Băng Hồ
Để có một cái nhìn đúng đắn về Quang Trung và Gia Long, ta phải tìm hiểu vai trò của hai nhân vật nầy trong tiến trình lịch sử Việt Nam, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, qua sự lãnh đạo của họ trong cuộc chiến tranh Nguyễn – Tây Sơn (1777-1802).Ta có thể đưa ra những nhận xét về hai nhân vật đối lập ấy về các phương diện:– Tài năng, tư cách.– Việc cai trị trong vùng chiếm lĩnh: chính trị, kinh tế, xã hội…– Công cuộc thống nhất đất nước.
Quang Trung, tức Nguyễn Huệ, người em út
trong ba anh em nhà Tây Sơn (hai anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ), xuất
thân từ tầng lớp bình dân, đúng như Ngọc Hân Công Chúa (vợ vua Quang
Trung) đã cho biết:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”
(Ai Tư Vãn)
Theo tập “lịch sử việt nam” của nhà xuất
bản sự thật, hà nội – 1971, tổ tiên anh em Tây Sơn vốn quê ở Nghệ An
(Đàng Ngoài) bị cưỡng bức vào khai hoang ở Đàng Trong, rồi định cư ở Tây
Sơn (Bình Định). Ba anh em
Tây Sơn đều sinh trưởng ở đó và Nguyễn Huệ là người có tài năng hơn
hết. Trong cuộc chiến Nguyễn-Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã lập nhiều chiến
công: đánh thắng quân Xiêm ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút (miền tây Gia
Định), chiếm thành Phú Xuân (Huế), Thăng Long (Hà Nội), đại phá quân
Thanh ở Gò Đống Đa (Bắc Hà)…
“Quang Trung là người thông minh kiên
nghị, trung thành nhất mực với nhân dân và dân tộc, không bao giờ lùi
bước trước kẻ thù, trước khó khăn nguy hiểm. Ông không những là một nhà
quân sự thiên tài đã lập nên những chiến công thần kỳ, chỉ có thắng,
không hề bại, mà còn biểu thị tài năng lỗi lạc trên các lĩnh vực chính
trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao…”
(lịch sử việt nam, hà nội, tập I)
“Huệ là một thiên tài đặc biệt về
quân sự. Lối hành quân của ông là tốc chiến, tốc thắng, biến hóa như
thần. Hiệu lệnh của ông rất nghiêm minh, kỷ luật của ông là kỷ luật
thép. Và đức tính làm tướng của ông đáng kể nhất ở chỗ biết chia bùi sẻ
đắng với tướng sĩ, lấy ân ủy và lấy cả đảm lược để chinh phục lòng
người…”
(việt sử toàn thư – phạm văn sơn)
Đó là tài năng của Quang Trung Nguyễn Huệ. Về tư cách, theo sử gia Trần trọng Kim: “Vua
Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn, là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà
dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết
trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc Hà, những người
như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với
một người xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường…”
(việt nam sử lược, tập I)
Đại khái, với Quang Trung, sử gia của
Miền Bắc (Cộng Sản) và Miền Nam (Quốc Gia – từ Trần Trọng Kim đến Phạm
Văn Sơn) đều ghi nhận những ưu điểm như trên.
Về Gia Long, tức Nguyễn Ánh, hậu duệ đời
thứ chín của các chúa Nguyễn, thì sử gia hai miền đều có những nhận định
khác nhau về tài năng, tư cách của nhân vật này.
Theo “lịch sử việt nam, hà nội“:
“Bọn phong kiến phản động ở Đàng Trong, đứng đầu là Nguyễn Ánh, đã đi
vào con đường phản bội tổ quốc. Bọn chúng cầu cứu quân xâm lược Xiêm…
Sau khi rước quân Xiêm vào giày xéo
Gia Định, Nguyễn Ánh lại cầu cứu bọ tư bản phương Tây, đặc biệt là tư
bản Pháp… Nguyễn Ánh mới chiếm được Thăng Long, khôi phục chế độ phong
kiến phản động trong cả nước…
Chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ
đầu qua những hành động khủng bố trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh
đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ
nữ và trẻ em…”
Nguyễn Ánh sai quật mả Nguyễn Huệ và
Nguyễn Nhạc, đem xương sọ “giam” vào ngục tối. Anh em Quang Toản cùng
với các tướng Tây Sơn, người thì bị phanh thây xé xác, người thì bị voi
giày, người thì bị chém làm nhiều mảnh…” (LSVN – tập I)
Như vậy, theo sử gia Cộng Sản, Gia Long
là một người “cõng rắn cắn gà nhà” (như họ thường phê phán), khi chưa
thống nhất toàn cõi sơn hà đã thiết lập chế độ phong kiến phản động và
có tư cách đê hèn khi thực hiện việc trả thù anh em, con cái nhà Tây
Sơn.
Nhưng một số sử gia Miền Nam (Quốc Gia) lại có những nhận xét khác về con người Gia Long.
“Vua Thế Tổ (tức Gia Long) là ông vua
có tài trí, rất khôn ngoan, trong hai mươi lăm năm trời, chống nhau với
Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ
một niềm lo sự khôi phục. Ngài lại có đức tính rất tốt của những kẻ lập
nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ
hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là
ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà và sửa sang
được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ
xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy…”
(việt nam sử lược II – trần trọng kim)
“… Tính ra Thế Tổ nhà Nguyễn đã chiến
đấu suốt 25 năm (1777-1802) để hoàn thành sự nghiệp thống nhất và bình
định nước Việt Nam từ Cà Mau ra tới Nam Quan. Trong một phần tư thế kỷ
đó Người đã trải qua bao phen vào sinh ra tử, nhục nhã gian lao, nếu
không phải là người có tài, có chí, cương quyết và nhẫn nại thì khó mà
thành công được…”
(phạm văn sơn – việt sử toàn thư )
Về đức tính của Gia Long, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã viết: “Người
ta tả ông là người gan dạ, không thô kệch, dồi dào biến trá trong mọi
tình thế. Ý tưởng đúng đắn; không khi nào khó khăn ngăn chặn được ông và
chướng ngại không làm cho ông lùi bước… Cử chỉ của ông đối với người
ngoại quốc thật dễ thương và hòa nhã. Các sĩ quan dưới quyền ông rất
kính phục ông. Ông đối xử với họ rất nhã nhặn, thân mật và tốt… Ông
cương quyết nhưng không hung tàn, ông hay nghiêm trị nhưng theo lệ luật.
Ông có đủ đức của tâm hồn cũng như của trí tuệ. Ông có tính biết ơn,
bao dung và tế nhị về điểm danh dự. Lớn lên trong tai ương, ông chịu
đựng được nghịch cảnh một cách can đảm… Các đức tính trí tuệ không
nhường những đức tính tâm hồn. Hăng hái, thông tuệ, thẳng thắn, ông hiểu
ngay từ lúc đầu những việc phức tạp nhất. Ông nhớ mọi chuyện rất tài và
ông bắt trước rất dễ dàng… Ông rất cần mẫn. Ban đêm, ông đọc nhiều. Ông
rất tò mò tìm hiểu… Đó là vị Hoàng Đế vĩ đại nhất từ xưa đến nay của xứ
Cochinchine (tức Nam Việt). … Con người vĩ đại mà những vẻ tráng lệ của
xứ này sẽ còn giữ lại hình ảnh oai hùng. Thế kỷ của họ sẽ lưu danh…”
(lịch sử nội chiến ở việt nam từ 1771-1802)
Qua những trình bày trên, chúng tôi nghĩ
rằng khi đánh giá những nhân vật lịch sử không nên xét về sự thành bại
của họ (Bất tương thành bại luận anh hùng) mà nên xét qua ba yếu tố: tài
năng, tư cách và sự nghiệp của họ đối với quốc gia, dân tộc, mà yếu tố
sau cùng là quan trọng nhất. Bởi vì một nhân vật có tài năng, tư cách mà
không gây được ảnh hưởng nào đến vận mệnh nước nhà thì chẳng có giá trị
gì.
Về tài năng, thì ai cũng thấy rằng Quang
Trung và Gia Long đều là những người đã phát huy tất cả khả năng của
mình trong cuộc đối đầu ở trên khắp các mặt trận quân sự. Một người có
tài điều binh thần tốc, không hề chiến bại, một người thì mưu trí quyền
biến, kiên gan bền chí, quyết tâm khôi phục cơ đồ.
Về tư cách, thì theo các nhà sử học Miền
Bắc, Gia Long là một con người đê hèn, đã trả thù anh em nhà Tây Sơn
bằng cách “quật mả, giam xương; phanh thây, xé xác” như đoạn trên đã
ghi. Tuy nhiên, có phải việc này chỉ có Gia Long thực hiện đơn phương?
Một tài liệu khác, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế –
1995) cho biết: “Ngài (Nguyễn Phúc Côn) mất, lăng táng tại xã Cư
Chánh (Hương Trà). Tên lăng là Cơ Thánh, mặt sau dựa vào núi, mặt trước
nhìn ra sông. Năm Canh Tuất (1790), quân Tây Sơn quật hài cốt ngài đổ
xuống sông phía trước mặt. Một ngư dân tên Nguyễn Ngọc Huyên và con, lặn
vớt được hài cốt, lén đem chôn nơi khác. Đến đời vua Gia Long, nhờ
Nguyễn Ngọc Huyên chỉ chỗ, hài cốt được đưa về táng chỗ cũ…”
Theo truyền thuyết về việc Tây Sơn khai
quật hài cốt Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế (Nguyễn Phúc Côn – có bản chép
là Nguyễn Phúc Luân, thân phụ vua Gia Long) khi đào được sọ lên, vua Gia
Long chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, máu lần lần tan vào sọ
(một lối thử để biết liên hệ cốt nhục hai người).
(đặc san tiếng sông hương, hoa kỳ, 1999)
Việc quật mả do nhà Tây Sơn thực hiện năm
1790, tức là trước việc vua Gia Long đã làm tương tự. Như vậy, trong sự
tương tranh một mất một còn, gây nên bao nhiêu thù hận giữa hai đối
phương, thì việc trả thù nhau cũng là thế gian thường tình, không có đê
hèn, không có cao thượng khi con người đã chém giết lẫn nhau.
Về việc “cõng rắn cắn gà nhà”, các sử gia
Miền Bắc đã cho biết như trên, nghĩa là Gia Long trước đã nhờ quân Xiêm
cứu viện, sau nhờ tư bản Pháp. Ta cũng nên xét lại việc này cũng chỉ có
Gia Long làm, mà bên phía Tây Sơn không có?
Khi hai đối thủ kình chống nhau thì họ
tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhau bằng vũ khí và nhân lực. Nếu họ không
đủ sức nội bộ thì nhờ cậy lực lượng ở bên ngoài. Theo nhà sử học Tại Chí
Đại Trường thì “Nguyễn Nhạc cũng nhận thấy ưu thế kỹ thuật tây Phương” và Tây Sơn cũng đã từng xin nước ngoài giúp đỡ.
“… Tây Sơn cũng như Nguyễn Ánh đều
vận động những đại diện Tây Phương lập quan hệ mậu dịch và hỗ trợ mình.
Gặp Charles Chapman, viên đại diện Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ, Nguyễn Huệ và
Nguyễn Nhạc vội vã bàn chuyện buôn bán, mời mọc về nhà riêng, hứa tha
thuế. Họ hỏi Charles Chapman có thể dùng tàu của ông ta giúp họ không,
họ muốn có cố vấn Anh, tàu chiến Anh phụ giúp “để thực hiện mộng khuất
phục nước Cao Miên, toàn thể bán đảo đến tận Xiêm và các tỉnh Nam Hà
phía bắc còn nằm trong tay quân Bắc Hà. Đánh đổi lấy trợ giúp đó, Tây
Sơn có thể nhường đất cho Anh quốc lập thương điếm.”
tạ chí đại trường (Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam)
Tây Sơn thực có mưu đồ xin ngoại viện và
đã thực hiện mưu đồ đó, nhưng cuối cùng không thành đạt, vì họ thiếu
trung gian là giới thương nhân Hoa Kiều, đã đóng vai trò trọng yếu trong
việc giao dịch giữa người Tây Phương và Việt Nam. Nguyên nhân là do Tây
Sơn đã ngược đãi và tàn sát người Trung Hoa khi chiếm đóng Gia Định.
Trong việc cầu viện nước ngoài, Nguyễn Ánh đã khôn khéo hơn. Ông được
lòng người Tàu, giúp mở mang ngoại thương. Đối với Tây Phương, ông không
bài đạo, đã nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc mang con trưởng là Hoàng Tử Cảnh
sang Pháp để xin chính phủ nầy giúp đỡ. Bá Đa Lộc đã đại diện ông ký
hiệp ước ngày 18/11/1787 với triều đình vua Louis 16, dành cho Pháp độc
quyền buôn bán ở Việt Nam, nhượng đất Hội An và Poulo Condore. Pháp cam
kết sẽ giúp đỡ Nguyễn Ánh về quân sự như tàu chiến, khí giới và binh
lính. Nhưng vua Louis 16 đã mất trước khi hiệp ước được thi hành. Sau
này về Việt Nam, Bá Đa Lộc chỉ giúp Nguyễn Ánh với tư cách cá nhân, ở
địa vị cố vấn. Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh đang ở thế thắng lợi, không cần
đến ngoại viện nữa, nên hiệp ước đó không còn giá trị.
Vì lẽ nầy, dù có mưu đồ xin ngoại viện,
sự thành công của Nguyễn Ánh hoàn toàn không nhờ thế lực ngoại bang, mà
do sự chiến đấu bền bĩ, giao dịch khôn khéo với người ngoại quốc, và
nhất là đạt được ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở xứ Đàng
Trong, như câu ca dao phổ biến về việc tiến quân ra Bắc của Nguyễn Ánh,
bình định toàn cõi Việt Nam:
“Lạy trời cho chóng gió nồm
Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra.”
Như trên chúng tôi đã nói, luận định một nhân vật lịch sử, cần chú trọng ở sự nghiệp của họ đối với nước nhà.
Ta thử kiểm điểm xem công cuộc thực hiện của Tây Sơn và Chúa Nguyễn về các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội như thế nào?
Dưới thời vua Quang Trung, việc cai trị
của ông chỉ áp dụng từ Thuận Hóa ra Bắc. Trước, vua Quang Trung đóng đô ở
Phú Xuân, sau dời đô ra Nghệ An, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô, Quang
Trung chủ trương chế độ Quân Phiệt:
“… Trong bộ máy chính quyền Quang Trung xây dựng, những tướng lĩnh Tây Sơn giữ những cương vị chủ chốt…”
(lịch sử việt nam, hà nội, tập I)
Sau cuộc chiến thắng ở Miền Bắc, Quang
Trung đã trấn áp các cuộc nổi loạn của Lê Duy Chỉ, Trần Quang Châu,
Dương Đình Tuấn, Phạm Đình Đạt… là những cựu thần nhà Lê.
“Tình hình chính trị trở nên ổn định. Biên cương phía tây và phía bắc của đất nước được bảo vệ vững vàng…”
(tác phẩm dẫn trên)
Vua Quang Trung ban chiếu “khuyến nông”,
kêu gọi dân chúng hồi cư (sau chiến tranh), trở về cầy cấy nhiều ruộng
bỏ hoang để gia tăng sản lượng nông nghiệp, đồng thời giảm các thuế nông
nghiệp và công thương nghiệp.
“Quang Trung ra lệnh bãi bỏ nhiều thứ
thuế công thương nghiệp nặng nề trước đây, mở rộng việc buôn bán, làm
ăn cho thương nhân và thợ thủ công… Quan hệ, buôn bán với nước ngoài
được mở mang. Quang Trung đề nghị với nhà Thanh “mở cửa ải, thông chợ
búa, khiến cho hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi cho sự tiêu dùng của
dân”. Thuyền buôn của các nước tư bản Phương Tây cũng được ra vào buôn
bán dễ dàng ở các thương cảng…”
(lịch sử việt nam – hà nội)
Vua Quang Trung biết trọng dụng nhân tài,
mời các nhân sĩ như Nguyễn Thiệp (La Sơn Phu Tử), Nguyễn Đăng Trường,
Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích… tham gia việc nước. Dưới triều Quang Trung
có đúc tiền “Quang Trung Thông Bảo” để thay tiền “Cảnh Hưng” (của triều
Lê). Vua Quang Trung cũng lưu ý đến việc học hành, lập trường học khắp
nơi, tổ chức các khoa thi để tuyển nhân sự giúp triều đình. Đặc biệt là
vua dùng chữ Nôm trong các chiếu biểu, sắc dụ và thi phú. Văn Nôm được
khuyến khích sáng tác để có địa vị quan trọng, vì từ trước chữ Nôm vẫn
bị các nhà Nho khinh rẻ, cho là “nôm na cha mách qué”.
Trong khi vua Quang Trung thực hiện việc
cai trị ở Đàng Ngoài, thì Chúa Nguyễn Ánh đã có sự nghiệp ở Đàng Trong,
giới hạn trong phạm vi vùng Gia Định là vùng Nguyễn Ánh đã chiếm lĩnh
trước tiên?
“… Nguyễn Vương cho dân được miễn
thuế dịch… chỉnh đốn việc cai trị, khuyến khích canh nông, tăng cường
binh bị, luyện tập quân sĩ để chờ ngày tiến ra Bắc…
… Vương sáng lập các chế độ, sửa sang
quan chế, lập triều nghi, ban chánh sách, phác họa quy mô vương quốc.
Bấy giờ đã có những người văn học như Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô
Tùng Châu, Ngô Nhân Tĩnh giúp việc, sau đó lại có Đặng Đức Siêu, Đặng
Trần Thường (ở Đàng Ngoài) là những người có học vấn vào theo; hoặc ở
trong quân, hoặc ở triều đình, họ đã cùng Nguyễn Vương trù hoạch mưu
lược, góp ý kiến về các công cuộc xây dựng xứ sở…
… Vương cũng đặt một hòm bỏ thư ở cửa
khuyết, quân dân ai có điều oan khuất, hoặc bị người hãm hại, thì làm
đơn bỏ vào hòm thư, sẽ được cứu xét ngay…”
(phan khoang – việt sử xứ đàng trong, tập II)
Việc quan trọng của Nguyễn Ánh ở Miền Nam
là dinh điền, tức là khai khẩn đất hoang để làm ruộng, phát giống cấp
trâu cho dân cầy cấy.
“Đất Gia Định phì nhiêu mà phần nhiều còn
hoang vu, vừa rồi giặc giã, loạn lạc, nhiều nơi ruộng vườn bỏ phế,
không có người cày. Việc khai thác, canh tác các đất đai ấy không chỉ
cần cấp để nuôi dân nuôi binh lúc ấy, mà còn là nền tảng để cho xứ này
mở mang và phát triển. Nguyễn Vương đã đặc biệt lưu tâm đến vấn đề ấy,
thường xuống chỉ khuyên dân chăm lo làm ruộng, dùng nhiều biện pháp để
khích lệ, thúc giục rồi luôn luôn nhắc nhở; có những năm đương dùng binh
ở Bắc, cũng không quên nhắc Gia Định khuyên nông…”
(tác phẩm dẫn trên)
Ngoài việc khuyên nông, Nguyễn Vương cũng chú trọng đến việc học, mở khoa thi, mở rộng ngoại thương.
“Nguyễn Vương cũng khuyến khích việc
học để có nhân tài mà dùng, học trò được miễn binh dịch, dao dịch, để lo
học tập, đợi khoa thi…
… Thuyền buôn của Trung Quốc và các nước Á Châu, Tây Phương đã đến buôn bán đông ở Sài Côn…”
(tác phẩm dẫn trên)
Về mặt ngoại giao, Nguyễn Vương đã có
những liên lạc khéo léo với các nước láng giềng như Tiêm La, Chân Lạp,
Vạn Tượng để các nước nầy khỏi gây trở ngại cho cuộc chiến chống Tây
Sơn.
“Từ khi thu phục được Gia Định,
Nguyễn Vương thường sai sứ sang Tiêm thông hiếu, giao kết, tặng phẩm
vật, mỗi khi thắng trận cũng sai sứ báo tin mừng và vua Tiêm cũng thường
sai sứ sang đáp lễ, biếu tặng…”
(tác phẩm dẫn trên)
Những điều ghi trên, chỉ là công việc cai
trị của Nguyễn Vương ở vùng Gia Định. Về vấn đề thống nhất đất nước, sử
sách của hai miền Nam, Bắc đã nhận định như thế nào về hai vua Quang
Trung và Gia Long?
Tập thể tác giả Miền Bắc, trong tập lịch sử việt nam I đã viết:
“Người “anh hùng áo vải” đã chiến đấu
kiên cường cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc, cho độc lập và thống
nhất của Tổ quốc. Sự nghiệp của Quang Trung là sự nghiệp cứu dân, cứu
nước, đấu tranh xây dựng một đất nước độc lập thống nhất như nhà thơ
Ngọc Hân (công chúa, vợ Quang Trung) đã ca ngợi:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”
Về Gia Long, họ có nhận định như sau:
“Triều Nguyễn là vương triều phong
kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế
lực xâm lược của nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn…
Triều Nguyễn là một vương triều tối phản động…
Như vậylà trên cơ sở quốc gia thống
nhất đã được phong trào Tây Sơn khôi phục, triều Nguyễn chỉ lo củng cố
quyền thống trị của dòng họ, tăng cường chế độ chuyên chế…”
(lịch sử việt nam I – hà nội)
Khách quan mà nói, Quang Trung là một vị
anh hùng áo vải, có tài năng quân sự bách chiến bách thắng, một vị vua
sáng suốt có nền nội trị vững vàng từ Thuận Hóa ra Bắc Hà, có đường lối
ngoại giao đúng đắn khi giao thiệp với Trung Hoa, dưới triều Thanh.
Nhưng có thực là vua Quang Trung đã đấu tranh xây dựng được một đất nước
độc lập thống nhất không, hay triều Tây Sơn có “khôi phục” được “cơ sở
quốc gia thống nhất” không, như các sử gia Miền Bắc đã nhận định?
Hãy xét qua các việc:
– Khi vua Quang Trung đem quân ra Bắc Hà
đánh Trịnh với danh nghĩa phò Lê, ông có hội ý với vua anh là Thái Đức
Nguyễn Nhạc không? Nếu có việc đó thì sao Nguyễn Nhạc từ Qui Nhơn vội vã
kéo quân ra Phú Xuân để gọi em về và sự tranh quyền giữa huynh đệ đã
manh nha từ đó. Cũng vì sự tranh quyền này đã gây chia rẽ giữa các anh
em Tây Sơn. Và sao trong một nước thống nhất lại có ba vua: Thái Đức
(Nguyễn Nhạc) đóng đô ở Qui Nhơn, Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) ở Gia Định
và Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ) ở Phú Xuân?
– Một nước ba vua, mà một vua thì không
có thực lực (Nguyễn Lữ), hai vua lại tranh chấp quyền lực với nhau, đến
nỗi vua anh (Nguyễn Nhạc) phải lên thành Qui Nhơn khóc lóc, vua em
(Nguyễn Huệ) mới giải vây và rút quân về Phú Xuân.
– Với tình trạng nầy, làm sao tạo thành
một nước độc lập thống nhất dưới sự lãnh đạo duy nhất của một vị vua có
đủ toàn quyền trị nước? (Quang Trung có lúc tùng phục, có lúc cưỡng lệnh
vua Thái Đức, hơn nữa còn uy hiếp vua anh).
– Không thể xác định vua Quang Trung và
triều Tây Sơn đã xây dựng một đất nước độc lập thống nhất với chỉ hai
miền Trung-Bắc, trong khi miền Nam (chủ yếu là vùng Gia Định) đã có sự
hiện diện của chúa Nguyễn từ lâu và đã thiết lập một vương triều ở đó từ
năm Mậu Thân (1788).
Tất nhiên là công cuộc thống nhất đất
nước thuộc về vua Gia Long. Vậy sau khi nắm được chủ quyền quốc gia, vua
Gia Long đã làm gì cho đất nước và dân tộc?
Sự nghiệp của vua Nguyễn là tiếp tục
những công cuộc đã thực hiện ở miền Nam, phát triển ở qui mô rộng lớn
trên toàn quốc, từ tổ chức nội trị, ngoại giao, đến việc giao thương với
nước ngoài, mang lại sự cường thịnh cho nước nhà vào thời kỳ ấy. Điều
đáng lưu ý là sau khi thành công, vua Gia Long chỉ phong tước cho một
thiểu số người ngoại quốc đã có công giúp vua trong cuộc chiến tranh
Nguyễn-Tây Sơn mà không cho họ quyền lực gì để can thiệp vào việc nội
trị của mình. Khi đại diện của vua Louis 18 qua Việt Nam, yêu cầu vua
Gia Long thi hành hiệp ước mà Giám Mục Bá Đa Lộc đã thay mặt vua ký kết
năm 1787, dưới triều vua Loius 16 (cho Pháp được quyền buôn bán, nhượng
đất Hội An và Poulo Condore) nhưng vua đã từ chối, vì từ trước Pháp đã
không thi hành hiệp ước đó. Điều này chứng tỏ một lần nữa, vua Gia Long
đã không có hành động gì gọi là “cõng rắn cắn gà nhà” (vua Gia Long
thắng trận không do sự hỗ trợ quân đội và vũ khí của Pháp, vì hiệp ước
1787 đã không được thi hành).
So sánh sự nghiệp của vua Quang Trung với
triều Tây Sơn và vua Gia Long với triều Nguyễn, ta thấy cả hai vua đều
có công với nước, với dân, chưa kể các vua Nguyễn đời sau, như các chúa
Nguyễn đời trước, đã có công mở nước từ đất Thuận Quảng đến mũi Cà Mau.
Có người cho rằng nếu vua Quang Trung không mất sớm thì sự nghiệp dựng
nước và mở nước của ông không kém gì vua Gia Long. Điều này có thể đúng
trong đời vua Quang Trung. Nhưng xét đến đời con vua Quang Trung là
Nguyễn Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh, không có tài năng, bản lãnh gì,
không nối được chí cha, làm nên sự nghiệp lớn, mà nội bộ triều Tây Sơn
lúc bấy giờ có những mâu thuẫn, tranh quyền giữa các tướng lãnh với
nhau, cho nên không hẳn Tây Sơn sẽ có những triều đại kế tiếp lâu dài về
sau.
Để kết luận, khi phê phán nhân vật lịch
sử nên có thái độ khách quan, công bằng, không nên có thái độ chủ quan,
thiên vị với chủ đích riêng như các sử gia Miền Bắc đã làm, nghĩa là có
thiên kiến đối với triều Nguyễn và viết sử theo quan điểm Mát-xít, cho
rằng lịch sử nhân loại ở đâu cũng có tiến trình đấu tranh giai cấp. Từ
nông dân đấu tranh chống phong kiến đến công nhân đấu tranh chống tư
bản, để tiến lên xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là xã hội cộng sản. Trên
quan điểm ấy, họ cố áp đặt cuộc chiến Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn trong tiến
trình đấu tranh giai cấp đó và cho rằng Tây Sơn là đại biểu cho giai cấp
nông dân nổi lên chống lại giai cấp phong kiến, địa chủ là Trịnh và
Nguyễn.
Nguồn: nghiencuulichsu
No comments:
Post a Comment