; }

Tuesday, July 18, 2023

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ GỌI TÊN CUỘC CHIẾN

 Trần Gia Phụng

Lịch sử

VN-War

Cuộc chiến trên đất nước chúng ta chấm dứt đã gần nửa thế kỷ và được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Bài nầy xin trở lại vấn đề gọi tên cuộc chiến để hiệu đính và bổ túc thêm bài trước cách đây khá lâu của cùng người viết.
 
1. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
 
Vào cuối thế chiến thứ hai (1939-1945) tại Á châu, quân đội Nhật đảo chánh lật đổ nhà cần quyền Pháp tại Đông Dương ngày 9-3-1945, tuyên bố trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương. Học giả Trần Trọng Kim theo lời mời của vua Bảo Đại, thành lập chính phủ tại Huế ngày 17-4-1945. Khoảng ba tuần sau, Đức quốc xã đầu hàng đồng minh ngày 7-5-1945. Thế chiến thứ hai chấm dứt ở Âu châu. Thủ tướng Anh, tổng thống Hoa Kỳ và tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô họp tại thị trấn Potsdam, ngoại ô Berlin (thủ đô Đức) để quyết định về tương lai Âu châu.
                                                                                                                                                    
Tại đây, thủ tướng Anh, tổng thống Hoa Kỳ cùng quốc trưởng Trung Hoa Dân Quốc (không họp nhưng đồng ý qua truyền thanh) gởi cho Nhật tối hậu thư ngày 26-7-1945 (thường được gọi là tối hậu thư Potsdam), buộc Nhật phải đầu hàng đồng minh vô điều kiện, và giao việc giải giới quân đội Nhật ở Đông Dương cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc ở bắc và cho quân đội Anh ở nam vĩ tuyến 16. (Vĩ tuyến nầy ngang thị trấn Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam.). Hơn nửa tháng sau, quân đội Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945 và thế chiến thứ hai chấm dứt ở Á Châu.
 
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhờ hợp tác với OSS (Office of Strategic Services), cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh sớm biết tìn nầy, liền dùng mặt trận Việt Minh nhanh tay cướp chính quyền vào gần cuối tháng 8-1945. [Việt Minh là tên gọi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Hồ Học Lãm thành lập năm 1936 tại Nam Kinh, Trung Hoa. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 168.).  Hồ Chí Minh mạo nhận hội nầy và đổi thành Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, ra mắt ngày 19-5-1941 tại Cao Bằng gồm các hội là Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc. Hội văn hóa cứu quốc. Lúc đó, rất ít người biết Hồ Chí Minh và Việt Minh là cộng sản.]
 
Bị áp lực, vua Bảo Đại thoái vị tại Huế ngày 30-8-1945. Ba ngày sau, Hồ Chí Minh trình diện chính phủ Việt Minh tại Hà Nội ngày 2-9-1945, chứng tỏ Việt Nam sẵn có chính phủ trước khi quân Trung Hoa và quân Anh đến. Trong buổi lễ nầy, Hồ Chí Minh thề quyết liệt chống Pháp nếu Pháp trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, khi quân Pháp theo quân Anh đến Sài Gòn, tái chiếm Nam kỳ, tiến ra Trung kỳ, và Bắc kỳ, thì Hồ Chí Minh cùng đảng cộng sản Đông Dương và nhà cầm quyền Việt Minh không chống Pháp, mà thỏa hiệp với Pháp, ký với đai diện Pháp hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tại Hà Nội, thừa nhận việc Pháp đem quân vào Việt Nam. Hồ Chí Minh còn qua tận Paris ký Tạm ước (Modus Vivendi) ngày 14-9-1946, thuận để người Pháp tái hoạt động trên toàn cõi Việt Nam.
 
Quân Pháp đến Hà Nội đông đảo và đe dọa nhà cầm quyền Việt Minh. Không lẽ bỏ trốn thì quá xấu hổ trước dân chúng, trung ương đảng cộng sản Đông Dương họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) trong hai ngày 18 và 19-12-1946, quyết định tuyên chiến với Pháp, nhưng ngay lúc đó Hồ Chí Minh cùng cán bộ cộng sản bỏ trốn khỏi Hà Nội.
                                                                                                                                 
2.  CHẾ ĐỘ TỰ THỰC DÂN
 
Việt Minh thua chạy từ 1946 đến 1949. Vì chủ trương độc tôn quyền lực, tiêu diệt đối lập, Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Đông Dương đẩy những người yêu nước không cộng sản, những đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc, tìm cách kết hợp chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, chẳng đặng đừng liên kết với Pháp chống Việt Minh.
 
Dựa vào lực lượng nầy, cựu hoàng Bảo Đại vận động thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam không cộng sản, ra mắt tại Sài Gòn vào tháng 6-1949. Lúc đó, trên đất nước Việt Nam, có hai chính phủ là Quốc Gia Việt Nam ở các thị trấn và vùng đồng bằng ven đô thị, còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở vùng rừng núi và đồng sâu.
 
Một sự kiện thuận lợi cho Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh là tại Trung Hoa, đảng cộng sản thành công và thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) ngày 1-10-1949 do Mao Trạch Đông làm chủ tịch và Châu Ân Lai làm thủ tướng.
 
Vào đầu năm 1950, Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt bắc, bí mật đi cầu viện CHND Trung Hoa. Lúc đó Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai công du Liên Xô để cảm ơn Liên Xô giúp đỡ trong nội chiến quốc-cộng ở Trung Hoa. Lưu Thiếu Kỳ xử lý công việc nhà nước CHND Trung Hoa. Hồ Chí Minh phải làm kiểm điểm trước Lưu Thiếu Kỳ. (Trần Đĩnh, Đèn Cù, California, Người Việt Books, 2000, tr. 161). Lưu Thiếu Kỳ gởi La Quý Ba qua làm cố vấn cho Hồ Chí Minh. Về sau, có tài liệu tiết lộ rằng Lưu Thiếu Kỳ dặn La Quý Ba hãy giúp đỡ tối đa cho nhu cầu của Việt Minh, rồi CHND Trung Hoa sẽ đòi lại sau. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars 1950-1975, The University of New Carolina Press, 2000. tr. 19).
 
Sau Bắc Kinh, nhờ sự thu xếp của các lãnh tụ CHND Trung Hoa, Hồ Chí Minh đi tiếp qua Moscow cầu viện Liên Xô. Khi gặp Hồ Chí Minh, lãnh tụ Liên Xô là Joseph Stalin ra lệnh Hồ Chi Minh đổi tên đảng cộng sản Đông Dương thành đảng Lao Động Viêt Nam. Vì vậy, từ năm 1951, đảng cộng sản Đông Dương đổi thành đảng Lao Động Việt Nam. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, California, Nxb. Văn Nghệ, 1995, tt. 149-150.)
 
Nhờ sự giúp đỡ lớn lao về mọi mặt của CHND Trung Hoa và Liên Xô, Việt Minh thành công năm 1954. Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia Việt Nam thành hai miền ở vĩ tuyến 17. Miền bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Miền nam là Quốc Gia Việt Nam.
 
Tại Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh và đảng Lao Động thi hành chính sách kinh tế chi huy, tổ chức cải cách ruộng đất long trời lở đất, tiêu diệt giới địa chủ, đưa cán bộ cộng sản làm chủ nông thôn, thực hiện cải tạo công thương nghiệp ở thành phố, đàn áp văn hóa (nổi tiếng nhứt là vụ Nhân văn Giai phẩm), thi hành chính sách văn hóa giáo dục phục vụ chế độ, tập trung toàn bộ quyền lực và tài sản Bắc Việt Nam vào tay đảng Lao Động. Cách cai trị nầy làm cho nhà nước cộng sản giàu mạnh, nhưng dân chúng nghèo khó, ngày nay gọi là “autocolonization” (tạm dịch “tự thực dân” hoặc “thực dân nội địa”), nghĩa là nhà cầm quyền do người trong nước lập nên, độc tài, độc đoán, bóc lột dân chúng không khác gì chế độ thực dân ngoại lai.
 
3.  VÌ CỘNG SẢN, HOA KỲ ĐƯA QUÂN VÀO NAM VIỆT NAM
 
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ (Mỹ) thay Pháp trực tiếp viện trợ cho Quốc Gia Việt Nam. Lúc đầu, Hoa Kỳ chỉ gởi những phái bộ cố vấn dân sự sang Nam Việt Nam. Năm sau (1955), Quốc Gia Việt Nam đổi thành Việt Nam Cộng Hòa, theo tổng thống chế, tự do dân chủ tuy có phần hạn chế vì bị cộng sản quấy phá. Nam Việt Nam chủ trương nền kinh tế thị trường tự do. Nhờ thế, Nam Việt Nam nhanh chóng phục hồi và phát triển.
 
Sự viện trợ của người Hoa Kỳ giúp Nam Việt Nam chẳng những làm cho Bắc Việt Nam lo ngại mà còn làm cho cả CHND Trung Hoa cũng không yên tâm. Lúc đó CHND Trung Hoa bị vây quanh ba mặt: 1) Bắc và tây bắc là Liên Xô, nước cộng sản bất đồng với CHND Trung Hoa. 2)  Tây và tây nam là dãy Hy Mã Lạp Sơn cao ngất ngưỡng, khó vượt qua. 3)  Đông là Thái Bình Dương với hàng rào các đồng minh của Hoa Kỳ là Nam Triều Tiên (Nam Hàn), Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Hoa Kỳ còn đưa hạm đội vào eo biển Đài Loan.
 
Chỉ còn hướng nam của CHND Trung Hoa là Bắc Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ phong tỏa Bắc Việt Nam, thì Hoa Kỳ sẽ chận đứng luôn con đường xuống Đông Nam Á của CHND Trung Hoa. Vì vậy CHND Trung Hoa giúp Bắc Việt Nam chống Hoa Kỳ, nói là vì “tình đồng chí anh em”, nhưng thật ra còn để bảo vệ mặt nam của chính CHND Trung Hoa.
 
Trước khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, Châu Ân Lai, thủ tướng CHND Trung Hoa, mời Hồ Chí Minh đến thị trấn Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây  (Kwangsi) (Trung Hoa), họp từ 3 đến 5-7-1954. Tại đây, Châu Ân Lai thông báo cho Hồ Chí Minh biết là các cường quốc tham dự hội nghị Genève theo mô thức Triều Tiên, đưa ra giải pháp chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc, Quốc Gia Việt Nam ở phía nam. Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh rằng trước khi tập kết ra bắc, Việt Minh nên cài người, chôn giấu võ khí ở lại Nam Việt Nam, trường kỳ mai phục, chuẩn bị lực lượng để tấn công Nam Việt Nam. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật Nội Ngõa hội nghị, Bắc Kinh, Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, Dương Danh Dy dịch: Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, ch. 27. Nguồn: “Hội nghị Liễu Châu then chốt”. diendan@diendan.org. Trích 1-2-2009.) 
 
Sau hội nghị Liễu Châu, về lại mật khu ở Bắc Việt, Hồ Chí Minh lên án Hoa Kỳ ngày 15-7-1954 (trước hiệp định Genève), một cách mạnh mẽ như sau: “Mỹ chẳng những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào. Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của nhân dân thế giới đều chĩa vào Mỹ…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, 1953-1955, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 313.)   Nhớ lại năm 1945, OSS của Mỹ đã giúp huấn luyện quân đội của Hồ Chí Minh. Nay Mỹ chưa đến Việt Nam mà Hồ Chí Minh vội vàng đả kích Mỹ, phải chăng chính là do lệnh của Châu Ân Lai tại hội nghị Liễu Châu?  
 
Sau khi Việt Nam bị chia hai, vừa để khích động người Việt, vốn có tinh thần chống ngoại xâm, vừa để xin Liên Xô, CHND Trung Hoa và các nước cộng sản viện trợ để tấn công Nam Việt Nam, ngoài lý do “giải phóng miền Nam”, cộng sản đưa thêm chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, mà cho đến lúc đó Mỹ chỉ viện trợ giúp Nam Việt Nam, chưa đem quân vào Nam Việt Nam. Hoa Kỳ bắt đầu đưa bộ binh qua giúp Nam Việt Nam năm 1965 khi chiến sự càng ngày càng leo thang. Vậy phải nói là vì được CHND Trung Hoa và Liên Xô hậu thuẫn, Bắc Việt Nam tấn công Nam Việt Nam, nên quân đội Hoa Kỳ (Mỹ) mới có mặt để giúp Nam Việt Nam.
 
Như thế, các tên gọi cuộc chiến vừa qua là “giải phóng dân tộc”, “giải phóng miền Nam”, hoặc “chống Mỹ cứu nước” do cộng sản đưa ra, hoàn toàn không đúng với thực tế đã diễn ra trong cả hai cuộc chiến từ 1946 đến 1975.
 
4.  HIỆP ĐỊNH GENÈVE KHÔNG QUY ĐỊNH TỔNG TUYỂN CỬ
 
Để tạo lý do tấn công Nam Việt Nam, từ giữa năm 1955 nhà cầm quyền Bắc Việt Nam nhiều lần đề nghị chính phủ Nam Việt Nam mở cuộc tổng tuyển cử để thống nhứt đất nước, mà Bắc Việt Nam cho rằng đã được quy định trong hiệp định Genève ngày 20-7-1954. Thật ra hiệp định nầy tên “khai sinh” là “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, có tính cách thuần tuý quân sự, không có điều khoản nào quy định việc tổng tuyển cử để thống nhứt Việt  Nam.
 
Giải pháp về một cuộc tổng tuyển cử để thống nhứt Việt Nam được đề nghị tại điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954, tức một ngày sau khi hiệp định Genève được ký kết. Bản tuyên bố (declaration) không phải là hiệp định, mà chỉ là lời kêu gọi của các nước tham dự hội nghị Genève về các vấn đề liên quan đến các quốc gia ký kết hiệp định Genève.
 
Bản tuyên bố gồm 13 điều, trong đó điều 7 kêu gọi hai miền Nam và Bắc Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử để thống nhứt đất nước ngày 20-7-1956. Vì chỉ là bản tuyên bố, nên phái đoàn các nước không ký vào bản tuyên bố ngày 21-7-1954. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký vào hiệp định Genève, và không tham dự cuộc họp bàn về bản “Tuyên bố cuối cùng…”
 
Bản tuyên bố vốn chỉ là lời kêu gọi, không có chữ ký của đại biểu các phái đoàn, không có tính pháp lý để cưỡng hành, nghĩa là không bắt buộc các nước được kêu gọi phải thi hành. Vì vậy chính phủ Quốc Gia Việt Nam, rồi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận đề nghị của Bắc Việt Nam về chuyện tổng tuyển cử ghi trong bản tuyên bố là chuyện chẳng có gì sai trái với nguyên bản hiệp định Genève ngày 20-7-1954.
 
Bắc Việt Nam dựa vào một bản tuyên bố mà chính Bắc Việt Nam không ký, để áp đặt Nam Việt Nam phải thi hành. Khi Nam Việt Nam không thi hành thì Bắc Việt Nam lại cho rằng Nam Việt Nam không tôn trọng hiệp định Genève, và dựa vào lý do đó để tấn công Nam Việt Nam. Trong hoàn cảnh nầy, Nam Việt Nam ở thế tự vệ, bắt buộc phải chống đỡ, chứ Nam Việt Nam không khiêu khích, không khai chiến chống Bắc Việt Nam.
 
Có người lý luận rằng chữ “xâm lăng” dùng để chỉ nước nầy xâm chiếm nước khác, trong khi người Việt đánh nhau với người Việt, trên đất nước Việt, thì làm sao gọi là xâm lăng?  Xin chú ý rằng tuy cùng là người Việt, cùng một đất nước Việt do tổ tiên để lại, nhưng một hội nghị quốc tế đã phân xử bằng hiệp định Genève ngày 20-7-1954, chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, và ai ở đâu thì ở yên đó. Đại diện nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam) đã ký vào hiệp định, tức chính thức thừa nhận quyết định phân xử nầy. Thế mà Bắc Việt Nam dùng du kích quấy phá, rồi đảng Lao Động họp đại hội, quyết định đưa quân tấn công Nam Việt Nam.  
 
Xin nhấn mạnh đảng Lao Động chỉ là đảng chính trị của một nhóm người, không phải là quốc hội, hay quốc dân đại hội của Bắc Việt Nam. Tại sao đảng Lao Động có quyền quyết định việc Bắc Việt Nam tuyên chiến với Nam Việt Nam?  Hơn nữa lý do được đưa ra lại không đúng sự thật quy định trong chính hiệp định Genève. Như thế, nếu không gọi Bắc Việt Nam xâm lăng Nam Việt Nam, thì chỉ còn cách gọi là “ăn cướp”, một thứ “vừa ăn cướp vừa la làng”, mà Đông Kinh Nghĩa Thục đã mô tả là “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
 
5.  KHÔNG PHẢI LÀ CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ
 
Bên cạnh các cách gọi tên cuộc chiến trên đây, lại có người cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, gây ra chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc. Đúng là Hồ Chí Minh gia nhập đảng cộng sản Pháp vào cuối năm 1920, được Đệ tam quốc tế cộng sản đào tạo tại Liên Xô năm 1923, rổi gởi qua Trung Hoa hoạt động gián điệp năm 1924, cung cấp tin tức cho Đệ tam quốc tế cộng sản.
 
Đệ tam quốc tế cộng sản chủ trương sẵn sàng yểm trợ các quốc gia bị các nước thực dân đô hộ, nổi lên đánh đưổi xâm lăng, giành độc lập, rồi gia nhập vào Đệ tam quốc tế cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Như thế, Đệ tam quốc tế cộng sản chẳng qua chỉ là công cụ phục vụ chủ trương đế quốc của Liên Xô qua hệ thống đảng cộng sản mà thôi.
 
Đảng Lao Động từ đảng cộng sản Đông Dương cải danh năm 1951, hoàn toàn khác biệt với các đảng phái dân tộc như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng... Sự tranh chấp ý thức hệ giữa đảng Lao Động với các đảng phái chính trị dân tộc, không phải là chiến tranh ý thức hệ giữa Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam.
 
Hơn nữa, hiệp định Genève ngày 20-7-1954 gồm 6 chương 47 điều, không có điều khoản nào quy định việc tổng tuyển cử để thống nhứt đất nước. Trong hiệp định nầy, từ điều 34 đến điều 46 chương VI quy định việc thành lập và hoạt động của một “Ủy ban quốc tế phụ trách giám sát và kiểm soát sự áp dụng hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, thường được gọi là “Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến”. Nếu một bên vi phạm hiệp định Genève thì bên kia khiếu nại với ủy ban nầy, để ủy ban tìm biện pháp giải quyết một cách hòa bình. Bắc Việt Nam tố cáo Nam Việt Nam vi phạm hiệp định Genève, thì tại sao Bắc Việt Nam không khiếu nại trước Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến, mà tự ý động binh tấn công Nam Việt Nam? 
 
Xin nhắc lại ở đây, theo kế hoạch Liễu Châu, Bắc Việt Nam cài người ở lại Nam Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng và khởi động du kích chiến ngay từ 1954, và Bắc Việt Nam công khai quyết định tấn công Nam Việt Nam bằng võ lực tại đại hội đảng Lao Động năm 1960. Như thế rõ ràng Bắc Việt Nam đã vi phạm hiệp định Genève ngay cả khi mới ký, rồi vu cáo Nam Việt Nam vi phạm để dùng làm lý cớ tấn công Nam Việt Nam. Vậy chiến tranh 1954-1975 là chiến tranh xâm lăng có dự mưu từ trước tại hội nghị Liễu Châu, không phải là “chiến tranh ý thức hệ”.
 
6.  CŨNG CHẲNG PHẢI LÀ NỘI CHIẾN
 
Một số tác giả khác còn cho rằng đây là cuộc nội chiến bắc-nam giống như Trịnh Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17. Tuy nhiên, trong cả hai cuộc chiến từ 1946 đến 1975, cả Bắc Việt Nam lẫn Nam Việt Nam đều có người nước ngoài tham chiến, nên không thể gọi là nội chiến.
 
Trong chiến tranh 1946-1954, CHND Trung Hoa viện trợ cho cộng sản Việt Nam từ 1950. Thông qua con đường Trung Hoa, Liên Xô viện trợ cho Việt Minh cũng từ 1950. Về phía Quốc Gia Việt Nam có sự hợp tác của quân đội Liên Hiệp Pháp. Trong chiến tranh 1954-1975, Liên Xô gởi 3,000 người đến Bắc Việt Nam năm 1965, đa số là chuyên viên không quân, kỹ thuật phòng không và hỏa tiễn, lo việc lắp ráp các bệ đặt hỏa tiễn đất đối không, huấn luyện phi công Bắc Việt Nam lái các loại chiến đấu cơ MIG-21 và SU; và Liên Xô còn gởi nhiều chuyên gia về hải quân và các binh chủng khác. (http//www.russiatoday.ru/ news/news/2019,” USSR “secret Vietnam soldiers speak out”, 16-2-2008. Xem thêm bản tin đài RFA 29-2-2008 và BBC Vietnamese 19-11-2008.) 
 
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa 320,000 quân qua bảo vệ Bắc Việt Nam, để đảng Lao Động kéo hết quân Bắc Việt Nam xuống tấn công Nam Việt Nam. Dưới đây là hai tài liệu về việc 320,000 quân CHND Trung Hoa qua trấn đóng và bảo vệ các tỉnh Bắc Việt Nam.

phung 1
Nguồn ảnh: The Blade, Toledo, Ohio: Thứ Ba 16-5-1989.
(Trích lại từ DCVOnline.net, ngày 13-8-2012.) 
 phung 2
Vị trí đóng quân của quân đội CHND Trung Hoa ở Bắc Việt Nam
PLA=People Liberation Army=Nhân dân giải phóng quân
(Nguồn: Xiaobing Li, A History of the Modern Chinese Army,
The University Press of Kentucky, 2007, tr. 2.
 
Vì Bắc Việt Nam được Liên Xô và CHND Trung Hoa hỗ trợ. Nam Việt Nam không thể một mình chống lại Bắc Việt Nam và khối cộng sản quốc tế, nên đành phải nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đưa quân qua Nam Việt Nam năm 1965 và kêu gọi thêm một số quốc gia đồng minh giúp Nam Việt Nam như Thái Lan, Cộng Hòa Triều Tiên, Úc Đại Lợi, Philippines.
 
Như thế, ở cả hai phía đều có quân đội nước ngoài tham chiến, càng không thể gọi đây là cuộc nội chiến. Về phía Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ gởi quân tham chiến ở Việt Nam, nên người Hoa Kỳ thường gọi cuộc chiến 1954-1975 là “chiến tranh Việt Nam”. Cách gọi nầy chỉ thích hợp với người Hoa Kỳ trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng không thích hợp với người Việt Nam về cách gọi tên cuộc chiến trên đất nước Việt Nam.
 
7.  CHIẾN TRANH UỶ NHIỆM
 
Gần đây có dư luận gọi tên cuộc chiến 1954-1975 là chiến tranh uỷ nhiệm giữa hai thế lực cộng sản quốc tế và tư bản quốc tế trong chiến tranh lạnh toàn cầu, thông qua hai miền Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam. Nói rõ hơn, ý kiến nầy cho rằng hai miền Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đánh nhau là do hai khối cộng sản quốc tế và tư bản quốc tế uỷ nhiệm.
 
Thực tế cho thấy rằng chiến tranh 1954-1975 xảy ra là do tham vọng thống trị và bành trướng của cộng sản Bắc Việt Nam. Vì tham vọng nầy, khi CHND Trung Hoa tuyên bố một cách sai trái ngày 4-9-1958 rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải CHND Trung Hoa, thì thủ tướng Bắc Việt Nam là Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của CHND Trung Hoa, vừa để trả ơn CHND Trung Hoa viện trợ từ 1950 đến 1954, vừa để xin CHND Trung Hoa tiếp tục viện trợ nhằm tấn công Nam Việt Nam. Sau khi nhượng đảo, nhượng biển và được CHND Trung Hoa bảo kê, đảng Lao Động họp đại hội 3 tại Hà Nôi từ 5-9 đến 10-9-1960, đưa ra hai mục tiêu là “xây dựng Bắc Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam bằng võ lực”, tức động binh tấn công Nam Việt Nam.
 
Có hai điểm đáng chú ý: 1) Thứ nhứt, Hồ Chí Minh qua Liên Xô cầu viện năm 1950. Stalin ủy nhiệm cho Mao Trạch Đông phụ trách viện trợ cho đảng cộng sản Đông Dương. (Trương Quảng Hoa, “Quốc sách trọng đại Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chống Pháp”, đăng trong Hồi ký những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Nxb. Lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, đăng lại trong tạp chí Truyền Thông số 32-33, Montreal, 2003, tr. 45.)   2) Thứ hai, trong cuộc chiến 1954-1975, Lê Duẩn tuyên bố rằng Bắc Việt Nam đánh Mỹ là “ta đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”. (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422.) 
 
Có thể vì hai điều nầy mà có người nghĩ rằng Liên Xô và CHND Trung Hoa ủy nhiệm cho Bắc Việt Nam tấn công Nam Việt Nam. Đặc biệt cộng sản Việt Nam luôn giấu giếm các hiệp ước ký kết với các nước cộng sản khác, nên rất khó biết có hay không có việc cộng sản quốc tế ủy nhiệm cho Bắc Việt Nam, và cũng khó biết cộng sản quốc tế ủy nhiệm những gì?  Ủy nhiệm như thế nào”?  Nhữrng điều nầy chỉ có những đảng viên cao cấp đảng cộng sản Việt Nam, và gia đình họ có thể biết mà thôi.
 
Trong khi đó, Nam Việt Nam bị Bắc Việt Nam tấn công, nên Nam Việt Nam ở thế tự vệ, không lẽ ngồi chờ chết, nên phải chống trả ngoại xâm, chiến đấu để sống còn.
 
Do tất cả các lẽ trên, cuộc chiến ở Việt Nam từ 1954 đến 1975, nếu có ủy nhiệm thì đó là Liên Xô, CHND Trung Hoa ủy nhiệm cho Bắc Việt Nam trong hệ thống cộng sản quốc tế, còn Nam Việt Nam hoàn toàn không có chuyện ủy nhiệm từ bất cứ nước nào.
 
KẾT LUẬN
 
Tóm lại, chiến tranh vừa qua xảy ra trên đất nước chúng ta đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau. Cuộc chiến diễn ra liên tục từ 1946 đến 1975, trải qua hai giai đoạn từ 1946 đến 1954 và từ 1954 đến 1975, tổng cộng là 30 năm.
 
Ở Âu Châu, khi vua Edward III nước Anh đòi kiêm luôn vua nước Pháp thì xảy ra chiến tranh giữa hai nước, khi đánh khi nghỉ, không liên tục từ 1337 đến 1453 và được sử sách gọi là “Chiến tranh trăm năm” (Hundred Years' War). Vào đầu thế kỷ 17, cũng tại Âu Châu xảy ra chiến tranh giữa nhiều nước khác nhau vì nhiều lý do khác nhau, từ 1618 đến 1648, được mệnh danh là “Chiến tranh ba mươi năm” (Thirty Years' War). Các tài liệu sử học Âu châu đã dùng yếu tố thời gian để gọi những cuộc chiến phức tạp từ nhiều phía khác nhau.
 
Riêng hai cuộc chiến vừa qua trên đất nước chúng ta, dù đứng trên tư thế nào, hay lập trường chính trị nào, không ai có thể phủ nhận rằng yếu tố thời gian là mẫu số chung của cả các phía trong cuộc chiến. Dùng mẫu số chung để gọi tên cuộc chiến trên đất nước chúng ta, vừa đơn giản, vừa bao quát, vừa vô tư, không định kiến, vừa thích hợp với các bên tham chiến, mà không ai có thể cho rằng danh xưng nầy được một phía lâm chiến dùng để tuyên truyền chủ nghĩa, đả kích đối phương, hay để biện minh cho hành động của bất cứ bên nào, phía nào.
 
Vì vậy, bài nầy xin khép lại ở đây với đề nghị danh xưng cuộc chiến vừa qua trên đất nước thân yêu của chúng ta là CHIẾN TRANH BA MƯƠI NĂM, theo đúng thời gian từ 1946 đến 1975.

 

– Trần Gia Phụng

(Toronto, tháng 5-2023)

Nguồn : https://vietbao.com/a316277/tro-lai-van-de-goi-ten-cuoc-chien

Saturday, July 8, 2023

MỘT PHÓNG VIÊN NGƯỜI ĐỨC VIẾT VỀ VIỆT NAM…

 

Cuốn sách Đức: “A reporter’s love for a wounded people” của tác giả Uwe Siemon-Netto đã được viết xong và đang chờ một số người viết “foreword” và endorsements.
Bản dịch cũng đã xong, được phép của tác giả chúng tôi xin giới thiệu đoạn kết rất xúc động mà tác giả đã nói lên ước muốn cùng với người Việt Nam nuôi dưỡng niềm hy vọng một ngày không xa Tự Do Dân Chủ sẽ trở lại với quê hương khốn khổ của chúng ta:
 
 
Đoạn kết
Hậu quả của khủng bố và đức hạnh của hy vọng
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi tôi giã biệt Việt Nam. Vào năm 2015, thế giới sẽ chứng kiến kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng của Cộng sản và nhiều người sẽ gọi đó là ngày “giải phóng”.
Ga xe lửa Huế, nơi một đầu máy và một toa hành lý khởi hành chuyến tầu tượng trưng 500 thước mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ sẽ không còn đáng đi vào kịch trường của sự phi lý nữa. Nó đã được phục hồi đẹp đẽ và sơn phết lại mầu hồng. Một lần nữa, tương tự như những ngày dưới sự thống trị của người Pháp, nó là nhà ga xe lửa đẹp nhất vùng Đông Dương và tài xế tắc-xi không phải chờ đợi vô ích bên ngoài.
Mười chuyến tầu thong dong chạy qua mỗi ngày, năm chuyến xuôi Nam và năm chuyến ra Bắc. Gộp chung lại chúng được mệnh danh một cách không chính thức là Tàu Tốc Hành Thống Nhất.
Chẳng lẽ nào tôi lại không mừng vui? Chuyện này có khác nào bên Đức khi bức tường Bá Linh đổ xuống và những bãi mìn biến mất, và nay những chuyến tầu cao tốc phóng ngược xuôi giữa hai xứ nguyên là Cộng sản bên Đông và Dân chủ bên Tây với tốc độ lên tới 200 dặm một giờ?
Hiển nhiên là tôi rất vui khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam được thống nhất và phát triển, những chuyến xe lửa đã hoạt động trở lại và các bãi mìn đã được tháo gỡ. Nhưng đến đây thì sự tương đồng với nước Đức chấm dứt.
Nước Đức hoàn thành sự thống nhất, một phần nhờ người dân tại Đông Đức đã lật đổ chế độ độc tài toàn trị bằng những cuộc biểu tình và phản kháng ôn hòa, một phần nhờ vào sự khôn ngoan của các nguyên thủ quốc tế như các vị Tổng thống Ronald Reagan và George G.W. Bush, của Thủ tướng Helmut Kohl, của lãnh tụ Sô Viết Mikhail Gorbachev, và cũng phần khác vì sự sụp đổ có thể đoán trước được của hệ thống xã hội chủ nghĩa sai lầm trong khối Sô Viết. Không có ai bị thiệt mạng trong tiến trình này, không một ai bị tra tấn, chẳng có ai phải vào trại tù và cũng không có ai bị buộc phải trốn chạy.
Có một khuynh hướng khó hiểu, ngay cả trong số các vị học giả đáng kính của phương Tây đã diễn tả sự kiện Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam như là một cuộc “giải phóng”. Điều này đặt ra một câu hỏi: giải phóng cái gì và cho ai?
Có phải miền Nam đã được “giải phóng” khỏi sự áp đặt một nhà nước độc đảng toàn trị được xếp hạng chung với những chế độ vi phạm tồi tệ nhất thế giới về các nguyên tắc tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí?
Một cái thứ giải phóng gì đã làm chết 3,8 triệu người dân Việt từ 1954 đến 1975 và đã buộc hơn một triệu người khác phải trốn ra khỏi đất nước, không những từ miền Nam bại cuộc mà cả từ những bến cảng miền Bắc và làm từ 200.000 đến 400.000 người gọi là thuyền nhân bị chết đuối?
Có phải là hành động giải phóng không khi xử tử 100.000 người lính miền Nam và viên chức chính phủ sau ngày Sài Gòn thất thủ? Phải chăng chỉ là một màn trình diễn nhân đạo của bên thắng cuộc bằng cách lùa từ một triệu đến 2 triệu rưỡi người miền Nam vào các trại tù cải tạo, trong đó có khoảng 165.000 người mất mạng và hàng ngàn người khác đã bị tổn thương sọ não lâu dài và bị các vấn đề tâm thần do hậu quả của tra tấn, theo một cuộc nghiên cứu của một nhóm học giả quốc tế do Bác sĩ tâm thần Richard F. Molina của đại học Harvard dẫn đầu?
Từ giữa những năm 1960, những tay bịa đặt chuyện huyền thoại về chính trị và lịch sử của phương Tây, hoặc ngây thơ hoặc bất lương, đã chấp nhận lời giải thích của Hà Nội rằng cuộc xung đột là một cuộc “chiến tranh nhân dân.” Cũng đúng thôi nếu chấp nhận định nghĩa của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp về cụm chữ đó. Nhưng theo luật văn phạm về sở hữu tự theo cách Saxon Genitive qui định thì “chiến tranh nhân dân” phải được hiểu là cuộc “chiến tranh của nhân dân”.
Thực tế không phải như vậy. Ðã có khoảng 3,8 triệu người Việt Nam đã bị giết giữa các năm 1954 và 1975. Khoảng 164.000 thường dân miền Nam đã bị thủ tiêu trong cuộc tru diệt bởi Cộng sản trong cùng thời kỳ, theo nhà học giả chính trị Rudolf Joseph Rummel của trường Đại học Hawaii. Ngũ Giác Ðài ước tính khoảng 950.000 lính Bắc Việt và hơn 200.000 lính VNCH đã ngã xuống ngoài trận mạc, cộng thêm 58.000 quân Hoa Kỳ nữa. Đây không thể là một cuộc chiến tranh của nhân dân mà chính là chiến tranh chống nhân dân.
Trong tất cả những lập luận đạo đức giả về cuộc chiến Việt Nam ta gặp quá thường trong vòng 40 năm qua, cái câu hỏi quan trọng nhất đã bị mất dấu hay AWOL, nếu dùng một từ ngữ viết tắt quân sự có nghĩa là “vắng mặt không phép,” câu hỏi đó là: Dân Việt Nam có mong muốn một chế độ Cộng sản hay không? Nếu có, tại sao gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, trong khi chỉ có vào khoảng 130.000 cảm tình viên Việt Minh đi hướng ngược lại?
Ai đã khởi đầu cuộc chiến tranh? Có bất kỳ đơn vị miền Nam nào đã hoạt động ở miền Bắc hay không? Không. Có du kích quân miền Nam nào vượt vĩ tuyến 17 để mổ bụng và treo cổ những người trưởng làng thân cộng, cùng vợ và con cái họ ở đồng quê miền Bắc hay không? Không. Chế độ miền Nam có tàn sát cả một giai cấp hàng chục ngàn người trên lãnh thổ của họ sau năm 1954 bằng cách tiêu diệt địa chủ và các đối thủ tiềm năng khác theo cách thống trị theo lối Sô Viết của họ hay không? Không. Miền Nam có thiết lập chế độ độc đảng toàn trị hay không? Không.
Với cương vị một người công dân Đức, tôi không can dự gì đến cuộc chiến này, hay nói theo lối người Mỹ là “I have no dog in this fight” (tôi chẳng có con chó nào trong vụ cắn lộn này cả). Nhưng, nhằm chú giải cho cuốn sách “Lời nguyện của nhà báo”, tương tự như các phóng viên kỳ cựu có lương tâm, lòng tôi đã từng và vẫn còn đứng về phía dân tộc Việt Nam nhiều đau thương. Lòng tôi hướng về những người phụ nữ tuyệt vời với tính tình rất thẳng thắn và vui vẻ; hướng về những người đàn ông Việt Nam khôn ngoan và vô cùng phức tạp đang theo đuổi giấc mơ tuyệt hảo theo phong cách Khổng giáo; hướng về các chiến binh giống như trẻ con đi ra ngoài mặt trận mang theo cái tài sản duy nhất là một lồng chim hoàng yến; hướng về các góa phụ chiến tranh trẻ với cơ thể bị nhào nặn méo mó chỉ vì muốn bắt một tấm chồng lính Mỹ nhằm tạo một ngôi nhà mới cho con cái và có thể cho chính họ, còn hơn là đối mặt với độc tài Cộng sản; hướng về nhóm trẻ em bụi đời trong thành thị cũng như ngoài nông thôn săn sóc lẫn nhau và những con trâu đồng. Với trái tim chai cứng còn lại, lòng tôi thuộc về những người trốn chạy khỏi lò sát sinh và vùng chiến sự, luôn luôn đi về hướng Nam mà không bao giờ về hướng Bắc cho đến tận cùng, khi không còn một tấc đất nào vắng bóng Cộng sản nữa để mà trốn. Tôi đã chứng kiến họ bị thảm sát hay bị chôn sống trong những ngôi mồ tập thể và mũi tôi vẫn còn phảng phất mùi hôi thối của những thi thể đang thối rữa.
Tôi không có mặt vào lúc Sài Gòn thất thủ sau khi toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH, thường xuyên bị bôi bẩn một cách ác độc bởi truyền thông Hoa Kỳ, giờ đây bị những đồng minh người Mỹ của họ bỏ rơi, đã chiến đấu một cách cao thượng, biết rằng họ không thể thắng hay sống sót khỏi trận đánh cuối cùng này. Tôi đang ở Paris, lòng sầu thảm khi tất cả những chuyện này xẩy ra và tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng năm vị tướng lãnh VNCH trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ đã có thể thắng: Lê Văn Hưng (sinh năm 1933), Lê Nguyên Vỹ (sinh năm 1933), Nguyễn Khoa Nam (sinh năm 1927), Trần Văn Hai (sinh năm 1927) và Phạm Văn Phú (sinh năm 1927).
Khi tôi viết đoạn kết này, một ký giả đồng nghiệp và một loại học giả sinh năm 1975 khi Sài Gòn bị thất thủ, đã tự tạo cho bản thân một thứ tên tuổi bằng cách bêu xấu tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Vâng, họ thật đáng bị bêu xấu. Đúng, đó là sự thật. Mỹ Lai có thật. Tôi biết, tôi đã có mặt trong phiên tòa mặt trận khi Trung úy William Calley bị kết án là có tội. Tôi biết cái tiêu chuẩn đếm xác chết được tôn sùng bởi đầu óc méo mó của các cấp chỉ huy quân sự cũng như dân sự thời đại Mc Namara tại Washington và bản doanh Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã làm tổn hại hàng ngàn mạng sống của người dân vô tội.
Nhưng không có hành vi tàn ác nào của các đơn vị rối loạn Hoa Kỳ và VNCH có thể sánh bằng cuộc tàn sát do lệnh nhà nước giáng xuống đầu người miền Nam nhân danh Hồ Chí Minh. Những tội ác mà cho đến ngày nay những kẻ kế thừa thậm chí vẫn không thừa nhận vì không ai có cái dũng cảm hỏi họ: Tại sao các anh thảm sát tất cả những người vô tội mà các anh rêu rao là đi chiến đấu để giải phóng họ?
Với tư cách một người Đức, tôi xin được thêm một đoạn chú thích như sau: tại sao các anh giết người bạn của tôi là Hasso Rüdt von Collenberg, tại sao lại giết các bác sĩ người Đức ở Huế, và anh Otto Söllner tội nghiệp mà “tội ác” duy nhất là dạy trẻ em Việt Nam cách điều khiển một ban nhạc hòa tấu?
Tại sao các anh bắt cóc những thanh niên thiện nguyện Knights of Malta, làm cho một số bị chết trong rừng rậm và số khác thì bị giam cầm tại Hà Nội?
Tại sao các anh không bao giờ tự xét lương tâm về những hành động đó, theo cách những người Mỹ chính trực trong khi họ đã được xác định một cách đúng đắn là họ thuộc về phía lẽ phải trong cuộc Đại Chiến Thứ Hai, vẫn bị dằn vặt bởi cái di sản khủng khiếp để lại vì đánh bom rải thảm những khu dân cư trong nước Đức và tấn công bằng bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki?
Hồi tưởng lại cuộc thử thách trên con đường mòn Hồ Chí Minh trong tạp chí Der Spiegel, cô y tá Tây Đức Monika Schwinn nhớ lại cuộc gặp gỡ với các đơn vị chiến đấu Bắc Việt trên đường xuống phía Nam như là một trong những kinh nghiệm khủng khiếp nhất. Cô diễn tả cái cường độ của mối hận thù trên khuôn mặt của những tên lính đó và cô viết chính những tên Việt Cộng canh chừng phải khó khăn lắm mới ngăn chận họ không giết những người Đức ngay tại chỗ.
Không có ai sinh ra là biết hận thù cả. Sự thù hận chỉ có thể có được do dậy dỗ. Nuôi dưỡng tính giết người trong lòng thanh niên là một khuôn phép huấn luyện chỉ có trường phái chủ nghĩa toàn trị là giỏi nhất. Trong cuốn tiểu sử rất hay nói về tay chỉ huy SS Heinrich Himmler, sử gia Peter Longerich diễn tả là ngay cả gã sáng lập viên cái lực lượng tàn độc gồm những tên côn đồ mặc đồ đen cũng khó lòng buộc thuộc hạ vượt qua sự kiềm chế tự nhiên để thi hành lệnh thảm sát Holocaust (Longerich. Heinrich Himmler. Oxford: 2012).
Chính cái ánh mắt thù hận của những tên sát nhân Bắc Việt tại Huế làm ám ảnh những người tôi phỏng vấn hơn cả. Nhưng dĩ nhiên phải dành nhiều thời gian với họ, chịu sự đau khổ cùng họ, tạo niềm tin và trò chuyện với họ thì mới khám phá ra cái cốt lõi của một phần nhân tính con người, một hiểm họa về mặt chính trị và quân sự vẫn còn quanh quẩn bên chúng ta từ bốn thập niên qua. Chỉ phán ý kiến về nó từ trên tháp ngà đài truyền hình New York hay các trường đại học Ivy League thì không bao giờ đủ cả.
Trong một cuốn sách gây chú ý về đoàn quân Lê Dương Pháp, Paul Bonnecarrère đã kể lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đại tá đầy huyền thoại Pierre Charton và Tướng Võ Nguyên Giáp sau khi Pháp thất trận tại Điên Biên Phủ (Bonnecarrère. Par le Sang Versé. Paris: 1968). Charton là tù binh trong tay Cộng sản Việt Minh. Giáp đến thăm Charton nhưng cũng để hả hê. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong một lớp học trước mặt khoảng 20 học viên đang tham dự một buổi tuyên truyền chính trị. Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đối chọi nhau đã xẩy ra như sau:
Giáp: “Tôi đã đánh bại ông, thưa Đại tá!”
Charton: “Không, ông không đánh bại tôi, thưa Đại tướng. Rừng rậm đã đánh bại chúng tôi… cùng sự hỗ trợ các ông đã nhận được từ người dân bằng các phương tiện khủng bố”.
Võ Nguyên Giáp không ưa câu trả lời này và cấm các học viên không được ghi chép nó. Nhưng đó là sự thật, hay chính xác hơn: đó là một nửa của sự thật. Cái nửa kia là các nền dân chủ như Hoa Kỳ đúng là không được trang bị về chính trị và tâm lý để theo đuổi một cuộc chiến trường kỳ. Sự nhận thức này, cùng với cách sử dụng các phương tiện khủng bố đã trở thành trụ cột trong chiến lược của Võ Nguyên Giáp. Hắn đã đúng và hắn đã thắng. Thậm chí nguy hiểm hơn nữa là ngày nay các chế độ toàn trị đang chú ý đến điểm này.
Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái kết luận tôi bắt buộc phải rút ra từ kinh nghiệm về Việt Nam là:
Khi một nền văn hóa bê tha hủ hóa đã mệt mỏi về lòng hy sinh, nó sẽ có khả năng vứt bỏ tất cả. Nó đã chín mùi để bỏ rơi một dân tộc mà đáng lẽ nó phải bảo vệ. Nó còn thậm chí sẵn sàng xóa đi những mạng sống, sức khoẻ về thể chất và tinh thần, nhân phẩm, trí nhớ và danh thơm của những thanh niên đã được đưa ra mặt trận.
Điều này đã xẩy ra trong trường hợp các cựu chiến binh Việt Nam. Tác động của sự khiếm khuyết đã ăn sâu trong các nền dân chủ tự do này rất đáng sợ vì cuối cùng nó sẽ phá hỏng chính nghĩa và tiêu diệt một xã hội tự do.
Tuy nhiên tôi không thể kết thúc câu chuyện ở đây bằng điều tăm tối này được. Là một người quan sát về lịch sử, tôi biết là lịch sử, mặc dù được khép kín trong quá khứ, vẫn luôn luôn mở rộng ra tương lai. Là một Ki-Tô hữu tôi biết ai là Chúa của lịch sử.
Chiến thắng của Cộng sản dựa vào những căn bản độc ác: khủng bố, tàn sát và phản bội. Hiển nhiên tôi không biện minh cho chuyện tiếp tục đổ máu nhằm chỉnh lại kết quả, cho dù có khả thi đi chăng nữa. Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc Việt Nam, tôi tin là họ sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ xẩy ra.
Trong ý nghĩa này, tôi bây giờ chỉ muốn xếp hàng vào đoàn xích-lô bên ngoài ga xe lửa Huế vào năm 1972, nơi chẳng có người khách nào quay trở lại. Chỗ của tôi ở đâu bây giờ? Tôi còn lại gì nữa ngoài niềm hy vọng?