Ði Tìm Con Cháu Thuyền
Nhân 849 Năm Trước:
Nguyên tổ hai giòng họ Lý tại Ðại Hàn
Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại
Sỹ
Dòng thứ nhất: Hậu
duệ Kiến Hải vương, hay họ Lý Tinh-thiện
Thế
nhưng, tại Nam-hàn tôi gặp ông Lý Gia Trung. Ông cho biết, tổ tiên
ông là người Việt, nhưng không thuộc giòng dõi Kiến Bình vương.
Tổ tiên ông là Kiến Hải vương Lý Dương Côn, đã đến Cao-ly hồi đầu
thế kỷ thứ mười một.
Quý độc giả có biết tâm trạng tôi bấy giờ ra sao
không? Kinh ngạc, bàng hoàng, đờ đẫn cả người ra, trong khi chân
tay run run. Vì trong khi nghiên cứu về triều Lý, tôi biết một huyền
sử vắn tắt như sau:
« Vua Lý Nhân-tông không có hoàng nam, người nhận
con của các thân vương trong hoàng tộc làm con nuôi. Năm Đinh Dậu
(1117 nhận con của hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành
Chiêu, Thành Hưng làm con nuôi. Sau truyền ngôi cho con của Sùng
Hiền hầu là Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần-tông. Khi Lý Thần-tông
băng, Thái-tử Thiên-tộ còn bế ngửa, triều thần muốn tôn con của
Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn lên nối ngôi. Cuộc tranh quyền trong
giòng họ Lý diễn ra, sau vợ của vua Lý Thần-tông nhờ có tình nhân
là Đỗ Anh Vũ giúp đỡ, mà loại hết các địch thủ. Năm Canh Ngọ (1150)
nhân vụ chính biến, Cảm Thánh thái hậu mưu với tình nhân Đỗ Anh
Vũ giết hết tông tộc của các hầu Thành Khánh, Thành Chiêu, Thành
Hưng. Bấy giờ con Thành Quảng hầu là Kiến Hải vương Lý Dương Côn
đang là đô đốc Thủy-quân, bèn đem gia thuộc xuống chiến thuyền lưu
vong. Song không biết đi đâu (1150) ».
Bây giờ, sau 831 năm, tôi gặp lại hậu duệ của Kiến
Hải vương. Tâm tư rúng động ! Hỡi ơi ! Tại Hàn-quốc có tới hai giòng
họ Lý, gốc là thuyền nhân Đại-Việt.
Tôi ghi chú tất cả những gì mà giòng họ Lý của Kiến
Hải vương cung cấp để khi viết về thời đại Tiêu-sơn còn có thêm
tài liệu.
Cuối
năm 1996, một nhà nghiên cứu tộc phả nổi tiếng của Nam-hàn là giáo
sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon Hong Ke) công bố kết quả cuộc nghiên cứu
của ông rằng ông đã phát hiện một giòng họ Lý thứ nhì, tại Đại-hàn,
được gọi là Lý Tinh-thiện. Giòng họ này, chính là giòng họ Lý, con
cháu Kiến Hải vương mà tôi đã có cơ duyên gặp hậu duệ là ông Lý
Gia Trung.
Giáo sư Phiến Hoằng Cơ cho biết, căn cứ vào gia phả
của giòng họ này mang tên Tinh-thiện Lý thị tộc phả, được lưu trữ
tại thư viện Quốc-gia Hán-thành, thì ông tổ của giòng họ Lý Tinh-thiện
là Lý Dương Côn (Lee Yang Kon) tới Đại-hàn vào đầu thế kỷ thứ 12:
"Lý Dương Côn hiệu là Nguyên Minh, hoàng
tử thứ ba con vua Càn Đức, được Tống triều phong tước Nam-bình vương".
Tra trong sử Việt, thì vua Càn Đức chính là tên của
vua Lý Nhân-tông. Vua Lý Nhân-tông là con của vua Lý Thánh-tông
với Ỷ-Lan phu nhân, sau được tôn là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Người
chỉ đạo cuộc đánh Tống, kháng Tống lừng danh lịch sự Việt-Nam. Theo
ĐVSKTT, Lý kỷ, Nhân-tông kỷ thì:
"Niên hiệu Hội-tường Đại-khánh
thứ 8 (DL.1117, Đinh Dậu)...Tìm con trai trong tôn thất để
nuôi trong cung. Xuống chiếu rằng: Trẫm cai trị muôn dân mà lâu
không có hoàng nam, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Nên
trẫm nuôi con của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành
Chiêu, Thành Hưng, chọn người giỏi lập làm thái tử. Bấy giờ con
Sùng Hiền hầu là Dương Hoán, lanh lợi, vua rất yêu, bèn lập làm
Thái-tử".
Vậy thì Lý Dương Côn là con nuôi của vua Lý Nhân-tông,
chứ không phải con đẻ. Con nuôi thứ ba, thì là con của Thành Quảng
hầu. Lý Dương Côn, được phong tước Kiến Hải vương.
Giáo-sư Phiến Hoằng Cơ dựa theo Tinh-thiện Lý thị
tộc phả và bộ Cao-ly sử, ông công bố:
« Hậu đuệ đời thứ sáu của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa
Mẫn (Lee Unimin) trở thành nhân vật kiệt hiệt trong lịch sử. Bấy
giờ Cao-ly đang ở dưới triều đại vua Nghị-tông (Ui-jiong 1146-1170).
Nhà vua rất sủng ái Lý Nghĩa Mẫn, phong cho chức Biệt-trưởng. Nước
Cao-ly trong thời gian này, phải chống trả với cuộc xâm lăng của
Khiết-đan tức Đại-liêu, nên các võ tướng nắm hầu hết quyền hành.
Năm 1170 tướng Trịnh Trọng Phu (Jeong Jung-bu) chưởng môn một võ
phái, đảo chính vua Nghị-tông lập vua Minh-tông (Mycong 1170-1179).
Trọng Phu bị các võ phái, võ tướng nổi lên chống đối. Lý Nghĩa Mẫn
là người phụ tá đắc lực cho Trịnh Trọng Phu, đem quân dẹp các cuộc
nổi dậy. Ông được thăng chức Trung-lang tướng, rồi dần dần thăng
Tướng-quân, Đại-tướng quân (1173), Thượng-tướng quân (1174), cuối
cùng là Tây Bắc bộ binh mã sứ (1178) (Tức Tư-lệnh quân lực miền
Bắc Cao-ly). Năm 1179, một võ quan khác là Khánh Đại Thăng (Kyung
Dae-Seung) làm cuộc chính biến, giết chết Trịnh Trọng Phu, lên nắm
quyền. Bấy giờ Lý Nghĩa Mẫn giữ chức Hình-bộ thượng thư (1181) (Bộ
trưởng Tư-pháp). Vì ông thuộc phe Trịnh Trọng Phu, nên bị nghi ngờ,
chèn ép. Ông cáo quan về hưu.
Sau khi Khánh Đại Thăng chết, vua Minh-tông mời
Lý Nghĩa Mẫn vào bệ kiến, được trao chức Tư-không, Tả-bộc xạ, Đồng-trung
thư môn hạ bình chương sự tức Tể-tướng trong 14 năm (1183-1196).
Năm 1196, một phe võ tướng do Thôi Chung Hiếu (Cho
Chung Heon) cầm đầu làm cuộc đảo chính, giết Lý Nghĩa Mẫn. Ba con
ông là Lý Chính Thuần, Lý Chí Vinh, Lý Chí Quang đều là tướng cầm
quân, cũng bị giết chết. Quân phiến loạn chỉ tha cho người con gái
ông là Lý Hiền Bật. Giòng họ Lý Tinh-thiện tưởng đâu tuyệt tự. Nhưng
may mắn thay, giòng họ này còn kế tục là nhờ người anh Lý Nghĩa
Mẫn và các con không bị hại.
Phối hợp chính sử với gia phả, giáo sư Phiến Hoằng
Cơ kết luận rằng: Giòng họ Lý tại Tinh-thiện thuộc đạo Giang-nguyên,
phía Đông Nam Đại-hàn ngày nay là con của hoàng tử Lý Dương Côn
thuộc triều Lý, Việt-Nam (1010-1225). Lý Dương Côn bỏ quê hương
ra đi vì sự đe dọa của nước Kim đối với Tống, năm 1115. Tới năm
1127 thì Bắc Tống bị diệt ».
Qua cuộc nghiên cứu của Phiến Hoằng Cơ, tôi thấy
có đôi chút nghi vấn:
Một là, vua Lý Nhân-tông nhận con nuôi năm 1117.
Vua Thần-tông sinh năm 1116, vậy thì Lý Dương Côn chỉ có thể sinh
năm 1116 hay 1117 mà thôi. Năm Lý Dương Côn rời Đại-Việt ra đi là
năm 1150. Bấy giờ ông mới 32-33 tuổi. Thế nhưng gia phả Lý Tinh-thiện
nói rằng năm 1170 Lý Nghĩa Mẫn, hậu duệ đời thứ sáu của Lý Dương
Côn, được vua Nghị-tông phong cho chức Biệt-trưởng. Đây là điều
vô lý. Bởi năm đó chính Lý Dương Côn có còn tại thế thì ông mới
có 54 tuổi, làm sao ông đã có cháu 6 đời? Tôi thì tôi cho rằng Lý
Nghĩa Mẫn là con Lý Dương Côn. Còn hậu duệ đời thứ sáu là kể từ
vua Lý Thái-tổ:
1. Lý Thái-tổ.
2. Lý Thái-tông. 3. Lý Thánh-tông. 4. Lý Nhân-tông. 5. Kiến Hải vương Lý Dương Côn. 6. Lý Nghĩa Mẫn.
Hai
là, trong gia phả Lý Tinh-thiện nói rằng, Lý Dương Côn rời quê hương
ra đi vì quốc nạn. Giáo-sư Phiến Hoằng Cơ cho rằng vì sự đe dọa
của Kim. Có lẽ khi giải đoán việc ra đi của Lý Dương Côn, ông đã
bị ảnh hưởng bởi sử Cao-ly. Vì hồi ấy, nước Kim đang từ một bộ lạc
Nữ-chân, nổi lên diệt nước Liêu, rồi đem quân đánh Tống. Sau đó,
họ bắt vua Tống mang về Bắc. Nhưng con cháu nhà Tống lại tái lập
triều Nam-Tống. Khoảng cách Kim với Đại-Việt còn một nước Tống quá
rộng, quá xa. Dù Kim hùng mạnh cũng không ảnh hưởng gì tơí Đại-Việt
khiến Lý Dương Côn phải bỏ nước trốn đi. Nhất là giai đoạn 1161
đến 1174, bấy giờ binh lực Đại-Việt đang mạnh, muốn hướng lên Bắc
tái chiếm lại Quảng Đông, Quảng Tây! (xin đọc Anh-hùng Đông-A dựng
cờ Bình-Mông của Trần Đại Sỹ, hồi 4 và hồi 16-17-18).
Lần lại trang sử Đại-Việt thời đó: Vua Thần-tông
được vua Nhân-tông đem vào cung nuôi cùng 4 người anh em họ. Nhưng
ngài được lập làm Thái-tử, rồi lên ngôi vua. Theo Hội-điển sự lệ
triều Lý thì những chức như:
- Thái-úy, tương đương với ngày nay là Tổng Tư-lệnh
quân đội.
- Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, tương đương với ngày
nay là Tư-lệnh lục quân.
- Đại Đô-đốc Thủy quân, tương đương với ngày nay
là Tư-lệnh thủy quân.
Các chức này luôn trao cho các hoàng đệ. Vì vậy trong
5 con nuôi của vua Lý Nhân-tông, thì Thái-tử Dương Hoán đươc truyền
ngôi, còn 4 con nuôi khác, là con của các hầu Thành Khánh, Thành
Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng ắt được phong vào các chức trên.
Con của Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn được phong tước Kiến Hải
vương, lĩnh chức Đại Đô-đốc Thủy-quân. Khi vua Thần-tông băng (1138),
Thái-tử Thiên-tộ mới có 2 tuổi, triều thần muốn tôn hoàng đệ Lý
Dương Côn lên ngôi vua, vì ông là người thông minh, tài trí, đang
là Đại Đô-đốc, ở tuổi 22. Nhưng rồi mẹ của Thái-tử Thiên-tộ là Cảm
Thánh hoàng hậu đã dùng vàng bạc đút lót cho các quan, bà lại được
tình nhân Đỗ Anh Vũ là em của Chiêu Hiếu thái hậu, (mẹ vua Thần-tông)
hết sức ủng hộ. Thiên-tộ lên ngôi vua, sau là vua Anh-tông.
Dĩ nhiên vua Anh-tông lên ngôi, khi còn bế ngửa,
thì mẹ là Cảm Thánh thái hậu thính chính, nói khác đi là làm vua.
Bà phải diệt hết những mầm mống có thể nguy hiểm cho con bà. Bà
cùng Đỗ Anh Vũ vu cáo, giết hết các em nuôi của vua Thần-tông là
con của các hầu em vua Nhân-tông. Toàn gia các hầu, từ thê thiếp,
con, cháu, thân binh, nô bộc đều bị giết sạch. Riêng Lý Dương Côn
đóng quân ở Đồn-sơn, được mật báo. Ông đem hết gia thuộc, xuống
chiến thuyền, bỏ quê hương ra đi, rồi táp vào Cao-ly.
Tôi kết luận:
Dù Lý Nghĩa Mẫn là cháu 6 đời của Kiến Hải vương
Lý Dương Côn hay là cháu 6 đời vua Lý Thái-tổ, thì ta vẫn kết luận
rằng: Năm 1150, Kiến Hải vương Lý Dương Côn, lĩnh chức Đại Đô-đốc
đã cùng tông tộc dùng thuyền tỵ nạn tại Cao-ly. Đời sau có nhân
vật kiệt hiệt là Lý Nghĩa Mẫn, đóng một vai trò trọng yếu trong
lịch sử Cao-ly. Giòng họ Lý này, nay vẫn còn truyền tử lưu tôn tại
Đại-hàn.
Dòng thứ nhì: Hậu duệ
của Kiến-bình vương Lý Long Tường, còn gọi là Lý Hoa-sơn.
Giòng
họ Lý thứ nhì tới Đại-hàn sau giòng họ Lý Tinh-thiện 76 năm, là
hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường, con thứ 7 của vua Lý
Anh-tông. Mà tôi đã trình bầy ở trên.
Theo Trần-tộc vạn thế ngọc phả, của chi bốn, thuộc
giòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích Tắc, để tại nhà từ ở thị xã
Lãnh-thủy, huyện Chiêu-dương, tỉnh Hồ Nam, Trung-quốc; phần chép
về Ninh-tổ hoàng đế Trần Lý. Có đoạn nói về các con vua Lý Anh-tông,
nguyên văn như sau:
Vua có bẩy hoàng tử,
* Hoàng trưởng tử Long Xưởng do Chiêu Linh hoàng
hậu sinh vào niên hiệu Đại Định thứ 12 (DL.1151, Tân-Mùi). Được
phong tước Hiển Trung vương, lập làm Thái-tử. Niên hiệu Thiên-cảm
Chí-bảo nguyên nhiên (DL.1174, Giáp-Ngọ) bị giáng xuống làm con
út, tước Bảo Quốc vương. Niên hiệu Trinh Phù thứ sáu (DL.1181, Tân-Sửu)
làm phản, bị hạ ngục, rồi bị Đỗ An Di giết cả nhà, thọ 31 tuổi.
* Hoàng-tử thứ nhì Long Minh do Thần-phi Bùi Chiêu Dương sinh vào niên hiệu Đại Định thứ 11 (DL. 1152, Nhâm-Thân). Tước phongKiểm-hiệu Thái-sư, Thượng-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Trung-vũ quân tiết độ sứ, lĩnh Đại đô-đốc, Kiến Ninh vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (DL.1175.). Thọ 24 tuổi. * Hoàng-tử thứ ba Long Đức, cũng do Bùi Thần-phi sinh niên hiệu Đại Định thứ 12 (DL.1153, Quý-Dậu) ra. Chức tước phong như sau: Dao-thụ Thái-bảo, Khu-mật viện sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Phụ-quốc thượng tướng quân, Long-thành tiết độ sứ, Kiến An vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (1175), thọ 23 tuổi. * Hoàng-tử thứ tư Long Hòa do Quý-phi Hoàng Ngân Hoa sinh niên hiệu Đại Định thứ 11 (DL.1152, Nhâm-Thân). Chức tước phong như sau : Đặc tiến Thiếu-sư, Khu-mật viện sứ, Thượng-thư tả thừa, Trấn Nam tiết độ sứ, Thượng-thư lệnh, Tả kim ngô thượng tướng, Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, Kiến Tĩnh vương. Bị giết niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo thứ nhì (1175) thọ 24 tuổi. * Hoàng-tử thứ năm Long Ích, do Đức-phi Đỗ Kim Hằng sinh niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 5 (DL.1167, Đinh-Hợi). Chức tước phong như sau : Dao-thụ Thái-phó, trấn Nam tiết độ sứ, Thượng-thư tả thừa, Kiến Khang vương. Hoăng niên hiệu Kiến-gia thứ 2 (DL.1212 Nhâm-Thân), thọ 46 tuổi. * Hoàng-tử thứ sáu Long Trát, do Thục-phi Đỗ Thụy Châu sinh niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 11 (DL.1172, Nhâm-Thìn), tháng 5, ngày 25, niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên được lập làm Thái-tử. Năm thứ nhì được truyền ngôi tức vua Lý Cao-tông. Băng niên hiệu Trị-bình Long-ứng thứ 6 (DL.1210, Canh-Ngọ), ngày 28 tháng 10, thọ 38 tuổi. * Hoàng-tử thứ bảy Long Tường do Hiền-phi Lê Mỹ Nga, sinh vào niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 12 (DL.1174, Giáp-Ngọ). Đức Thái-tông nhà ta (tức Trần Cảnh) phong chức tước phong như sau: Thái-sư Thương-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng-thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc, tước Kiến Bình vương. Niên hiệu Kiến-trung thứ nhì đời đức Thái-tông nhà ta (tức Trần Cảnh), tháng tám, ngày rằm, vương cùng gia thuộc hơn 6 ngàn người bôn xuất.
So sánh giữa Tộc phả Hoa-sơn và Trần tộc vạn thế
ngọc phả, có một chi tiết khác nhau. Tộc phả Kiến Bình thì chép
Kiến Bình vương là con thứ sáu vua Anh-tông. Trong khi Trần tộc
vạn thế ngọc phả lại chép vương là con thứ bẩy. Vì sao? Phả Trần
tộc chép theo huyết tộc, ai sinh trước là anh, ai sinh sau là em.
Vì vậy Kiến Bình vương là con thứ 7. Phả Kiến Bình thì chép thứ
tự theo chỉ dụ của vua Lý Anh tông, Long Xưởng bị giáng xuống làm
con út, thì Long Tường trở thành con thứ sáu.
Hồi đó Lý Long Tường dẫn tông tộc rời Đại-Việt ra
đi. Trần triều không biết đi đâu. Nay chúng ta mới được biết vương
với hạm đội bị bão phải ẩn ở một đảo lớn (Đài-loan?) Nghỉ ít lâu,
hạm đội của vương lại tiếp tục lên đường rồi dạt vào Cao-ly. Duy
một người con của vương tên Lý Long Hiền cùng gia thuộc hơn hai
trăm người ở lại đảo. Vương là khai tổ của giòng họ Lý tại Đại-hàn,
thế tử Long Hiền là khai tổ của giòng họ Lý tại Đài-loan hiện nay?
Sự kiện này tôi sẽ đi Đài-loan tìm hiểu sau.
Tôi đã bỏ công sang Bắc cũng như Nam-hàn, tìm các
chi, hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường, khảo gia phả của
họ. Phần chi tiết tuy có sự khác biệt, nhưng đại lược vẫn giống
nhau. Tổng-thống Lý Thừa Vãn của Đại-hàn là hậu duệ đời thứ 25 của
Kiến Bình vương Long Tường. Còn tổng thống Lý Đăng Huy của Đài-loan
có phải là hậu duệ của thế tử Lý Long Hiền hay không, thì tôi không
dám quyết, bởi Lý là giòng họ chiếm đa số ở Trung-quốc. Trong một
bài khác, tôi sẽ trình bầy về Thủ-tướng Lý Quang Diệu của Singapore
là Việt kiều, khai tổ một chi họ Lý đời thứ nhất hay Lý khác? (Thưa
quý độc giả, chỉ cần thử nghiệm di truyền ADN là ra ngay).
Cả ba bộ sử ĐVSKTT, VSL, KĐVSTGCM cùng chép rất mơ
hồ về việc vua Anh-tông phế Long Xưởng lập Long Trát. Nhà vua có
tới bẩy hoàng tử. Nếu sự thực Long Xưởng phạm tội, phế xuống, sao
không lập các con đã trưởng thành, tài trí xuất chúng, đang cầm
đại quyền như Kiến Ninh, Kiến An, Kiến Tĩnh vương? Hoặc cùng quá,
thì lập Kiến Khang vương Long Ích, năm ấy đã chín tuổi ? Mà phải
lập Long Trát mới có 26 tháng làm Thái-tử, rồi phải cử Tô Hiến Thành
làm phụ chính ? Cái khúc mắc này tôi đã giải thích rất chi tiết,
rất rõ ở hồi 21-23 bộ Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông. Trong bài
ngắn này không thể giải thích hết.
Dưới đây là phần tôi thuật theo Tộc-phả Lý Hoa-sơn:
Niên hiệu Kiến-trung thứ nhì đời vua Thái-tông nhà
Trần (DL.1226, Bính Tuất), lo sợ bị Thái-sư Trần Thủ Độ hãm hại,
vì vị thế trọng yếu của mình:
* Là con vua Anh-tông, em vua Cao-tông, chú vua
Huệ-tông.
* Thân vương duy nhất nắm quyền hành. * Chức tước cực phẩm Thái-sư Thương-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng-thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc.
Vương âm thầm cùng Bình Hải công Lý Quang Bật từ
căn cứ Đồn-sơn về Kinh Bắc, lạy ở lăng miếu Đình-bảng. Lại đến Thái-miếu
mang bài vị, các tế khí ra trấn Đồn-sơn, rồi đem hết tông tộc hơn
6 nghìn người, xuống hạm đội ra đi.
Việc Kiến Bình vương ra đi, có lẽ bắt nguồn từ việc
ra đi của Kiến Hải vương trước kia chăng?
Sau hơn tháng lênh đênh trên biển, thì gặp bão.
Hạm đội phải ngừng lại một đảo (Đài-loan?) rồi tiếp tục lên đường.
Một trong các con của vương là Thế-tử Lý Đăng Hiền cùng vợ con ở
lại đảo. Hạm đội lênh đênh trên biển một thời gian, thì táp vào
cửa Phú-lương giang, quận Khang-linh (Ong Jin-Gun) tỉnh Hoàng-hải
(Hwang-hac) thuộc Bắc Cao-ly. Nơi hạm đội táp vào, dân chúng gọi
là Nak-nac-wac có nghĩa là Bến của khách phương xa có đồ thờ cúng.
Theo gia phả của con cháu vương thì:
Đêm hôm trước, vua Cao-tông (Kojong) của Cao-ly
mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lại đậu ở bờ Tây-hải.
Tỉnh lại, vua sai người tới đó tìm kiếm, thì gặp hạm đội của Kiến-bình
vương. Kiến-bình vương được bệ kiến. Vương dùng bút đàm với vua
Cao-tông và các đại thần Cao-ly. Triều đình Cao-tông đối xử với
vương rất tốt, chu cấp lương thực. Cho làm nhà ở Ung-tân phủ Nam-trấn
sơn (Chin-sang). Thế là mấy nghìn người Việt trở thành thuyền nhân
kiều ngụ tại Cao-ly.
Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc bắt đầu cuộc
sống mới. Họ trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Vương
mở trường dạy học: Thi phú, lễ nhạc, tế tự, binh pháp, võ thuật.
Vương soạn sách Học vấn giảng hậu. Vì học trò đông, Vương cho xây
Độc-thư đường, Giảng võ đường. Đệ tử của Vương lúc nào cũng trên
nghìn người.
Tháng 7 năm Quý-sửu (1253) đời vua Cao-tông năm
thứ 40, quân Mông-cổ xâm lăng Cao-ly, vượt Hỗn-đồng giang, chiếm
Tây-hải, phá An-giang Tây-thành. Về mặt thủy, Mông-cổ chiếm các
đảo Đại-thanh, Tiểu-thanh, Sáng-lân, rồi tiến chiếm Tây-đô (Giang-hoa).
Thủ-đô Cao-ly bị đe dọa. Các tướng sĩ hầu hết bị tử trận.
Thấy tình hình Cao-ly nguy ngập, Kiến Bình vương
đến gặp Thái-úy (tướng tổng chỉ huy quân đội) là Vi Hiển Khoan,
cố vấn cho ông về binh pháp Đại-Việt. Đích thân vương cỡi bạch mã
chỉ huy cuộc giữ thành: Đắp thành cao lên, đào hào đặt chông quanh
thành. Trong thành đào giếng để có nước uống, tích trữ lương thảo.
Vương đem tất cả binh pháp Đại-Việt trong những lần đánh Tống, bình
Chiêm ra giúp Cao-ly.
Đánh nhau suốt 5 tháng, quân Nguyên bị tuyệt lương
thảo, bị chặn đường rút lui, xin hàng (6). Tết năm ấy, toàn Cao-ly
mừng chiến thắng. Triều đình khen ngợi Lý Long Tường, lấy tên ngọn
núi ở quê hương vương là Hoa-sơn; phong cho vương làm Hoa-sơn tướng
quân. Lại cho đổi tên ngọn núi nơi vương cư ngụ là Hoa-sơn. (7).
Nhà vua sai dựng bia ghi công vương trên núi Hoa-sơn, đích thân
vua viết ba chữ Thụ hàng môn (Cửa tiếp thụ giặc đầu hàng). Cho đến
nay, sau 746 năm, trải biết bao nhiêu mưa nắng, thăng trầm; tấm
bia ấy vẫn trơ gan cùng cùng tuế nguyệt, nhắc nhở du khách nhớ huân
công của một Việt-kiều trên Hàn-quốc.
Trong dịp thăm Hoa-sơn năm 1981, tôi xin người đại
diện tộc Lý cho phép được mượn thợ khắc vào một phiến đá bài thơ
cổ phong bằng chữ Trung-quốc (Hán, Nho), đặt cạnh tấm bia trên,
gọi là chút lòng của người sau, tế người trước. Xin phiên âm như
sau:
Điếu Kiến Bình vương
Phúc tại Tiêu-sơn lĩnh,
Thất đại bôn Bắc Cao, Bình Mông danh vạn đại, Tử tôn giai phong hầu. Học phong nhân bất cập. Vọng quốc hồn phiêu phiêu, Kim tải quá bát bách, Hà thời quy cố hương?
(Ngài là người họ Lý, được hưởng phúc tại ngọn núi
Tiêu-sơn. Kể từ vua Lý Thái-tổ tới ngài là đời thứ bẩy, phải bôn
tẩu đến xứ Bắc Cao-ly. Nhờ chiến công đánh Mông-cổ, mà con cháu
ngài đều được phong hầu. Ngoài ra, ngài là người đem học phong tới
Cao-ly, công đức ấy không ai sánh kịp. Thế nhưng trải trên tám trăm
năm, hồn ngài lúc nào cũng phiêu phưởng, không biết bao giờ được
về cố hương ?).
Ngày nay trên ngọn đồi Julbang thuộc xã Đỗ-môn (Tô-mơ-ki)
cách núi Hoa-sơn 10 cây số về phía Tây còn lăng mộ ngài và con,
cháu cho đến ba đời. Trên Quảng-đại sơn có Vọng-quốc đàn, nơi cuối
đời ngài thường lên đó, ngày ngày nhìn về phương Nam, ôm mặt khóc,
tưởng nhớ cố quốc. Mỏm đá mà ngài đặt chân đầu tiên lên bờ biển
Cao-ly, được gọi là Việt-thanh nham, tức đá xanh in vết tên Việt.
Trên Hoa-sơn còn rất nhiều di tích kỷ niệm huân nghiệp
của vương. Khi đến Hoa-sơn hành hương, thay vì chào nhau, du khách
được hướng dẫn viên du lịch dạy cho nói câu: Hữu khách, Hữu khách,
kỵ bạch mã. Nghĩa là Có người khách cỡi ngựa trắng, tức Lý Long
Tường.
Tương truyền một đạo binh thiện chiến do Vương huấn
luyện, trở thành đạo binh bảo quốc, đời nọ sang đời kia đều lấy
tên là Bạch-mã. Hồi chiến tranh Việt-Nam (1960-1975) sư đoàn Bạch-mã
có tham chiến, trấn đóng tại vùng Bồng-sơn, Quy-nhơn, Bình-định.
Cho đến nay, giòng họ Lý Hoa-sơn truyền trải 28 đời.
Tại Nam-hàn chỉ có khoảng hơn nghìn hộ. Tại Bắc-hàn thì đông lắm,
không thống kê được. Lý tộc tại Nam-hàn, hầu hết họ là những gia
đình có địa vị trọng yếu về giáo dục, kinh tế, kỹ nghệ. Kỳ ứng cử
vừa qua, một ứng viên Tổng thống họ Lý suýt trúng cử.
Theo tấm bia trên mang tên Thụ-hàng môn bi ký, thì
Kiến Bình vương Long Tường có nhiều con trai, tất cả đều hiển đạt.
Không thấy nói tơí Lý Long Hiền, cùng tông tộc hơn 200 người ở lại
đảo (Đài-loan? ). Lý Cán Đại lĩnh Đề-học nghệ văn quán, Kim-tử quang
lộc đại phu. Lý Huyền Lương, Tham-nghị lễ tào, Chính-nghị đại phu.
Lý Long Tiền Giám-tu quốc sử. (8)
Ngày nay, tại Bắc-hàn, cứ đến dịp tết Nguyên-đán,
hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường khắp lãnh thổ Đại-hàn
đều kéo về Hoa-sơn để dự lễ tế tổ (Luật pháp Nam-Bắc Hàn đều cấm
ngặt người Nam-Hàn du lịch Bắc-Hàn. Thế nhưng, hầu hết các hậu duệ
tại Nam-hàn đã dùng phi cơ sang Trung-quốc, rồi từ Trung-quốc vào
Bắc-hàn. Khi những hậu duệ Nam-Bắc Hàn gặp nhau, họ ôm nhau khóc
nức nở. Sự kiện này chính phủ Nam-Bắc Hàn nhắm mắt lờ đi, vì tộc
Lý dù ở Nam hay Bắc họ đều giữ những chức vụ trọng yếu). Khởi đầu
của cuộc tế, đánh chín tiếng trống, gọi là Tâm-thanh để mọi người
cùng tưởng nhớ cố quốc. Theo gia phả của chi Thuận-xuyên, sở dĩ
đánh chín tiếng, vì muốn ghi lại triều Lý trải 9 đời vua, kể cả
Lý Chiêu-hoàng. (9)
Năm 1995, con cháu của Kiến Bình vương Lý Long Tường,
quy tụ hơn trăm người trở về Đình-bảng, huyện Tiên-sơn, tỉnh Bắc-ninh
dự lễ hội làng vào ngày rằm tháng ba Âm-lịch. Tại thiên chi linh,
hẳn 9 đời vua triều Tiêu-sơn, cũng như Kiến Bình vương Lý Long Tường
đã thỏa nguyện: Những đứa cháu lưu lạc, nay trở về chầu tổ.
Lời quê gửi tới người Việt hải ngoại
Hiện nay gần ba triệu người Việt lưu lạc khắp mọi
góc biển, mọi chân trời. Có nơi sống tập trung như Hoa-kỳ, Thái-lan,
Cao-miên, Ai-lao, Canada, Úc, Pháp, Nga-sô. Có nơi sống rải rác
cô độc như Do-thái, Irak, Gabon... Nhìn vào tấm gương của hai giòng
họ Lý tại Ðại-hàn. Dù con cháu quý vị không còn nói được tiếng Việt.
Dù con cháu quý vị đã kết hôn với người địa phương. Nhưng quý vị
phải luôn nhắc nhở cho chúng biết rằng: Chúng là người Việt, lấy
chủ đạo là con Rồng cháu Tiên. Xin quý vị khẩn chép lại:
1. Nguồn gốc giòng họ mình từ làng nào, xã nào,
tỉnh nào. Hoặc liên lạc với họ hàng trong nước để xin bản sao gia
phả.
2. Tiểu sử những tiền nhân. Nếu không nhớ được hành trạng của các tổ xa đời, thì ít ra cũng chép được từ đời ông, đời cha. 3. Rời Việt-Nam ra đi vì lý do gì? Bắt đầu đến đâu? Lập nghiệp ra sao ? 4. Mỗi năm vào dịp tết, quý vị sai đọc cho tất cả con cháu đều nghe. 5. Hằng năm, nếu có thể, khuyên con cháu, nên trở về quê hương, viếng thăm đất tổ, thăm mồ mả tiền nhân. 6. Khi về già, các vị sai chép những gì quý vị chi thành ra thành nhiều bản, cho mỗi con một bản, và dặn con cháu chép tiếp...
Vài lời thô thiển. Biết rằng các vị cho là thường.
Thưa quý vị, tộc Việt ta vốn là con Rồng, cháu Tiên. Biết đâu trăm
năm sau, nghìn năm sau, con cháu quý vị có thể là Tổng-thống Hoa-kỳ,
Tổng-thống Nga-sô hay Thủ-tướng Đức, Do-thái. Và biết đâu con cháu
quý vị không thành Thủ-tướng Trung-quốc. Bây giờ những gì quý vị
coi là thường, bấy giờ sẽ trở thành quý báu vô cùng.
Mong lắm thay! Cầu xin như vậy đấy.
|
ĐI TÌM CON CHÁU THUYỀN NHÂN 849 NĂM TRƯỚC
Subscribe to:
Posts (Atom)
No comments:
Post a Comment