Nga đang sở hữu một loạt hệ thống tác chiến điện tử tối tân có thể
vô hiệu hóa các loại khí cụ quân sự sử dụng liên lạc thông tin vô
tuyến.
“Hệ thống tác chiến điện tử (EWS) sẽ là công cụ đắc lực để ứng phó
các dòng phi cơ chiến lược, chiến thuật tầm xa, phương tiện điện tử
cũng như đánh chặn thiết bị truyền thông vô tuyến của vệ tinh quân sự
nước ngoài”, Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó tổng giám đốc Yuri Mayevsky
của Hãng công nghệ điện tử - vô tuyến KRET, nhà phát triển EWS chính
cho quân đội Nga, tuyên bố.
Theo ông, quân đội Nga đang nắm trong tay 4 hệ thống tác chiến điện
tử cực kỳ lợi hại có thể triệt tiêu hoàn toàn liên lạc viễn thông, định
vị của tàu chiến cũng như vô hiệu hóa việc lập trình, điều khiển các
dòng vũ khí chính xác cao như tên lửa hay bom thông minh.
President-S chống hỏa tiển
Theo trang tin Nga Russia beyond the headlines (RBTH),
President-S là tổ hợp áp chế quang điện tử tối tân, đóng vai trò bảo vệ
mọi phi cơ khỏi mối đe dọa từ các loại hỏa tiển phòng không vác vai
(manpad) nhờ gây nhiễu hệ thống dẫn đường. Trong các cuộc thử nghiệm cấp
quốc gia, các chuyên gia sử dụng Igla, loại manpad hiện đại rất phổ
biến trên các chiến trường, để nhắm bắn nhiều mẫu phi cơ chiến đấu được
lắp đặt tổ hợp President-S. Kết quả cho thấy tất cả các hỏa tiển đều
chệch hướng và phát nổ sớm.
Không chỉ chiến đấu cơ, hệ thống này cũng phát huy tác dụng vô cùng
hiệu quả cho trực thăng. RBTH tường thuật một cuộc thử nghiệm với một
chiếc trực thăng Mi-8 trang bị President-S được gắn cố định vào bệ đỡ và
bị bắn trực diện từ khoảng cách 1.000 m. Kết thúc thử nghiệm, không quả
Igla nào trúng mục tiêu.
Mắt thần Moskva-1
Một trong những tài sản quý giá nhất thuộc kho EWS của Nga, tổ hợp
radar Moskva-1 có thể quan sát, theo dõi mọi mục tiêu trên không ở
khoảng cách 400 km, hơn gấp đôi tầm đeo bám của thế hệ radar tiền nhiệm
Avtobaza (khoảng 150 km). Chuyên trang Army recognition dẫn lời
các chuyên gia cho biết Moskva-1 hoạt động trên nguyên tắc “radar thụ
động”. Điều này có nghĩa là hệ thống không phát ra bất kỳ tín hiệu nào
mà chỉ thu và phân tích những tín hiệu bên ngoài. Nhờ đó, Moskva-1 không
chỉ phát hiện sớm mọi nguy cơ mà còn hoạt động gần như vô hình trên màn
hình radar của đối phương.
Công nghệ thu giữ và phân tích thông tin điện tử rất tối tân
giúp tổ hợp này nhận biết cụ thể hình dáng vật thể lọt vào tầm ngắm và
có thể phân biệt chính xác hỏa tiển hay phi cơ. Ngoài ra, nhờ hoạt động ở
chế độ radar thụ động, Moskva-1 còn có một tác dụng lợi hại khác là hỗ
trợ đạn đạo cho hỏa tiển phòng không Nga nhắm tới mục tiêu mà không bị
phát hiện.
Người bảo vệ cho Iskander
Hệ thống hỏa tiển đạn đạo tầm ngắn chiến lược Iskander được Nga xem
là một trong những vũ khí lợi hại nhất của mình. Theo truyền thông
phương Tây, Moscow đã triển khai Iskander đến những khu vực “nóng” nhất
hiện nay như Syria và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, vốn bị kẹp
giữa bởi 2 thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. Tuy nhiên, Iskander
và các tổ hợp tương tự khác có điểm yếu rất lớn là dễ bị phát hiện trên
đường di chuyển. Vì thế, trọng trách bảo vệ cho vũ khí chiến lược này
được giao cho hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha, khắc tinh của
các chiến đấu cơ trang bị công nghệ điều khiển và cảnh báo sớm trên
không (AWACS).
Được gắn trên xe thiết giáp di chuyển cùng các tổ hợp hỏa tiển,
Krasukha có khả năng phát tán bức xạ gây nhiễu trong bán kính 250 km để
làm rối loạn AWACS của đối phương. Một tính năng khác của Krasukha là
tác động lên phần điều khiển trung tâm của các loại hỏa tiển đạn đạo
chính xác, khiến chúng nhận diện sai mục tiêu hoặc thậm chí là thay đổi
lộ trình bay, theo RBTH.
Lợi hại Rtut’-BM
Tương tự Krasukha, hệ thống gây nhiễu điện tử Rtut’-BM được thiết
kế tổ hợp lên xe thiết giáp và có hình dáng bên ngoài rất “ngầu”. Là khí cụ tác chiến điện tử vào hàng hiện đại nhất của Nga hiện nay, Rtut’-BM
có nhiệm vụ bảo vệ binh lính và trang thiết bị quân sự khỏi hỏa lực pháo
binh, nhất là các loại đầu đạn trang bị ngòi nổ cận đích.
Để tiêu diệt mục tiêu, ngòi nổ cận đích sẽ tự động kích nổ đạn khi
cách mục tiêu một khoảng cách đã được định trước, nhằm tăng độ chính xác
và linh hoạt hơn so với ngòi nổ định giờ. Rtut’-BM tác động lên hệ
thống thu phát tín hiệu của các ngòi nổ này để khiến chúng kích nổ sớm,
giúp bảo toàn lực lượng. Bên cạnh đó, Rtut’-BM còn có thể trung hòa tần
số vô tuyến liên lạc mà đối phương sử dụng.
Chỉ cần nhân sự 2 người để lái xe và điều khiển hệ thống, một tổ
hợp Rtut’-BM có khả năng bảo vệ bao trùm khu vực rộng khoảng 50 ha.
Trong 3 năm qua, Hãng KRET và các đối tác đã cung cấp 22 hệ thống
Rtut’-BM cho quân đội Nga và dự kiến sẽ có thêm 21 chiếc được giao trước
cuối năm nay. Đặc biệt, chính phủ Nga cũng đã cấp phép xuất khẩu
Rtut’-BM. Theo báo cáo đánh giá đối tác của KRET, sản phẩm này có tiềm
năng xuất khẩu rất cao tại các thị trường châu Á và Trung Đông.
Danh Toại
VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA NGA KHIẾN IS LIÊN TỤC THẤT BẠI TẠI SYRIA
Những thiết
bị gián điệp điện tử của Nga đã trở thành một phần quan trọng trong sự
can thiệp của Nga tại Syria. Loại vũ khí đặc biệt này đang tìm kiếm các
mục tiêu và giúp tăng cường hiệu quả của các cuộc không kích.
Ngày 30/9, các oanh tạc cơ Nga và những kẻ tấn công trên mặt đất phát động hàng loạt
cuộc tấn công trên khắp Syria. Ngày 7/10, điện Kremlin tuyên bố 4
chiến hạm tại biển Caspian đã bắn gần 30 hỏa tiển bay qua không phận Iran
và Iraq để tới mục tiêu - như một phần của cuộc tấn công liên tục.
Và ngay từ đầu, các phi cơ do thám của điện Kremlin và các hệ thống thu thập thông tin tình
báo khác dường như đã liên tục theo dõi nơi này.
Trong video ghi lại
cảnh Su-24M Fencer thực hiện một vụ không kích do Bộ Quốc phòng Nga công
bố và được đăng tải lên Youtube hôm 5/10, chú thích mà bộ này viết:
"Cảnh quay các phương tiện của Nhà nước Hồi giáo IS bị phá hủy trước đó
đã được các nguồn trinh sát và những cuộc hội thoại qua radio của các
chiến binh xác nhận".
Ngày hôm sau, chính
quyền Nga đăng lên Twitter: "Gần Kafar Aouid, 2 chiếc Su-25 giao chiến
tại một trại của IS. Tại đây, các thiết bị do thám radio đã chứng minh
được sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài".
Trong khi Moscow
không xác định các thiết bị do thám của họ là gì, những bức ảnh chụp phi cơ Il-20M Coot bay trên chiến trường đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Được đặt trên phi cơ Ilyushin Il-18, những chiếc Il-20M Coot 4 động cơ
này mạnh tương đương với dòng phi cơ trinh sát RC-135 của không quân
Mỹ.
Phi cơ trinh sát Il-20 |
David Cenciotti, một
nhà báo độc lập, đã ghi nhận việc khai triển và giải thích một số tính
năng của Il-20 trên blog The Aviationist của mình trước khi các cuộc
không kích của Nga thực sự diễn ra:
"Cùng với 28 phi cơ
chiến đấu đã tới phi trường Quốc tế al-Assad khi đi qua Iran, núp dưới các phi cơ chở hàng Il-76 hồi tuần trước, Không quân Nga đã triển khai ít
nhất 1 phi cơ trinh sát Il-20 Coot tới Syria. Cho dù các hình ảnh vệ
tinh chưa để lộ sự hiện diện của nó trên thềm để phi cơ tại phi trường gần
Latakia thì một phi cơ trinh sát Il-20 Coot cũng đã tới Syria để tăng
cường cho quân Nga, theo các nguồn tin của chúng tôi.
Il-20 là một nền
tảng ELINT (tình báo điện tử): nó được trang bị một mảng ăng ten rộng,
các cảm biến quang học và hồng ngoại, 1Radar kiểm soát chính tích hợp
trên phi cơ (SLAR) và thiết bị vệ tinh liên lạc để chia sẻ dữ liệu theo
thời gian thực. Đây là chiếc phi cơ trinh sát đầu tiên ra mắt của
Không quân Nga".
Ông Cenciotti chỉ ra
rằng phi cơ Coot thường có thói quen bay qua biển Baltic mà không có
bộ thu phát tín hiệu. Điều này dẫn tới một số lần chạm trán rất gần với phi cơ dân sự. Thói quen tương tự có thể gây ra nguy hiểm trên bầu trời
ngày càng đông đúc tại Syria.
Nhưng chiếc phi cơ này không phải là thiết bị do thám duy nhất Nga đưa tới khu vực
này. Trước đó, vào tháng 10, một số phương tiện truyền thông Nga đưa tin
tàu do thám Vasiliy Nikititch Tatischev cũng đã lên đường tới giúp
Syria.
Một tàu lớp Vishnya của Nga. Ảnh: Cryptome |
"Một nguồn tin quân
sự Nga cho biết tàu Vasily Tatishchev đã rời biển Baltic hướng về phía
đông Địa Trung Hải.Hãng tin Syrian Arab của Damascus cuối cùng đã viết
về việc này:
Nguồn tin quân sự
này nói với các phóng viên thành phố Kaliningrad hôm thứ hai rằng con
tàu đang hướng tới bờ biển Syria. Tại đây, nó sẽ cùng với nhóm tàu ở bờ
đông Địa Trung Hải để tăng cường năng lực phù hợp với các nhiệm vụ
chuyên môn.
Thủy thủ đoàn trên
tàu sẽ quan sát tình hình và theo dõi chi tiết tại không phận Syria cũng
như không phận của tất cả các nước xung quanh và vùng biển khu vực,
nguồn tin nói thêm.
Nguồn tin nhấn mạnh
rằng cuộc hành trình của các tàu thuộc Hạm đội biển Baltic là nhiệm vụ
thường ngày để theo dõi và quan sát. Người này cũng chỉ ra rằng những
tàu đó đã từng giám sát thành không cuộc chiến tại Nam Tư".
Bất chấp những sự
đảm bảo đó, sự xuất hiện của Vasiliy Nikititch Tatischev tại khu vực
dường như không bình thường chút nào. Được xây dựng cho Hải quân Liên Xô
vào những năm 1980, 7 chiếc tàu lớp Vishnya của dự án 864 được làm ra
với mục đích thu thập tín hiệu radio và các thông tin điện tử khác.
Moscow việc chú trọng sử dụng các tín hiệu tình báo, vậy thì con tàu
3.400 tấn này không đơn giản chỉ là để theo dõi tình hình.
Nga có truyền thống
hỗ trợ chính phủ Syria với những tín hiệu tình báo. Vào tháng 10/2014,
các chiến binh Quân đội Tự do Syria (FSA) đã đăng 1 video lên Youtube
cho thấy họ đã kiểm soát một cơ sử chia sẻ tin tình báo của Nga - Syria,
được xác định là "Trung tâm S".
Oyrz Blog, một cơ sở
độc lập chuyên theo dõi và phân tích các bài đăng trên mạng xã hội liên
quan tới cuộc xung đột Syria đã nhận định:
"Ngày 5/10/2014, FSA
đã chiếm được cơ sở Trung tâm S SIGINT (Tín hiệu tình báo)... do trung
tâm tình báo điện tử Osnaz GRU của Nga và Trung tâm Tình báo Syria điều
hành... Cơ sở này nằm gần al-Hara, có vai trò quan trọng đối với chế độ
Assad bởi nó chịu trách nhiệm ghi chép và giải mã thông tin liên lạc vô
tuyến từ các nhóm phiến quân hoạt động tại Syria. Nơi thu thập thông tin
cho Nga này ít nhất chịu trách nhiệm một phần trong hàng loạt vụ các
thủ lĩnh phiến quân bị giết do không kích.
Việc triển khai phi cơ Coots và tàu Vasiliy Nikititch Tatischev của Kremlin có lẽ sẽ bù đắt
cho sự mất mát của các tiền đồn trên mặt đất. Dù thế nào thì việc các
thiết bị do thám điện tử của Moscow "bận rộn" trong tương lai gần là
điều không phải nghi ngờ.
Bảo Linh (theo National Interest)
No comments:
Post a Comment