Trong thời Chiến tranh Thế giới lần I, một bà ngoại ở Bỉ
ngồi đan áo len bên cửa sổ, mắt dõi theo đoàn tàu hỏa chạy ngang qua.
Khi một đoàn tàu chạy qua, bà dùng hai cây kim đan thực hiện môt mũi đan
nhô lên trên nền vải. Khi một đoàn tàu khác chạy qua, bà lại hạ mũi kim
xuống dưới nền vải tạo thành một cái lỗ...
Sau đó, bà không quản ngại nguy hiểm,
băng mình giữa bom đạn để mang tấm vải đó trao cho một người lính – cũng
là một điệp viên đồng nghiệp với bà trong quân kháng chiến Bỉ, chiến
đấu nhằm đánh đuổi quân Đức xâm lược.
Đó là câu
chuyện điển hình về một điệp viên sử dụng kỹ thuật đan móc, hay đan len
để truyền tải thông điệp bí mật. Lịch sử đã ghi nhận những người phụ nữ
thời chiến dùng các kỹ thuật đan len, đan móc, thêu,… cho mục đích
truyền thông tin tình báo bằng hình thức mật mã và ký hiệu.
Thời Chiến tranh Thế giới lần I và II, phụ nữ được khuyến khích đan len gửi ra mặt trận.
Điệp
viên đan len thuộc nhóm những người phụ nữ này. Họ sử dụng kỹ thuật đan
len để tạo ra một thông điệp, và thông điệp đó trở thành một hình thức
của kỹ thuật giấu thư, tức là bằng cách nào đó người điệp viên che giấu
thông điệp, hình ảnh bên trong một hình ảnh khác hoặc dưới hình thức mật
mã.
Mật mã thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa tiến
bộ còn sơ khai, và kỹ thuật đan len được xem là một công cụ hiệu quả để
mã hóa thông điệp. Mỗi tấm áo đan len có kiểu đan riêng được tạo nên bởi
hai mũi kim đan theo hình chữ “v”, còn mũi đan móc tạo ra những gờ nổi
trên mặt vải, trông giống như đường chân trời. Bằng cách kết hợp giữa
hai kiểu đan theo một mô thức định sẵn, các điệp viên đan len có thể
truyền tải thông điệp trên tấm áo (hoặc khăn) đan và người nhận tấm áo
(khăn) đó có thể đọc được thông điệp mà không bị phát hiện.
Phyllis
Latour Doyle, điệp viên bí mật của Anh thời Chiến tranh Thế giới lần
II, đã dành trọn thời gian tham gia cuộc chiến để truyền thông tin về
cho nước Anh bằng hình thức mật mã đan len. Bà nhảy dù xuống vùng
Normandy vào năm 1944 và đạp xe đạp lòng vòng, trò chuyện cùng đám lính
Đức chiếm đóng tại đây, làm ra vẻ sẵn sàng giúp đỡ khi bọn lính cần đến,
rồi sau đó bà trở về ngồi đan len truyền tải thông tin vào trong những
đường len đan, sử dụng công cụ mật mã để che giấu thông tin.
“Tôi
luôn mang theo bộ đồ nghề đan len theo mình, vì bộ mật mã của tôi được
giấu trên một tấm vải lụa. Tôi có khoảng 2.000 ký hiệu mật mã để sử
dụng. Tôi quấn tấm vải lụa đó quanh cây kim đan và dùng nó để cài búi
tóc” – bà Doyle kể với tờ báo New Zealand Army News.
Đối
với người không biết đan len thì khi nhìn vào một kiểu đan sẽ không
hiểu gì cả, không thể dịch mật mã để đọc thông tin giấu bên trong. Điều
này khiến họ tưởng tượng, phỏng đoán đủ thứ xung quanh kiểu hình đan.
Trong quyển sách nhan đề “Stitches in Time”, Lucy Adlington viết về một
bài báo đăng trên tờ báo UK Pearsons Magazine số tháng 10-1918, trong đó
nói rằng người Đức đã sử dụng kỹ thuật đan áo len để gửi thông tin mật.
Adlington
viết: “Khi các cơ quan chính quyền Đức giở tấm áo đó ra xem, họ thấy nó
được đan lấm chấm những nốt sần trên mặt vải. Bằng cách đánh dấu một
khung cửa đứng với các mẫu tự Latin, cách nhau khoảng 2,5cm, người nhận
áo có thể giải mã các nốt sần đó.” Adlington viết thêm rằng bài báo trên
tạp chí Pearsons khẳng định phương pháp này “an toàn và khó bị phát
hiện hơn”.
Bởi rất khó tìm bằng chứng xác thực
đối với việc đan len mật mã. Vả lại, những điệp viên sử dụng kỹ thuật
đan để truyền thông tin tình báo thường không gây chú ý, ít bị nghi ngờ
hơn, bởi có mấy ai sử dụng được kỹ thuật đan len để giấu mật mã này.
Câu
chuyện trên tạp chí Pearsons có thể có thật, có thể không có thật,
nhưng thực tế thời chiến tranh thế giới, phụ nữ được khuyến khích đan
tất, mũ và khăn choàng cổ bằng len gửi ra mặt trận cho những người lính
sử dụng khi mùa đông về. Sản phẩm vải dệt thông thường và đan len được
sử dụng phổ biến trong chiến tranh, và trong số đó có thể có những sản
phẩm được lợi dụng cho mục đích tình báo.
Trong
quyển sách nhan đề “Writing Secret Codes and Sending Hidden Messages”,
hai tác giả Gyles Daubeney Brandreth và Peter Stevenson viết rằng không
lâu sau khi mật mã Morse được phát minh, người ta phát hiện rằng sợi vải
và len rất thích hợp để tạo mật mã. “Một nút thắt thông thường có thể
tương ứng với một chấm và nốt trong hệ 8 ký tự có thể được hiểu tương
đương với một gạch ngang” - Daubeney Brandreth và Stevenson viết.
Câu
chuyện đan len giấu mật mã nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện trong
tiểu thuyết hư cấu “A Tale of Two Cities” (Câu chuyện của hai thành
phố), trong đó một quý bà “máu lạnh” người Pháp tên là Madame Defarge
thản nhiên ngồi đan len giữa đám đông nhốn nháo chứng kiến cảnh đồ tể
chém đầu các quý tộc Pháp. Bà đã tạo ra một chuỗi những mũi đan mã hóa
tên họ của các quý tộc sẽ bị hành quyết tiếp theo.
Câu
chuyện của quý bà Defarge có thể rất hay, nhưng nguồn gốc của việc sử
dụng kỹ thuật đan len để mã hóa thông tin tinh báo được giới nghiên cứu
cho là xuất phát từ nước Anh trong cuộc Đại chiến chống quân Napoleon.
Trong
giai đoạn nước Anh cấm đan len theo kiểu hình khác lạ để ngăn ngừa mã
hóa thông tin tình báo, các điệp viên Cơ quan Tình báo bí mật của Anh đã
thuê các điệp viên trong vùng tạm chiếm giả dạng dân thường làm những
công việc thông thường hàng ngày, trong đó có đan len.
Levengle
là một phụ nữ điển hình như thế. Bà ngồi trên bậu cửa sổ vừa đan len,
vừa đập đập gót chân vào vách nhà theo nhịp mật mã Morse để những người
con của bà ở trong phòng giả vờ ngồi học bài nhưng thực chất là ghi chép
lại các mật mã của bà trong khi một thống soái Đức đang hiện diện trong
nhà.
Những phụ nữ như Madame Levengle thường
xuyên được mạng lưới tình báo và quân kháng chiến Alice Network ở châu
Âu sử dụng để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Đức.
No comments:
Post a Comment