hi chiếc máy bay phản lực của hãng hàng không Airlanka bay thấp dần và
hướng về phía phi trường quốc tế Katunayke nằm ở phía bắc thủ đô
Columbo, giáo sư Anderson nhìn qua khung cửa sổ và lại kinh ngạc trước
màu xanh tươi tốt của hòn đảo Tích Lan. Tận cùng tầm mắt là một khối dầy
đặc cây dừa, chạy dài dọc theo bờ biển suốt từ bắc xuống nam. Nhiều thế
kỷ trước, những người Ả Rập đầu tiên tới đây đã gọi nơi này là “Vườn
Địa Đàng”.
Ông mong đợi cuộc thăm viếng khu vườn địa đàng nhiệt đới lần
thứ nhì này không phải chỉ vì “Khóa Hội Thảo Quốc Tế Lần Thứ Ba Mươi
Mốt Về Độc Tố“ mà ông là một diễn giả, mà còn là những ngày nghỉ sau đó.
Ông mong đợi cuộc trèo lên tận đỉnh núi Adam cao 3,000 mét mà từ trên
đó có thể thấy quang cảnh toàn hòn đảo vào ngày trời trong. Cách đây
mười năm, trong lần thăm hòn đảo này lần đầu, ông đã mất dịp trèo lên đó
vì có việc khẩn cấp phải trở về Luân Đôn lập tức sau khoá hội thảo. Nếu
may mắn hơn nữa, ông có thể đi câu tại những dòng sông chung quanh
Nuwara Eliya, một cấu tạo lạ lùng ở độ cao 2,000 mét mà hiện nay vẫn còn
biết bao di tích của các thời đại vua chúa xa xưa.
Khi giáo sư Anderson ra khỏi máy bay, ông có lại cái kinh
nghiệm mười năm về trước: Cái nóng khủng khiếp tại sân bay thay thế cho
cái lạnh mát trong máy bay. Ông đoán là nhiệt độ phải trên 90 độ F.,
thay vì nhiệt độ hiện nay vào giữa tháng mười hai tại Gatwick là vài độ
trên độ đông đá.
Như được xắp đặt từ trước, Tiến sĩ William Abeywira thuộc Viện
Miễn Nhiễm Columbo đón ông tại phi trường. Chiếc xe của viện lúc lắc,
nhẩy tung lên khi chạy qua những ổ gà trên con đường dài 21 cây số từ
phi trường Katunayke tới thủ đô Columbo. Do kinh nghiện của chuyến đi
trước, giáo sư Anderson đã chuẩn bị tinh thần cho sự ồn ào, bụi bậm cùng
màu sắc trong thành phố này. Tiếng huyên náo kèm theo tiếng còi nhức óc
của khối xe cộ gồm những chiếc xe vận tải khổng lồ xen lẫn với những
chiếc xe ba bánh, xe gắn máy, xe đạp và khối người đi bộ khổng lồ, tất
cả tràn ngập đường phố làm cho khó phân biệt đâu là ranh giới của đường
xe chạy và hè phố. Dù cho đã quen thuộc, ông cũng chóng mặt vì màu sắc
trên đường phố, những chiếc quần sarée đủ màu sắc của các bà xen vào
những chiếc sarong màu trắng của các ông, những quán bên đường bán trái
cây, quần áo, nước uống và nhiều thứ khác nữa. Những rạp chiếu bóng được
xây từ thập niên 1930, đến nay đã bong sơn, hồ tô tường đã vụn nát,
kính cửa sổ vỡ hay không còn trên khung nữa. Vài rạp bị bỏ hoang hay đã
đóng cửa, nhưng phần lớn được sử dụng với mục đích khác như chợ búa, làm
nơi trao đổi hàng hoá. Tiếng ồn ào, màu sắc chói mắt cộng thêm cái
nóng, bụi bặm và tính khùng điên của viên tài xế khiến ông cảm thấy mệt
mỏi. Khi chiếc xe đậu trước cửa khách sạn, Tiến sĩ Anderson cảm thấy nhẹ
hẳn người và như trút được gánh nặng.
Viện đã dành cho ông một nơi nghỉ thật thoải mái và đắt tiền,
đó là khách sạn Lanka Obeiroi trên con đường Galle, đây là con đường
chính và bận rộn của thủ đô. Sau khi tắm rửa và thay bộ quần áo mới
thoải mái, giáo sư Anderson cùng Tiến sĩ Abeywira tới quán rượu khách
sạn. Trong kỳ trước, viên viện trưởng viện nghiên cứu Abeywira tỏ ra rất
thân thiện và hiếu khách, trong khi ngồi nói chuyện, ông đã hỏi giáo sư
rất nhiều công việc nghiên cứu về độc chất batrachotoxin, một chất độc
tiết ra từ loài ếch mà giống dân da đỏ choco tại Columbia dùng để bôi
trên đầu mũi tên. Tiến sĩ viện trưởng tỏ vẻ hài lòng khi ông nói đó là
một trong những độc chất nguy hiểm nhất trong thế giới động vật, chỉ một
phần tư miligram cũng đủ để giết chết một người. Ông ta còn đặt ra
nhiều câu hỏi khác nữa, nhưng giáo sư Anderson cười nói:
- Ông để cho tôi trình bày trong bản báo cáo chứ. Tôi cũng không muốn không chính thức phát biểu trước những điều cần phải nói.
Tiến sĩ Abeywira tỏ vẻ hài lòng và đứng lên từ giã sau khi dặn
là xe sẽ tới đón ông tới địa điểm hội thảo vào sáng ngày mai lúc 9 giờ.
Sau khi hút xong điếu thuốc lá, giáo sư Anderson xuống phòng
ăn và tại đây ông tìm lại được hương vị của các loại trái cây vùng nhiệt
đới. Ông ngây ngất dưới khung cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời xanh biếc, sự
tương phản giữa sự vội vã của những tia nắng cuối ngày cùng bóng đêm
đang lấp ló đó đây và những người dân Tích Lan đi qua với quần áo sặc sỡ
đủ màu. Ông có thể hiểu được lý do tại sao nhiều người phương tây tới
đây và rồi không muốn rời khỏi hòn đảo này nữa. Ông cũng hiểu lý do tại
sao người Ả Rập lần đầu tiên tình cờ khám phá ra đã đặt tên cho hòn đảo
này là “Vườn Địa Đàng”. Ông mơ màng và tình cờ chợt tìm ra một điều gì
đáng ghi nhớ. Trong chuyến trước ông nhớ lại cái kinh nghiệm chẳng vui
chút nào cả.
Ông vui thú suốt mấy ngày hội thảo vì gặp đồng nghiệp khắp nơi
trên thế giới. Những nhà khoa học như ông tham gia vào việc nghiên cứu
độc chất và những loại thuốc giải độc, một lãnh vực đã làm ông say mê.
Tiến sĩ Abeywira trình bày năm loại rắn cực độc tại Tích Lan và viện
nghiên cứu của ông đang cố gắng tìm một loại thuốc giải độc cho tất cả
năm loại này. Có tất cả 92 loại rắn tại đây, một số lượng đông đảo hơn
hẳn tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới và dĩ nhiên nước này có nhiều
vấn đề. Một ví dụ đưa ra là một công nhân đồn điền cao su bị rắn cắn,
khi được chở vào nhà thương thì bác sĩ không biết phải chữa trị như thế
nào. Một loại thuốc giải độc cho rắn cạp nong không thể dùng cho nạn
nhân bị rắn lục cắn.
Nghiên cứu của tiến sĩ Seneviratne về thuốc giải độc cho loài
rắn biển độc gây cho ông chú ý vì nó tương tự như cuộc nghiên cứu của
ông về loài ếch độc. Mọi người cũng thích thú khi ông chứng minh chỉ một
liều lượng thật nhỏ độc chất batrachotoxin qua vết trầy ở da cũng gây
cho nan nhân đau đớn và chết ngay lập tức.
Khi cuộc hội thảo chấm dứt, giáo sư Anderson giã từ các đồng
nghiệp. Ông chuẩn bị cho những ngày còn lại trên đất nước này một kỳ
nghỉ thật ý nghĩa, tuy vậy tiền lại không có nhiều. Ông quyết định tới
một ngân hàng để đổi ít tiền du lịch ra tiền bản xứ. Khi rời ngân hàng,
một người theo sát bên ông:
- Chào mừng ông tới hòn đảo đẹp này.
Người lạ là một người Tích Lan, hắn ăn mặc âu phục chứ không
quấn sarong như những người khác, nói tiếng Anh với âm điệu bản xứ nhưng
chải chuốt.
- Cám ơn. - Ông không biết phải nói gì hơn vì đang bận suy
nghĩ. Vào mười năm trước đây, cũng người này đã tới làm quen với ông
cũng tại nơi này nhưng hắn ta lại không nhận ra ông. Ông nghĩ là dưói
mắt người Tích Lan, những người Âu Châu đều giống nhau, vả lại khi vợ
ông chết cách nay tám năm, ông phải nuôi con nên thay đổi rất nhiều. Tóc
ông bạc và nặng cân hơn. Ông biết là người này sẽ nói câu gì kế tiếp.
- Ông không nên đổi tiền ở ngân hàng, tôi sẽ đổi cho ông theo một giá thật cao.
- Bao nhiêu?
- Tôi có thể đổi 30 rupees một bảng Anh. Ngân hàng chỉ đổi với giá 23 hay 24 thôi.
Câu chuyện tiếp tục như đã nói vào mười năm trước.
- Tại sao ông có thể đổi như vậy được, ông chịu thiệt hại như vậy sao?
- Không, tôi không thiệt gì cả. Này nhé, tôi dùng tiền ngoại
quốc này đi mua tại cửa hàng miễn thuế, ví dụ một chai Whiskey là mười
hai đồng rồi bán lại với giá 24 đồng, như vậy là lời một trăm phần trăm.
- Tôi vừa đổi tiền du lịch rồi, tôi không cần thêm tiền nữa.
- Ông có tiền đô la Mỹ không? Tôi phải trả bằng tiền đô tại cửa hàng miễn thuế. Tôi cần đô la Mỹ.
- Có chứ, nhưng không nhiều. Tôi chỉ có khoảng năm trăm đô la thôi.
Nét mặt người đàn ông Tích Lan rạng rỡ hẳn lên:
- Có tiền nhỏ không. Tiền nhỏ có giá hơn. Nhưng không sao, nếu là giấy 50 hay 100 cũng được.
- Toàn là giấy năm, mười và hai mươi đồng thôi.
- Thật là tuyệt. Vậy ông có muốn đổi không? Tôi sẽ đổi cho với
giá 12,500 rupees thay vì giá chính thức là 10,000 rupees, vậy là ông
có lời 2,500 rupees đó.
- Được, tôi bằng lòng. Mình sẽ gặp nhau tối nay tại khách sạn Renuka nhé.
- Không được, ở đó đông người quá. Ông ở tại khách sạn Renuka à?
- Không, khách sạn Oberoi.
- Vậy thì tôi sẽ gặp ông tối nay lúc 7 giờ tại đường 22 nhé,
phía bên kia đường, đối diện với cửa chính của khách sạn Lanka Oberoi,
ông biết chứ?
- Tôi biết. Gặp ông lúc 7 giờ.
- Được rồi. Nhớ bỏ tiền vào trong phong bì nhỏ màu nâu bán tại tiệm ngay cạnh khách sạn nhé.
Giáo sư Anderson nhìn theo người đàn ông khuất dần trong đám
đông. Vài người dân bản xứ cũng mặc âu phục, nhưng phần đông cuốn những
chiếc sarong hay seree màu sắc sặc sỡ. Ông chậm bước xuôi theo con đuờng
đông đúc rồi vào một tiệm ăn. Gọi một ly cà phê đá, châm điếu xì gà
nhỏ, ông mung lung suy nghĩ.
Thật lạ lùng người đàn ông đó không nhận ra ông. Rõ ràng hắn
và tên tòng phạm quanh quẩn tại các ngân hàng để lừa gạt du khách với sự
rèn luyện thuần thục và khéo léo. Chắc là chúng đã lừa được nhiều người
trong mỗi mùa du lịch.
Ông nhớ lại vào mười năm trước, chúng đã lừa ông 100 đô la một
cách khéo léo. Không sao quên được chi tiết lừa đảo này, dù cho không
chấp nhận hành vi vô luân này nhưng ông cũng phục tài nghệ của chúng. Đó
là cách lừa thật đơn giản. Khi mang tiền tới điểm hẹn, tên đó với nét
mặt rạng rỡ giới thiệu cho ông một tên thứ hai, thấp lùn, quấn chiếc
sarong :
- Đây là xếp của tôi.
Họ bắt tay.
- Ông có mang theo tiền không?
- Có đây. - Ông đưa chiếc bao thư màu nâu đựng tiền không dán
cho tên thứ nhì. Hắn đếm cẩn thận rồi bỏ lại vào bao thư, dán lại rồi
viết bên ngoài: $100 = 3000 rupees. Hắn đưa bao thư cho tên thứ nhất,
miệng nói:
- Đã kiểm soát kỹ chưa?
- Có, đủ rồi. – Nói xong hắn trao chiếc bao thư lại cho tên thứ nhì. Ông vội hỏi:
- Thế tiền rupee của tôi đâu?
- Ông sẽ lấy sau. Mình đứng ở đây đã quá lâu, có thể cảnh sát
đang lưu ý. Bây giờ ông về lại khách sạn với chiếc bao thư này rồi trở
lại sau 10 phút. Chúng tôi sẽ mang tiền rupee cho ông trong một bao thư
khác, lúc đó mình sẽ trao đổi bao thư rất nhanh.
- Nhưng làm sao tôi biết trong bao thư của ông có tiền?
- Không sao. Bao thư của tôi sẽ không dán, ông có thể đếm lại thật nhanh.
Giáo sư lấy lại bao thư đựng tiền rồi quay trở về khách sạn.
Mười phút sau quay lại chỗ hẹn. Cả hai tên chẳng thấy xuất hiện dù ông
đợi cả nửa tiếng. Sau đó ông trở lại khách sạn và mở bao thư ra. Nhưng
thật lạ lùng, chiếc bao thư bây giờ chỉ chứa toàn giấy báo có khuôn khổ
như tờ giấy bạc. Phải mất vài phút ông mới nghĩ ra cách lường gạt của
chúng. Dĩ nhiên cần có hai người mới thực hiện được sự lừa gạt này: Tên
thứ hai đưa lại chiếc bao thư đựng 100 đô la cho tên thứ nhất để yêu cầu
coi lại. Với tài nghệ nhanh nhẹn, tên thứ hai tráo lại với chiếc bao
thư khác chứa giấy vụn, trên cũng đề câu $100 = 3,000 rupees y hệt chiếc
bao thư kia. Một điều chúng cũng cần biết là có bao nhiêu tiền lẻ để
chuẩn bị số tờ giấy cho khách khỏi nghi ngờ. Thật là đơn giản và không
biết bao nhiêu du khách đã bị lừa do mánh khóe này.
Giáo sư Anderson gọi thêm ly cà phê đá thứ nhì. Khi điếu thuốc
thứ nhì cũng đã tàn, ông trở về lại khách sạn không quên mua chiếc bao
thư nhỏ màu nâu tại tiệm bên cạnh. Ông lấy và đếm đủ 500 đô la ra rồi bỏ
vào.
Vài phút trước 7 giờ, ông rời khỏi khách sạn, băng qua đường
Galle để tới đường 22, một con đường chạy thẳng ra biển. Chẳng bao xa,
tên lừa đảo bước ra từ một cửa hàng và cũng vẫn là xếp của hắn ra gặp
ông, vở kịch lại tái diễn đúng như đã xẩy ra vào mười năm trước.
Sau đó tên “xếp” nói với ông:
- Trở lại sau 10 phút để lấy tiền rupee nhé.
- Được rồi, tôi sẽ trở lại sau mười phút.
Trở về khách sạn, mở chiếc bao thư màu nâu ra và thấy toàn
giấy vụn. Ông cười gằn, vất tất cả vào thùng rác rồi xuống phòng ăn.
Giáo sư Anderson có những ngày nghỉ thật thú vị. Đỉnh ngọn
Adam thật tuyệt vời hơn cả những gì trong cuốn sách chỉ dẫn du lịch
quảng cáo. Ông đã lên tới tận đỉnh để ngắm mặt trời mọc, ngắm bóng ngọn
núi in trên những đám mây hay đám sương sớm ban chiều phía dưới. Quang
cảnh phía đông và tây cũng như biển ở cả hai phía thật đẹp. Cố đô
Polonnaruwa và Anuradhapura thật đáng ghi nhớ, những vườn thảo mộc tại
Hakdagla trồng thật nhiều loài kỳ hoa dị thảo.
Ông là khách của tiến sĩ Abeywira và phu nhân trong buổi tiệc
cuối cùng tại Columbo. Cả ba người con của ông bà đều tham dự. Ông hứa
sẽ trở lại vào kỳ hội nghị tới.
Khi chiếc máy bay chạy trên phi đạo và cất cánh giáo sư
Anderson thoải mái nhìn qua cửa kính, hàng cây cọ trồng dọc theo bãi
biển mờ dần. Chiếc phi cơ bay về phía mặt trời ở hướng tây. Nghỉ lại,
đây là một cuộc hội thảo đầy bổ ích, ông có dịp làm quen với những nhà
khoa học nổi tiếng trên thế giới như giáo sư Julo Asquinas đang làm việc
ở viện y khoa nhiệt đới tại Bologa, trong tương lai ông này chắc sẽ
giúp rất nhiều cho công cuôc nghiên cứu độc chất batrachotoxin mà ông
đang làm. Ngoài ra ông cũng hài lòng với những ngày nghỉ mà bao năm ông
mơ ước.
Ông móc túi lấy ra mảnh giấy báo cắt ra từ tờ Sunday Observer,
một tờ báo Anh ngữ tại Tích Lan. Tiến sĩ Abeywira đã đưa cho ông tờ báo
này để lưu ý ông. Đây là lần thứ nhì ông đọc bản tin:
Sở cảnh sát lúng túng trước cái chết của hai người là
Razeen Ibrahim và Gopal Vettinuram. Hai người này chết vào tối thứ Sáu
qua tại một căn nhà đường 22. Các bác sĩ tại bệnh viện Columbo General
Hospital xác định hai người này chết là do một loài động vật thật độc
cắn phải mặc dù trên thân thể của họ không có vết cắn. Ibrahim và
Vettinuram là hai kẻ có những thành tích tội phạm từ lâu về lừa gạt cũng
như ăn cắp xe hơi, nhưng vì chưa có đủ bằng chứng để bị đưa ra toà. Một
cuộc khám nghiệm tử thi sẽ được thực hiện vào ngày thứ Hai.
Giáo sư Anderson cất mảnh giấy vào túi áo. Ông để ý hai
tên này có thói quen cắn móng tay khi có quyết định nhanh để tránh cảnh
sát bắt trong khi đang hành nghề lừa đảo.Thấy thói quen này, một ý nghĩ
trả thù lóe lên. Ông tự hỏi không hiểu chúng có nghi ngờ khi đếm những
tờ giấy bạc ẩm ướt mà ông đã thấm chất độc tố cực độc vào không.
Giáo sư Anderson ngồi thoải mái trên ghế, đầu tựa vào tấm kính
và chìm vào giấc ngủ khi tiếng động cơ của chiếc máy bay rầm rì bên
tai. Phía trên đầu là chiếc ngăn chứa những chiếc xách tay nhỏ. Ông để
những chiếc lọ chứa độc chất batrachotoxin trong đó. Tại sân bay ở Tích
Lan, một người phu bất cẩn ném mạnh chiếc xách tay xuống đất khiến những
chiếc lọ bị bể ra và bây giờ chiếc máy bay rung chuyển làm chất độc
trong những chiếc lọ rỉ ra. Nó chẩy xuống thành những giọt nhỏ lên má
giáo sư, lan xuống những vết cắt nhỏ tại góc miệng mà sáng nay ông vô
tình làm đứt. Và khi phi cơ hạ cánh, khi hành khách đã xuống hết người
ta phát giác ra là giáo sư Anderson đã chết và nguyên do từ một độc chất
của một loài loài động vật cực độc mặc dù trên thân thể của ông không
có vết cắn nào.
https://vietvanmoi.fr/index3.10370.html
No comments:
Post a Comment