; }

NGỰA VÀ TÀU HỎA

 Có điều gì ám ảnh chúng ta từ bức tranh bất hủ này của Alex Colville? Một con ngựa đen đang phi nước đại trên đường ray, và ở đó một con tàu cũng đang lao đến, trong một buổi chiều nhập nhoạng mà mây vần vũ trên trời chỉ làm nền cho những đám khói trắng từ ống khói tàu hỏa. Dường như in lên nền trời là màu xanh của cỏ, tưởng như là một màu sắc thanh bình, nhưng trên thực tế, tất cả đang chỉ hướng đến một kết cục thê thảm của con ngựa. Tại sao người hoạ sĩ lại vẽ bức tranh này? Ông muốn ám chỉ điều gì, một cái chết vô nghĩa, một hành động vô tri, sự chiến thắng của máy móc?

“Ngựa và tàu hoả” (1954, khổ 41 cmx54 cm, màu keo) là tác phẩm nổi tiếng nhất theo trường phái Siêu thực của hoạ sĩ người Canada Alex Colville (1920-2013). Bức tranh thể hiện khoảng khắc căng thẳng và kịch tính nhất trước khi xảy ra vụ va chạm. Nó khiến người xem đặt ra các câu hỏi: Tại sao con ngựa lại chạy về phía xe hoả? Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu ấy, hay một trong hai sẽ dừng lại? Tất cả sẽ nói, con tàu sẽ thắng, nhưng có chắc vậy không, khi con tàu có vẻ như đang lưỡng lự và khúc cong của đường sắt giống như một dấu hỏi về kết cục, khi con ngựa lại có vẻ đầy quyết tâm. Một ẩn ý: Những người được cho là “ngựa ô” có thể tạo nên những bất ngờ?
Colville thích vẽ động vật, và những con vật của ông đều màu đen. Nhưng ông vẽ nhiều nhất là ngựa, bởi Colville từng là một người lính trong Thế chiến II và đã chứng kiến trên chiến trường rất nhiều ngựa cả khi chúng sống và chết. Ông thậm chí có một bức kí hoạ có tựa đề “Ngựa chết” vẽ năm 1945. Những con vật trong tranh của ông thường là đơn độc, buồn bã, nhưng không có con ngựa nào đầy vẻ quyết tâm lao về phía trước, có thể biết là sẽ chết, giống như ở bức tranh này.
Colville vẽ bức này sau khi được tạo cảm hứng từ một bài thơ của nhà thơ Nam Phi Roy Campbell. Bài thơ có đoạn: “Tôi khinh thường đợt tấn công ồ ạt của chúng/Và chiến đấu với cây đàn guitar trên lưng/Chống lại một trung đoàn tôi có một bộ não/Và một con ngựa ô chống lại cả một đoàn tàu bọc thép”. Đấy chính là chủ nghĩa anh hùng kiểu Campbell, một chú ngựa chống lại cả một đoàn tàu. Nhưng ông trong bài thơ cũng như Colville trong bức tranh không hề nói đến việc nó có thắng hay không.
Sau khi chứng kiến sự tàn khốc của Thế chiến II, trong những năm 1950, Colville chịu nhiều ảnh hưởng từ triết học hiện sinh với những đại biểu tiêu biểu là Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Chủ thuyết của chủ nghĩa hiện sinh là “hiện hữu có trước bản chất”, cho rằng chính cuộc sống thực tế của cá nhân là những gì tạo nên cái có thể gọi là "bản chất thực sự" của họ thay vì một bản chất có sẵn được quy kết một cách tùy tiện bởi người khác. Con người như thế không đơn thuần chỉ là chủ thể tư duy, mà còn là chủ thể hành động, cảm nhận, và sống. Chủ nghĩa này nói đến sự tự do, phản kháng, nổi loạn, đến con đường giải phóng cá nhân.
“Ngựa và tàu hoả” do đó có nhiều cách hiểu, kể cả theo cách hiện sinh. Có lẽ đó là một ẩn dụ về cuộc sống của con người, với con ngựa chính là con người, tuyến đường sắt là thời gian của đời người và đoàn tàu hoả là cái chết. Cũng có lẽ đó là một sự chỉ trích đối với việc thế giới ngày càng bị máy móc và công nghệ chi phối và có những tác động tiêu cực lên con người, lên thiên nhiên. Theo nghĩa ấy, bức tranh đã vẽ tròn 70 năm trước luôn là một lời nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta đã tạo ra có thể gây hoạ cho chính chúng ta.
Bức tranh hiện trưng bày trong Phòng trưng bày nghệ thuật Hamilton ở Hamilton, Đông Nam Canada…

fb Truong Anh Ngoc

No comments:

Post a Comment