tác trên 500 bản nhạc về quê hương, dân ca nổi
tiếng nhất là những bản: Chuyện Tình La Lan, Nổi Buồn Châu Pha, Chuyện
Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Rước Tình Về Quê Hương, Tà Áo Cưới, Đường
Xưa Lối Cũ, Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh, Đám Cưới Trên
Đường Quê, Duyên Quê, Ta Với Mình…
Năm 1957, Hoàng Thi Thơ tổ chức nhiều đại nhạc hội ở
rạp Thống Nhất. Năm 1961, thành lập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam với hơn 100
nghệ sĩ có tên tuổi đi lưu diễn qua nhiều quốc gia Châu Á và nhiều thành
phố lớn như: Vạn Tượng, Hồng Kong, Đài Bắc, Tokyo, Bangkok, Singapore,
Sénégal, Paris, London, và nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Năm 1967, thành lập Đoàn Văn Nghệ Maxim gồm 70 diễn viên ca-vũ-nhạc-kịch tại nhà hàng Maxim’s.
2. Lớp nhạc Duy Khánh.
Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp sinh năm 1936
tại Quảng Trị. Là ca sĩ có giọng ca đặc biệt. Khi ở chung cư đường Trần
Hưng Đạo, Duy Khánh mở lớp dạy thanh nhạc cho học trò 12, 13 tuổi.
Duy Khánh hướng dẫn Chế Linh, Lâm Gia Minh, Trường Vũ trở thành những ca sĩ chuyên nghiệp.
Bản nhạc tiêu biểu của Duy Khánh là những bài: Xuân
Nầy Con Không Về, Ai Ra Xứ Huế, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, và 40 bài
hát: Thương Về Miền Trung, Bao Giờ Em Quên, Biết Trả Lời Sao, Đêm Bơ Vơ,
Lối Về Đất Mẹ, Sao Không Thấy Anh Về, Sầu Cố Đô, Thư Về Em Gái Thành
Đô…
Duy Khánh mất ngày 12-2-2003 tại Quận Cam, Cali.
3. Lớp nhạc Bảo Thu
Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, sinh ngày
19-12-1944 tại Sài Gòn. Hai học trò nổi bật nhất là Thanh Tâm (vợ ông)
và Thanh Mai. Ông sáng tác trên 50 bản nhạc như: Giọng Ca Dĩ Vãng, Cho
Tôi Được Một Lần, Đừng Hỏi Vì Sao Tôi Buồn, Nếu Xuân Nầy Vắng Anh, Hoa
Tình Thương, Em Đâu Rồi…
Bảo Thu còn là ảo thuật gia danh hiệu Nguyễn Khuyến,
có bằng Tiến Sĩ Ảo Thuật do Hiệp Hội Ảo Thuật Quốc Tế trao tặng. Màn đặc
biệt là hóa con thỏ thành chim bồ câu…
8* Những biệt danh của các ca sĩ
“Nữ Hoàng Sầu Mộng” với Giao Linh. “Nữ Hoàng Bolero”
Thanh Tuyền. “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát
Lúc Không Giờ” của Thanh Thúy.
“Giọng Ca Tủ Lạnh” của Mai Lệ Huyền. Còn có biệt danh
là “Cúc Lủi” vì khi hát cứ lủi ra phía trước. Tên thật của Mai Lệ Huyền
là Nguyễn Thu Cúc, sinh năm 1946 tại Lào. Cô mang hai dòng máu Việt
Lào. Lớn lên ở Bình Long.
Với giọng khàn khàn nhún nhẩy trong các bản nhạc
Twist, Agogo gây không khí náo nhiệt mỗi khi cặp Hùng Cường&Mai Lệ
Huyền đứng trên sân khấu.
Nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật
Ngân) sáng tác một loạt các bản nhạc kích động cho cặp đôi nầy. Các bản
như: Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt
Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính.
Các nhạc sĩ khác gồm Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên,
cũng viết riêng cho Mai Lệ Huyền&Hùng Cường những
ca khúc: Say, Lính Dù, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên
Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em
9* Ca sĩ Thanh Thúy
9.1. Vài nét tổng quát về ca sĩ Thanh Thúy
Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sanh ngày
2-12-1943 tại Huế, trong một gia đình 5 chị em. Năm 1964 Thanh Thúy kết
hôn với tài tử Ôn Văn Tài, (Sau mang lon Đại tá Không Quân VNCH).
Thanh Thúy là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn
trong nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Được mệnh danh là Nữ Hoàng
trong thể điệu Bolero và Rumba-Bolero.
9.2. Sinh hoạt ca hát của Thanh Thúy
Tên tuổi của Thanh Thúy gắn liền với những ca khúc
mà nhạc sĩ Trúc Phương viết riêng cho chị hát. Đồng thời cũng gắn liền
với những nhạc khúc tiền chiến, nổi bật nhất là bản nhạc bất hủ Giọt Mưa
Thu của Đặng Thế Phong.
Thanh Thúy được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và diễn
viên điện ảnh nổi tiếng hết lòng ca ngợi bằng những mỹ từ như “Tiếng
Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”.
Năm 1961. Đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim
“Thúy Đã Đi Rồi” nói về Thanh Thúy. Ngoài cuốn phim nầy, tên tuổi Thanh
Thúy còn xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình.
Năm 1962. Thanh Thúy được bầu chọn danh hiệu “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”.
Năm 1964. Bản nhạc Chuyến Tàu Hoàng Hôn đã khắc sâu tên tuổi và tài nghệ của chị trong lòng khách mộ điệu.
Năm 1970. Đoạt giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen
dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất với nhạc phẩm Tình Đời (Duyên Kiếp Cầm
Ca) của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương.
Năm 1972. Đoạt hai giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ
được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất của
năm 1972 do chị làm trưởng ban.
9.3. Thanh Thúy và những ca khúc u hoài của cuộc đời
Nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã
về tâm trạng thương cảm, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình, được
dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người
thưởng ngoạn.
Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền
Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác
của Tu Mi, Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Nhắn Gió
Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, Tiếng
Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy…cho đến Ngăn Cách, Người Em Sầu
Mộng của Y Vân, Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh
Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương, đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt
Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai cửa Hoàng Nguyên… và nhiều
ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền
giọng ca và dòng nhạc trong giới yêu nhạc.
9.4. Tiếng hát Thanh Thúy qua ngòi bút của các văn, thi sĩ.
Nhà thơ Nguyên Sa
viết: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong
thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn
Tuấn Huy cũng có những bài ca ngợi Thanh Thúy bởi vì Thanh Thúy chính là
người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà
thơ. Tiếng hát Thanh Thúy đã từng được nhà văn Mai Thảo mệnh danh là "Tiếng hát lúc 0 giờ", giáo sư Nguyễn Văn Trung thì gọi chị là "Tiếng hát liêu trai", nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là "Tiếng sầu ru khuya".
Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ sáng tác ca khúc, bài thơ để dành riêng cho Thanh Thúy hát. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay “Ướt mi” và "Thương một người", Tôn Thất Lập sáng tác "Tiếng hát về khuya", Anh Bằng viết ca khúc "Tiếng ca u hoài" để chị hát. Y Vân với "Thúy đã đi rồi" trong phim cùng tên. Và rất nhiều sáng tác của Trúc Phương đều lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.
Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết tám câu thơ lục bát nổi tiếng bày tỏ lòng giao cảm với tiếng hát Thanh Thúy, tựa đề "Sầu ca sĩ".
Nhà thơ, danh họa Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ dành tặng bốn câu thơ:
Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.
Nguyên Sa viết:
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành hư vô”
9.5. Những ca khúc dành riêng cho Thanh Thúy hát:
-
Trúc Phương: "Hình bóng cũ", "Lời ca ca nữ", "Mắt em buồn", "Tình yêu trong mắt một người", "Mắt chân dung để lại"
-
Trịnh Công Sơn: "Ướt mi", "Thương một người"
-
Châu Kỳ: "Được tin em lấy chồng"
-
Hoàng Thi Thơ: "Lời hát tạ ơn", "Tôi yêu Thúy"
-
Y Vân: "Thúy đã đi rồi" (thơ Nguyễn Long),
-
Nhật Ngân: "Lời tự tình"
-
Anh Bằng & Lê Dinh: "Phận tơ tằm" (ký Hồ Tịnh Tâm), "Tiếng ca u hoài", "Chuyện buồn của Thúy". Minh Kỳ & Vũ Chương: "Tình đời".Tôn Thất Lập: "Tiếng hát về khuya”
9.6. Mối tình đơn phương mang xuống tuyền đài chưa tan
Trúc Phương.
Chàng nhạc sĩ ở tuổi ba mươi, dang dở mối tình đầu
với cô học trò con nhà giàu có, Trúc Phương đã rời Trà Vinh lên thủ đô
Sài Gòn. Một lần nữa, hình ảnh của ca sĩ Thanh Thúy đã dẫm lên con tim
đau khổ của chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Thanh Thúy nổi danh, được yêu
thích qua những ca khúc của Trúc Phương.
Tâm trạng, nổi lòng của người mang tình yêu đơn
phương vẫn còn vang vọng qua những bản nhạc: Chuyện Chúng Mình, Hai Lối
Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối Tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ
Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ.
Với Trúc Phương, duyên nợ bẽ bàng nhưng mối giao cảm vẫn còn cao đẹp. Hình ảnh Thanh Thúy vẫn trọn vẹn trong tim Trúc Phương.
Tiếng hát Thanh Thúy chơi vơi trên đỉnh non cao, trái
tim rướm máu của Trúc Phương đi dần xuống vực thẳm. Trúc Phương từ trần
ngày 18-9-1995.
Được tin Trúc Phương vĩnh biệt trần gian, Thanh Thúy viết :
– “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm
nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột.
Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao nầy. Anh và tôi không
hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự
qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi
anh và tôi gắn liền nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy…
“Đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai
hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng
đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say
sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong
sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương…
“Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi
đôi ngã : Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong…” (TGNS, tháng
2-1996).
Nhận xét về Thanh Thúy, nhà văn Hồ Trường An viết:
“Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận
nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi
tiếng thuở xa xưa thì Thanh Thúy, Lệ Thanh và Hoàng Oanh là nhu mì,
khiêm tốn, ngoan hiền. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà Thanh Thúy không hề
nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi
bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với
báo chí”.
Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách.
10* Kết luận
Âm nhạc Miền Nam đã có một thời phồn thịnh. Phát
triển nhanh. Sở thích của quần chúng khiến cho âm nhạc trở nên đa dạng,
mang nhiều màu sắc riêng biệt cho tầng lớp khán thính giả khác nhau. “Lò
nhạc” “sản xuất” ca sĩ nổi tiếng nhất là lò Nguyễn Đức với các ca sĩ
tên Phương đã thành danh. Các trung tâm sản xuất băng, dĩa nhạc cũng đã
góp phần phổ biến âm nhạc đến quảng đại quần chúng.
Tháng tư 1975. Đứt phim. Điện ảnh chết. Âm nhạc chết. Và người dân Miền Nam cũng chết…đói. Ăn bo bo dài dài.
Trúc Giang
Minnesota ngày 6-2-2017
NGUỒN: VIỆT BÁO https://vietbao.com/a263751/nhung-lo-dao-tao-ca-si-cua-mot-thoi-sai-gon-dang-nho-dang-yeu
No comments:
Post a Comment