Khi quân Đức tấn công Liên Xô vào mùa hè 1941, xe tăng là yếu tố chủ chốt đem lại thành công ban đầu.
Xe tăng Đức gầm rú dọc biên giới Liên Xô, khiến đối phương không kịp trở tay.Hồng quân rút lui trước cuộc tấn công bất ngờ, và những lực lượng hùng hậu nhất của Đức tràn qua vùng nay là Belarus.
Đã nổ ra những chiến trường khốc liệt, nơi mặt đất ngổn ngang xác chết và những cỗ máy bị phá hủy.
Nay, hơn 75 năm sau cuộc giao tranh, cả xe tăng Liên Xô lẫn xe tăng Đức đang được đưa đi lên từ những đầm lầy ở Belarus.
Một gia đình người Belarus đã tìm kiếm gom nhặt những mảnh vỡ xe tăng từ các vùng đầm lầy rộng lớn trên cả nước rồi phục chế chúng.
Đi cùng nhiếp ảnh gia Anton Skyba, tôi có cơ hội chứng kiến một chiếc tăng hạng nặng của Liên Xô, KV-1, được phục chế, và được đưa vào tham gia tái hiện quang cảnh một trận đánh trong thời Thế chiến thứ hai.
Gia đình Yakushevs là những "người săn xe tăng" nổi tiếng nhất Belarus.
Trước kia, Vladimir Yakushev làm nghề thợ máy cho hợp tác xã nông nghiệp. Một hôm, có mấy người nhờ ông đi tìm và trục vớt lên một chiếc tăng BT-7 mắc kẹt dưới đầm lầy kể từ hồi 1942.
Những người cao tuổi ở địa phương nói chiếc xe tăng đã bị chìm xuống chỗ nền đất mềm lún ở gần một con suối, nhưng không ai biết chính xác là chỗ nào.
Vladimir cho rằng chiếc xe tăng đã chặn dòng suối, khiến nước phải chảy vòng theo hướng khác. Ông đã hoàn toàn đúng - chiếc BT-7 được tìm thấy nằm cách 10m so với dòng suối hiện thời.
Đó là câu chuyện của gần 20 năm về trước.
Kể từ đó, Vladimir và các con trai đã trục vớt được hàng chục chiếc và hầu như chiếc nào cũng được phục chế để trở lại tình trạng hoạt động được.
Nay, Vladimir là kỹ sư trưởng và là nhà phục chế tại khu tổ hợp lịch sử, văn hóa có tên Stalin Line nằm gần thủ đô Minsk.
Cả hai con trai ông, Aleksei và Maxim, đều làm việc cùng cha ở khu nhà xưởng của bảo tàng.
Gia đình Yakushev là việc theo một lịch trình đều đặn. Họ làm việc và sống tại khu vực bảo tàng trong 9 ngày, rồi đi 270 km về quê nhà và ở đó trong năm ngày.
Họ sống trong một căn hộ nhỏ, có bếp và một phòng sinh hoạt chung rộng rãi, nơi họ đặt mấy cái giường để nghỉ trong những ngày làm việc tại xưởng.
"Đã có thời kỳ chúng tôi ngủ trong xe tải," Vladimir nói. Ông đã đi đi về về giữa Stalin Line và quê nhà trong chín năm. Một người con trai ông đi theo cha từ năm 2010, và một người nữa, từ 2012.
Gia đình nhà Yakushev không phải là những người duy nhất đi săn xe tăng ở Belarus. Những tay không chuyên khác cũng đi tìm những chiếc xe thất lạc.
Tuy nhiên, việc lấy được xe lên sau khi phát hiện ra là công việc rất tốn thời gian, và giấy phép đi tìm kiếm, trục vớt các thiết bị quân sự phải do trực tiếp tổng thống nước này, ông Alexander Lukashenko, cấp.
Chỉ có hai nhóm có giấy phép đó.
Nhà Yakushev và một chuyên gia phục chế, Alexander Mikalutski, là nhóm đầu tiên.
Nhóm thứ hai là một câu lạc bộ nghiệp dư có tên là Poisk, nơi Vladimir và Makalutski bắt đầu học hỏi về nghề này hồi gần 20 năm về trước.
"Ngay từ hồi đầu, chúng tôi làm việc không được trả lương. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể trục vớt các xe tăng lên, phục chế chúng và kiếm tiền từ đó. Nhưng chúng tôi đã phải làm tại Poisk trong chín năm và chỉ được trả lương có một năm. Tôi đã phải trồng khoai tây, dưa chuột, rồi bán lấy tiền sinh sống," Vladimir nói.
Nay nhóm là việc với mức lương chính thức, cố định. Niềm đam mê đã trở thành công việc của họ, và bản thân công việc khiến họ có cảm giác như lúc nào cũng đang trong kỳ nghỉ.
"Khi bạn có một công việc tốt thì bạn không có nhu cầu đi nghỉ," họ nói đùa. "Chúng tôi muốn tạo ra các sản phẩm mới."
Đối tượng chính của những cuộc đi săn xe tăng này là các thiết giáp xa bị chìm dưới những đầm lầy, mà nhiều chiếc là do rớt từ trên cầu xuống nền đất mềm lún. Những chiếc chìm hẳn dưới mặt nước là những chiếc được bảo quản tốt.
Xe tăng, ngay cả khi bị súng đối phương bắn cháy (mà lính tăng gọi là "bị ủ" - "brewed up"), hiếm khi bị vứt bỏ.
Nếu có thể được đưa lên và sửa chữa thì nó sẽ được một lữ đoàn bảo dưỡng thiết bị đem đi.
Người Đức đặc biệt giỏi trong việc này. Nếu họ không thể lấy lên thì chiếc xe tăng sẽ được tống đầy chất nổ vào để phá hủy thay vì để rơi vào tay đối phương.
"Chúng tôi đã nâng được hai chiếc Panzer 38(t) bị bắn cháy, và một chiếc StuG III, loại xe tăng có gắn tháp pháo ở trên, đã te tua thành từng mảnh," các nhà phục chế nói.
Qua thời gian, những người săn lùng xe tăng chỉ nâng lên được có năm chiếc xe tăng còn nguyên vẹn. "Hầu như là còn nguyên," Vladimir nói. "Chúng tôi lắp những mâm pháo mới vào."
Thường thì chúng cần phải được lắp ráp để tạo thành một mẫu xe hoạt động được, với những mảnh nhỏ lấy từ nhiều xe tăng khác nhau. Một chiếc xe của Czech, nay được đặt tại bảo tàng kỹ thuật ở Tolyatti tại Nga, đã được lắp ráp từ các mảnh của ba chiếc xe khác nhau.
Nhóm làm việc đã thu thập dữ liệu trong hàng tháng mỗi khi cần nâng lên một chiếc xe tăng. Họ tìm sự hỗ trợ từ các hồ sơ lưu trữ và từ các cư dân lớn tuổi, trong đó có những người từng trải qua thời chiến khi còn nhỏ. Sau đó, họ lang thang trong rừng và các đầm lầy để tìm kiếm.
Vladimir là người dày dạn kinh nghiệm nhất trong việc đi tìm qua bãi bùn. Nếu chiếc xe bị vùi quá sâu, họ sẽ mặc các bộ đồ bảo hộ chịu được hóa chất. Họ dùng máy dò kim loại và dò tìm dưới lớp bùn bằng các thiết bị thăm dò đặc biệt, dài đến 8 mét.
"Dễ tìm ra thôi, nếu như bạn được chỉ cho một địa điểm cụ thể," Mikalutski nói. "Nhưng để có được điểm cụ thể đó bạn có thể phải đi chừng 5 km qua các đầm lầy hoặc trong lớp tuyết dày. Bạn tới được địa điểm và rồi bạn phải bò lui trở lại..."
Để đảm bảo an toàn, những người đi lùng xe tăng không bao giờ đi vào đầm lầy một mình.
Họ thường ngủ qua đêm trong một chiếc xe van ở gần đầm lầy. "Đợt sương giá lạnh nhất mà chúng tôi từng trải qua khi ngủ trong xe van là -33C. Anh phải quen với việc tới nơi, thay đồ và ẩn mình bên trong chiếc xe," Vladimir nói,
Mùa hè thì lại phát sinh vấn đề khác. "Vo ve suốt đêm, muỗi nhiều tới mức có thể lật đổ được cả chiếc xe van."
Các chất để phòng chống côn trùng thì không tác dụng gì ở nơi đầm lầy. Điều kiện nơi đây trở nên cực kỳ khắc nghiệt trong thời tiết nóng nực: họ phải mặc những chiếc áo khoác dày và phải đội mũ ngay cả khi trời nóng 30C để tránh hàng đám mây côn trùng lao đến.
Khi chiếc xe tăng được trục vớt lên, các sỹ quan từ Bộ Nội vụ sẽ tới lấy hết thuốc súng đi và phong tỏa khu vực để không ai "bị bắn tung đầu". Các nhân viên của Bộ Phản ứng Khẩn cấp sẽ rút cạn nước ở khu vực chiếc xe tăng bị chìm xuống. Sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ gửi các đội phá mìn đến để dọn sạch mìn trong lúc thuốc súng được lấy đi tiêu hủy.
Sau đó, chiếc xe tăng được choàng cáp thép để chiếc xe tải lớn cẩu lên.
Hồi 11/2015, có một chiếc KV-1 được cẩu lên ở khu vực gần Senno thuộc vùng Vitebsk của Belarus.
Chiếc KV-1 đã mắc kẹt ở đó từ 7/1941, khi một trong những chiến trường đấu tăng lớn nhất thời Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Tại trận chiến này, đã có khoảng 2.000 chiếc tăng tham chiến, trong đó có chiếc KV-1 mới được trục vớt.
Sau một trận đánh kéo dài, các lực lượng Xô-viết buộc phải rút lui; các xe tăng được lệnh phải đi qua rừng để tránh bị không kích. Chiếc tăng lớn cỡ 47 tấn này đã mắc kẹt trong đầm lầy. Đội lái tăng đã cố lôi nó lên, nhờ dân làng trợ giúp bằng cách luồn các súc gỗ xuống bên dưới bánh xích. Nhưng chiếc xe tăng vẫn không nhúc nhích được, và họ đã phải cho nổ tung nó đi. Cú nổ mạnh thổi văng tháp pháo đi vài mét, chiếc tăng chìm xuống đầm lầy - nhưng nó đã tồn tại được đến ngày nay. Trong quá trình trục vớt, có tám quả đạn pháo chưa phát nổ được lấy đi.
Không chỉ tìm thấy những quả đạn pháo, người ta còn thấy cả chocolate, những chiếc lược chải tóc, và những món đồ cá nhân nữa. Vladimir Yakushev thu thập được những thứ độc đáo khi họ trục vớt một chiếc tăng cỡ trung của Đức, Panzer III, bị chìm dưới đầm lầy ở vùng Vitebsk.
"Chiếc xe tăng hoàn toàn mới, mới chạy được có 400 km. Đội lái tăng đã vội vã rời khỏi xe, bỏ lại mọi thứ nguyên vị trí." Một cặp ống nhòm, tất, những cuốn sách về nông nghiệp và sách kế toán được tìm thấy trong chiếc xe tăng bị lộn nhào.
Có vẻ như người Đức đã tin chắc rằng họ sẽ làm chủ được Liên Xô, và đã sẵn sàng chuẩn bị các kế hoạch hậu xung đột.
Một gói đồ gửi từ Đức cho một trong các lính tăng được tìm thấy trong chiếc xe tăng. Bên trong gói đồ có những dao cạo râu và những chiếc lược Liên Xô.
"Chúng tôi thậm chí còn ăn chocolate Đức lấy từ trong chiếc xe tăng này," Mikalutski nói. Nay, chiếc xe tăng phục chế nằm ở Bảo tàng Quốc gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại Belarus, tại Minsk.
Một chiếc xe tăng, Vladimir nói, được tìm thấy với toàn bộ nhóm lính tăng bên trong. Các bộ xương cốt đã được đưa tới Bộ Quốc phòng Belarus.
Việc trục vớt bao giờ cũng đơn giản hơn so với việc phục chế.
Trong thời chiến, việc chế tạo tăng được làm với quá trình thần tốc. Cả Liên Xô lẫn Đức đều có rất ít thời gian cho việc thiết kế và dựng bản chuẩn ban đầu. Đôi lúc xe tăng được đưa vào sản xuất quá sớm; khi xe T-34 của Liên Xô được vội vã đưa vào sản xuất hồi 1941, đã có hơn 800 điểm cần điều chỉnh phải làm đối với mẫu thiết kế tính đến cuối năm đó, trong đó có một số phần phải làm lại toàn bộ.
Khi các nhà phục chế dựng lại toàn bộ một chiếc xe tăng bằng các mảnh, phần thiết bị lấy từ nhiều chiếc xe tăng khác nhau, công việc của họ giống như một kiểu chơi xếp hình từ các mảnh ghép phức tạp vậy.
Đôi khi, ông là người duy nhất biết cách lắp một thiết bị dự trữ vào như thế nào, hoặc hiểu lý do vì sao chiếc xe tăng không nổ máy.
Vladimir được đào tạo nghề cơ khí. Để giúp đỡ cha, con trai ông là Maxin đã trở thành thợ hàn và Aleksei làm thợ sơn. Mikalutski là cựu kỹ sư biển, từng làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ của hải quân trong tám năm.
Không phải mọi chiếc xe tăng đều được sản xuất như nhau. "Nếu anh muốn thay một bộ phận trong chiếc xe tăng Đức thì anh phải tháo tung ra một nửa cỗ máy," Vladimir nói.
"Xe tăng Liên Xô thì được lắp ráp rất nhanh, bởi trong thời chiến thì đến trẻ con cũng phải đi hàn những cỗ máy đó." Nhóm phục chế nói rằng ở một số vỏ xe, họ thấy có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đó là do trẻ con làm.
Chiếc KV-1 mà họ tìm thấy cần năm tháng để phục chế.
Nay, nó chỉ khác với chiếc tăng KV-1 nguyên thủy ở một vài bộ phận.
Đức rất ngại tăng KV-1 của Liên Xô, bởi vỏ thép của nó quá dày, đạn pháo Đức không xuyên qua nổi.
Vào 8/1941, nhóm các chỉ huy tăng Liên Xô ở Kolobanov trong một chiếc KV-1 đã hạ gục 22 chiếc xe tăng Đức chỉ trong vòng 30 phút, sau khi giăng bẫy phục kích ở gần thành phố Leningrad. Chiếc KV-1 mà chúng tôi tham quan, theo dõi trong quá trình viết bài này đã được phục chế để đánh dấu kỷ niệm 75 năm trận chiến Kolobanov.
Sau khi được phục chế, các xe tăng này sẽ đi đâu?
Một số được để trên các cột trụ cao, trở thành những đài tưởng niệm (thực tế là thị trấn nào ở Belarus cũng có một chiếc), một số được trưng bày trong các triển lãm ở Belarus và ở Nga.
Việc bán chúng ra nước ngoài không phải là dễ. Không phải cỗ máy giao chiến nào cũng có thể đem bán. Giấy phép bán chỉ được cấp nếu như đó là loại tăng có hơn hai chiếc ở nước này.
Chiếc BT-7 mà nhóm góp phần làm sống lại hiện là chiếc duy nhất còn hoạt động trên thế giới.
"Nó hoạt động, chạy được. Nếu chạy bằng bánh thì nó di chuyển được ở tốc độ 70kmh, còn nếu dùng bánh sắt thì 55kmh," Vladimir nói. "Vào thời điểm nó được chế tạo thì đó là loại tăng chạy nhanh nhất. Nó có thể phi như bay qua các cây cầu."
Thời còn làm việc ở câu lạc bộ, họ đã bán một chiếc thiết giáp xa Đức, SdKfz 252, cho một nhà sưu tầm ở Anh, và một chiếc tăng hạng nặng IS-2 , cho một nhà sưu tầm tư nhân tại Latvia.
Việc này không giúp các nhà phục chế làm giàu.
Vladimir lái một chiếc xe hai cầu cũ của Liên Xô, xe Niva. Thỉnh thoảng họ phải tự sửa xe. May mà họ rất thạo việc.
Số lượng tăng nhiều nhất được để tại khu vực bảo tàng của Stalin Line. Các mẫu xe vẫn hoạt động thì nằm ở khu nhà kho sửa chữa. Những lúc không bị 'đắp chiếu' là những lúc chúng tham dự các cuộc diễu hành, hoặc để quay phim.
Các nhà phát triển trò chơi máy tính World of Tanks thậm chí đã tới thăm để thu lại âm thanh phát ra từ các loại xe tăng khác nhau.
***
Ít nhất là 15 lần một năm, khu tổ hợp vốn được xây thành nơi sưu tầm các cỗ máy còn hoạt động có từ thời Đệ nhị Thế chiến lại tái hiện các trận chiến.
Chiếc KV-1 được phục chế giờ đây đang rời khỏi khu nhà kho để tham dự vào một cuộc biểu diễn như thế. Nhóm các nhà phục chế đội mũ sắt và biến thành nhóm lái xe tăng - họ cũng là một phần của buổi diễn.
"Chúng tôi luôn lái chiếc xe tăng được phục chế cuối cùng," họ nói. "Chúng tôi không tin tưởng giao xe cho những người khác: nếu như họ làm hỏng bộ số thì chiếc xe sẽ trở thành đài tưởng niệm."
Việc trình diễn ngoài trời cho thấy một chương đoạn đời sống ở một ngôi làng Belarus trong thời Đệ nhị Thế chiến. Sự kiện này tái hiện Chiến dịch Bagration hồi 1944, sự kiện dẫn đến việc giải phóng vùng đất nay là Belarus.
Những chiếc xe tăng gầm lên, nhả đạn, nhưng tất nhiên là không có thuốc súng.
Sau màn tái hiện, chiếc xe tăng mới được phục chế được đem đi rửa sạch sẽ.
Hôm nay, chiếc tăng KV-1 đã giả vờ bắn hạ được hai xe tăng Đức, gồm một chiếc Panzer III và một chiếc Panzer 38(t). Nhưng các nhà phục chế không tỏ ra ưu ái nó hơn những chiếc tăng khác. "Tất cả các xe tăng của chúng tôi đều được yêu quý, kể cả những xe Đức," Mikalutski nói.
"Hồi đầu, chúng tôi phục chế chủ yếu là xe tăng Liên Xô, nhưng khi các màn trình diễn lại các sự kiện được tổ chức, thì cần phải có xe tăng Đức. Đi tìm và làm ra một 'chiếc Đức' là điều rất thú vị," ông nói. "Mỗi khi có một chiếc xe rời xưởng là lại có giọt nước mắt vui sướng nhỏ xuống vỏ sắt của nó."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
No comments:
Post a Comment