11-06-2023 (By : NNP )
Đến phiên tôi lên phát biểu, trước mặt mọi người, tôi đã kể lại sự ưu việt của Xã Hội Chủ Nghĩa, như sau:
“Liên Bang Xô Viết rất là tiến bộ, nhất là trong lãnh vực máy móc cơ khí, đến nỗi các kỹ sư có thể làm sống lại một con bò đã được xẻ ra làm thịt hộp. Hồi ở miền Nam, tôi được đưa đi du học ở Tây Đức. Ở Tây Đức có rất ít bò, cho nên họ đã mua được một xưởng “Tái Tạo Thịt Bò” của Liên Xô. Người nông dân đi mua tất cả những hộp thịt bò do nhà máy đóng hộp thịt bò sản xuất ra, đem vào xưởng tái tạo.
Người công nhân bỏ tất cả các hộp thịt bò vào trong máy tái tạo, chờ chừng nửa tiếng sau, dắt ra một con bò nguyên vẹn, đang nhai cỏ, giao lại cho người nông dân.”
Tôi kể câu chuyện tiến bộ của Xã Hội Chủ Nghĩa này bằng một giọng rất là... khâm phục và kính nề, nên bọn cán bộ cứ đứng nghệt mặt ra mà nghe để khâm phục tiếp cho tôi. Những nhà tu hành, những tù nhân chính trị không quen với lối nói chuyện của tôi,nên họ cũng ngồi im lặng, bán tín bán nghi.
Nhưng những anh em Biệt kích của tôi thì phá lên cười, họ vừa vỗ tay tán thưởng ưu việt của Xã Hội Chủ Nghĩa vừa ôm bụng cười nghiêng cười ngửa, cười như chưa bao giờ được cười.
Mãi một lúc sau, những người tù khác mới hiểu ra rằng, chẳng thể nào có cái chuyện dắt một con bò vào hãng, nửa tiếng sau đem về một rổ thịt bò hộp. Muốn làm ra thit bò hộp, phải đi qua rất nhiều giai đoạn, mỗi giai đọan ỏ một hãng khác nhau, và mỗi hãng làm một lượt cả trăm con bò, chứ không thể nào làm từng con bò một. Và cũng không thể nào lấy thịt bò đã đóng hộp để mà trộn nó lại để làm nó trở thành một con bò sống bình thuờng đuợc. Tới lúc đó, họ mới rủ nhau cười lên ồ ồ...
Tên cán bộ kể câu chuyện “Tiến Bộ” tức điên người lên, nhưng hắn không làm gì tôi được, vì rõ ràng tôi khen kỹ thuật tiến bộ của Liên Xô, tới nỗi Tây Đức là một quốc gia tiến bộ mà còn phải đi mua máy “Tái Tạo Thịt Bò” của Liên Xô. Tên này nói thêm vài câu nũa rồi chấm dứt buổi học tập.
Ra đến ngoài, anh em Biệt kích ào tới, nói với tôi:
“Thằng Việt cộng đã nổ, mày còn... Nổ hơn thằng Việt Cộng nữa! Cái hay là chúng nó cứ ấm ớ, không dám làm gì mày cả, vì mày... khen chúng nó mà!”. Thế là từ đó, tôi có biệt danh “HINH NỔ”.
Cứ thế, cuộc sống của chúng tôi ngày này qua ngày khác cứ thế mà trôi đi. Ban ngày thì đứng ngồi trong phòng giam, ban đêm thì cùm kẹp. Bọn chúng không dám đưa chúng tôi ra ngoài rừng làm việc vì sợ rừng núi là địa bàn hoạt động của chúng tôi, chúng tôi sẽ trốn đi ngay lập tức.
Đối với anh em Biệt kích chúng tôi, trong những ngày đầu tù tôi, đã có rất nhiều người nản chí, nhưng chúng tôi ráng tìm cách liên lạc với nhau, ráng khuyên nhủ nhau giữ vữg tinh thần, vì mình vẫn còn đường sống, mong chờ một ngày mai... Đại Quân Miền Nam sẽ đánh ra Bắc, giải thoát cho đám Biệt Kích. Hơn nữa, da số anh em chúng tôi đều là người Công Giáo, nên không bao giờ có chuyện tự tử, vỉ chỉ có Chúa Trời mới có quyền ban cho mình lẽ sống và đưa mình trở về với Chúa Trời.
Đến năm 1966, Không Quân Mỹ đã bắt đầu ném bom ở miền Bắc.
Bọn quản giáo sợ điếng người, nhưng chúng tôi lại mừng ra mặt. Chắc chắn sau những cuộc dội bom này sẽ có cuộc đổ bộ của Đại Quân Miền Nam, mọi người chuyền cho nhau những tin tức thật là nóng hổi, những suy luận thật là hợp tình hợp lý. Trong thời gian này, bọn quản giáo không dám lên mặt chửi bới hoặc có hành động gì hăm dọa chúng tôi cả. Trái lại, chính bọn chúng tôi đã... hù lại bọn chúng:
“Thằng nào làm gì, chúng tao nhớ tên từng đứa. Khi Đại Quân Miền Nam ra đây rồi, đố chúng mày chạy đâu cho thoát khỏi tay anh em Biệt kích chúng tao.”
Không thể ngồi không mà chờ đợi, anh em chúng tôi nẩy ra ý định: VƯỢT TRẠI.
Chúng tôi để ý, mỗi lần có máy bay Mỹ đến dội bom, bọn quản giáo, bọn công an lại cùm chân chúng tôi lại rồi sách súng chạy xuống hầm trú ẩn hết, tới khi hết báo động mới dám chường mặt lên. Anh em trong phòng giam của tôi đã bàn với nhau:
“Mỗi lần có còi báo động, từng nhóm hai tên công an đi với nhau, mỗi tên một khẩu AK và ba băng đạn. Đợi khi chúng tiến tới gần, xiết cổ chúng nó liền lập tức, rồi lột quần áo của chúng mặc vào, đi ra ngay cửa chính mà vào rừng. Lúc báo động, không ai để ý tới ai, ngay chính những tên công an gác ở đài kiểm soát cũng lo chạy xuống hầm, không lo khẩu thượng liên sẽ bắn mình. Vào tới rừng rồi, dễ gì chúng tìm ra đuợc.”
Tin tưởng vào cách thức vượt trại này, chúng tôi xem xét, để ý từng cử chỉ, từng đường đi nước bước của bọn công an, tìm ra từng toán hai tên công an đi với nhau để chọn ra toán nào dễ thanh toán.
Rủi thay cho chúng tôi, một Biệt kích trong lúc ngủ mê đã tiết lộ kế hoạch vượt ngục:
“Ngày mai, chờ lúc có còi báo động, tôi và anh Hinh sẽ chờ sẵn, tới khi hai thằng Toán và Thể tới gần, sẽ quàng khăn xiết cổ tụi nó liền, nhũng người khác sẽ cướp súng, lột quần áo của hai tên này thật nhanh, rồi cùng... áp giải nhau ra cửa chính mà chạy.”
Anh Biệt kích nói trong cơn ngủ mê như vậy, đúng vào lúc hai tên công an Tóan và Thể đang đi tuần ở ngoài. Thế là chúng nhào vào tóm anh ngủ mơ ngay lập tức và đem chúng tôi lên phòng tra hỏi.
- “Chúng mày muốn... trốn trại, phải không?”
Tôi trả lời ngay lập tức:
- “Đúng!”
- “Thằng nào bầy mưu tổ chức?”
- “Chẳng có ai bầy mưu tính kế gì hết. Thằng Biệt kích nào bị nhốt tù ở đây cũng đều muốn trốn tù hết. Trong đầu óc bất cứ thẳng Biệt kích nào cũng có mưu kế để trốn tù hết. Nếu không có ý định trốn tù, đâu phải là Biệt Kích!”
- “Chính mày là chủ chốt vượt ngục, phải không?”
- “Tôi đã trả lời cán bộ rồi, trong đầu óc bất cứ một người Biệt Kích nào cũng có ý tưởng vượt ngục, không cần phải có người nào đứng làm chủ chốt cả. Tuy nhiên, ý định là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác, các anh canh gác như thế này thì chúng tôi làm sao mà vượt ngục được!”
Hai tên công an nhìn nhau, thích thú vì câu nói của tôi đã... khen chúng canh gác kỹ (Trên thực tế, ở trại tù Cổng Trời này, vì địa thế hiểm trở, nên bọn Công an chỉ canh gác cho có lệ. Tôi nói móc họng tụi nó chứ không phải là khen). Chúng im lặng một lúc rồi cùng bước ra ngoài to nhỏ với nhau.
Tôi đoán rằng, trong lúc này, đầu óc tụi nó đang hoang mang lo sợ máy may Mỹ có thể đến thả bom bất cứ lúc nào. Nếu giữ tôi lại để tra tấn, để hỏi cung, lỡ máy bay Mỹ đột ngột bay tới, làm sao mà kịp giờ để chạy xuống hẩm? Chạy không kịp, lỡ bọn Biệt Kích nổi loạn, chúng nó dám... giết mình lắm!
Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa hề có một hành động nào chứng tỏ là sẽ vượt ngục, tất cả chỉ là một lời nói trong giấc mơ mà thôi.
Cuối cùng, hai tên cai tù trờ lại, chỉ đe doạ tôi:
- “Chúng mày liệu hồn. Ở trại Cổng Trời này, chưa bao giờ có chuyện vượt ngục, mà dù có vượt ngục cũng không thể trốn đi đâu cho thoát. Đã lên tới cổng trời rồi, thì chỉ còn có một con đường duy nhất để mà đi tới là “Đồi Bà Then” chứ không còn con đường nào khác để đi xuống.”
Ghi chú: Đồi Bà Then là nơi chôn tù nhân. Chỉ bó chiếu mà chôn chứ không có mộ bia gì cả.
Sau đó, chúng lại cho tôi vào phòng biệt giam, cùm tôi suốt một tuần lễ rồi mới cho ra phòng giam chung.
Tù nhân ở trại Cổng Trời, với khí hậu khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, lại không có thuốc men gì cả, rất khó mà kéo dài cuộc sống: Ban đêm, nhiệt độ có khi dưới 0 độ, anh em tù chỉ có trên người một bộ quần áo vải và cái chăn đơn. Lạnh không còn nơi nào lạnh hơn. Ăn uống thì chỉ có khoai sắn, luộc với muối, lâu lâu có ít cơm. Nếu có bệnh, ráng chống chọi để mà qua cơn bệnh, nếu không qua khỏi cơn bệnh, thì chỉ còn cách... đem chôn.
Anh em Biệt Kích chúng tôi còn sống được là nhờ vào niềm tin:
Niềm tin là một ngày nào đó, Đại Quân Miền Nam sẽ tấn công qua sông Bến Hải để Giải Phóng Miền Bắc, giải cứu anh em Biệt Kích.
Nếu ngày hôm nay Đại quân chưa ra, thì ngày mai, ngày mốt, một ngày nào đó... Cứ thế mà chúng tôi kéo dài cuộc sống tù đầy...
Vào một ngày của năm 1973, tất cả tù Biệt kích chúng tôi được dời về trại Phú Lu ở Lào Kay để học tập về Hiệp Định Giơ Neo và cách thức trao trả tù binh. Tôi đếm cả thảy có khoàng một trăm hai mươi Biệt Kích, bao gồm cả những anh em Biệt Kích nhẩy toán ở Cam Pu Chia, đường mòn HCM và Hạ Lào. Vừa cho học tập, bọn Việt cộng vừa làm công tác tuyên truyền để cài người: Mỗi Biệt kích đều được chúng gọi riêng vào phòng để doạ nạt, dụ dỗ sẽ cho trao trả sớm nếu chịu làm điệp viên cho chúng, báo cáo cho chúng những tin tức cần thiết ở Miền Nam.
Anh em chúng tôi về phòng bí mật họp nhau lại, tương kế tựu kế, chỉ nói rằng sẽ làm những gì có thể làm, sau đó báo cho nhau đầy đủ những gì bọn chúng đòi hỏi, coi đó như là một trò chơi đấu trí mà thôi. Một số anh em còn bàn bạc trao đổi với nhau về những kinh nghiệm nhẩy toán, để nếu sau này còn nhẩy ra Bắc nữa, sẽ không mắc phải những lỗi lầm này. Nếu không nhẩy toán, sẽ làm huấn luyện viên, truyền lại những kinh nghiệm này cho đám Biệt Kích đàn em.
Thời gian học tập này là thời gian thoải mái nhất trong cuộc đời tù tội của chúng tôi. Thời gian này cũng là thời gian duy nhất mà anh em Biệt Kích không có ý định vượt ngục: Đang chờ để trao đổi tù binh mà! Vượt ngục làm chi? Cũng trong thời gian này, đôi khi chúng cho chúng tôi đuợc cho ăn thịt. Thông thường, khẩu phần tù được 9kg... “Chất Bột” bao gồm khoai, sắn, rau, muối và hiếm khi có một ít gạo. Thịt chỉ được ăn (vài miếng được gọi là thịt) vào hai ngày trong năm: Ngày Tết và ngày mà chúng gọi là “Độc Lập”.
Hàng ngày, chúng tôi được cho nghe tin tức từ đài phát thanh, và được biết, một vài nhóm tù Quân nhân Cộng Hoà đã được trao trả, làm anh em chúng tôi càng nức long hơn nữa.
Chờ mãi, chờ mãi cho đến tháng 10 năm 1973 mà vẫn chưa được trao đổi, anh em chúng tôi hỏi thẳng đám cán bộ:
- “Tại sao chúng tôi không được trao trả?”
Bọn cán bộ trả lời quanh co:
- “Có nhiều toán được trao trả, ráng chờ tới phiên.”
Chờ không nổi nữa rồi, anh em chúng tôi bàn nhau:
"Có thể bọn Việt cộng đã dùng chúng tôi để mặc cả một điều gì đó, nên mới chần chờ như vậy. Được trao trả theo Hiệp định Genevè là một dịp may hiếm có, phải nắm lấy cơ hội này, phài làm một cái gì đó để đòi hỏi, nếu không, sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa".
Anh em Biệt Kích ra quyết định:
“Tuyệt thực, cho đến khi nào được trao trả!”
Không biết vì lý do nào đó mà anh em Biệt Kích ở Trại Quảng Ninh cũng đã có quyết định tuyệt thực cùng một ngày với anh em Biệt Kích ở Phú Lu chúng tôi, làm cho bọn Việt cộng lo ngại đã có... gián điệp Miền Nam trà trộn vào trong đám cán bộ của chúng để cho hai trại biết tin nhau, chứ anh em Biệt Kích không thể nào thông tin với nhau đuợc, vì hai trại ở rất xa nhau. Chúng tôi thấy bọn cai tù bối rối ra mặt, nên càng quyết định làm tới.
Tuyệt thực tới ngày thứ ba thì bọn quản giáo họp chúng tôi lại, tuyên bố dỗ ngọt:
- “Sẽ đưa nguyện vọng của anh em lên Bộ Công An để cứu xét gấp.”
Sau vài tuần chờ đợi, bọn chúng lại họp anh em chúng tôi lại, chia thành từng toán 20 người đưa lên xe đi, giải thích rằng:
- “Trao đổi ở nhiều nơi khác nhau, nên phải chia toán ra mà đi.”
Toán thứ nhất có tôi, được đưa ra khỏi trại để lên xe. Anh em còn lại vui lòng chờ đợi tới phiên mình.
Bất chợt, những người tù hình sự chạy vào báo cáo:
- “Anh em trong toán vừa rồi, bị đưa lên xe bít bùng, vừa mới lên xe là bị còng lại. Đưa đi đâu không biết!”
Anh em Biệt Kích còn lại họp khẩn với nhau:
"Nếu đưa đi nơi khác làm thủ tục trao đổi, tại sao lại phải còng lại? Tại sao phải ngồi xe bít bùng?" Như vậy, có nghĩa là anh em bị đưa đi trại giam khác, chứ không phải được đưa đi trao đổi.
Tất cả Biệt Kích yêu cầu quản giáo giải thích rỗ ràng, nếu không, yêu cầu trao trả đám anh em vừa mới được chuyển đi.
Bọn Công an từ chối giải thích và cũng từ chối trao trả đám tù vừa bị đưa đi. Không những thế, chúng còn chĩa súng ra lệnh cho anh em trở về khu nhà giam.
Nhịn không đuợc nữa rồi, anh em Biệt Kích quyết định: Đánh!
Toàn thể hơn một trăm Biệt Kích bất chấp súng đạn, lưỡi lễ, đã nhào lên tấn công bọn Công an. Anh em dùng dao búa, đồ nghề và bất cứ thứ gì có thể dùng làm vũ khí, kéo bàn ghế làm chướng ngại vật để giao chiến với bọn Công An.
Bọn Việt cộng không chịu trao đổi thì anh em Biệt Kích... Tự Trao đổi.
Phải thoát ra ngoài. Phải vượt trại. Phải vượt ngục.
Bọn Việt cộng cũng biết vậy, nên chúng kêu viện binh, thêm cả lính chính quy với đại liên và xe tăng trợ chiến. Kết cuộc, sau một ngày giao chiến, anh em Biệt Kích bị thúc thủ, lại bị bắt còng tay giải đi từng trại khác nhau.
Toán đầu tiên của chúng tôi đã bị đưa trở lại trại Cổng Trời.
Vài ngày sau, đám Biệt Kích còn lại cũng lên nhập bọn và bị biệt giam ngay lập tức.
Khi được biết anh em vì tình đồng đội, vì chúng tôi mà đã bị bọn Công an đàn áp, chúng tôi chỉ còn cách nhìn nhau mà thương cảm, xót xa cho cuộc đời tù tội dưới chế độ Cộng sản.
Biệt Kích thương yêu nhau, dùm bọc lẫn nhau như thế đấy!
Tháng 6 năm 1975, đang nằm trong khu biệt giam, chúng tôi được bọn Công an cho nghe radio, phát tin:
“Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đã đầu hàng bộ đội Việt Cộng”
Anh em chúng tôi không ai tin cả, vì đã một lần vào năm 1968, bọn chúng cũng đã cho chúng tôi nghe tin “Bộ đội Bắc Việt đã chiếm toàn cõi Miền Nam”. Nhưng sự thật không phải là như vậy, nên lần này, dù bọn chúng có cho chug tôi nghe thật nhiều lần cái tin đầu hàng đó, chúng tôi cũng vẫn không tin, không nghe.
Mãi tới tháng 10 1975, bọn Việt cộng tập họp chúng tôi lại, cho xem đoạn phim xe tăng Việt cộng húc đổ cổng sắt tiến chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thổng Dương Văn Minh đọc lời hiệu triệu quân dân chính, kêu gọi quân nhân các cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà buông súng ngưng chiến đấu.
Lúc đó, mặt trời mới hoàn toàn đổ xụp trên đầu chúng tôi.
Từ khi bị bắt tới bây giờ, anh em Biệt Kích chúng tôi sở dĩ còn sống đến ngày nay là nhờ vào lòng tin. Lòng tin một ngày nào đó Đại Quân Miền Nam sẽ tiến về giải phóng quê hương miền Bắc, tiêu diệt bọn Cộng sản dã man, mang lại hoà bình cho toàn cõi Việt Nam và giải cứu chúng tôi.
Những người lính Biệt Kích như chúng tôi, đã được trui luyện qua nhiều quân trường của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Đào tạo ra một người lính Việt Nam Cộng Hoà đòi hỏi rất nhiều công phu sự luyện tập, đòi hỏi vừa khả năng về quân sự lẫn trí óc và lòng tin. Lòng tin vào chính nghĩa Tự Do, Cộng Hoà sẽ toàn thắng chủ nghĩa Cộng sản vô thần, vô tổ quốc, dã man, vô nhân đạo.
Đến khi bị bắt, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến mức sống cơ cực của người dân miển Bắc, đã được nhìn thấy những đám lính Cộng sản thiếu huấn luyện, vũ khí thô sơ, không có khả năng chiến đấu, chúng tôi đều có sự suy nghĩ, so sánh và kết luận là:
- Miền Nam hơn Miền Bắc rất nhiều, do đó, chắc chắn quân đội của Việt Nam Cộng Hoà sẽ tiến về giải phóng Miền Bắc.
Sự thật xẩy ra đã quá trái ngược với niềm tin tưởng của chúng tôi.
Mặt đất dường như xụp đổ ngay dưới chân của tôi. Tôi đứng không vững, tưởng chửng như nếu bước tới một bước nữa, sẽ bị xụp xuống hố sâu.
Tôi mở mắt nhìn trời, mà tưởng chừng như bầu trời đã biến mất, không còn một tia sáng nào ỏ trước mặt.
Chúng tôi nhìn nhau, nói không nói lên lời, khóc không ra tiếng.
Niềm tin vào Miền Nam của chúng tôi đã xụp đổ!
Còn gì để cho chúng tôi vịn vào đó mà sống nữa!
Một số trong anh em chúng tôi đã quá tuyệt vọng, đã tự tử.
Đến lúc này, chúng tôi mới chợt bừng tỉnh.
Trong chiến tranh, thắng bại là chuyện bình thường.
Tại sao lại phải chết?
Bại hôm nay, đâu có nghĩa là hoàn toàn bại trận.
Thắng hôm nay, đâu có nghĩa là mãi mãi thắng.
Lịch sử đã cho thấy, thua ngày hôm nay, ngày mai, năm sau, mười năm sau thắng lại vẫn là chuyện thường xẩy ra và có thể xẩy ra với Miền Nam Việt Nam.
Chúng tôi khuyến khích nhau, hỗ trợ tinh thần cho nhau để cùng đứng vững, cùng tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Năm 1976, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ và một số anh em từ trong Nam bị đưa ra ở cùng trại với chúng tôi, đã cho chúng tôi thật nhiều tin tức. Tin quan trọng nhất mà chúng tôi thu thập được là: Một số sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã thoát ra ngoại quốc và đang tổ chức những cuộc kháng chiến.
Thế là trong tâm khảm chúng tôi lại bừng lên một niềm hy vọng mới:
Sẽ lại có ngày ca khúc khải hoàn!
Đến năm 1977, bọn Việt cộng tập họp chúng tôi lại, loan tin:
Án chung thân cho tất cả các Biệt Kích được xoá bỏ. Kể từ nay, tất cả tù nhân sẽ được chuyển về các Nông trường để sản xuất.
Nghe thì thật là nhân đạo, nhưng thực sự thì là một phương cách chuyển trại tù mà thôi. Lý do là toàn thể nuớc Việt Nam bây giờ đều nằm trong tay bọn Việt cộng, chúng không còn sợ chúng tôi trốn trại nữa, nên thay vì để chúng tôi ở trong tù, phí phạm, chúng chuyển chúng tôi về các nông trường sản xuất, bắt làm việc tự nuôi thân.
Tôi và một số anh em được đưa về Nông trường Hồng Thắng, ở Phú Lu, thuộc tỉnh Lào cay, để cuốc đất trồng khoai, trồng mì. Gọi là Nông trường cho có vẻ hoa mỹ, chứ thực sụ, nông trường này cũng nằm ở một góc rừng không có dân địa phương lai vãng. Trong nông trường nhốt đủ mọi thứ tù: Từ tù hình sự tới dân sự, từ cán bộ tới bộ đội mà chúng gọi là “Hủ Hoá, Tham Ô”. Tù ra đồng từ sáng sớm tới tối mịt mới trở về khu nhà ngủ.
Những bữa ăn sáng trưa và chiều tối đều tập trung vào những lán, gọi là nhà ăn. Tất cá các loại tù đều xếp hàng ăn chung với nhau. Việc nấu nuớng ở nhà bếp và chia khẩu phần cơm canh được giao cho những tù hình sự, tức là những người ít ra còn được bọn Việt cộng tin tưởng, vì họ sinh ra và sống muôn đời ở ngoài Bắc. Những tù nhân lo việc nấu nướng thì an nhàn hơn và có thể dấu phần cơm thêm cho mình, nhưng những người tù lo việc phân chia cơm canh lại không được an nhàn như vậy, vì com canh là lẽ sống của tù, nên chỉ cần chia không đều một vài hột cơm, một nửa củ khoai hoặc sắn là các tù nhân có thể cãi vã hoặc đánh người chia cơm liền lập tức, đôi khi đua tới đổ máu, giết lẫn nhau. Vì thế, dù là tù hình sự có dữ dằn tới đâu đi nữa, cũng không dám đứng chia phần cơm cho tù được quá một bữa. Các cai tù và tù chia cơm đành phải nhờ tới các Biệt Kích Miền Nam lo nhiệm vụ chia cơm. Lý do mà Biệt Kích Miền Nam dám làm và làm công viêc chia cơm một cách hoàn hảo, không phải vì anh em Biệt Kích... dữ dằn hơn các loại tù khác, mà vì những lý do như sau:
• Anh em Biệt Kích là những chiến binh can đảm, có số đông, lại luôn luôn bênh vực lẫn nhau. Anh em có đủ bản lãnh để đánh trả những ai đụng tới mình hoặc ức hiếp các tù nhân khác.
• Anh em Biệt Kích đều là nhưng người trọng danh dự, không làm lợi riêng cho mình.
• Có đầu óc tính toán, biết cách làm việc, biết cách chia phần cho đồng đều. Đa số đều có trình độ học thức, nên đều biết cách thức chế ra cái cân thăng bằng một đầu có dĩa đựng đồ ăn, đầu kia là quả cân bằng đá.
Ví dụ: Nếu mỗi người tù được nhận 100gram chất bột, thì anh em cân thử trước mặt mọi người lần đầu. Để đồ ăn lên dĩa, rồi dời quả cân tới điểm thăng bằng và đánh dấu tại đó. Tới phiên lãnh cơm thì một anh xúc đồ ăn lên đĩa, anh kia dời quả cân tới đúng điểm đã đánh dấu, thế là xong, ai cũng có phần đúng như cân lượng.
Trong một bữa ăn trưa, sau khi tôi chia cơm xong, lấy phần của mình ra một góc ngồi ăn, có một anh tù tới gần chỗ tôi ngồi ăn chung, tự giới thiệu anh ta tên Bưởi. Tôi hỏi anh thuộc loại tù gì? Anh thản nhiên trả lời:
“Tù... Tham Ô”.
Tham Ô? Tôi hơi ngạc nhiên, vì xứ Bắc nghèo nàn vô tận, có gì đâu để mà tham ô?
Anh thuộc loại cán bộ tập kết, lấy vợ là con gái của Phó Giám Đốc Mỏ Than Hòn Gai. Vì tên Giám đốc ganh tị với bố vợ của anh, nên đã kết tội anh là tham ô, lãng phí. Anh bị kết án tù 10 năm, đưa lên làm lao động ở đây.
Sau vài lần ngồi ăn chung, một hôm, đột nhiên anh hỏi tôi:
“Hồi đó, tôi ở... căn nhà an toàn tại lầu 4 đường Trần Hưng Đạo, tôi có treo một bức hình Tổng Thống Diệm đang đứng hiệu triệu quốc dân. Không biết có còn không?”.
Tôi giật mình, lạnh sương sống, củ khoai lang mắc nghẹn trong miệng tôi, vì tôi có thấy tấm hình Tổng Thống Diệm ở trên tường. Tôi im lặng quan sát anh Bưởi một lần nữa:
Anh Bưởi này là ai mà lại ở “Nhà An Toàn” của Biệt Kích?
Anh là ai mà lại treo tấm hình Tổng Thống Diệm lên trên tưởng?
Anh Bưởi vừa bóc vỏ khoai lang vừa nhìn quanh, khi đã quan sát để biết rõ không có ai nghe lén, anh mới tiếp tục nói:
- “Tôi là Đại Úy Biệt Kích Lê Văn Bưởi, được đưa qua Thái Lan làm con nuôi một gia đình cách mạng, rồi sau đó đưa về Hà Nội với tư cách... tập kết. Tôi được sắp xếp làm tại mỏ than Hòn Gai. Nhiệm vụ của tôi là nhận đồ tiếp liệu từ Hà Nội dem về, nên lấy được nhiều tin tức lắm. Tên Thủ trưởng muốn tôi xuất kho những món hàng có thể đem bán được, tôi không chịu xuất, nên hắn tìm cách cáo buộc tôi là tham ô. Tôi bị tù nhưng vì có bố vợ can thiệp, nên chỉ phải đưa đi làm lao động mà thôi.”
Tôi ú ớ, không biết có nên tin anh ta hay không? Tôi hỏi lấy lệ:
- “Tụi nó đã biết . . . anh là ai hay chưa?”
- “Chúng nó cũng là người thôi, chứ đâu phải là thần thánh gì để mà biết anh em mình có mặt ở mọi nơi, và đang làm cái gì? Nếu chúng nó biết tôi là ai, thì giờ này tôi đâu có ngồi đây mà nói chuyện với anh. Thôi, chào anh mạnh giỏi, ráng giữ vững tinh thần.”
Rồi anh đứng dậy, vươn vai đi trở lại chỗ làm.
(Ghi chú: Vào năm 2007, tôi có qua Mỹ dự đại hội “Biệt Kích Nhảy Bắc” và có gặp lại Đại Úy Bưởi. Anh kể tiếp cho tôi nghe đoạn cuối của cuộc đời Biệt Kích của anh:
- “Năm 1984, tôi...
11-06-2023 (By : NNP )
No comments:
Post a Comment