; }

CON KINH VĨNH TẾ HUYỀN THOẠI...!

 


ÔNG THOẠI NGỌC HẦU-NGƯỜI THỪA LỆNH VUA NGUYỄN VÀ TỔNG TRẤN GIA ĐỊNH LÊ VĂN DUYỆT: CHỈ HUY CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI....!

Đinh Trực

Kinh Vĩnh Tế là một con kinh rất dài, chảy qua địa phận hai tỉnh: An Giang và Kiên Giang, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Đây là một con kinh đào tay lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ phong kiến.
Con kinh dài 87km, rộng 30m và sâu 2.55m được khởi công từ năm 1819 thời vua Gia Long, và hoàn thành năm 1824 thời vua Minh Mạng tức là cách nay đã gần hai thế kỉ, với tổng số hơn 100.000 nhân công, dân chúng và binh lính tham gia....
Trong quá trình đào con kinh nối từ: Châu Đốc với Hà Tiên, bà Châu Thị Vĩnh Tế đã có nhiều đóng góp phụ giúp cho chồng...!
Sách xưa có ghi: Công đầu là Ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy. Việc thứ hai là trong số người đào kinh, ngoài binh và dân, còn có cả đàn bà, con gái phụ trách những việc nhẹ nhàng như nấu ăn, gánh nước…
Điều này được vua khen bà Châu Thị Vĩnh Tế đã từng giúp chồng nhiều việc cho nên chồng mới được cái vinh dự thành công và bà mới được vua lấy tên đặt cho con kinh đào vĩ đại này...!
Hôm nay, ngồi trên xe, nhìn con kinh đào chạy dọc theo trên đường đi Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, đó là kinh Vĩnh Tế lúc hiện ra lúc biến mất...

Lòng tôi bất chợt nhận ra con kinh do công lao to lớn của ông Thoại Ngọc Hầu trực tiếp chỉ huy, với cái Tâm lớn, cái Tầm nhìn xa, cái Trí thật rộng của Vua triều Nguyễn và Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt cùng sự góp sức của người vợ của Ông, chính là Bà Châu Thị Vĩnh Tế đã đổ xuống con kinh không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của muôn vạn người dân thuở xưa, đã ngày đêm vất vả làm việc...!
Khắp nơi trên đất nước nầy, đâu đâu cũng phải đổi lấy từ mồ hôi nước mắt và tính mạng của bao nhiêu bậc tiền nhân mới có được một dãi đất hình chữ S nầy.
Hậu thế chúng ta, hãy biết ơn các bậc Tiền nhân đã làm nên con kinh huyền thoại trong lịch sử mở cõi phương Nam..!
Rồi cứ mỗi lần có dịp về miền Tây về xứ An Giang, đi dọc theo con kinh Vĩnh Tế này, nhìn những gì khang trang, sầm uất, đông vui nơi đây...! Tôi lại nghĩ trong trí tưởng tượng những tháng năm xa xưa: Trong tay của Tiền nhân không có định vị, xáng múc, máy bay chụp không ảnh,... chỉ có lòng nhiệt tâm và sự chịu đựng gian khổ, ý chí bền bỉ mà làm nên...!
Phải công nhận và khâm phục ông cha ta rất hay, ban ngày thì còn thấy rõ đường đi con kinh, khi đêm về tối tăm, để đào con kinh được thẳng thì họ đốt đuốc trên đầu những cây sào tre dài và cao, dựng sào cao lên đọc theo hàng để phu dân và binh lính cứ theo ánh đèn mà đào tới thẳng băng...!
Vậy có phải chăng, câu ca dao xưa:
“Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc.
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công.
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng.
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi...!”.
Nghĩa trủng, nơi cải táng hài cốt của những người đã chết trong lúc đào kênh Vĩnh Tế

Là muốn chỉ đến giai thoại năm xưa cha ông nhìn theo ngọn đuốc cao kia mà thẳng tiến..?
Cực khổ vô vàn vì đất vùng này biên địa hiểm nguy, đồng nước lênh láng, cỏ lau mọc cao khỏi đầu, cá sấu đầy sông, rắn rít, đỉa lội ngập đồng, muỗi mòng đầy trời, lam sơn chướng khí...!
Lại có đoạn đụng đá cứng của dãy núi Thất Sơn nên đào rất khó...! Dân phu chỉ có ăn mắm sống và cơm vắt mà làm việc miệt mài...!
Thật không sao kể hết...!
Ấy vậy mà cũng hoàn thành con kinh thật là vi diệu...!
Ngày nay, những dãy nhà phố cao tầng khang trang, những nhà máy xay xát lúa mọc lên, những cánh đồng ruộng xanh rì, vàng óng mênh mông uống dòng nước phù sa, những vườn trái cây bạt ngàn xanh tốt, nặng trĩu quả trên cành, những con thuyền ghe, con tàu lớn nhỏ giương hai con mắt to tròn, được vẽ màu đỏ rạng rỡ trước mũi, đang ngày đêm xuôi ngược chở đầy hàng hoá của miền Tây sông nước khi khắp nơi...
Cuộc sống phồn vinh, sôi động được bắt nguồn từ đây, đó là tất cả những hy sinh, những công ơn to lớn đó..!
Lòng tôi chỉ gói gọn hai chữ: “Đong đầy” và trân trọng di sản đã để lại cho hậu thế, qua hai tiếng: BIẾT ƠN...!

No comments:

Post a Comment