Đài truyền hình có mặt tại Việt Nam đầu tiên là tại Sài Gòn với tên gọi là Đài Truyền hình Việt Nam, viết tắt là THVN hay còn gọi là Đài Truyền hình Sài Gòn, lúc
đầu do Nha Vô tuyến Truyền hình Việt Nam Cộng Hòa quản
lý. Sau đó đài do Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh điều
hành dưới quyền Bộ Dân vận VNCH
Nữ nghệ sĩ Kim Cương bên chiếc máy quay phim màu đầu tiên của đài THVN9
Đài Truyền hình Sài Gòn phát sóng trên băng tần số 9 nên cũng được dân chúng miền nam gọi quen thuộc là Đài số 9, phát hình trắng đen với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình Hệ FCC –
điều tần tiếng 4,5 MHz. Đài Truyền hình Sài Gòn chính thức hoạt động từ
năm 1966. Buổi phát hình đầu tiên của Đài là ngày 7/2/1966.
Một kỹ thuật viên nữ đang kiểm tra các đoạn phim 35mm Sound Moviola ở phòng chế bản của đài truyền hình Sài Gòn trước khi chuyển đổi về định dạng phim 16mm và tiến hành chuyển âm, ngày 23/1/1967.
Trụ sở thu hình lúc đầu dùng chung cơ sở của Trung tâm Điện ảnh Quốc
gia tại số 9 đường Thi Sách, đến năm 1967 thì tách ra
thành Phòng Điện ảnh và Phòng Truyền hình riêng, Đài Truyền hình chuyển
về số 9 đường Hồng Thập tự Sài Gòn.
Việc xây cất và thiết bị do hãng RCA International Service của Mỹ đảm
trách với kỹ thuật tương đương với một thành phố trung bình ở Mỹ. Giám
đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam là Trung tá Đỗ Việt, Phó Giám đốc là
đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa.
Hai kỹ thuật viên đang giám sát chương trình truyền hình từ một trạm phát sóng ở Sài Gòn
Đài truyền hình thứ hai được thiết lập sau đài Sài Gòn là đài truyền
hình Cần Thơ. Đầu thập niên 1970 toàn miền nam có bốn đài truyền hình
địa phương gồm: Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ.
Thời lượng phát hình vào đầu thập niên 1970 của Đài Truyền hình Việt Nam là sáu giờ mỗi ngày vào buổi chiều. 80% dân chúng ở Miền Nam có thể bắt sóng xem được. Tính bình quân cứ mỗi 50 người dân thì có một ti vi (TV), tổng cộng hơn 350.000 máy trên toàn quốc.
Chuyên
gia sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ Wyndham P. Duncan điều
chỉnh chiếc microphone trên cao trong lúc hai diễn viên người Việt là Huỳnh Thái và Bích Thuận thâu hình tuồng “Kim Vân Kiều”
Ca Ca sĩ Quỳnh Giao đang ghi hình
Đài THVN kết thúc buổi phát hình với những câu: "Quý vị khán giả và các bạn xem đài thân mến, chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam tối nay, đến nay đã kết thúc. Với những cố gắng thường xuyên trong các tiết mục, thời sự, chính trị, thông tin, kinh tế và giải trí, chúng tôi ước mong quý vị khán giả và các bạn xem đài đã thưởng thức được phần nào chương trình của đài chúng tôi. Xin kính chúc quý vị khán giả và các bạn xem đài một đêm yên nghỉ và hẹn tái ngộ cùng quý vị khán giả và các bạn xem đài vào tối mai, cũng trên băng tần số 9 của đài chúng tôi. Kính chào quý vị khán giả và các bạn xem đài."
Câu kết thúc trên được lập lại đến ngày 29/4/1975.
Buổi phát hình cuối cùng của THVN9 là từ 17h57 đến 23h57 ngày 29 tháng 4 năm 1975.
Ngày 30/4/1975, đài truyền hình Việt Nam Cộng hòa chấm dứt hoạt động sau gần 10 năm tồn tại,
Ngoài những bản tin thời sự, chương trình phát hình khá đa dạng
trong đó có phần tân nhạc với các ban nhạc như Tiếng tơ đồng, Hương xưa; các
vở thoại kịch với các ban kịch phát vào mỗi tối thứ năm như: Sống – Túy
Hồng, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Vũ Đức Duy…, cải lương phát
vào mỗi tối thứ Bảy, Cải lương Hồ quảng phát vào mỗi tối thứ tư, chương trình Tuyển lựa ca sĩ cũng rất được hâm mộ, tạo ra những khuôn mặt mới trong ngành tân nhạc Việt Nam.…nhìn chung phần giải trí chiếm khoảng 60% thời giờ phát hình.
Ngoài ra có những khoản đặc biệt cho các đoàn thể như chương trình Phật giáo Tiếng chuông chùa
hay chương trình truyền hình Đắc Lộ của giáo hội Công giáo. Ngành giáo dục thì
có chương trình dành cho trẻ em,chương trình Thế giới Trẻ em của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, ban Tuổi Xanh của nữ nghệ sĩ Kiều
Hạnh và Đố vui để học do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách.…và dĩ nhiên cũng không thiếu phần thể thao. Một trong những sự
kiện đáng ghi nhớ là buổi phát hình trận chung kết Giải vô địch túc cầu
thế giới 1974 giữa đội tuyển Tây Đức và Hòa Lan.
Phát ngôn viên đài truyền hình ngoài cô Hoàng Thị Lê Hợp – một trong những phát thanh viên truyền hình đầu tiên, còn có Á Hậu Thu Thủy, Tuyết Mai, Mai Liên, Ngọc Hoa, Nguyễn Đình Khánh…
No comments:
Post a Comment