; }

CÁC RẠP XI-NÊ Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1975

CÁC RẠP CINÉMA

Ở SAIGON NGÀY THÁNG CŨ

Chuyện về những rạp cinéma của Sài Gòn 50 – 60 năm về trước.

9-rap-xi-ne-1

Phim ảnh là một hình thức nghệ thuật/giải trí ra đời từ xưa và luôn chiếm vị trí thiết yếu trong danh mục “sở thích của tôi”. Trải qua nhiều thập kỷ, thú xem phim gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của xã hội – con người. Những rạp cinéma này từng chứng kiến hành trình thay da đổi thịt của nền điện ảnh nước nhà giữa phố thị Sài Gòn phồn hoa.

Để hiểu hơn về nét đẹp của kiến trúc xưa ở Sài Gòn nóí chung và hoài cổ chút cảm giác của ông bà ta thời ấy khi bước chân vào rạp chiếu phim như thế nào, hãy cùng chúng tớ thưởng thức chùm ảnh các rạp chiếu phim ở Sài Gòn trước 1975.

H1: Rạp Cathay ở Sài Gòn, hình chụp có lẽ vào thời Pháp thuộc.

9-rap-xi-ne-2

H2: Rạp Nguyễn Văn Hảo, một trong những rạp chiếu phim sớm nhất do người bản xứ gây dựng nên.

H3: Rạp Văn Cầm Phú Nhuận. Qua khỏi Tân Định là đến Phú Nhuận, trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) đi về hướng Gò Vấp, bên tay phải là rạp Văn Cầm. Đây là rạp nhỏ nhưng để cạnh tranh khoảng đầu năm 1970 được sửa lại có máy lạnh.

H4: Rạp Casino Đa Kao, sau năm 75 đổi tên thành rạp Cầu Bông. Hình có lẽ chụp vào thập niên 60. Mặt tiền của rạp Casino Đa Kao và những paneau affiche quảng cáo phim đang chiếu : Một phim Western điển hình.

9-rap-xi-ne-3

H5: Rạp Đại Nam, đây là rạp hiện đại nhất trước khi rạp REX được xây dựng. Phim chiếu tại Đại Nam có cả phim Tàu (Đài Loan, Hồng Kông), nay trở thành khách sạn Đại Nam.

H6: Rạp Cao Đồng Hưng ở ngay sát chợ Bà Chiểu. Sau 75 là rạp Gia Định, nay là nhà sách Thiêu Nhi thuộc công ty FAHASA

H7: Rạp Casino Sài Gòn hiện nay đã bị đập để xây dựng cao ốc. Casino Saigon là rạp hạng nhì, thuộc loại trung bình nên giá vé nới hơn rạp hạng nhất. Rạp Casino Saigon sau đổi tên là Vinh Quang. Năm 2011 bị đập bỏ và thành làng ẩm thực Vũng Tàu. Hiện tại đang là 1 công trình xây dựng cao ốc.

9-rap-xi-ne-4

H8: Rạp Rex : Mặt tiền của rạp REX, khánh thành năm 1962 và là rạp chiếu phim hiện đại nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.

H9: Rạp Lê Ngọc trong khu Chợ Lớn, đang chiếu bộ phim kiếm hiệp:

H10: Rạp Long Vân trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ).

Trên đường Tự Do (Đồng Khởi) có hai rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất là Majestic và Eden.

9-rap-xi-ne-5

H11: Mặt sau của rạp Eden trên đường Nguyễn Huệ (mặt trước của rạp là đường Tự Do nay có tên đường Đồng Khởi) Rạp Eden nằm trong khu thương xá mua sắm Hành lang Eden (Passage Eden) nổi tiếng. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được.

Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp Eden này mới có hai balcon. Thông thường, khi xem xi-nê tại đây, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và vì quá cao nên nhìn sâu xuống màn ảnh muốn cụp cái cổ nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn ‘yêu nhau đi trời hôm tối rồi’ thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là ‘pigeonnier’ (chuồng bồ câu).Ca sĩ Pháp Dalida đã có lần xuất hiện tại rạp Eden ‘bằng xương bằng thịt’ khi cô đến Sài Gòn.

Rạp Eden sau đó trở thành một phần trở thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng, rồi bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall, và nay cũng đóng cửa để xây dựng khu thương mại.

H12: Rạp Majestic cũng là rạp hạng sang và đẹp nằm cùng tên với khách sạn Majectic. ở cuối đường Tự Do gần bến Bạch Đằng, đối tượng xem phim chủ yếu là người Pháp.

H13: Rạp Lê Lợi hiện nay là phòng trà Không Tên. Rạp gần chợ Bến Thành, chuyên chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Tuy nhiên, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Cái hay là lịch chiếu phim được niêm yết trước để khán giả có thể chọn ngày đi xem.

Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo được hoặc sau đó phải thay đổi cách làm khác. Khách thường xuyên của rạp Lê Lợi là những sinh viên, học sinh vì rạp chiếu phim cũ nhưng lại hay và giá vé rất nhẹ.  Sau 1975, rạp Lê Lợi trở thành vũ trường, bar và liên tiếp thay đổi chủ. Nay là phòng trà Không Tên.

9-rap-xi-ne-6

H14: Rạp Vĩnh Lợi hiện nay là sàn giao dịch chứng khoán. Đi tới ngã tư Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là rạp Vĩnh Lợi, bên cạnh Bệnh viện Sài Gòn. Rạp Vĩnh Lợi nổi tiếng trong giới ‘bê-đê’ vì đây là nơi bạn có thể bị bất ngờ vì một bàn tay xờ xoạng của một chàng ‘gay’ ngồi ngay bên cạnh. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, may mắn gần Bệnh viện Sài Gòn nên các nạn nhân chỉ cần bước vài bước được cấp cứu ngay.

Nếu như Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì rạp Vĩnh Lợi có quán cơm Thanh Bạch cũng nổi danh không kém. Rạp Vĩnh Lợi chuyển thành showroom xe hơi của hãng Daewoo rồi nay thành sàn giao dịch chứng khoán.

Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Rạp Hồng Bàng (còn có tên là Asam hay Á Sẩm) nằm trên góc đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước là đường Công Lý). Sau 1975 cũng chịu chung số phận với rạp Nam Việt một phần vì ế ẩm, chủ sở hữu không chịu đầu tư, nâng cấp nên khán giả vào rạp xem phim hay bị nóng nực, ghế ngồi bị hư hỏng nhiều lại thêm rệp, chuột…, phần vì những rạp này nằm nơi chợ búa nên rất nhiều những khán giả là trẻ con hay nhưng người sống quang đó vào xem. Chính vì nhà gần nên việc đi xem phim không được xem trọng, những khán giả này ăn mặc xuề xòa, nói năng ồn ào thậm chí bọ trẻ còn chạy giỡn om xòm giữa và leo treo qua các hàng ghế gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến không khí xem phim của các khán giả đứng đắn khác.

H15: Rạp Kim Châu : Rạp Kim Châu nay là nhà hát cải lương Bông Sen. trên đường Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình), góc Hàm Nghi,  tương đối còn mới và chiếu phim cũng “xịn” lắm. Sau 1975, rạp Kim Châu còn hoạt động một thời gian, sau là sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân, nay là nhà hát Bông Sen chuyên diễn cải lương.

Tiếp tục đi về hướng cầu Ông Lãnh gần chợ Dân Sinh có rạp chiếu bóng nhỏ tên là Kim Đô.

H16: Rạp Long Thuận – trên đường Trương Định góc Tạ Thu Thâu. Rạp Long Thuận nay là trụ sở 1 công ty thiết bị điện. Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy ? Thưa vì đó là mật khu của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào nhà hàng, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

9-rap-xi-ne-7

H17: Rạp Long Phụng – Nằm trên đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) là rạp “chuyên trị” dòng phim thần thoại ca-vũ-nhạc Ấn Độ. Thuở ấy mấy bà mấy cô thuộc lứa tuổi U.50, U.60 thường là khán giả “ruột” của rạp này với những phim được xuất xưởng từ Ấn Độ đưa sang.

Có thể Long Phụng chuyên về phim Ấn vì địa điểm của rạp rất gần với Chùa Chà Và trên đường Trương Công Định chăng ?

– Rạp Kinh Đô – Năm 1960 rạp xi-nê Kinh Đô được xây mới trên đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), chỗ nhìn sang Trụ sở Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam. Rạp Kinh Đô mới khá hiện đại và đẹp. Máy chiếu phim và máy lạnh đều thuộc loại mới nhất. Khoảng năm 1961, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mướn rạp Kinh Đô làm nơi chiếu phim cho nhân viên và gia đình làm việc ở Sài Gòn đến xem.
Năm 1962 có 1 vụ nổ bom plastic trong rạp. Có thể nói đây là vụ đánh bom đầu tiên tại Sài Gòn. Sau vụ nổ, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không mướn rạp Kinh Đô nữa và rồi rạp này được phá đi, khu đất đó xây một tòa nhà là trụ sở USAID với nhiều tầng lầu.

H18: Rạp Olympic – Trên đường Hồng Thập Tự, giữa đường Lê Văn Duyệt và ngả ba Bùi Chu, có rạp chiếu bóng lớn tên Olympic, Đến khoảng 1954 gánh hát Kim Chung di cư từ ngoài Bắc vào đóng đô tại đây một thời gian dài. Rạp Olympic sau 1975 đã trở vũ trường rồi hiện nay là Trung tâm Văn Hóa.

Đi về khu vực chợ Thái Bình có khá nhiều rạp.

H19: Rạp Thanh Bình  Rạp Thanh Bình hiện nay là cao ốc International Plaza. Rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự. Khi sửa lại mang tên là rạp Quốc Tế. Và đây cũng là rạp mà bộ phim “Samson và nàng Dalilah” được nhà nước sau 1975 cho phép được chiếu lại như là một loại phim tư liệu.

9-rap-xi-ne-8

H20: Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Nguyễn Trãi, giờ là trung tâm điện máy. Rạp này thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh, ai vào xem cũng cứ muốn… ‘yêu nhau cởi áo cho nhau’. Phim chiếu thường câu khách bằng việc treo bảng “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Rạp Khải Hoàn “chia” cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, giờ đã trở thành trung tâm điện máy.

H21: Rạp Quốc Thanh – trên đường Nguyễn Trãi, Q.1. Rạp Quốc Thanh hiện nay trở thành Trung tâm giải trí văn hóa. Nằm gần Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.

H22: Rạp Kinh Đô & Kinh Thành ngày nay. Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ, mà khu Tân Định có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là Tân Định là rạp Mô-Đẹc và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp bình dân này thay phiên nhau chiếu phim Ấn Độ và phim cao bồi. Để thay đổi không khí, thỉnh thoảng lại mời các gánh cải lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn hát.

9-rap-xi-ne-9

H23: Rạp Việt Long đường Cao Thắng, Q3. Khu vực Bàn Cờ, đi dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (sau xây dựng lại là rạp Văn Hoa – Sài Gòn) ngay ngã ba với Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) cũng thuộc loại rạp A. Năm 1970, đổi tên thành Thăng Long và tồn tại đến ngày 16/03/2012 bị phát hỏa do bất cẩn của các thợ hàn trong quá trình sữa chữa rạp. Hiện rạp đang được lên kế hoạch xây mới hoàn toàn.

H24: Nam Quang Nếu đi về hướng Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần) sẽ gặp rạp Nam Quang nằm ngay góc với đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), chéo góc với chợ Đũi. Rạp thuộc loại bình dân.

H25: Đại Đồng (Bàn Cờ) – trên đường Cao Thắng, quận 3. Nếu đi tiếp đến cuối đường gần giáp với đường Điện Biên Phủ, sẽ thấy rạp mang tên Đại Đồng, chuyên chiếu phim cũ nhưng khá chọn lọc, giá cả thật nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện.

9-rap-xi-ne-10

H26: Rạp Thanh VânTrên đường Lê Văn Duyệt ngoài hai rạp Kinh Đô và Nam Quang ở vùng Sài Gòn thì đi lên Tân Bình còn có rạp Thanh Vân. Sau 1975, rạp hát Thanh Vân vẫn còn hoạt động một thời gian, sau đó không hoạt động nữa và mặt bằng được cho thuê. Rạp Thanh Vân hiện nay là Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố.

H27: Rạp Minh Châu Rạp Minh Châu nằm trên đường Trương Minh Ký (nay Lê Văn Sỹ), gần nhà thờ Nam Vườn Xoài. Thập niên 60 rạp hát Minh Châu tên là Văn Lang, đóng cửa một thời gian dài, sau đó mở lại lấy tên mới là Minh Châu.

H28: Rạp Mỹ Đô góc Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn, quận 10. Xưa có tên rạp chiếu bóng Vườn Lài.

9-rap-xi-ne-11

H29: Rạp Hùng Vương – Lê Hồng Phong, quận 10, hiện nay là Hãng Phim Trẻ.

H30: Kha Lạc – Nguyễn Tri Phương, quận 10, nay là khách sạn. Rạp Kha Lạc chuyên chiếu phim Tàu. Thập niên 60 thì bị đập và chuyển thành nhà ở.

Từ Sài Gòn đi trên đường Trần Hưng Đạo và Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) về phía Chợ Lớn sẽ bắt gặp rất nhiều rạp. Vì những rạp này nằm giữa khu Sài Gòn và Chợ Lớn nên chiếu cả phim Tây lẫn phim Tàu.

Rạp Oscar Rạp cũng thuộc loại khá.

H31: Palace – Trần Hưng Đạo B, quận 5. Rạp Palace ngày nay là rạp Đống Đa.  Chuyên chiếu phim Pháp-Mỹ “nước ba, nước bốn”. Về sau, các rạp này chuyển sang chiếu phim quyền cước Hong Kong cũ.

9-rap-xi-ne-12

H32: Rạp Lido Trần Hưng Đạo B, Q.5. Rạp Lido bị đập khá lâu và hiện nay là bãi giữ xe. Rạp này có một lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm trong vùng Chợ Lớn cạnh Đại Thế Giới cũ chuyên chiếu phim Âu Mỹ trong khi các rạp chung quanh đều chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 60, rạp ngưng hoạt động để cho Mỹ mướn làm khu cư trú và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp hoạt động chiếu phim trở lại và chỉ mới gần đây, rạp đã bị đập phá ra để nhường chỗ cho một công trình xây dựng nhà cao tầng hay gì đó.

H33: Rạp Hào Huê Rạp Hào Huê sai 1975 đổi tên là rạp Nhân Dân. Hiện nay bỏ không và bán cafe ở tầng trệt.

H34: Rạp Lệ Thanh A Phan Phú Tiên góc Trần Hưng Đạo B, quận 5. Rạp khá sang trọng. Chuyên chiếu phim tình cảm Đài Loan mới nhập vào Sài Gòn. Rạp Lệ Thanh A hiện nay là địa điểm tập trung của nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như : Trung tâm năng khiếu múa Lệ Thanh, đoàn kịch TP, câu lạc bộ khiêu vũ

H35: Rạp Tân ViệtTrần Hưng Đạo B, Q.5. Chuyên chiếu phim Pháp – Mỹ “nước ba, nước bốn”. Về sau, các rạp này chuyển sang chiếu phim quyền cước Hong Kong cũ

9-rap-xi-ne-13

H36: Rạp Hoàng Cung – Triệu Quang Phục. Rạp Hoàng Cung ngày nay là Cơ sở 2 Trung tâm văn hóa quận 5. Rạp này thuộc loại “hạng bét” chuyên chiếu phim kiếm hiệp cũ mèm

H37: Rạp Samtor  Lương Nhữ Học, quận 5. Rạp Samtor nay là cao ốc

H38: Rạp Đại Quang – Châu Văn Liêm. Q5. Chuyên chiếu “nước nhất” phim quyền cước mới nhập từ hãng SB (Shaw Brother) và Gia Hòa bên Hong Kong.  Rạp Đại Quang nay là rạp Cinema 3B.

H39: Rạp Victory Lê Ngọc Châu Văn Liêm, quận 5. Cùng với rạp Đại Quang. Rạp Lê Ngọc chuyên chiếu “nước nhất” phim quyền cước mới nhập từ hãng SB (Shaw Brother) và Gia Hòa bên Hong Kong. Rạp Victory Lê Ngọc sau 1975 đổi tên là rạp Toàn Thắng và tiếp tục chiếu phim. Hiện nay đã bị đập.

9-rap-xi-ne-14

H40: Rạp Phi Long –Xóm Củi, quận 8. Rạp Phi Long nay là nhà sách Lý Thái Tổ thuộc công ty Fahasa. Khu vực Xóm Củi có rạp Phi Long thuộc loại bình dân chuyên chiếu phim đánh kiếm, ca múa, phép thuật Ấn Độ.

H41: Rạp Đô Thành – bên hông chợ Kim Biên. Khu vực cầu Ba Cẳng có rạp hát Đô Thành, sau 1975 đổi tên Hướng Dương, chuyên chiếu phim quyền cước mới.

H42; Rạp Hồng Liên – Hậu Giang, quận 6, nay là trung tâm giải trí Hồng Liên. Rạp ban đầu tên là rạp Tân Lạc, khoảng thập niên 60 đổi tên là Hồng Liên. Rạp Hồng Liên chuyên chiếu “nước ba, nước bốn” phim quyền cước Hong Kong. Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt. Đặc biệt của rạp này là rất nhiều con nít được người lớn dắt theo

9-rap-xi-ne-15

H43: Rạp Cây Gõ Minh Phụng, quận 6. Rạp hiện nay là nhà sách Cây Gõ thuộc công ty Fahasa. Rạp Cây Gõ chuyên chiếu phim Ấn Độ  Rạp Cây Gõ có thời gian chuyên diễn cải lương. Khi thời cực thịnh của cải lương đã qua và đi vào thoái trào, rạp chuyển đổi công năng và hiện nay là nhà sách Cây G.

H44: Rạp Hương Bình – Bình Tiên, chỉ chiếu phim “nát nước” quyền cước Hong Kong. bị bỏ hoang khá lâu sau 1975.

H45: Rạp Quốc Thái Ba Tháng Hai, quận 11. Rạp Quốc Thái hiện nay cũng đang bị đập.

9-rap-xi-ne-16

H46: Rạp Cẩm Vân Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Đi thêm một chút bên tay trái gần ngã ba Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) là rạp Cẩm Vân. Rạp Cẩm Vân có lẽ ngưng hoạt động từ sau 1975 và nay là cơ sở của trường Cao đẳng Kinh tế Đối Ngoại.

H47: Rạp Đại Đồng (Gia Định) : Rạp Đại Đồng (Gia Định) nằm trên đường Nơ Trang Long, cạnh rạp là Hố bơi cùng tên.

H48: Rạp Lạc Xuân Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, nay là nhà sách Lạc Xuân. Rạp chiếu toàn phim cũ và cái projecteur chắc của Tây để lại nên phim cứ sọc rằn làm nhức mắt người xem.

9-rap-xi-ne-17

H49: Rạp Đông Nhì –Lê Quang Định, quận Gò Vấp, ngày nay là 1 shop thời trang.

H50: Rạp Đại LợiPhạm Văn Hai, quận Tân Bình, nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) sát chợ Ông Tạ. hiện nay là trung tâm mua sắm giải trí Unique.

H51: Rạp Tân Mỹ –Trần Xuân Soạn, quận 7. Chiếu phim một thời gian rồi chuyển qua diễn cải lương. Sau trở thành cơ sở của một xí nghiệp đông lạnh. Hiện nay đã bị đập và bỏ hoang thời gian dài.

Quế Phượng chuyển tiếp

 

NGUỒN:https://cafevannghe.wordpress.com/2016/10/25/rap-cine-saigon-xua/

No comments:

Post a Comment