Ngày 8 tháng 5, hội nghị Geneva bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi
phục hòa bình ở Đông Dương. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đề ra lập trường: - Pháp công nhận độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. - Ký một hiệp
định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do
các bên tham chiến ấn định. Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của
Quốc gia Việt Nam nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì không chấp
nhận việc chia cắt Việt Nam Trung Quốc không quan tâm đến lợi ích của
những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tại ba nước Đông Dương. Trung
Quốc thoả hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh
thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ chống Pháp tại các nước này Khi
hội nghị thảo luận đến vấn đề quy định một giới tuyến để quân đội Pháp
rút về phía Nam và quân đội Việt Minh rút về phía Bắc, ông Phạm Văn Đồng
đề nghị một đường ranh giới dọc theo vĩ tuyến 13. Trong tình hình thảm
hại của lực lượng Pháp sau thất bại Điện Biên Phủ, và số còn lại trong
những lực lượng tinh nhuệ của họ thì đang bị bao vây ở đồng bằng Sông
Hồng và các nơi khác ở miền Bắc, đó không phải là một đề nghị không phải
chăng. Đề nghị đó sẽ cho Việt Minh có 100km biên giới chung với
Cam-pu-chia và sẽ bù đắp lại việc họ không giành được một vùng tập kết
cho các lực lượng Khơ-me I-xa-rắc. Nhưng, trước “chủ nghĩa thực tế” và
“chủ nghĩa thực dụng” đó, từng bước ông Phạm Văn Đồng đã buộc phải lùi
đường ranh giới của mình qua vĩ tuyến 14 (như vậy cũng vẫn cho Việt Minh
có một biên giới nhỏ với Cam-pu-chia), rồi qua vĩ tuyến 15 tới vĩ tuyến
16, tại đó ông kiên quyết giữ lập trường. Đã hai lần trong lịch sử
Việt Nam, vĩ tuyến 16 từng là ranh giới phân chia tạm thời. Sau chiến
tranh thế giới lần thứ II, khi quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc kéo vào
phía Bắc và quân đội Anh vào phía Nam (bề ngoài là để vây quét tàn dư
của quân đội chiếm đóng Nhật và đưa chúng về Nhật), đường ranh giới giữa
hai lực lượng này chạy dọc theo vĩ tuyến 16 và qua ngoại ô phía Nam của
Đà Nẵng. Khi đất nước bị chia cắt giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn vào thế
kỷ thứ 17, đường ranh giới cũng chạy dọc vĩ tuyến 16 trở thành giới
tuyến lô-gích – nếu cần phải có một giới tuyến. Những người Pháp đòi
một đường ranh giới dọc vĩ tuyến 17. Sau một cuộc gặp riêng giữa Thủ
tướng kiêm Ngoại trưởng mới của Pháp, Pi-e Măng-đét Phrăng và Chu Ân
Lai, Chu ủng hộ lập trường của Pháp. Vấn đề vĩ tuyến 17 hay 16 có một
tầm quan trọng chiến lược trọng yếu. Giữa hai vĩ tuyến đó có Quốc lộ số 9
nối Lào với bờ biển Việt Nam. Người Pháp muốn giữ Quốc lộ 9 để duy trì
sự kiểm soát đối với Lào. Ông Phạm Văn Đồng muốn có nó để có thể tiếp
tục sự ủng hộ của Việt Minh đối với Pa-thét Lào. Người phụ tá của ông
Phạm Văn Đồng, sau này thông báo cho tôi về những gì thực sự đã diễn ra ở
Giơ-ne-vơ, bình luận : “Người Pháp tìm mọi cách để có được con đường
này. Chính tại cuộc gặp gỡ ở Béc-nơ giữa Chu và Măng-đét Phrăng, người
Trung Quốc đã nhượng bộ. Trước cuộc họp đó, và sau lưng chúng tôi, họ đã
thảo một dự thảo hiệp định, mà những chi tiết cuối cùng đã được hoàn
tất tại Béc-nơ. Chúng tôi đứng trước một sự đã rồi, nhưng còn một vấn
đề, chúng tôi kiên trì và không chịu nhượng bộ. Chu Ân Lai khuyên chúng
tôi đặt Hà Nội và Hải Phòng, và Quốc lộ số 5 nối liền hai thành phố đó,
dưới sự kiểm soát của liên hợp Pháp – Việt! Điều đó phù hợp với người
Trung Quốc vì khu vực phía bắc con đường Hà Nội – Hải Phòng vẫn có thể
cung cấp một khu đệm đáng kể để bảo vệ biên giới phía Nam của Trung
Quốc. Chúng tôi bác bỏ điều này, cũng như đã bác bỏ một cố gắng sau đó
của Pháp muốn đẩy giới tuyến lên đến vĩ tuyến 18. Nhìn lại, chúng tôi
thấy người Trung Quốc đã làm hết mọi việc có thể làm – mà chúng tôi phải
trả giá – để tranh thủ chính phủ mới ở Pháp. Quan hệ của họ với Mỹ vẫn
còn xấu xa và họ cần một người bạn phương Tây”. Vấn đề lớn thứ hai gắn
liền với vấn đề xác định giới tuyến là việc quy định thời gian tuyển cử.
Tất cả mọi người dự hội nghị đều đồng ý về nguyên tắc rằng tuyển cử sẽ
được tiến hành sau khi cách ly các lực lượng chiến đấu. Ông Phạm Văn
Đồng muốn tuyển cử ở Việt Nam được tiến hành càng sớm càng tốt. Người
Pháp muốn tuyển cử bị trì hoãn càng lâu càng tốt, cũng như họ muốn giới
tuyến càng bị đẩy lên phía Bắc càng tốt. Người Trung Quốc ủng hộ người
Pháp về thời gian cũng như về không gian. Chu Ân Lai nói rõ với người
Pháp rằng Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ trước hết là để bảo vệ lợi ích của
chính mình chứ không phải lợi ích của các lực lượng cách mạng Đông
Dương. Điều này trở nên sáng tỏ một cách tàn nhẫn trong một cuốn sách về
Hội nghị Giơ-ne-vơ, dựa trên những tài liệu về Hội nghị chưa hề được
công bố, của nhà viết sử và chuyên gia về Châu Á người Pháp Phrăng-xoa
Gioay-ô – Tác giả kể lại một cuộc họp giữa Chu Ân Lai và An-tô-ni I-đơn
tại Giơ-ne-vơ một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Anh công bố quan hệ ngoại
giao giữa hai nước sẽ được nâng lên hàng đại sứ. “Trưởng đoàn đại biểu
Trung Quốc đã nói riêng với I-đơn là ông ta nghĩ rằng có thể ‘thuyết
phục được Việt Minh rút khỏi Lào và Cam-pu-chia’. Qua đó, Trung Quốc đã
đi một bước rất dài theo luận điểm của người Cam-pu-chia, người Lào,
người Anh và người Pháp. Điều đó bao hàm việc thừa nhận rằng Việt Minh
đúng là kẻ xâm lược ở hai nước đó, ngược lại với luận điểm lâu nay của
Việt Minh – đó cũng là coi các vấn đề Lào và Cam-pu-chia không giống như
vấn đề Việt Nam. Ngoài ra, Chu Ân Lai còn nói sẵn sàng công nhận tính
chất hợp pháp của các Chính Phủ Vương quốc Lào và Cam-pu-chia ngay khi
nào ông ta được bảo đảm rằng không một căn cứ quân sự nào của Mỹ được
xây dựng ở hai nước này”. Trung Quốc thực sự đã quyết định quay lưng lại
các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào và Cam-pu-chia để cầu xin
ân huệ của các Chính phủ Anh và Pháp. Hiển nhiên I-đơn đã nhanh chóng
truyền đi điều đó. Buổi chiều ngày Chu Ân Lai gặp I-đơn (16 tháng 6),
các đoàn đại biểu Vương quốc Cam-pu-chia và Vương quốc Lào cực lực đòi
phải “rút toàn bộ” quân đội Việt Minh khỏi lãnh thổ của họ. Chu Ân Lai
bèn đưa ra một đề nghị 6 điểm trong đó kêu gọi chấm dứt chiến sự đồng
thời ở Lào, Cam-pu-chia và ở Việt Nam. Trong đó cũng đề nghị rằng đại
diện của các “bên tham chiến” (có nghĩa là Việt Minh và Pháp, và không
đả động gì đến Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào) phải thương lượng ở
Giơ-ne-vơ để chấm dứt chiến sự, Bài phát biểu ngắn của ông Đồng tại
phiên họp bế mạc phản ánh sự cay đắng của ông khi phải chấp nhận những
quyết định do sự áp đặt của người khác, bè bạn cũng như đối thủ. Các nhà
báo không được dự phiên họp này (cũng như mọi phiên khác), nhưng
Gioay-ô đã tóm tắt những gì đã xảy ra: “Ông Phạm Văn Đồng chỉ có một câu
cám ơn hai đồng Chủ tịch, chứ không nói một lời nào biết ơn đối với
Trung Quốc. Liệu có thể giải thích sự im lặng này một cách nào khác hơn
là dấu hiệu về sự bất bình của Việt Minh đối với đồng minh của họ, những
người tuy là nguồn ủng hộ vững chắc trong quá trình thương lượng, nhưng
vẫn không ngần ngại tìm cách hạn chế những yêu cầu của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, mỗi khi lợi ích dân tộc của chính họ đòi hỏi?”. Tối
ngày 22 tháng 7, ông Phạm Văn Đồng và các thành viên khác của đoàn đại
biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự một cuộc chiêu đãi của Chu Ân Lai
để “chúc mừng thắng lợi của Hội nghị”. Họ chờ đợi một cuộc “chúc mừng
giữa những người đồng chí”. Họ rất ngạc nhiên khi thấy đoàn đại biểu
Liên Xô đã không được mời, trong khi các đoàn đại biểu của “Hoàng đế”
Bảo Đại, Vương quốc Lào và Cam-pu-chia lại có mặt. Chu Ân Lai trước hết
nâng cốc chúc mừng Hoàng đế Bảo Đại rồi đến Vua lào và Vua Cam-pu-chia.
Người phụ tá cao cấp của ông Phạm Văn Đồng (mà tôi đã trích dẫn trước
đây) nói với tôi : “Chúng tôi hầu như không thể tin ở mắt và tai mình
nữa. Về sau, chúng tôi thấy vấn đề rõ hơn. Trung Quốc muốn các nước Đông
Dương nằm trong túi mình, và hy vọng rằng ba Vương quốc ở đây sẽ được
duy trì như những nước triều cống như kiểu Thiên hoàng trị vì đế quốc
Trung Hoa với những quốc gia phiên thuộc! Trung Quốc không thể coi
thường hơn nữa nội dung xã hội của các quốc gia ấy cũng như số phận của
các lực lượng cách mạng ở đó – Nhìn lại những gì xảy ra sau này với
Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia và việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam rõ ràng đã
được khởi động bởi thái độ của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và đặc
biệt là cuộc chiêu đãi cuối cùng này”. Chu Ân Lai đã bố trí để tại cuộc
chiêu đãi các trưởng đoàn Cam-pu-chia và Lào, Tép Phan và Phủi
Xa-na-ni-côn, ngồi cùng một bàn với vài phụ tá cao cấp của Chu Ân Lai.
Tại bàn do Chu Ân Lai chủ trì, Ngô Đình Luyện (em Ngô Đình Diệm, người
mới được CIA đưa lên cầm quyền ở Sài Gòn) được xếp ngồi giữa Phạm Văn
Đồng và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa. Ngô Đình Luyện và Tạ Quang Bửu đã từng cùng học tại Pháp và Chu Ân
Lai tìm hết cách làm cho hai người gợi lại những kỷ niệm thời thanh
niên. Có lúc, Chu gợi ý Ngô Đình Luyện sang thăm Bắc Kinh. Khi Luyện hỏi
sang đó dưới danh nghĩa nào, Chu Ân Lai trả lời: “Tại sao các ngài
không đặt một công sứ quán ở Bắc Kinh?”. Nhận thấy ông Phạm Văn Đồng
giật nẩy người phản ứng, Chu Ân Lai lạnh lùng nói rằng việc ông Phạm Văn
Đồng gần gũi với Trung Quốc hơn về tư tưởng không loại trừ việc Sài Gòn
có đại diện ngoại giao tại Bắc Kinh. “Dù sao, hai ngài đều chẳng phải
là người Việt Nam cả sao, và tất cả chúng ta đây chẳng phải là người
Châu Á cả đó sao?”. Đây nữa lại là một viên thuốc đắng mà ông Phạm Văn
Đồng phải nuốt tại Giơ-ne-vơ. Lý do khiến Chu Ân Lai ủng hộ việc đẩy lùi
càng lâu càng tốt cuộc tổng tuyển cử để tái thống nhất đất nước đã trở
nên quá rõ ràng. Trung Quốc quan tâm tới việc mở rộng ảnh hưởng của
chính mình ở Sài Gòn hơn là giúp Việt Minh giành thắng lợi chính trị và
tái thống nhất đất nước. Se-xtơ Rôn-ning, đã từng là quyền trưởng đoàn
đại biểu Ca-na-đa tại phần bàn về Triều Tiên của Hội nghị và đã được lưu
lại làm quan sát viên trong quá trình thương lượng về Đông Dương, nhận
xét : “Chính những nhân nhượng của Chu và những nhân nhượng mà ông ta đã
buộc Cụ Hồ Chí Minh phải chấp nhận đã giúp Măng-đét Phrăng đạt được các
hiệp nghị về Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Mặc dù Tướng Giáp đã chiến
thắng các lực lượng quân sự của Pháp ở Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng đã
phải nhân nhượng điều quan trọng nhất khi ông chấp nhận sự chia cắt tạm
thời của Việt Nam trong thời gian 2 năm. Nhân nhượng đó cuối cùng đã
ngăn cản việc tái thống nhất”. Nhà ngoại giao Ca-na-đa nói gần đúng.
Thực ra, nhân nhượng lớn nhất của Cụ Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng là
đã đồng ý tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Các lực lượng của họ đang ở thế
chiến thắng. Cùng với các chiến thắng của Pa-thét Lào và Khơ-me
I-xa-rắc, họ đã có thể chấm dứt sự có mặt về quân sự của Pháp trên toàn
cõi Đông Dương. Nhưng việc đó không phù hợp với điều mà Trung Quốc coi
là lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Như Gioay-ô đã viết, Trung Quốc
có một “cách nhìn về một Đông Dương đa dạng trong đó Lào và Cam-pu-chia
phải là đối trọng với Việt Nam”, một cách nhìn mà “sau cuộc ngừng bắn,
đã trở thành một trong những hằng số của chính sách của Trung Quốc ở
Đông Dương”. Trong thời gian Hội nghị Giơ-ne-vơ, ít nhất là trên ba điểm
Trung Quốc đã ngăn cản mục đích của Việt Minh bằng chính sách cổ điển
của họ. Trước hết, ngày 16 tháng 6, trong khi đề nghị tách vấn đề Lào và
Cam-pu-chia khỏi vấn đề Việt Nam, Trung Quốc đã góp phần tăng cường
tính chất đại diện của các chính phủ Vương quốc Viêng-chăn và Phnôm Pênh
ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời làm tiêu tan những hy
vọng của Việt Minh nhằm thành lập ở sườn phía Tây và Tây-Nam những chính
phủ cách mạng trung thành với Việt Minh. Cũng như vậy, ngày 23 tháng 6,
tại Béc-nơ, trong khi cho Măng-đét Phrăng biết rằng ông ta (Chu Ân Lai)
sẽ thúc đẩy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhích lại gần Việt Nam của Bảo
Đại, rồi ngày 19 tháng 7 tại Giơ-ne-vơ, trong khi đề nghị một thời hạn 2
năm để tổ chức tổng tuyển cử trên toàn cõi Việt Nam, Chu Ân Lai đã tỏ
rõ ý của Trung Quốc là về phần mình: Trung Quốc không phản đối việc Việt
Minh bị đàn áp ở miền Nam… Như vậy là, một Đông Dương mà cuộc cách
mạng, cũng như quá trình thực dân hóa của Pháp trước đây, đã làm thống
nhất lại, sẽ nhường chỗ cho một Đông Dương đa dạng, mà tượng trưng là
bữa tiệc tối cuối cùng của Chu Ân Lai”. ông Phạm Văn Đồng nói chậm rãi
“tôi không biết rồi chúng tôi sẽ giải thích như thế nào về tất cả những
gì đã được quyết định ở đây cho đồng bào chúng tôi ở miền Nam”. Hai mươi
sáu năm sau (tháng 4 năm 1980), ông nói: “Chúng tôi lẽ ra đã có thể
giành được hơn nhiều, nhiều lắm. Chúng tôi đã thỏa thuận trước với người
Trung Quốc về mọi vấn đề - nhưng Chu Ân Lai đã họp kín với Măng-đét
Phrăng, và tất cả đều bị thay đổi. Nếu lúc đó chúng tôi cứ tiếp tục
chiến tranh, thì có lẽ chúng tôi đã thắng và được tất cả. Phải nói rằng
người Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ nguy hiểm trong suốt cuộc
thương lượng, và đã phản bội chúng tôi một cách đê tiện nhất”.
ad NH
Ký kết hiệp định chia đôi đất nước
Toàn cảnh hội nghị Genève 1954
Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đang ký Hiệp định Genève.
Bản đồ Đông Dương.
Các phái đoàn đến dự Hội nghị
Chu Ân Lai đón đoàn Việt nam tới sân bay Genève ngày 4/5/1954 (Phạm Văn Đồng – người mắc áo măng tô sáng, bên trái).
Chu Ân Lai cùng Phạm Văn Đồng tiếp ngoại trưởng Vương quốc Lào & Vương quốc Campuchia tối 21/6/1954.
Genève ngước nhìn Trung Quốc bước vào chính trường quốc tế
No comments:
Post a Comment