Tác giả bản báo cáo này lúc đó là viện trưởng Viện xã hội học
Việt
Nam, thành viên Tổ Nghiên cứu Đổi mới của Thủ tướng Chính phủ (Tổ này
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải tán vào mùa hè năm 2006).
Bản báo cáo này đã được trích dẫn trên báo Diễn Đàn số 77 (tháng 9.1998) và tại Hội thảo hè năm 1999 họp tại Liège (Bỉ). Nay được tác giả công bố toàn văn trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 30.1.2012.
Thái Bình, mười lăm năm sau, ra sao ? Một nhà nghiên cứu xã hội hội vừa có dịp đi thăm xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ) cho biết : "Cả hai bên đều mỏi mệt vì cuộc bạo động tự phát : người cầm quyền thì thân tàn ma dại, có người bỏ làng đi tít vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng rồi cũng vất vưởng, có người thì nằm bẹp ở nhà trong đôi mắt nghi ngờ, lãnh đạm của chòm xóm, và nói chung là đều tàn tạ, nhường chỗ cho một lớp cướng hào mới lên nắm những vị trí của mình một cách khôn ngoan và ranh ma hơn nhiều bậc đi trước. Phía bên kia, những người tham gia vào vụ bạo động thì cũng ê ẩm mình mẩy, có người đi tù 5 năm về (như bà Hợi, một phụ nữ ngoài 50, sống độc thân, thất học, đi tù vì một câu chửi mà mọi người đều nghe được, trở thành "nhân chứng vật chứng không thể chối cãi": "Đánh bỏ mẹ thằng Hàm đi" [Hàm là chủ tịch xã]. Khi tôi gặp lại bà, bà chỉ gật đầu chào, lầm lì không nói gì cả, chỉ thở dài ngao ngán !) Phần lớn những người tham gia bạo động đêm 26, rạng sáng 27 tháng 6.1997 năm ấy thì im lặng, cam chịu và chôn sâu những phẫn uất cũng như những trải nghiệm dại dột vì đã làm bùng lên ngọn lửa để bị dập tắt ngay và chỉ còn lại đống tro tàn của bài học chua xót. Tuy nhiên, mâu thuẫn nội tại thì vẫn còn trầm tích lại đó, ngày càng vón cục lại chứ không thể tan đi được."
Bản báo cáo này đã được trích dẫn trên báo Diễn Đàn số 77 (tháng 9.1998) và tại Hội thảo hè năm 1999 họp tại Liège (Bỉ). Nay được tác giả công bố toàn văn trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 30.1.2012.
Thái Bình, mười lăm năm sau, ra sao ? Một nhà nghiên cứu xã hội hội vừa có dịp đi thăm xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ) cho biết : "Cả hai bên đều mỏi mệt vì cuộc bạo động tự phát : người cầm quyền thì thân tàn ma dại, có người bỏ làng đi tít vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng rồi cũng vất vưởng, có người thì nằm bẹp ở nhà trong đôi mắt nghi ngờ, lãnh đạm của chòm xóm, và nói chung là đều tàn tạ, nhường chỗ cho một lớp cướng hào mới lên nắm những vị trí của mình một cách khôn ngoan và ranh ma hơn nhiều bậc đi trước. Phía bên kia, những người tham gia vào vụ bạo động thì cũng ê ẩm mình mẩy, có người đi tù 5 năm về (như bà Hợi, một phụ nữ ngoài 50, sống độc thân, thất học, đi tù vì một câu chửi mà mọi người đều nghe được, trở thành "nhân chứng vật chứng không thể chối cãi": "Đánh bỏ mẹ thằng Hàm đi" [Hàm là chủ tịch xã]. Khi tôi gặp lại bà, bà chỉ gật đầu chào, lầm lì không nói gì cả, chỉ thở dài ngao ngán !) Phần lớn những người tham gia bạo động đêm 26, rạng sáng 27 tháng 6.1997 năm ấy thì im lặng, cam chịu và chôn sâu những phẫn uất cũng như những trải nghiệm dại dột vì đã làm bùng lên ngọn lửa để bị dập tắt ngay và chỉ còn lại đống tro tàn của bài học chua xót. Tuy nhiên, mâu thuẫn nội tại thì vẫn còn trầm tích lại đó, ngày càng vón cục lại chứ không thể tan đi được."
Sự kiện đêm 26 rạng ngày
27/6/1997 ở xã
An Ninh, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình như một hồi chuông báo động
khiến chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận lại về hậu phương vững chãi của
chúng ta để có những suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề nông thôn, nông
nghiệp, nông dân trong sự nghiệp Ðổi mới và công cuộc công nghiệp hóa,
hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp.
An Ninh là lá cờ đầu của huyện Quỳnh Phụ, và cũng có thể nói là lá cờ
đầu của Thái Bình, một điển hình tiên tiến đã từng là quê hương của
phong trào 5 tấn trước đây và hiện nay luôn luôn là lá cờ đầu của nhiều
phong trào quần chúng chiếm lĩnh đỉnh cao thành tích về kinh tế, văn
hóa, xã hội, quốc phòng, v.v. Gần đây Thái Bình càng nổi bật trong việc
triển khai chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt với 4 công
trình lớn : Ðiện, Ðường, Trường, Trạm [trạm y tế] cùng tiến hành đồng
thời và thu được những thành tích lớn, tạo ra một diện mạo khang trang
đẹp đẽ của một tỉnh lúa đồng bằng sông Hồng mà khách tham quan có thể
ngồi trên ô tô đi khắp các xã trong tỉnh trên con đường quốc lộ, tỉnh
lộ, huyện lộ đã rải nhựa hoặc lát gạch phẳng lì !
Ấy thế rồi, đêm 26, rạng 27/6/97 hàng ngàn nông dân nổi dậy đập phá
chậu cảnh tường hoa, bàn xa lông tiếp khách, bát đĩa dùng liên hoan và
chiêu đãi, kính tủ bàn của trụ sở ủy ban xã, một tòa nhà uy nghi, lộng
lẫy vừa xây tốn hơn 800 triệu đồng. Rồi sau đó, dân kéo đi đập phá 8
ngôi nhà của bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch ủy ban, cán bộ địa chính và các
bậc chức sắc khác nhau của xã (chỉ có một nhà của một người dân làm
việc nấu nướng phục vụ hội nghị và khách của xã). Sau đêm hỗn loạn,
giận dữ, đốt phá, sáng mai hoạt động của xã lại bình thường, người ta
lại vẫn ra đồng họp chợ, đi lại chuyện trò vô tư !
Ba ngày sau sự kiện nói trên, theo yêu cầu của Tổ Nghiên cứu Ðổi mới
của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt,
đoàn cán bộ xã hội học chúng tôi về xã An Ninh, được Bí thư Ðảng ủy
tiếp tại trụ sở mà kính vỡ, mảnh bát đĩa vỡ, chậu cảnh vỡ vẫn ngổn
ngang, kể cả một tượng Bác Hồ bằng thạch cao trắng bị vỡ vẫn nằm ở góc
bàn trong hội trường và theo lời của Bí thư Ðảng ủy xã thì "Hiện trường vẫn được giữ nguyên"
như để nói lên tính phản loạn không thể dung tha được và cần phải trấn
áp ngay của vụ bạo động 26-27/6/97.
Vấn đề gì đã diễn ra ở đây ? Nguyên nhân vì đâu ? Hậu quả ra sao ? Diễn
biến sắp tới sẽ thế nào ? Cần có kiến nghị gì đây từ sự tiếp cận xã hội
học ? Ðó là vấn đề đặt ra cho chúng ta, ba nhóm nghiên cứu gồm 10 người.
Một nhóm về ở ngay trong lòng điểm nóng : xã An Ninh gồm 4 người (1 Phó
Giáo sư, Phó Tiến sĩ, Trưởng phòng Xã hội học nông thôn, 1 Bí thư chi
bộ và là Trợ lý của Viện trưởng, 1 Phó Tiến sĩ Trưởng phòng Tổ chức và
Đào tạo cán bộ, đảng viên, 1 nữ cán bộ nghiên cứu của Phòng Xã hội học
nông thôn, đảng viên).
Một nhóm gồm ba cán bộ, do một Phó Giáo sư, Phó Tiến sĩ và là Phó Viện
trưởng phụ trách khoa học dẫn đầu, một cán bộ nghiên cứu, Phó Phòng Xã
hội học nông thôn, một cán bộ trẻ (cả hai đều là người quê ở Thái Bình,
đang có họ hàng ở Thái Bình) đi theo tuyến rộng, dọc theo đường Hà Nam,
Nam Ðịnh, qua Tiền Hải, vòng về thị xã, qua Ðông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh
Phụ, Kiến Xương để tìm hiểu âm vang và độ nhiễm cảm của các sự kiện bạo
động trong tỉnh.
Một nhóm xuất phát sau một tuần, đến huyện Thái Thụy nơi có điểm nóng
Thái Thịnh để đo sự diễn biến sau sự kiện An Ninh và dư luận quần chúng
về các giải pháp của chính quyền Tỉnh đã áp dụng. Nhóm này gồm một Phó
Giáo sư, ba Phó Tiến sĩ đều là đảng viên, trong đó có một chuyên gia đã
từng có công trình nghiên cứu sâu về nông thôn và về Thái Bình, đang
làm luận án Tiến sĩ sẽ bảo vệ tại Pháp về đề tài nông thôn Việt Nam.
Ðồng thời với các nhóm đi khảo sát tại Thái Bình, Viện trưởng Viện Xã
hội học đã giao nhiệm vụ cho một Phó Tiến sĩ Phó Trưởng Phòng Xã hội
học dân số và Gia đình đang cùng với các cán bộ triển khai một đề tài
nghiên cứu về hộ kinh tế gia đình và địa vị của người phụ nữ kết hợp
khảo sát thêm về chủ đề như nhóm nghiên cứu sâu ở Thái Bình đang làm,
hiện triển khai tại Hải Hậu, Nam Ðịnh. Cũng như thế, sau khi kết thúc
nghiên cứu ở Thái Bình một tuần, Viện trưởng Viện Xã hội học đã trao
nhiệm vụ cho một đoàn nghiên cứu tại 10 xã trong 3 tỉnh (Hà Nam, Nam
Ðịnh, Ninh Bình) về đề tài biến động dân số thu thập thêm tư liệu về
chủ đề như đã nghiên cứu ở Thái Bình, người phụ trách này là một nghiên
cứu sinh đang làm luận án Tiến sĩ ở Mỹ về dân số, là đảng viên, kết hợp
với đồng chí Bí thư chi bộ đã từng nghiên cứu ở Quỳnh Phụ, Thái Bình
cùng tiến hành, và cũng chỉ hai đảng viên này thu thập số liệu để báo
cáo trực tiếp cho Viện trưởng. Công việc đang được triển khai và sẽ bổ
sung vào báo cáo tổng kết này.
Bản báo cáo tổng kết này là dựa trên các tư liệu thu thập được qua
phỏng vấn sâu, quan sát trực tiếp, các văn bản của tỉnh, huyện, xã
(băng ghi âm ghi lời người được hỏi và tập hồ sơ ghi lại nội dung đã
thu vào băng) cùng với 8 báo cáo của các cán bộ đi khảo sát và sơ kết
của nhóm khảo sát. Vì đây chỉ là thông tin được thu thập qua phỏng vấn,
chuyện trò và lời người kể có thể là người trong cuộc, người chứng
kiến, người nghe kể lại không khỏi bị khúc xạ theo lăng kính chủ quan,
cho nên các số liệu (cho dù ghi thành con số) cũng chỉ có ý nghĩa phỏng
chừng, tương đối khác với thống kê và báo cáo chính thức của người có
trách nhiệm ở địa phương. Người viết báo cáo, trong trường hợp có dẫn
ra các số liệu cũng là để gợi lên tình huống, không mang tính biểu đạt
thật chính xác.
I. Tổng
quan về các sự kiện dẫn đến
sự bùng nổ ở Thái Bình
Những ngày cuối cùng của tháng 6 năm 1997 đã cho thấy tính nghiêm trọng
của một loạt những sự biến đã xảy ra ở một phần lớn các vùng nông thôn
tỉnh Thái Bình. Ðã có tới 5 (Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng,
Thái Thụy) trên 7 huyện và thị của tỉnh có phản ứng và khiếu kiện của
nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn.
Nội dung chủ yếu của những khiếu kiện này tập trung xung quanh việc đòi
thanh tra và công khai hóa việc phân chia ruộng và nhất là việc thu và
chi những khoản đóng góp mà chính quyền địa phương (xã và huyện) thu
của nông dân trong những năm qua để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
trong nông thôn, chủ yếu là các công trình : Ðiện - Ðường - Trường -
Trạm.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là các công trình Ðiện -
Ðường -Trường - Trạm là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, rất hợp với
nguyện vọng của dân. Người dân Thái Bình nói chung rất tự hào về hệ
thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện và liên xã của họ.
Ðiều đáng nói ở đây là các công trình này đã được thực hiện trong 5 năm
qua với một tốc độ và nhịp điệu quá nhanh. Do đó các khoản thu từ nhân
dân cũng tăng nhanh chưa từng thấy. Năm 1991, tỉnh chủ trương chỉ đảm
bảo cho 65 % các hộ trong tỉnh có điện dùng vào năm 1995. Nhưng cuối
năm 1992 đã có 70 % số hộ (báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tháng 10
năm 1992) và năm 1996, 100 % số hộ trong tỉnh đã có điện dùng, toàn bộ
đường tỉnh đã được nhựa hoặc xi măng hóa hết và 2/3 số trường học trong
tỉnh đã là nhà cao tầng. Nguồn vốn để chi cho các công trình này chủ
yếu lấy từ các nguồn trong tỉnh.
Trong ba năm 1988-1990, tổng số vốn đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật
là 39,5 tỉ đồng, trong đó 9,5 tỉ là do Trung ương cấp, 30 tỉ là từ huy
động ngân sách trong tỉnh. Nhưng phần vốn huy động từ sự đóng góp của
nhân dân và tập thể cũng rất lớn. Ngoài ra, các quỹ giao thông xóm xã
cũng ra sức phát triển. Có nơi còn chủ trương "cứng hóa kênh mương"
để tăng nhanh
các nguồn thu từ nhân dân (Thái Thụy). Phải chăng các khoản thu này là
quá lớn so với khả năng đóng góp của người nông dân Thái Bình vốn chỉ
có nguồn thu từ hạt thóc là chủ yếu ?
Cơ cấu thu nhập của tỉnh vào năm 1991 cho thấy 81 % là thu từ nông
nghiệp. Các khoản thu này lên tới chừng trên dưới 35 khoản, thay vì 14
khoản theo quy định của huyện và 7 khoản theo quy định của tỉnh. Ðiều
cần lưu ý là các khoản thu và chi này đã không được sử dụng một cách
công khai và dân chủ. Các khoản thanh toán được công bố lại cho thấy có
dấu hiệu của sự lạm dụng công quỹ, bởi nó vượt quá xa các định mức chi
phí trên thị trường (giá của các công trình xây dựng thường cao gấp
nhiều lần giá trị thực tế của chúng). Một chiếc cống thoát nước do
chính quyền xã xây đã quyết toán tới 21 triệu đồng, nhưng khi dân đập
đi xây lại thì chỉ mất 7,5 triệu đồng (xã Quỳnh Hồng). Trong khi đó,
một số cán bộ chủ chốt ở một số địa phương lại có biểu hiện giàu lên
nhanh quá mức bình thường trong năm năm qua, cùng với sự giàu lên trông
thấy qua nhà cửa, các phương tiện sử dụng trong sinh hoạt là những nét
xa hoa kệch cỡm về lối sống của một số người dễ dàng gây phản ứng trong
quần chúng.
Nhân dân một số địa phương đã có đơn khiếu kiện lên xã, huyện, thậm chí
cả tỉnh với các hình thức hợp pháp, từ đưa đơn có nhiều chữ ký cho một
người đi gặp các cấp lãnh đạo có thẩm quyền (Tiền Hải, xã Ðông Trà),
tới việc tập trung vài chục hay vài trăm người trước cổng Ủy ban tỉnh
từ cuối năm 1996 (Quỳnh Hội : tháng 10/1996, 700 người lên tỉnh 2 đêm 1
ngày để trình đơn khiếu kiện, sau đó là đợt 2, với 1.500 người, đòi
thanh tra lại đất 5 % vào tháng 4/1997). Người ta ước tính có chừng
120/260 xã trong tỉnh có biểu tình đưa đơn và từ chỗ đi lẻ tẻ, dần dần
hình thành tổ chức quy mô hơn, người ta cho rằng có chừng 40 cuộc biểu
tình lên tỉnh được tổ chức có quy củ và trật tự.
Những cuộc khiếu kiện này thường được tiếp đón một cách không nhiệt
tình. Cách trả lời thường là sự im lặng kéo dài, hoặc lờ đi, hoặc cho
thanh tra công khai nhưng kết luận không có gì. Những vấn đề này, thực
ra, đã nảy sinh từ những năm 86-90 song cách giải thích chính thức của
các cấp chính quyền từ xã, đến huyện, đến tỉnh về những sự kiện trên
thường cho đó là "những
biểu hiện
tiêu cực nảy sinh do một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lợi
dụng chức quyền tham nhũng, đè nén dân, làm mất uy tín của Ðảng và Nhà
nước. Mặt khác cũng là do một số người lợi dụng việc mở rộng dân chủ
trong quá trình đổi mới và những khó khăn đang gặp phải đã có hành động
cực đoan quá khích, thậm chí tiếp tay cho địch, gây rối nội bộ, nói xấu
Ðảng và Nhà nước". Những cách giải thích này không thuyết
phục
được quần chúng, nhất là vì nó chưa đưa ra được những giải pháp có hiệu
quả thiết thực.
Từ tháng 5 năm 1997, những sự biến xảy ra dồn dập hơn, mãnh liệt hơn,
và có chiều hướng sử dụng bạo lực từ cả hai phía, để răn đe hoặc để
giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Sự xuất hiện của cảnh sát cơ động dường như đã đặt các cuộc biểu tình
hợp thức vào tình thế bế tắc. Xu hướng bạo lực ngày càng có khả năng
trở thành hiện thực. Sự kiềm chế và tính tổ chức ở những người biểu
tình càng giảm sút thì các sự biến xã hội càng khó kiểm soát. Người ta
chứng kiến một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã
và huyện của nông thôn Thái Bình.
Ngày 11 tháng 5 năm 1997, theo lời ước đoán thì có khoảng 2000 nông dân
Quỳnh Phụ thuộc trên dưới 36 trong 38 xã của huyện đã tham gia vào cuộc
biểu tình từ xã lên tỉnh bằng xe đạp và sau đó ở lại tỉnh 2 ngày 1 đêm,
gây ảnh hưởng lớn trong toàn tỉnh. Cũng theo lời kể lại thì trong khi
cuộc biểu tình này đang cố gắng thể hiện thái độ nghiêm túc và thận
trọng trong việc bày tỏ nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong huyện,
thì ở trước trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Phụ, cuộc tập trung của
nhân dân nhiều xã trong huyện, cứ đông dần lên vì người các nơi ùn ùn
kéo đến, có người ước lượng là có đến 1 vạn (?) người. Khi đám đông đã
đến quy mô như vậy, chỉ cần một hành động quá khích là có thể dẫn đến
những bùng nổ không sao kiềm chế được.
Theo lời người kể lại, thì do cách xử sự thiếu khôn ngoan và không thỏa
đáng của một số người đại diện cho quyền lực nhà nước, dân phẫn nộ đã
dùng bạo lực, phá trụ sở công an huyện, tấn công bằng gạch đá vào lực
lượng an ninh có trang bị xe phun nước và chó béc-giê. Trước 500 công
an, với 3 xe vòi rồng, dùi cui lá chắn, dân bảo nhau chuẩn bị nếu bị
phun nước thì cả đàn ông, đàn bà sẽ cởi hết quần áo ra tắm. Công an ném
10 quả lựu đạn cay, dân phá hỏng một xe vòi rồng trong tiếng kêu "thế này thì dân chết mất",
lại có
tiếng "thà chết còn hơn
sống khổ".
Công an được lệnh không đánh lại dân. Nhưng khi trời tối, dân phát hiện
có công an mặc thường phục trà trộn vào đám đông quần chúng. Thế là
diễn ra cảnh bi hài, dân hô : "cứ
xem
thằng nào đi giày da, sờ vào bụng thằng nào to tức là không phải dân,
nhằm vào nó mà nện". Công an bị thương 9, 10 người, dân bị
thương vài chục. Công an bị thương được đưa vào bệnh viện, nhưng dân bị
thương thì không vào vì sợ bị phát hiện nên khiêng về làng tất.
Dẫn đến cuộc bạo động này là chuyện dân bao vây Viện Kiểm sát huyện
Quỳnh Phụ đòi thả hai người đánh kẻng tập hợp dân, đã bị bắt. Cuộc xô
xát này, cho dù không để xảy ra tử vong song đã là bước ngoặt dẫn đến
những sự biến sau này ngày càng bạo liệt hơn, bạo lực nhiều hơn và ngày
càng mang tính trả thù hơn là đấu tranh hợp pháp.
Ðiều đáng lo ngại nữa là các huyện khác trong tỉnh đều coi cuộc đấu
tranh này của người dân Quỳnh Phụ đã trở thành mô hình cho cách đặt vấn
đề và phương thức đấu tranh của họ. Một mặt, những người khởi xướng
cuộc khiếu kiện, rồi biểu tình bày tỏ sự nhiệt thành với cuộc đấu tranh
chống tham nhũng, giữ gìn sự trong sáng của Ðảng, bảo vệ sức mạnh của
chính quyền dân chủ nhân dân do Ðảng và nhà nước phát động. Mặt khác họ
kêu gọi tinh thần cố kết cộng đồng làng xã vốn tiềm tàng trong đầu óc
của mỗi người dân để buộc mọi người phải tham gia vào cuộc đấu tranh
chống tham nhũng theo cách nghĩ và cách làm của họ. Chẳng hạn như : ai
không đi biểu tình, khiếu kiện thì tùy, nhưng nhà có người chết đừng có
gọi dân khiêng, có cháy nhà đừng gọi người dập lửa. Phương thức đấu
tranh ấy, chính là sự quay trở về với "lệ làng", mà buộc "phép vua"
trước đây đã phải thua. Một khi mà kỷ cương, phép nước do những cán bộ
xã, huyện và cả tỉnh đại diện đã không yên được lòng dân, thì tính tự
phát của lệ làng, của đám đông có tổ chức hay không có tổ chức, dẫn đến
sự manh động, là điều không thể tránh khỏi.
Bước chuyển từ "đối thoại" sang "đối đầu" đã thực sự chia rẽ một bộ
phận lớn nhân dân với chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ trật
tự là công an. Xu hướng manh động của những người nông dân mất bình
tĩnh với sự tham gia của những trẻ em vị thành niên và những người kém
kinh nghiệm xã hội đã được thổi bùng lên bởi các phần tử cực đoan quá
khích và những thành phần bất hảo trong xã hội, điều ấy cũng không có
gì lạ.
Ví dụ như, người ta kể lại rằng, ngày 8 tháng 6 năm 1997, chừng 300
thanh niên tuổi từ 13 đến 17 đã trói Chủ tịch và Bí thư xã Quỳnh Hoa,
dong lên huyện dưới trời mưa mà không cho đội mũ. Họ phá cổng Ủy ban
huyện làm Chủ tịch huyện phải bỏ chạy. Họ la hét và hạ nhục bằng những
câu hỏi khiêu khích : vì sao mà "giàu
lên nhanh thế", vì sao mà "chóng
béo" đến thế.
Khoảng 10 ngày sau là sự kiện lên đến cao trào bằng việc đốt phá đêm 26
rạng 27/6/97 tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ. Rồi sau Quỳnh Phụ, một
loạt các huyện khác đã nổ ra đấu tranh dưới nhiều hình thức kể cả biểu
tình, khiếu kiện như ở Ðông Hưng (xã Ðông Cường) lẫn tấn công bằng bạo
lực vào các cán bộ xã bị coi là phần tử tham nhũng. Người ta cho rằng
tại ba xã Thái Thịnh, Thái Tân và Mĩ Lộc của huyện Thái Thụy là đỉnh
cao của những cuộc tấn công bằng bạo lực. Phần đông các cán bộ xã bị
tấn công đã phải trốn chạy. Những người còn lại đã phải dùng hình thức
tự vệ bằng vũ khí và sự hỗ trợ của họ hàng, người cùng xóm gắn bó với
họ.
Sau những bùng nổ đó, huyện, tỉnh (và có thể cả Trung ương) đã có những
giải pháp, thêm vào đó, khung cảnh khủng bố và sự phá phách của những
phần tử quá khích cũng đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ lại về mục
tiêu và phương thức của những cuộc đấu tranh đang diễn ra. Sự trấn áp
những phần tử quá khích và những lời hối lỗi của họ trên màn ảnh truyền
hình địa phương được đưa liên tục có thể cũng đã răn đe những hành vi
bạo lực, manh động. Trong nhân dân cũng đã có người nhận ra hành động "luồn gió bẻ măng",
có thể thấy rằng
đám đông đã bị lợi dụng bởi những kẻ cực đoan, những kẻ muốn đục nước
béo cò, trả thù cá nhân, thậm chí những hành vi lưu manh, cướp bóc.
Tình hình tạm lắng xuống, song những nguyên nhân đẩy tới sự khủng hoảng
và bùng nổ vừa qua vẫn còn nguyên, nếu chưa nói là đây đó, nơi này nơi
khác được nung nấu thêm ! Màn kịch bạo lực dường như đã đi quá những
giới hạn có thể chấp nhận cả từ phía chính quyền lẫn từ phía nông dân,
hậu quả xã hội thật nặng nề.
Ðể tỉnh táo giải quyết hậu quả nặng nề này đòi hỏi một sự dũng cảm nhìn
thẳng vào sự thật, mổ xẻ phân tích để dám cắt bỏ ung nhọt, thuốc thang
bổ dưỡng cho cơ thể xã hội lành mạnh với một đường lối đúng, giải pháp
đúng.
Câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào đây để giải quyết những mâu thuẫn đã
tích lũy nhiều năm ở nông thôn mà không phải sử dụng đến bạo lực ? Ðể
trả lời câu hỏi này, việc đánh giá lại những sự biến vừa xảy ra một
cách khách quan, tỉnh táo và thực sự cầu thị là tiền đồ quan trọng nhất.
Phải chăng là, không thể quy mọi nguyên nhân của các sự biến trên cho
những kẻ quá khích, cực đoan hay những tên lưu manh chỉ thèm trả thù,
cướp bóc và đập phá. Bởi lẽ nếu đúng là bọn này thì chúng không có uy
tín, không có lẽ phải, không có khả năng tập hợp nông dân trong những
cuộc biểu tình hợp pháp, nghiêm túc và đầy ý thức chính trị như vừa
qua. Nếu đúng như câu chuyện được kể lại thì với một tập hợp trên dưới
hai ngàn người, từ hơn 30 xã trong huyện, tập hợp ở một địa điểm và
thời điểm bí mật đã được định trước chắc chắn là một hoạt động có tổ
chức chặt chẽ và có sự chỉ huy thống nhất.
Người ta kể lại rằng họ diễu hành hàng đôi bằng xe đạp lên tỉnh để
tránh những trục trặc và ách tắc giao thông do họ gây ra hoặc do hoàn
cảnh đưa lại. Cứ khoảng từ 30 đến 50 người lại có một người chữa xe đạp
để tránh những trục trặc kỹ thuật. Ðến trụ sở Ủy ban tỉnh, họ ngồi
thành hàng trên vỉa hè, tuyệt đối không bẻ cây, vứt rác, làm mất trật
tự, trị an nơi họ có mặt. Họ kiên nhẫn chịu đựng sự căng thẳng, mệt mỏi
trong 2 ngày 1 đêm chỉ để đưa được lá đơn khiếu nại tới tay ông Chủ
tịch tỉnh. Ðã có biết bao giai thoại về cuộc biểu tình này chỉ để tỏ
lòng khâm phục trình độ tổ chức của người lãnh đạo và ý thức tổ chức
của những người tham gia. Ở những cuộc biểu tình này tuyệt nhiên không
có xung đột, đụng độ nào cho dù có sự hiện diện của cảnh sát dã chiến
(chỉ có xung đột ở huyện, xã).
Người ta cho rằng ở các cuộc biểu tình này có sự tập hợp đông đảo các
tầng lớp nông dân ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, từ người già, trẻ
em, phụ nữ, tới những cựu chiến binh, đảng viên, cán bộ về hưu vốn đã
từng lăn lộn, chiến đấu và hy sinh xương máu của mình qua hai cuộc
kháng chiến. Nếu thế thì phải chăng, tính quần chúng rộng rãi của cuộc
đấu tranh này cho phép nhìn nhận rằng đây là một phong trào xã hội, chứ
không phải là những mâu thuẫn cục bộ, càng không là sự phản loạn chống
lại chế độ.
Sự tham gia của đông đảo các đảng viên, các cựu chiến binh, những người
về hưu, một lực lượng xã hội có trình độ nhận thức chính trị và xã hội
tương đối cao trong nông thôn càng giải thích rõ tính chất và quy mô
của cuộc đấu tranh của nông dân trong sự biến vừa qua và có lẽ chưa tắt
hẳn.
Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực mà điển hình là cuộc đấu tranh
chống tham nhũng và sự mất công bằng, mất dân chủ trong nông thôn, lực
lượng này có vai trò rất quan trọng. Bởi vì, họ không chỉ là nạn nhân
trực tiếp của những tệ nạn cường hào, tham nhũng mà còn là những người
có khả năng nhận biết. Chính vì thế, họ dễ trở thành những người khởi
xướng và lãnh đạo cuộc đấu tranh mà chúng tôi đã nói ở trên.
Qua tìm hiểu các cán bộ xã, thấy rõ một điều là họ biết rất rõ những ai
đứng đằng sau các cuộc tấn công vào bộ máy cán bộ lãnh đạo đương quyền.
Nhóm chủ yếu phát động là những cán bộ trước cũng làm cán bộ nhưng nay
không còn đương chức nữa. Thuộc về nhóm chủ yếu này ở một số nơi có cán
bộ hưu trí, những người tương đối có trình độ cả về học vấn, tổ chức,
còn sức lực nhưng thiếu việc làm. Cũng không nên quên rằng, Thái Bình,
với đặc điểm đất chật, người đông, có một số lượng rất lớn người đi
thoát ly làm cán bộ và nay về hưu. Ðược đảm bảo tương đối về đời sống,
và cũng có hiểu biết, có nhiều thời gian những người thuộc nhóm này
thường hay đề xuất ý kiến trong đời sống nông thôn.
Cũng chính vì vậy, cách đưa tin của Đài Truyền hình Thái Bình làm cho
người ta nghĩ rằng bọn "côn đồ" xúi giục, nay bọn chúng đã bị bắt và ăn
năn hối lỗi và nhận tội thì những người nhẹ dạ cả tin và manh động theo
đuôi bọn quá khích đã nhận ra sai lầm. Cách đưa tin đó hình như không
đạt được mục đích, mà ngược lại, trong khía cạnh nào đó lại như tích tụ
thêm sự phẫn nộ.
Sau 10 năm tiến hành công cuộc Ðổi mới, rõ ràng là đời sống vật chất
của mọi tầng lớp nông dân đã được nâng lên, nông thôn đã từng bước
chuyển mình. Thái Bình lại càng nổi trội lên với bao lá cờ đầu, bao
nhiêu vẻ khang trang, nề nếp. Vậy cái gì đã lôi kéo nông dân vào một
cuộc đấu tranh dữ dội và rộng khắp như vậy ? Theo chúng tôi có lẽ không
chỉ đơn thuần là lý do kinh tế. Những khiếu kiện kinh tế chỉ là điểm
xuất phát khi một số cán bộ xã bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng lại tự
cho mình cái quyền tự phán xét, tự hợp thức hóa những quyết định đáng
nghi ngờ của họ. Những người này tự cho họ là đại diện cho Ðảng bởi họ
chính là bí thư hay các đảng ủy viên quan trọng của đảng bộ, tự cho là
đại diện cho Chính quyền nhân dân, khi họ là chủ tịch hay các phó chủ
tịch, trưởng thôn, tự xem là đại diện cho pháp luật khi họ là chủ tịch
hay các thành viên của Hội đồng nhân dân xã. Những người này triệt để
sử dụng các thiết chế hiện hành đang bị quan liêu hóa để hợp thức hóa
những quyết định của họ thay vì trực tiếp tham khảo, lắng nghe ý kiến
của nhân dân, dần dần một bộ phận những người có quyền lực này xa lạ và
đối lập với dân.
Một khi mà sự việc đã diễn ra đến tình huống như vậy thì ở những nơi
này, nội bộ Ðảng bị chia rẽ vì phe cánh và quyền lợi, mất dần sức sống,
không còn uy tín. Chính quyền rơi vào nguy cơ mất mối liên hệ với các
tổ chức quần chúng. Giữa dân với Ðảng và Chính quyền mất dần kênh liên
lạc vốn có. Người ta phải sử dụng đến các hình thức khiếu kiện vượt cấp
để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của họ. Khi mọi hình thức đó không
đi đến kết quả thì xung đột nổ ra dưới mọi hình thức. Các phần tử cực
đoan quá khích có cơ hội để đưa cuộc đấu tranh nhanh chóng đi đến bế
tắc bằng các hình thức bạo lực và sự trả thù.
Hãy dừng lại ở sự kiện xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, đi vào diễn biến
dẫn đến sự bùng nổ để qua đó, chứng minh cho những phân tích nói trên.
Sự việc bắt đầu bằng những đụng độ căng thẳng xung quanh yêu cầu của
Thanh tra Nhân dân xóm 10, thôn Kiến Quan, đòi ông Khương, nguyên Xóm
trưởng giao nộp hồ sơ sổ sách để kiểm tra mà chưa được đáp ứng. Ngày
24/6/97, trước sức ép của nhiều người, ông Lương Văn Quang, thành viên
Tổ Thanh tra Nhân dân xóm đã đánh kẻng họp dân toàn xóm mà chưa có sự
đồng ý của người có trách nhiệm. Ðiều này đã dẫn đến tranh chấp, đôi co
trong việc lập biên bản và giữ ông Quang tại trụ sở Ủy ban vào ngày
26/6/97. Việc này do Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hàm và Bí thư Ðảng ủy Vũ Xuân
Chiếm chủ trương.
Bị kích động bởi một lời thách đố của Chủ tịch xã khi nóng giận, dân
xóm 10, và sau đó kèm theo là hàng nghìn người từ các thôn xóm khác
trong và ngoài xã đã tràn đến bao vây trụ sở xã vào cuối ngày hôm đó.
Những hành động quá khích vượt quá giới hạn của cuộc đấu lý đã dẫn đến
bạo lực. Ðám đông hàng trăm người trong đó có những người bịt mặt với
sự reo hò, cổ xúy của hàng nghìn người vây Ủy ban (cỡ chừng vài ba
nghìn người, có người cho rằng có tới 6 nghìn người) đã tràn vào trụ sở
Ủy ban Nhân dân xã, đập phá bàn ghế, tủ công tác, bàn hội nghị, phòng
ốc, chậu hoa, cây cảnh, bát đĩa, v.v. và săn đuổi cán bộ xã đang có mặt
tại trụ sở. (Khi thấy sự việc có chiều hướng nguy hiểm, hệ thống đèn
chiếu sáng đã phải vụt tắt, tất cả các cán bộ xã đều đã phải trốn chạy
tháo thân).
Thế rồi từ 7h tối ngày hôm đó cho tới rạng sáng ngày hôm sau (chừng
3h30') là một cuộc bạo động của đám đông hàng nghìn người rầm rập trên
đường lần lượt đi phá, đốt nhà cửa, lấy tài sản của các cán bộ chủ chốt
trong xã.
Trình tự của cuộc đập phá : Thoạt đầu là Ủy ban xã, ngay sau đó là nhà
chị Ly, liền kề Ủy ban (đây là gia đình thường thổi nấu cơm khách, phục
vụ ăn uống cho Ủy ban xã). Người ta nói rằng việc đập phá nhà chị Ly là
để cho bõ tức vì không tìm thấy ông Chủ tịch Hàm tại đó. Tại nhà này,
đám đông đã đốt xe máy phân khối lớn của một cán bộ công an tỉnh biệt
phái theo dõi cơ sở. Từ nhà chị Ly, đám đông ầm ầm đi tới xóm 11 dập
phá nhà Chủ tịch Hàm. Sau đó, chuyển xuống xóm 6, phá nhà ông Trung,
cán bộ quản lý địa chính xã, sang xóm 8, đập phá tài sản nhà ông Lự,
Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái
Bình. Tại đây, đã diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt giữa thân nhân của
chủ nhà với người đi đập phá, cả hai phía đều có người bị thương, đám
đông đã bắt đầu nổi lửa đốt từ nhà này trở đi. Tiếp đó đám đông vượt
đồng sang xóm 9, xóm 10 để đập phá và đốt nhà ông Hoa, Phó Chủ tịch phụ
trách nội chính xã, quay trở về gần nhà Chủ tịch Hàm để đốt phá nhà ông
Ðăng, Chỉ huy trưởng quân sự xã, sau đó tới các xóm khác đốt phá nhà
ông Trừ (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân khóa trước, nay là Trưởng
ban Tài chính xã) rồi tới đốt phá nhà ông Hứa, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã
nông nghiệp. Ðiểm đốt phá cuối cùng là nhà Bí thư Ðảng ủy Vũ Xuân
Chiếm, huyện ủy viên huyện Quỳnh Phụ... Tại đây, đám đông giải tán vào
lúc khoảng 3h30' sáng ngày 27/6/1997.
Từ những thông tin mà chúng tôi nắm được qua cuộc khảo sát nhanh được
trình bày tóm tắt ở trên chúng tôi nghĩ có thể gợi lên một số nguyên
nhân để giải thích các sự biến vừa rồi. Ðương nhiên ở đây cũng chỉ là
sự suy nghĩ chủ quan của chúng tôi từ cách tiếp cận xã hội học. Ở những
cách tiếp cận khác, có thể có sự nhìn nhận khác. Tuy vậy, chúng tôi cứ
mạnh dạn nêu lên như sau :
II. Sức
dân bị khai thác
quá mức,
bị sử dụng lãng phí và
bị tham nhũng
quá mức
Nghĩa trang liệt sỹ hoành tráng
Là một tỉnh nông nghiệp,
mật độ dân số
quá cao và có một thời tỉ lệ phát triển dân số quá lớn. Thái Bình cho
đến nay vẫn chỉ trông chờ vào việc trồng lúa. 102.360 ha đất nông
nghiệp của Thái Bình đã được thâm canh đến mức tối đa và nhìn chung
năng suất cũng đã đạt đến mức tối đa : 10-15 tấn/ha/năm ; tức là khoảng
từ 2 cho đến 2,5 tạ/sào/vụ. Bình quân đất canh tác mỗi khẩu dao động từ
1 tới 1,5 sào/người. Ước tính năm 1997 trung bình mỗi người dân Thái
Bình xuất khẩu không quá 15 đô la, trong đó một phần không nhỏ trông
chờ vào xuất khẩu lúa. Ðược mùa nên giá lúa đã rơi mạnh ; giá lúa trung
bình tại các chợ là 1.200 đ/kg thóc và sau vụ Ðông xuân 1997 Thái Bình
còn hàng chục vạn tấn chưa có thị trường tiêu thụ.
Nhìn từ góc độ hộ gia đình, tình hình lúa ít sáng sủa hơn. Theo nhiều
người đánh giá, nếu cần mua 200 đ thuốc lào cũng phải bán lúa và 5 cân
mới mua nổi 1 bao Vinataba (Thời
báo
Kinh tế, 16/7/1997). Những nguồn thu nhập khác ngoài lúa
như
chăn nuôi là thấp và ít ỏi. Chúng tôi dẫn ra đây trường hợp một nông
dân đã từng tham gia biểu tình ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh
Thái Bình. Gia đình anh ta 5 người với 7,5 sào ruộng có thể có thu nhập
tối đa là :
7,5 sào x 4 tạ = 30 tạ = 3
tấn =
3.600.000đ
2 tạ
lợn x
10.000đ/kg = 2.000.000đ
Các
khoản khác : =
2.000.000đ
Tổng
cộng : =
7.600.000đ
Trong lúc đó, các khoản chi phí chủ yếu là :
7,5 sào x 1 tạ = 7,5 tạ =
1.000.000đ
2 tạ
lợn X 5.000đ/kg
= 1.000.000đ
Tổng cộng : = 2.000.000đ
Các khoản đóng góp cho chính quyền:
Vụ đông : 71,1 tạ =
850.000đ
Vụ mùa
: 5,7 tạ =
680.000đ
Cộng :
= 1.530.000đ
Tổng cộng: =
4.100.000đ
Thu nhập bình quân 800.000 đ/người
Có lẽ đây là một trường hợp không mấy cá biệt, mà có thể xem như khá
phổ biến đối với Thái Bình.
Với nguồn thu tối đa là 1.000.000 đ/người/năm, người nông dân phải chi
cho ăn, mặc, học hành của con cái, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa và vô
vàn các khoản khác nữa. Trong lúc đó hệ thống nhu cầu lại được mở rộng,
theo kênh truyền thông đại chúng về lối sống đô thị và theo mạng lưới
giao thông nối liền nông thôn với đô thị. Ví dụ, nước giải khát chè
xanh không còn trong khi xuất hiện "bia Ong" (Thái Bình) cũng như các
loại nước có ga khác. Người nông dân trên những thửa ruộng với nhiều
mảnh cách xa nhau cũng không thể cày sâu hơn, cuốc bẫm hơn vì họ đã
nghiệm ra là càng như thế thì thu nhập của họ càng ít đi. Trong khi đó,
đường nhựa và thông tin đại chúng truyền tải liên tục về cho họ những
sản phẩm mới và những hình ảnh mới mà họ ít có cơ hội để hưởng dụng
chúng. Ðặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học và y tế nhà nước,
rất khó để người nông dân có thể hưởng được những thành quả của sự phát
triển trong hai hệ thống đó.
Trong lúc đó, người nông dân cũng tận mắt thấy sự đồng đều truyền thống
mà họ yêu mến không còn nữa. Nhóm cán bộ xã đã giàu lên nhanh chóng và
bắt đầu có một lối sống khác: "chiều
chiều họ cưỡi xe dim [xe honda Dream], đeo vạt [cà vạt], mặt đỏ như ông tiên sư, ra cánh
đồng đứng
chỉ trỏ" (lời kể của một lão nông, huyện Quỳnh Phụ). Thế
rồi vợ
con của những cán bộ kiểu này bắt đầu có những đua đòi, kệch cỡm trong
lối sống mà bà con lối xóm cho là "hợm của". Và không thể nào lý giải
được nguồn gốc của số của cải đó. Trong các khiếu nại, nhiều người nông
dân chỉ yêu cầu các cán bộ lãnh đạo xã dạy cho họ biết cách làm thế nào
để cũng có thể giàu lên nhanh chóng như cán bộ.
Thành tựu về tăng trưởng kinh tế ở Thái Bình là rõ ràng : người nông
dân từ chỗ đói ăn, nhà tranh vách đất nay đã chuyển sang đủ ăn, nhà
kiên cố. Tuy nhiên, do hệ thống nhu cầu được mở ra nên từng người cụ
thể không cảm nhận được sự tăng trưởng đó. Có chăng là với người già,
khi họ ngồi nhớ lại rằng ngày xưa đời sống khổ cực hơn.
Một thành tựu cơ bản của Thái Bình cho đến tận hôm nay là đẩy nhanh các
chương trình xã hội. Trong năm năm qua những công trình "Ðiện, đường,
trường, trạm" đã là những thành tựu nổi bật nhằm mục tiêu phát triển
kinh tế, đặc biệt là phát triển xã hội. Tuy nhiên, nếu phát triển các
chương trình đó trong bối cảnh của nền kinh tế không phát triển đạt đến
mức tương ứng thì sẽ đem lại một sự thụt lùi cả trên bình diện kinh tế
lẫn xã hội. Ðiều này thì nhiều lãnh đạo nào cũng có thể hiểu.
Thế nhưng, dường như lãnh đạo Thái Bình muốn thông qua những chương
trình xã hội để phần nào đảm bảo lại sự phân phối lại công bằng hơn cho
người dân. Có lẽ chưa có tỉnh nào phát triển hệ thống giao thông nông
thôn tốt được như Thái Bình : đường liên xã đều được rải nhựa. Hơn thế,
Thái Bình còn phát triển cả bốn công trình điện, đường, trường, trạm
cùng một lúc. Quả thực điều này đã tạo cho nông thôn Thái Bình một diện
mạo rất tươi sáng. Nhìn từ ngoài vào, ấn tượng thật nổi bật. Song nếu
đi sâu phân tích sẽ bật ra nhiều vấn đề.
Ðiểm đầu tiên cần hiểu : từ nguồn vốn nào để thực thi các công trình
lớn đó ? Không thể từ đâu khác, kể cả nguồn vốn cho việc xây dựng trụ
sở, hội trường, nhà tưởng niệm, v.v. đều chủ yếu lấy từ sự đóng góp của
nông dân. Cùng với nó là từ các nguồn có thể xoay xở được như bán đất
cho những người có tiền làm nhà. Ðặc biệt là khoản tiền vay của ngân
hàng với hy vọng sẽ trả dần về sau này. Ước tính số tiền nợ vay ngân
hàng theo những người được hỏi có thể chiếm 10 % tổng số tiền sử dụng
để triển khai các chương trình trên. Gánh nặng trả nợ về sau thì rồi
cũng đè trên vai người dân chứ còn ở đâu khác. Mà những khoản đóng góp
thì rất đa dạng.
Ví dụ : tại xã Tây Phong huyện Tiền Hải, người ta nói với chúng tôi
rằng : mỗi con trâu 1 vụ phải đóng 40 kg thóc về tiền giao thông, tức
là mỗi chân trâu 10 kg thóc cho 1 vụ ; mỗi đàn vịt từ 30 con trở lên
phải đóng thuế trồng cỏ. Còn nhiều khoản đóng góp khác nữa, ví như một
cuộc họp phổ biến kiến thức nói về nông nghiệp cũng đòi mỗi gia đình
phải đóng góp 7 kg thóc, v.v.
Những xã càng là tiên tiến, lá cờ đầu, thì sự đóng góp của dân càng
nặng hơn. Cũng người nông dân tại xã Tây Phong, Tiền Hải, Thái Bình,
người đã tham gia cuộc biểu tình bày tỏ ý kiến trên huyện đã nói ở
trên, anh ta cho biết : "Theo
quy
định vụ Ðông xuân 97 gia đình anh phải đóng 7,1 tạ thóc cho hộ 5 người.
Nhờ quyết định 279 (**) nên
vụ Ðông xuân này hộ chỉ còn phải đóng góp 2,2 tạ thóc mà thôi. Và các
gia đình trong xã bắt đầu tổ chức ăn mừng việc "giảm sản".
Ở xã
là nơi mà sự đóng góp đó đè lên vai người nông dân với tất cả sức nặng
của nó, hầu như tất cả các xã của Thái Bình đều nằm trong tình trạng
mang công mắc nợ ngân hàng. Xã nợ chừng 1-2 tỷ là chuyện thường. Tại xã
Quyết Tiến huyện Kiến Xương, một xã có khoảng hơn 3 000 dân, mức nợ nằm
ở khoảng trung bình cũng là chừng 400 triệu. Theo lời bình của một cán
bộ xã : "Nếu xã nợ chừng
100 triệu
trở lại thì còn có thể xoay xở được chứ quá 100 triệu thì sẽ rất nan
giải".
Cần nhớ rằng, nội dung đích thực của các chương trình xã hội không phải
nằm ở phần cứng của nó, mà là nội dung bên trong cái khung hào nhoáng
đó. Chẳng hạn, với trường học thì phần cơ bản phải là đời sống và giáo
viên để cho họ thực sự là giáo viên chứ không phải là người nông dân có
nghề phụ là dạy học ! Với trạm xá thì tay nghề của các cán bộ y tế cùng
những trang thiết bị tối thiểu cho họ hành nghề mới là cái chức năng
đích thực. Nếu thế thì một câu hỏi được đặt ra : Liệu có cần phải xây
nhiều trạm xá đến như thế không trong khi đã có một hệ thống giao thông
tốt và thuận lợi đến như vậy ? Cũng có nghĩa là cho đến hôm nay, thực
chất các chương trình phát triển xã hội cũng mới chỉ hoàn tất bước đầu
ở phần dễ thấy nhất và tương đối ít tốn hơn. Ấy thế mà cũng đã kiệt
sức. Câu hỏi đặt ra sẽ là, phát triển các chương trình xã hội có kịp
mang lại động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn Thái Bình hay
không, hay đang là gánh nặng quá sức đối với người dân khi mà bình quân
thu nhập của họ chỉ trên dưới xấp xỉ 1 triệu đồng cho 1 người trong 1
năm ? Hậu quả của sự đóng góp quá sức đó là gì, chúng ta đã tìm thấy
trong các sự biến vừa rồi. Nói cách khác, theo chúng tôi, đó chính là
một trong những nguyên nhân đẩy tới sự biến Thái Bình.
III. Cán bộ và cơ chế
UBND xã An Ninh, H. Quỳnh Phụ, Thái BÌnh
1. Về người cán bộ
Ðiều mà mọi người thường giải thích, do cán bộ xã tham nhũng quá đáng,
ức hiếp dân để dân không chịu nổi nên tức nước thì vỡ bờ thôi. Trăm sự
là đều do cán bộ xã hư hỏng mà ra. Nói vậy cũng có chỗ đúng song cách
nhìn nhận ấy không thỏa đáng, và nói cho cùng, cũng chưa đi vào nguyên
nhân cơ bản dẫn đến sự khủng hoảng ở Thái Bình, một điển hình nổi bật
nhiều năm của sự nghiệp phát triển nông thôn. Rốt cuộc lại thì những
người cán bộ là ai, phải chăng họ chính là những thành viên cấp cuối
cùng thực thi mọi đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước ? Mà thật
ra, với người nông dân ở xã thì Ðảng và Nhà nước cũng là một, nó là
hiện diện cho những người có quyền lực đang trực tiếp tổ chức và chi
phối đời sống của họ. Ở một khía cạnh nào đó, người cán bộ xã phải gánh
trên vai toàn bộ gánh nặng của hệ thống quản lý về chính trị, kinh tế,
xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng... Chính họ là người chuyển tải mọi
chủ trương đường lối của Ðảng và Nhà nước đến trực tiếp với người dân,
nói đúng hơn, đến 80 % dân số của cả nước. Không có họ khó hình dung
được sự hoạt động của hệ thống quản lý. Cho nên, không thể chỉ có sự
phê xét về họ, mà quan trọng hơn, là sự thẩm định lại cái cơ chế đang
điều hành họ, đúng hơn, cái cơ chế mà họ được đặt vào, và rồi, bản thân
họ góp phần làm cho cái cơ chế ấy vận hành và cũng bị sự vận hành của
cơ chế ấy chi phối.
Ðương nhiên, họ phải chịu trách nhiệm với những hoạt động của họ, hành
vi của họ, phẩm chất của họ. Không ai có thể biện hộ cho hành vi tham
nhũng và ức hiếp dân của những cán bộ xã hư hỏng. Họ phải bị xử lý,
người khác sẽ được thay thế vào, và guồng máy tiếp tục được vận hành
theo cái cơ chế đã từng chi phối những cán bộ vừa bị xử lý (sa thải
hoặc kỷ luật, ví dụ thế). Thế rồi sao nữa ?
Một bộ máy quản lý ở cấp xã cũng đủ lệ bộ như đã quy định từ Trung
ương, chỉ có điều, tiền phụ cấp công tác hoặc lương mà họ được hưởng
không tương xứng với công việc mà họ phải gánh vác. Ví dụ như, với
280.000đ, một chủ tịch xã chỉ có thể chi phí cho việc đi họp ở huyện, ở
tỉnh, giao tiếp, khách khứa (xăng xe, thuốc lá, thuốc lào, giải khát
dọc đường, sửa xe, v.v.). Nhưng họ cũng phải sống chứ, phải nuôi vợ
con, rồi nhà cửa, giỗ chạp, cưới xin, chữa bệnh, học hành cho con cái,
v.v. Tiền lấy đâu ra ? Ấy vậy mà, xem ra, không mấy cán bộ có chức, có
quyền ở xã lại chịu sống trong cảnh bần hàn nhưng liêm khiết cả. Nói
chung thì, ở những xã vừa bùng lên những vụ khiếu kiện, những vụ biểu
tình, những sự đập phá, v.v. các cán bộ xã đều có mức sống tương đối
cao so với mặt bằng mức sống chung của dân trong xã (trừ những cá biệt).
Trong cuộc phỏng vấn một ông giáo về hưu tại thị trấn Kiến Xương, người
đang đi khắp nơi nộp đơn đòi thành lập Hội Chống tham nhũng, thì ông ta
chia tham nhũng ra làm ba loại, trong đó loại 2, loại 3 thì chỉ cảnh
cáo. Chính ông cũng thừa nhận rằng, các cán bộ xã đã làm việc rất nhiều
nhưng phần tặng thưởng cho họ về công lao hoạt động là quá ít ỏi. Cũng
có nghĩa là ông mặc nhiên thừa nhận những cái mà những người cán bộ có
được cũng một phần là công sức lao động của họ, công sức ấy chưa được
Nhà nước bồi hoàn thích đáng, và vì vậy tham nhũng là điều dễ hiểu và
khá phổ biến. "Nếu cách
chức cả thì
lấy ai làm việc", ông ta kết luận !
Cũng có thể thấy rằng, công quỹ được hình thành nên, để trong đó có thu
nhập của cán bộ xã, có thể có được từ 3 nguồn (ở những xã không có dịch
vụ phát triển) :
- Tiền phần trăm do các bên nhận thầu "lại quả" khi thực thi các công
trình phúc lợi công cộng. Khoản tiền này rất lớn và khó xác định.
- Tiền bán đất cho nông dân xây nhà.
- Những khoản thu phí trong các hoạt động sản xuất của nông dân.
Những khoản tiền này được chi để trang trải mọi hoạt động của một bộ
máy hành chính rất cồng kềnh, song không được trả đủ lương để tồn tại.
Ðấy là chưa nói để chứng minh sự tồn tại của mình là hợp lý, bộ máy này
luôn luôn xáo động bằng sự thay đổi nhân sự, bằng sự thăm viếng thường
xuyên để chứng tỏ tính chất tập trung tuyệt đối của họ. Phần còn lại
sau khi chi phí cho sự hoạt động của bộ máy cồng kềnh đó sẽ thuộc về
những người quản lý cấp cơ sở.
Như vậy có nghĩa là khoản thu nhập thêm của cán bộ xã có tính hai mặt.
Một mặt, nó là sự trả công cho lao động cường độ rất cao của họ. Mặt
khác, nó là sự tước đoạt của cộng đồng. Và do tính chất tuyệt đối của
quyền lực hiện hữu, hoàn toàn không có khả năng kiểm soát được về sự
tước đoạt này, gắn với sự bất hợp lý của nền hành chính. Sự lạm dụng
công quỹ được hình thành nên do những đóng góp nói trên là điều tất
yếu, không thể khác được. Và, sự lạm dụng đó rất lớn, chẳng hạn như,
người ta nói và chắc là không ngoa, sau hai năm công tác, một trưởng
thôn có thể kiếm được 17 tấn thóc. Nói cách khác, cùng với việc sử dụng
công quỹ để nuôi một bộ máy quản lý quá cồng kềnh ở cấp xã, để tạo ra
sự khang trang cho cả cộng đồng, người cán bộ xã cũng tìm cách làm giàu
cho gia đình họ.
Vấn đề đặt ra không chỉ là phẩm chất của người cán bộ xã mà chủ yếu là
cơ chế nào đã cho phép họ cái quyền được tạo ra công quỹ đó và được
phép sử dụng công quỹ đó. Sự phẫn nộ của nông dân không phải chỉ là
những khoản họ phải đóng góp, và còn là, và chủ yếu là việc chi dùng sự
đóng góp đó, trong đó có sự tham nhũng như đã phân tích ở phần II.
2. Sự đối đầu giữa cán bộ quản lý và dân
Sự đối đầu giữa cán bộ cấp cơ sở và nông dân là một thực tế rõ nét. Mà
những sự biến ở Thái Bình vừa qua đã được phơi bày, cần phải được mạnh
dạn chỉ ra. Cần chú ý đến một câu ngạn ngữ phương Tây : "Quyền lực có xu hướng tham
nhũng, và quyền
lực là tuyệt đối thì tham nhũng là tuyệt đối". Ở cơ sở
cộng đồng
xã hội nông thôn hiện nay, sự tập trung quyền lực tuyệt đối, trên thực
tế là ở trong tay một số người, mặc dù trên danh nghĩa thì là tập thể
lãnh đạo của tổ chức Ðảng và Chính quyền.
Trong cuộc phỏng vấn tại nhiều xã trong đợt khảo sát vừa qua của chúng
tôi, nhiều bà con nông dân đã thể hiện rõ sự phẫn nộ và quyết liệt với
một số cán bộ xã và ngược lại các cán bộ xã cũng có một thái độ như thế
đối với những người nông dân biểu tình. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai
nhóm người này là quá rõ, họ rành nhau quá, biết kỹ về nhau quá. Sau
những năm dài cùng tồn tại dựa vào nhau, có lẽ chỉ có họ mới hiểu chính
xác thế nào là mối quan hệ giữa người quản lý (nhà nước) và người bị
quản lý (nhân dân). Và tuyệt đối họ không có ảo tưởng về nhau. Những ảo
tưởng về đối tượng quản lý, nếu có, chỉ bắt đầu xuất hiện tại cấp huyện
và những cấp cao hơn chứ không thể nào có được tại cấp xã. Cán bộ cấp
xã là những người có tư duy rất cụ thể (và có lẽ đó là nơi đào tạo tốt
nhất về quản ý nhà nước hiện nay hơn bất cứ học viện nào).
Bi kịch nông thôn là ở chỗ cả hai nhóm người đang đối diện với nhau đều
cùng hướng vào những mục tiêu mà xã hội theo đuổi và cơ chế mà xã hội
vận hành để theo đuổi các mục tiêu đó. Chính họ cùng chia sẻ những mục
tiêu đó mà không ý thức được về cái giá phải trả để đạt được tới đích.
Sự căng thẳng vẫn tồn tại từ rất lâu, nhưng một thời gian có phần mờ đi
vì chiến tranh, về sự hy vọng về một xã hội tốt đẹp, trong đó mọi người
đều bình đẳng như nhau, sướng khổ như nhau. Khi bắt tay vào xây dựng
cuộc sống mới sau hòa bình, những hậu quả của chiến tranh càng được làm
trầm trọng thêm trong sự vận hành cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao
cấp đẩy tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài, đời
sống nông thôn lại càng khó khăn gấp bội. Những bước khởi sắc với Nghị
quyết 10 và công cuộc Ðổi mới làm cho đời sống nông thôn có chuyển biến
mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian khởi động, những động lực được tạo ra
không còn giữ được sức đẩy như trước nữa, động lực mới thì chưa tạo ra
được. Cơ chế vận hành của hệ thống quản lý và bộ máy hành chính càng
ngày càng bộc lộ sự bất cập của chúng. Sự bất cập càng kéo dài thì đụng
độ giữa người quản lý và đối tượng họ quản lý càng tăng.
Những dồn nén không được giải tỏa (những khiếu kiện hợp lý và trong
khuôn khổ hiền hòa, chỉ nhận được những thái độ lẩn tránh quanh co hoặc
im lặng kéo dài của các cấp từ xã lên đến huyện, đến tỉnh thậm chí đôi
lúc cả trung ương) đến một lúc không kềm chế được đã bục ra. Và khi nó
đã bục ra thì có một thực tế phũ phàng là: bộ máy quản lý cấp xã nhiều
nơi bị vô hiệu hóa hoặc tan rã. Ðiều mỉa mai nhất, chúng thể hiện rõ sự
bục vỡ đó ở ngay những nơi đã được đánh giá là chính quyền vững mạnh,
đảng bộ bốn tốt ví như ở xã An Ninh, Quỳnh Phụ, xã Thái Thịnh, Thái
Thường của Thái Thụy và xã Tây Phong của Tiền Hải.
Ở những nơi này, sự đối đầu giữa người dân và bộ máy quản lý đã đến cao
độ. Và sự đối đầu này hoàn toàn không có cái gì để làm mềm đi cả. Mặc
dầu ở những nơi này người ta vẫn học thuộc lòng khẩu hiệu : "Ðảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Thế là diễn ra tình huống nhà
nước cấp xã quản lý theo những mục tiêu mà nhà nước cấp trên đề ra.
Nhân dân thể hiện sự làm chủ của mình bằng cách nổi lên phản kháng. Tuy
nhiên, trong cuộc xung đột đó, theo nhận xét của nhiều người, hoàn toàn
không thấy bóng dáng của đảng viên nào đứng ra can ngăn những cơn phẫn
nộ của quần chúng, bảo vệ những thành quả đã đạt được cũng như bảo vệ
nhân tính của người. Trong các sự biến, nhìn rõ sự đối đầu giữa nhà
nước, những người quản lý, và nông dân, những người bị quản lý. Tuy
vậy, không thấy có ai ca thán gì về Ðảng, tất cả mọi người vẫn nói rằng
: đường lối của Ðảng là đúng đắn ! Gần như mọi người đều nhận định rằng
: dân chỉ chống những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, không chống lại chế
độ.
Ðây là một vấn đề của chính trị học, có lẽ chúng ta cần có sự nghiên
cứu thỏa đáng để rút ra bài học về mặt thể chế và về vai trò của Ðảng
cầm quyền được hiện diện bằng xương bằng thịt ở tổ chức Ðảng cơ sở và ở
người Ðảng viên sống trong lòng quần chúng. Không thể không thấy rằng,
sự hiện diện bằng xương, bằng thịt của Ðảng cầm quyền là Nhà nước, là
chính quyền ở cơ sở cũng như ở các cấp. Ở một khía cạnh khác trong mối
quan hệ giữa cán bộ cơ sở với dân, cần phân tích đó là sự mất dân chủ,
xa rời quần chúng nhân dân của một số cán bộ xã còn phản ánh ở một
chiều cạnh khác của sự bất bình đẳng xã hội mà chính họ là đại diện.
Ðó là sự cố tình phô bày một lối sống trái ngược hẳn với đạo lý của đời
sống cộng đồng vốn rất đặc trưng cho nông thôn Thái Bình. Người dân
Thái Bình chỉ chuyên nghề nông, ít va chạm với thương trường, vì xa các
trục giao thông quốc gia và quốc tế nên rất dễ phản ứng với những gì xa
lạ, nhất là những thay đổi từ trong đời sống cộng đồng của chính họ. Họ
nhìn những người cán bộ xã đang giàu lên nhanh không phải bằng mồ hôi
nước mắt của chính họ bằng con mắt nghi ngờ bao nhiêu, thì càng tỏ ra
căm uất bấy nhiêu khi chứng kiến sự xa hoa đua đòi và kênh kiệu của
những người này.
Người dân thể hiện sự căm tức ấy qua cách mô tả những ngôi nhà cao to
có trang bị đắt tiền kiểu thành phố, những chiếc xe máy đời mới nhất,
đến cách ăn diện của các bà vợ các cán bộ xã đi liền với những câu nói
hợm hĩnh, rồi đồ trang sức ở những đứa con cán bộ, v.v. (Một ví dụ : vợ
của một cán bộ xã đứng giữa chợ gọi điện thoại di động về cho chồng con
xem muốn ăn gì đổi món để mua khiến cho bà con nhìn họ với đôi mắt phẫn
nộ và dè bỉu). Rõ ràng là cùng với sự phẫn nộ trước những bất công và
tham nhũng về kinh tế trước sự lộng quyền mất dân chủ về chính trị và
xã hội, mô hình văn hóa của làng quê cổ truyền đụng độ gay gắt với
những khác lạ của lối sống của những người mới phất lên do khai thác
được cơ may, quyền lực mà họ đang có. Chiều cạnh của văn hóa này của
các sự biến cần phải nhìn cho ra để giải thích thêm về nguyên nhân cho
những màn kịch đốt nhà và đập phá của cải đầy bạo lực mà người không
theo dõi sự kiện này từ đầu khó cảm nhận được để nhìn nhận và phân tích
sự kiện bạo động vừa xảy ra.
Quả thật, cán bộ xã, người đại diện cho hệ thống quản lý nhà nước ở cấp
xã cùng với cơ chế quản lý đang vận hành đã bộc lộ những yếu kém và bất
cập để dẫn đến những vụ đụng độ gay gắt, chuyển thành những bùng nổ xã
hội khiến chúng ta buộc phải nhìn nhận trở lại một cách nghiêm khắc về
vấn đề quản lý nhà nước. Cũng cần phải lưu ý rằng những sự kiện Thái
Bình lại nổ ra vào lúc chúng ta vừa có nghị quyết Trung ương 3 về nhà
nước và cán bộ !
3. Những giải pháp bất cập từ nhiều phía
Nếu diễn biến của tình hình đã vượt quá tầm kiểm soát của những người
tổ chức và tham gia vào cuộc đấu tranh, thì đối với chính quyền các cấp
trên, đây cũng là một sự kiện hết sức bất ngờ. Cách nhận định địch - ta
trong tư duy chính trị trước đây đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các giải
pháp tình thế. Nghi vấn về sự xúi giục hay âm mưu phá hoại của địch đã
loại trừ khả năng xử lý kịp thời những vụ tham nhũng và vi phạm dân chủ
trong nông thôn của một số cán bộ xã và có thể dập tắt ngay từ đầu cái
mầm của sự rối loạn không đáng có này. Nó cũng làm chậm lại việc củng
cố Ðảng và các tổ chức quần chúng trong nông thôn. "Không cắt bỏ ngay cái bọc ung
thư, để cho
nó di căn rồi mới lo cứu chữa thì quá chậm", đó là một
nhận xét
chí lý của một cán bộ có trọng trách ở cấp tỉnh nay đã về hưu, đã nói
với chúng tôi !
Các quyết định của tỉnh cho dù là đúng, song vì không sát với thời điểm
của nó nên có khi còn gây căng thẳng thêm cho tình hình. Chỉ thị "279"
yêu cầu chính quyền địa phương chỉ được thu 7 khoản như quy định của
tỉnh, được công bố vào cuối tháng 6.97 đã làm bế tắc thêm cho các giải
pháp nếu đâu đó cán bộ cố tìm cách tháo gỡ sự đụng độ. Các công trình
đã được ký kết và khởi công. Các khoản tiền đã được vay để tạm ứng
trước, nay không còn khả năng thanh toán vì đã mất các nguồn thu. Tỉnh
đã phải ban bố tiếp một quyết định khác yêu cầu đình chỉ mọi khoản thu
và hứa cung cấp kinh phí để giải quyết những bế tắc hiện tại. Những yêu
sách của quần chúng là bức xúc và phần lớn những chính quyền cấp xã
không sao thỏa mãn, vì nếu thỏa mãn chúng thì phải phủ định chính mình:
quyền lực, lợi ích, uy thế. Tình hình dẫn tới chỗ bế tắc. Hệ thống
quyền lực ở xã lung lay và không còn chỗ dựa trong dân. Vai trò lãnh
đạo bị mờ nhạt, vô hiệu hóa.
Tình trạng thiếu lãnh đạo trong nông thôn lập tức được biến thành cơ
hội cho các lực lượng xã hội khác xuất hiện chi phối đời sống xã hội
nông thôn. Cái cơ cấu làng họ lâu nay tưởng như chìm sâu trong ký ức
giờ đây lại sống lại và trở thành chỗ dựa mạnh mẽ cho đời sống thôn xã.
Hình ảnh những cán bộ xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) phải co cụm trên nóc nhà
mình với sự bảo vệ của những người trong gia tộc và thôn xóm phải chăng
là điều cảnh báo cho sự bất lực của bộ máy quản lý mà lâu nay chúng ta
cứ ngỡ như là vững chãi và sự phục hồi sức mạnh hệ thống thân tộc, làng
họ cổ truyền. Sự khôi phục những sinh hoạt gia tộc và làng xã truyền
thống trong những năm gần đây có mối liên hệ gì không với những sự biến
này ?
Năm 1993, các đảng viên thuộc hai chi bộ ở xã Thụy Hải (Thái Thụy) đã
tổ chức dân hai thôn cầm vũ khí đánh nhau vì tranh chấp đất. Người ta
cũng rất tích cực trong việc đòi tách hợp tác xã và đòi chia lại ruộng
đất giữa các thôn. Những câu chuyện về "chi bộ họ ta", về sự kế nghiệp
các bí thư và chủ tịch đã nghỉ quản lý bằng con, cháu của họ vốn không
chỉ xảy ra gần đây mà nó đã tiềm tàng từ lâu trong cộng đồng làng xã
khi đi vào hợp tác hóa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc khôi phục các
quan hệ và sinh hoạt văn hóa truyền thống ấy chính là cái giá đỡ có
hiệu quả cho quá trình chính trị hóa đời sống nông thôn hiện nay. Nó có
thể có ích cho công cuộc đổi mới hiện nay, nếu nó được hướng theo những
mục tiêu chung của đất nước và thời đại. Trong tình thế ngược lại nó sẽ
là lực cản to lớn cho việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân và sự đi lên
của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng
chủ nghĩa xã hội.
Cần lưu ý rằng : "Làng
là tế bào của
xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ
quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt trồng trọt. Hiểu được
làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu
xã hội Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động
lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong
các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước
những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó" (***).
Chúng ta đang chứng kiến "những
phản
ứng của làng xã" trước những hình thái mà lịch sử đương
đại đặt
vào nó.
Mô hình văn hóa "làng họ" ăn sâu vào tâm thức và thế ứng xử của người
nông dân, đặc biệt là nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Trong các thiết chế
của làng xã cổ truyền, làng - họ là mối liên hệ đặc trưng. Hệ thống
thân tộc, các phe giáp, mối quan hệ người cùng làng đã phần nào tạo ra
đời sống ổn định, trung hòa bởi những đối kháng trong xã hội. Cái cơ
cấu làng - họ với những thiết chế cổ truyền ấy tưởng đã bị xóa bỏ để
thay vào đó thiết chế quyền lực mới : Đảng và Chính quyền ở xã. Trong
thực tế, ảnh hưởng của thiết chế bền vững xưa kia không tan biến mà chỉ
chìm sâu xuống mà thôi. Một khi uy lực và tín nhiệm của bộ máy quyền
lực hiện thời bị lung lay thì sức mạnh của thiết chế cũ lại trỗi dậy.
Không thấy điều này, sẽ không tìm ra được những giải pháp mang tính bền
vững trong việc xây dựng nông thôn mới, lại là nông thôn đang hướng tới
sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Thổi bùng lên ngọn lửa từ lâu âm ỉ là thiếu sót của một bộ phận khá lớn
những cán bộ cấp cơ sở và những xử lý không đúng của các cấp trên của
họ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý và kỷ luật một số cán bộ
có sai lầm khuyết điểm mà thôi thì chưa đủ. Ðiều ấy là tuyệt đối cần
thiết để yên lòng dân, song chưa giải quyết được tận gốc những nguyên
nhân tích lũy, sự bùng nổ lại tiếp tục có thể diễn ra. Vì, tiếp theo
sau sự sa thải hoặc kỷ luật những cán bộ có sai lầm, những người mới
được bổ nhiệm sẽ lại tiếp tục hoạt động trong cái cơ chế vốn là nguyên
nhân của sự tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ, không đủ trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ để thực thi chúc năng nhà nước tại cơ sở thì con
đường dẫn đến sai lầm của lớp cán bộ mới này là không tránh khỏi.
IV. Dân
chủ và dân trí, sự
vi phạm
quyền dân chủ tại nông
thôn
Nếu khởi đầu từ cấp cơ sở
đi lên, thì
thật sẽ hết sức ngạc nhiên tại sao người nông dân lại có thể chịu đựng
lâu đến như thế sự mất dân chủ. Trước hết là vấn đề ruộng đất. Nếu việc
trả lại ruộng đất cho người nông dân tự quản là nền tảng lớn nhất và sơ
khởi cho bất cứ loại hình dân chủ nào thì hiện thực ở Thái Bình là,
người nông dân thường không biết được thật chính xác số đất họ có và
với số đất đó họ phải nộp những khoản gì, bao nhiêu và trên văn bản
nào. Tất cả đã được tính sẵn trong một quyển sổ bởi ai đó và hộ gia
đình ở nhiều nơi không được giữ quyển sổ đó, mà là do trưởng xóm giữ.
Chẳng thế mà sau những sự biến, ở nhiều nơi cán bộ xã (có thể dưới sự
chỉ đạo của cấp trên) đã lẳng lặng đến tuyên bố hoặc gạch bỏ những
khoản mục mà dân phải đóng góp và đã được ghi vào sổ. Bà con kháo nhau,
nếu cứ đà này thì vài năm là chúng ta có thể giàu ! Bằng những chuyện
thật mà cứ tưởng như đùa này, quyền làm chủ đất đai, ước mơ nghìn đời
của người nông dân trên thực tế đã bị vi phạm nghiêm trọng và khiến cho
mọi sự bàn cãi về thành tích dân chủ của một nông thôn mới quả là một
điều xa xỉ. "Nhà nước
bảo thuế ruộng
loại A nộp 19 kg/sào, xã thu hơn 30 kg/sào, dân cứ phải đóng. Một gia
đình có 3 mẹ con, một đứa con đang đi học lớp 7, một đứa học lớp 4. Bà
mẹ không may ngã gãy chân. Thế là tiền thuốc men ngốn hết số thóc trong
nhà, chưa thể đóng thuế được, chỉ còn 20kg thóc trong nhà, xã cũng vào
vét sạch thì còn dân với chủ gì nữa". Ðấy là lời của một
cán bộ
lão thành ở Thái Bình nói với chúng tôi.
Tiếp đó, những dấu hiệu thông thường của nền dân chủ, dù chỉ là hình
thức, càng khó có thể nói là được tôn trọng. Một việc đơn giản nhất là
bầu trưởng xóm, một chức vụ được quy định bởi nhà nước và quy trình bầu
cũng được quy định bởi nhà nước, một nhân vật sống sát nhân dân nhất,
thì ngay việc bầu cử này người dân cũng không thật có quyền. Hay đúng
hơn là, người dân có quyền bầu ra một ông trưởng xóm làm đúng những gì
cấp trên quy định. Nếu không ông trưởng xóm đó sẽ được bãi miễn, để
thay bằng một ông trưởng xóm khác dễ bảo hơn (xã Tây Phong, Tiền Hải).
Do vậy, khó có thể nói nền dân chủ mà chúng ta triển khai có gì khá hơn
nền dân chủ làng xã vốn đã tồn tại nghìn đời ở nông thôn Việt Nam mà
ngay cả chính quyền đô hộ thực dân Pháp trước năm 1945 cũng ngần ngại
không dám xóa bỏ. Ở một chiều cạnh khác của việc thực thi dân chủ là ở
tinh thần luật pháp. Ở đây cũng lại thể hiện một sự bất cập. Một số cán
bộ tin chắc rằng quyết nghị của Hội đồng nhân dân xã có thể là cơ sở
pháp lý tuyệt đối cho mọi hành vi của họ. Vì thế, chỉ cần thao túng Hội
đồng nhân dân là họ có ngay được những văn bản pháp lý cho những quyết
định mất dân chủ của họ. Còn ở phía một bộ phận nhân dân thì dường như
chế độ dân chủ bằng pháp luật chỉ có tính hình thức. Họ chỉ tin vào một
chế độ dân chủ trực tiếp, nơi mà họ có thể trực tiếp phát biểu ý kiến
và nguyện vọng của họ. Họ đã làm nên một sự kiện gần như cuộc "đảo
chính" khi họ giằng micro từ tay một cán bộ (xã Thái Thịnh, tháng 6/97)
để đọc bản đề nghị phế truất vị chủ tịch xã do chính họ bầu ra trước
đây và đề cử một người khác. Những cách quan niệm khác nhau và bất cập
về dân chủ trong xã hội không thể không dẫn tới những rối loạn chức
năng của tổ chức bộ máy nhà nước ở cấp xã, cái cần làm thì không làm,
cái không được phép thì cứ làm bừa.
Một đặc trưng khác của nền dân chủ là sự kiểm soát hữu hiệu hoạt động
của nền hành pháp. Và không thể nói người nông dân, hay thanh tra nhân
dân được bầu ra, lại có thể làm được điều nàỵ Một kiểm soát hữu hiệu
phải có thông tin, ấy vậy mà, chưa có cơ chế nào quy định để người dân
nắm được thông tin cần thiết. Với cơ chế "Ðảng lãnh đạo" được hiểu một
cách thô thiển theo kiểu đảng viên phải nắm tất cả mọi chức vụ, sự kiểm
tra cũng bị những người nhân danh Ðảng thao túng. Như vậy thì sự dân
chủ đã bị vi phạm trắng trợn.
Sự kiện Thái Bình diễn ra với đủ mọi lời đồn đại lan tràn, nhưng truyền
thông của tỉnh trong một thời gian dài đã không hề cung cấp bất kỳ một
thông tin nào về việc "vậy
thì cái gì
đang lan truyền trong toàn thể các xã ở Thái Bình". Còn
khi được
phép đưa tin thì lại đưa theo một sự lựa chọn phiến diện, không phản
ảnh được tình hình, không đáp ứng được đòi hỏi của dân. Ðể nói về cái
quyền sơ đẳng của nhân dân nhiều nơi bị xâm phạm thô bạo, xin dẫn ra
đây một ví dụ : Một trường hợp đẻ con thứ ba (xã Tây Phong, Tiền Hải)
bị phạt theo quy định. Nhằm nhanh chóng thu tiền phạt, xã đã tự mình
đặt tên cho con của gia đình bị phạt và dẫn đến trường hợp rất hy hữu
trong lịch sử : đứa bé có hai tên, tên chính do chính quyền đặt và tên
khác do bố mẹ đặt cho !
Quyền dân chủ bị xâm phạm, điều ấy quá rõ, điều ấy cũng lại gắn với vấn
đề dân trí. Có một sự thật phải chấp nhận, khi trình độ dân trí chưa
được nâng cao thì việc thực thi dân chủ không tránh khỏi những lệch
lạc. Ðiều dễ trông thấy nhất là chủ nghĩa bình quân trong dân chủ làng
xã, trong quan niệm dân chủ đó, phần lớn mọi người vẫn chỉ chia sẻ một
giá trị là sự chia đều cho tất mọi người những quyền lợi về vật chất và
về tinh thần mà xã hội đạt được và người ta có quyền duy trì và thực
hiện các quyền đó. Người ta không chấp nhận rằng có những người khác
lại có khấm khá hơn họ. Và sự phát triển dân trí trong những năm vừa
qua chỉ đủ đưa những người lãnh đạo phong trào nông dân, trong trường
hợp tốt nhất là tư tưởng thành lập một Hội Chống tham nhũng. "Bọn tham nhũng như lũ chuột. Hội
Chống
tham nhũng là con mèo. Chỉ cần có hơi mèo là chuột sợ".
Khởi đầu
với lý lẽ như thế, rõ ràng là dễ đi vào lòng người, sẽ được những kẻ
quá khích cổ vũ cho cái triết lý trong cơ chế hiện nay thì cứ Chí Phèo
là được tất. Và đám đông bùng lên. Những người cầm đầu với ý định rất
tốt đẹp ban đầu không còn làm chủ được tình hình nữa.
Còn bên kia, các cán bộ chính quyền, nhất là cấp xã, cũng có cùng mặc
cảm dân chủ ấy, ngần ngại hành động. Và họ rất hận với chỉ thị 279 giảm
đóng góp của dân xuống. Vì theo họ, đấy là chỉ báo cho cái sự dân chủ
Chí Phèo phát triển.
V. Những nhu cầu khác chưa được đáp ứng
Cùng với sự tăng trưởng
kinh tế, phát
triển xã hội, đảm bảo dân chủ nâng cao dân trí, xã hội hiện đại cần đến
một loạt các thiết chế xã hội để đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn
giữa con người trên căn bản tôn trọng cá nhân. Xã hội hiện đại còn là
một sự hài hòa giữa lao động và sử dụng hợp lý thời gian nhàn rỗi, đặc
biệt là khi có sự tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta đứng trước hiện tượng là Thái Bình là một trong những tỉnh khá
nhất của nông thôn Bắc Bộ, kinh tế có lên tuy chưa nhiều so với tiêu
chuẩn hiện đại nhưng là rất cao so với những ngày trước năm 1945. Học
vấn cũng vậy. Ấy thế mà việc tạo ra những điều kiện để sử dụng thời
gian nhàn rỗi là gần như con số không. Thanh niên sau khi được học hành
đã không thể tìm được một cách giải trí tích cực nào ngoài việc giải
trí thụ động là xem tivi. Trong khi đó tuổi kết hôn lại được nâng cao
đến thừa sinh lực. Thanh niên cũng không có chỗ để thực thi trình độ
hiểu biết của mình do phải tuân thủ truyền thống "trọng xỉ", dù cho đã
có văn hóa, nhưng xem ra vẫn còn "trẻ quá" để thay thế các bậc cha chú
do vậy họ cũng chưa có chỗ để sử dụng. Trong các đám đập phá ở nông
thôn Thái Bình người ta quan sát thấy chủ yếu là thanh niên, với những
mô hình hiệp khách du nhập một cách bập bõm qua các phương tiện thông
tin đại chúng cũng là điều để chúng ta suy nghĩ kỹ hơn về nguyên nhân.
Ðối với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là phụ nữ, tình hình còn bi kịch
hơn. Ruộng đất còn ít, nghề phụ không có, người ta không biết sử dụng
lao động của mình làm gì. Những truyền thống và tập tục văn hóa ngày
xưa thì phần lớn đã bị tiêu vùi trong những năm tháng trước đây. Việc
phá đình chùa cuối cùng ở Thái Bình là vào những năm đầu thập kỷ 80.
Một sự trống trải trên bình diện văn hóa tinh thần, cái dù sao đi chăng
nữa cũng đào tạo cho con người ta một nhân cách, dù là nhân cách cam
chịu, sự trống trải đó sẽ dẫn tới những hệ lụy mà không phải lúc nào
người lãnh đạo cũng cảm nhận được. Và không có cái gì dễ thay thế nó.
Văn hóa mới, hướng nhiều về vật chất, lại cao hơn mức mà kinh tế nông
thôn Thái Bình cho phép.
Những tổ chức, thể chế xã hội được xây dựng nên trong những năm tháng
đã qua. Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phụ lão, v.v. dần dần rơi vào
trạng thái phần nào hữu danh vô thực. Những tổ chức này có một thời đã
đóng một vai trò rất tích cực nhưng giờ đây hình như không còn sức hấp
dẫn người dân nữa. Tất cả những thiết chế xã hội này đều vẫn đang hoạt
động, nhưng có vẻ như nó đã không đáp ứng được mục tiêu : tạo một sự
đồng cảm xã hội.
Trong khi đó, những loại hình tổ chức khác bắt đầu được lập ra : các
hội từ thiện, các tổ chức phi chính phủ, v.v. lại cũng chưa phát huy
được tác dụng bao nhiêu. Người ta dường như cũng cảm nhận rằng những
loại hình thức tổ chức đó cũng chẳng đáp ứng được gì cho nhu cầu tinh
thần và giao tiếp xã hội của người dân vì vẫn là những con người cũ làm
những việc đó.
Do vậy, một mặt người dân tiêu chỗ tiền phụ trội ít ỏi có được của họ
vào ma chay, cưới xin và những cái hủ tục khác nữa như uống rượu hoặc
đánh số đề. Và mặt khác, tâm linh họ lại hướng mạnh về tôn giáo tín
ngưỡng. Có thể thấy ở nông thôn tất cả các bà, các chị từ 30 tuổi trở
lên đều chăm chỉ tham gia lễ chùa hoặc đi nhà thờ đều đặn.
Nên chỉ riêng quan sát ngôi chùa ở nông thôn thì có thể thấy thiết chế
này trong bối cảnh hiện nay là trở nên rất hữu ích cho người dân nông
thôn : thỏa mãn phần nào nhu cầu văn hóa tinh thần, rèn luyện tình
người cho con người. Hơn thế, nó còn là nơi cưu mang cho những cuộc đời
bất trắc, cái mà ở thời nào cũng có. Ðặc biệt là với một nông thôn mà
không có gia đình nào không có người phải nằm xuống trong cuộc chiến
tranh. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các sư giữ chùa làng là những
người phụ nữ có số phận dở dang, trong số đó có nhiều người trở về sau
những năm tháng chiến đấu trong trong hàng ngũ thanh niên xung phong,
chống Mỹ cứu nước.
Và nhà thờ Thiên chúa giáo cũng đang hoạt động tích cực như một lực
lượng cứu rỗi linh hồn. Họ có đủ đức tin và nguồn tài chính để đi vào
trong quần chúng. Ðiều này thật đáng phải suy nghĩ.
Kết luận
Sự kiện Thái Bình, nếu với cái nhìn tỉnh táo, sẽ là một cơ hội để chúng
ta có thể nhìn rõ thực trạng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của
nông thôn nước ta, do vậy mà có những chủ trương đúng sách lược đúng,
đưa nông nghiệp và nông thôn đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện
đại hóa.
Khi cái nhọt đã bục vỡ, nếu biết cách xử lý, nỗi đau sẽ giảm nhẹ đi rất
nhiều và phần cơ thể nhiễm khuẩn sẽ lành mạnh trở lại. Ðiều ấy là dễ
hiểu song không dễ chấp nhận, không dễ có một thái độ dám nhìn thẳng
vào sự thật, nói đúng sự thật với một sự dũng cảm mổ xẻ, phân tích để
tìm ra đúng nguyên nhân. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân của sự kiện,
chỉ dừng lại trên bề mặt của hiện tượng, đối phó bị động và tạm thời
bằng những giải pháp chắp vá, thì nhất thời có thể tạm yên được sự bùng
nổ, nhưng cái đẩy tới sự bùng nổ thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn nung
nấu them, đây là một logic tất yếu mà mọi sự bưng bít, che đậy hay
xuyên tạc sẽ gánh chịu những hệ lụy khó lường.
Hơn nữa, sự kiện Thái Bình không là ngẫu nhiên và duy nhất. Cái đáng
ngạc nhiên – nếu có ai đó có sự ngạc nhiên – thì tại sao lại xảy ra
đúng ở Thái Bình, lá cờ đầu của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông
thôn mới, cái xót xa là ở những điểm nóng nơi dân đòi hạ bệ hoặc bắt
dẫn lên huyện cán bộ Ðảng và Chính quyền xã mà không gặp sự phản kháng
nào của Ðảng viên, mà những nơi ấy lại vừa được tuyên dương là đảng bộ
vững mạnh! Sự kiện Thái Bình có những nguyên cớ ngẫu nhiên, đặc thù,
song vấn đề nông dân trỗi dậy đòi quyền lợi về kinh tế, về chính trị,
về xã hội thì không còn là cá biệt và ngẫu nhiên chỉ xảy ra ở Thái
Bình. Do đó, giải quyết đúng sự kiện Thái Bình cũng chính là giải quyết
đúng vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân hiện nay. Trên cơ sở khảo
sát nhanh sự kiện Thái Bình, từ sự tiếp cận xã hội học, chúng tôi hình
dung các kịch bản có thể diễn ra như sau:
1. Kịch bản thứ nhất :
Bị động đối phó bằng cách, một mặt giảm bớt các khoản phải đóng góp của
dân, mặt khác trấn áp những đối tượng được nhận định là người cầm đầu,
người kích động dân, người có hành vi hung đồ phạm pháp. Tiếp đó dần
dần xem xét và kỷ luật hoặc loại bỏ một số cán bộ tham nhũng mất lòng
dân, xem xét lại một số văn bản, quyết định từ cấp xã, cấp huyện, cấp
tỉnh để có sửa đổi hợp lý, hợp lòng dân, kiện toàn lại bộ máy Đảng và
Chính quyền ở cấp xã, loại bỏ những người tham nhũng quá đáng, quá mất
phẩm chất, không có khả năng quản lý, bổ sung những cán bộ tốt, có phẩm
chất, có năng lực, được dân tin.
Ðộng viên sức dân, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, thực
hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp,
cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nông dân.
2. Kịch bản thứ hai :
Trung ương và tỉnh cử người về tại những điểm nóng, họp toàn thể nhân
dân, công khai tiếp nhận kiến nghị, trực tiếp trả lời cho dân một số
vấn đề có thể trả lời được ngay, ghi nhận những điểm cần tiếp tục xem
xét để trả lời dân sau đó. Ở những nơi khác, cũng có thể làm tương tự
với đại diện của tỉnh, huyện và một số ngành chức năng. Cách chức những
cán bộ Ðảng và Chính quyền đã có bằng chứng là tham nhũng nặng, mất hết
uy tín trong dân ; công khai tự phê bình những sai lầm về chủ trương,
giải pháp không đúng với đường lối chính sách của Ðảng và nhà nước, làm
thiệt hại đến lợi ích của dân. Cùng với việc đó, xử lý trong pháp luật
những phần tử manh động và kích động quần chúng gây thiệt hại về vật
chất và tinh thần cho cán bộ và cho dân, cho tài sản công cộng.
Kiện toàn bộ máy quản lý cấp xã, Đảng và Chính quyền bổ sung những cán
bộ có phẩm chất được dân tín nhiệm. Sửa đổi và hoàn thiện cơ chế mới
phát huy được sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh
tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân,
từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông
thôn.
3. Kịch bản thứ ba
Công khai phê bình và tự phê bình về những sai lầm của cán bộ lãnh đạo
xã, huyện và tỉnh trong việc ban hành và áp đặt những chủ trương, giải
pháp không phù hợp với đường lối Ðổi mới của Ðảng, làm mất lòng dân,
gây phẫn nộ trong quần chúng. Xử lý thích đáng những cán bộ Ðảng và Nhà
nước ở các cấp xã, huyện, tỉnh mắc sai lầm nghiêm trọng đã được dân chỉ
ra, những người chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản, chỉ
thị sai lầm, gây thiệt hại cho dân, làm mất uy tín của Ðảng và Nhà
nước. Song song với công việc trên, dựa vào pháp luật để xử lý thích
đáng những người lợi dụng phong trào quần chúng nhằm thực hiện những
mưu đồ cá nhân, vi phạm luật pháp, làm hại đến lợi ích vật chất và tinh
thần của cán bộ, nhân dân và tài sản công cộng.
Nhanh chóng xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải tạo cơ bản bộ máy hành
chính trên căn bản hoạt động theo chức năng, do vậy, phải bổ nhiệm
những cán bộ được đào tạo nghiệp vụ hành chính, có phẩm chất đạo đức và
được dân tin. Phân định rõ chức năng của cơ quan Ðảng và cơ quan hành
chính Nhà nước để có hệ thống kiểm tra, chỉ huy thông suốt đến cấp xã,
nơi trực tiếp với công sản hàng ngày của dân.
Trên cơ sở ổn định xã hội mà mấu chốt là sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh
sản xuất, phát triển kinh tế và xã hội theo cơ chế thị trường của nền
kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được vận dụng sáng tạo trên địa bàn
nông thôn. Tạo ra động lực phát triển bằng việc xử lý thỏa đáng mối
quan hệ lợi ích của người nông dân và nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ với đất
nước trên căn bản của nhận thức đúng về vai trò và lực lượng của người
nông dân trong giai đoạn lịch sử mới. Từ đó, có những sửa đổi lớn về
mặt chính sách trên hướng Ðổi mới và sáng tạo để thực sự phát huy sức
mạnh nội sinh, đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào công nghiệp hóa
và hiện đại hóa.
Ba kịch bản nói trên cũng chỉ là những dự báo căn cứ vào những gì đang
diễn ra. Ðương nhiên, điều mong muốn của người làm khoa học là muốn
được thấy kịch bản thứ hai được chuyển dần sang kịch bản thứ ba.
Nông thôn và nông nghiệp của chúng ta từ sau Nghị quyết 10 vẫn đang
phát triển trên căn bản của kinh tế hộ gia đình nông dân. Ðể cho hộ
kinh tế gia đình chuyển dần từ hộ sản xuất tự cấp tự túc sang hộ kinh
tế sản xuất hàng hóa còn là những phấn đấu gian khổ với rất nhiều điều
kiện được tạo ra. Một trong những điều kiện tiên quyết nhất là phải có
những thể chế thích hợp với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các cơ
chế chính sách vĩ mô.
Sự biến Thái Bình sẽ là một cái hích mạnh mẽ cho những quyết sách đúng
đắn để giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Mà nếu như
vậy thì trong cái rủi có cái may.
Một điều tưởng như đã chìm vào trong quá khứ : mọi chính quyền nhà nước
qua các biến thiên của lịch sử đều phải đối diện với nông dân, nông
thôn, nông nghiệp ở một nước mà hệ văn minh lúa nước ở vùng nhiệt đới
gió mùa chi phối toàn bộ đời sống. Từ tháng 8 năm 45, chúng ta cứ tưởng
là với công nông liên minh là nền tảng, nhà nước ta đã không phải lo sự
đụng độ và đối đầu với cái biển nông dân mênh mông và mãnh liệt ấy. Thế
mà giờ đây, hóa ra chính nhà nước công nông của ta cũng vẫn đang đứng
trước một thách đố mới của câu chuyện cũ. Chỉ có điều, lịch sử phát
triển theo đường xoáy trôn ốc. Vì vậy, lịch sử lại càng đòi hỏi bản
lĩnh của Ðảng và nhà nước mà sứ mệnh của mình là xây dựng lại đất nước
ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,
công bằng văn minh đi lên chủ nghĩa xã hội phải giải quyết một cách
thỏa đáng và vững chắc vấn đề nông dân. Ðặc biệt là, khi chúng ta quyết
tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ta, một
nước mà 80% cư dân sống ở nông thôn, thì vấn đề công nghiệp hóa và hiện
đại hóa nông nghiệp, nông thôn càng là vấn đề bức xúc. Không làm sáng
tỏ vấn đề này thì chưa thể định hướng được rõ đường lối công nghiệp hóa
và hiện đại hóa. Một lần nữa vấn đề nông dân lại được đặt ra !
Ngày 8
tháng 8 năm
1997
Tương Lai
(*) Theo kế hoạch kinh tế
năm 1992 của tỉnh - tháng 1.1992.
(**) Chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký ngày 11.6.97 "Về việc chấn chỉnh, thu, quản lý
và sử
dụng các loại quỹ, các khoản thu của xã, phường, thị trấn và hợp tác xã
nông nghiệp".
(***) Nguyễn Từ Chi "Góp
phần nghiên
cứu văn hóa và tộc người" - Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội,
1996,
trang 177.
No comments:
Post a Comment