; }

Sunday, November 6, 2022

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM MỘT GIA ĐÌNH THANH BẦN

 

Nhìn tấm hình này ai cũng thấy làm lạ ,sao gia đình ông cựu thượng thơ Ngô Đình Khả nhìn “bần” dữ vậy,ba đứa con trai trong đó có ông tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm sau này chưn đất ,áo quần xốc xếch phát rầu ,nhà này nghèo chứ không giàu
Ngô Đình Khả (1850–1923) quê quán ở làng Đại Phong, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nghèo
Đại Phong là làng Công giáo do linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) lập ra
Ông Ngô Đình Khả nhà nghèo nhưng hiếu học,được các cố đạo gửi qua tận đại chủng viện Penang Mã Lai du học
Ông Ngô Đình Khả giỏi tiếng Pháp, thạo chữ Hán và biết chữ La Tinh nên về VN làm thông ngôn ở Tòa Khâm Sứ tại Huế
Từ từ ông Ngô Đình Khả lên tới Thượng Thư Bộ Công, rồi làm Phụ Đạo cho vua Thành Thái
Tức ông là thầy dạy của vua Thành Thái vậy.
Vua Thành Thái khẳng khái thế nào thì cũng nên nhìn ông thầy của vua một chút
Trong cuốn “Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt”, tác giả Nguyễn Văn Minh đã viết về ông Ngô Đình Khả như sau:
“Cụ áp dụng một đường lối giáo dục con cái rất đặc biệt. Ngay từ khi còn tại chức, trong cuộc sống hàng ngày, cụ không chỉ nghiêm khắc với các con mà chủ yếu là nghiêm khắc với chính mình, nêu gương một nếp sống cần kiệm, liêm khiết, trung nghĩa.
Cụ bắt các con sống đúng theo khuôn mẫu ấy, nhằm hun đúc, xây đắp cho họ một lý tưởng sống vững chắc trên nền tảng một Đức Tin tôn giáo bất biến và một tinh thần nho học Khổng-Mạnh thâm sâu.”
Vào năm 1923, trước Tết
Khi biết mình sắp chết, ông Ngô Đình Khả gọi các con đến bên giường trối họ phải tiếp tục thực hiện lý tưởng .
Đặc biệt với ông Ngô Đình Diệm ông trối:
“Diệm, con có đủ đức tính cần thiết để trở thành người lãnh đạo tốt. Con phải lãnh đạo.”
Và cụ nói với tất cả các con:
“Các con phải cùng với nó (ông Diệm) tranh đấu dành lại cho được một nền độc lập hoàn toàn, thì mới thực hiện công cuộc cải tạo xã hội xóa bỏ bất công được
Ông Ngô Đình Khả qua đời ngày 18.2.1923, nhằm ngày mồng ba tháng giêng năm Quý Hợi
Sau này,khi cuộc đảo chánh 1-11-1963 thành công ,TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị giết chết,Đệ Nhứt Cộng Hòa sụp đổ thì chưa có ai kết án rằng hai anh em TT tham nhũng hay tham lạm làm giàu,không có một lời nào
Người ta đồn rằng bà Trần Lệ Xuân ôm hàng tỷ USD chạy trốn,nhưng thực tế bà Nhu sống ở cảnh nghèo mấy chục năm trên đất khách.
@Nguyễn Gia Việt

Wednesday, September 14, 2022

TÁI CHIẾM QUẢNG TRỊ, TRẬN CHIẾN DÀI NHẤT

 JOHN D. HOWARD

ĐINH YÊN THẢO dịch

Tìm hiểu lịch sử

qtri 6
Cờ vàng ba sọc đỏ lại tung bay trên mặt cổ thành Quảng Trị.

Lời người dịch: Trận đánh tái chiếm cổ thành Quảng Trị kéo dài 81 ngày trong mùa Hè đỏ lửa 1972 là một trong những trận đánh dài và khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Trong tạp chí tháng Tư  trên trang mạng khảo cứu lịch sử historynet năm nay, Thiếu Tướng hồi hưu John D. Howard, một sĩ quan West Point và cựu cố vấn tại chiến trường Việt Nam vào năm 1972 đã kể lại diễn biến toàn bộ chiến dịch và trận tái chiếm lịch sử này. Xin giới thiệu lại bài viết này nhân kỷ niệm 50 năm trận tái chiếm cổ thành kết thúc vào ngày 16 tháng 9 năm 1972.


 

Chiến Dịch Phục Sinh 

Nằm gần các mật khu phía Bắc khu phi quân sư (DMZ) và giáp Lào, Quảng Trị là một chiến trường đụng độ liên tục trong chiến tranh Việt Nam. Các ủy viên Bộ Chính Trị Bắc Việt gọi đây là "mặt trận rực lửa" và Lê Duẩn xem Quảng Trị là “thành phố cách mạng anh hùng” khi tái thiết lại cổ thành này vào năm 1980. Các hướng dẫn viên du lịch tại đây thường giới thiệu với du khách ngoại quốc và ca ngợi sự anh hùng của những người cộng sản trong cuộc Tổng tấn công Xuân-Hạ 1972. Nhưng họ không hề nhắc đến rằng, quân cộng sản đã chiếm được cổ thành này vào ngày 1 tháng 5 năm 1972 và lính Thủy Quân Lục Chiến của miền Nam Việt Nam đã tái chiếm lại sau đó năm tháng. 

Cuộc tấn công mở màn của Bắc Việt diễn ra vào ngày 30 tháng 3, tức ngày thứ Năm trước lễ Phục Sinh. Nó thường được gọi là Chiến Dịch Phục Sinh (người dịch: The Easter Offensive, theo cách gọi của sách báo Mỹ, và Mùa Hè Đỏ Lửa của VNCH), là chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến. Quân cộng sản tấn công bằng các đơn vị chủ lực trong mục đích giành chiến thắng quyết định, không đánh du kích và dùng các đơn vị nhỏ  làm tiêu hao lực lượng khiến quân Mỹ  mệt mỏi và rút quân như trước kia. Chiến lược đánh dai dẳng bị loại bỏ để Bắc Việt dốc một canh bạc “được ăn cả, ngả về không” (go-for-broke) nhằm đánh bại quân lực Việt Nam Cộng Hòa và lật đổ chính phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. 

Quân Bắc Việt tràn qua khu phi quân sự (DMZ) và băng qua Lào dọc theo Quốc lộ 9, hướng đến cố đô Huế, khởi đầu chiến dịch bằng ba cuộc tấn công vào các vùng khác nhau của Nam Việt Nam. Rạng sáng ngày 3 tháng Tư, cộng quân tấn công vào các căn cứ hỏa lực vùng cao nguyên, mở màn với trận đánh vào Kontum với mục tiêu tiêu tối hậu là cắt đôi Nam Việt Nam ở trung lộ. Ở phía Nam thì bốn ngày sau, tại khu vực quanh Sài Gòn, cộng quân tràn qua Lộc Ninh, một khu vực tiền đồn được phòng thủ chắc chắn tại vùng biên giới Campuchia và bao vây An Lộc, chỉ cách Sài Gòn khoảng 60 dặm.

Lực lượng tấn công của quân Bắc Việt có khoảng 30,000 đến 40,000 quân từ ba Sư Đoàn thiện chiến là 304, 308 và 325C, đã cùng với 200 chiến xa và các khẩu đội phòng không, tấn công vào một Lữ Đoàn mong manh của quân đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3 quân lực VNCH. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, người đứng đầu Quân đoàn I đóng tại Đà Nẵng đã bỏ qua các báo cáo tình báo cho thấy kẻ thù đã tập trung lực lượng lớn khắp DMZ và ra lệnh chuyển quân giữa hai căn cứ hỏa lực của Sư đoàn 3 vào ngày 29 tháng 3. Mệnh lệnh sai thời điểm của ông đã góp thêm vào tình trạng hỗn loạn khi cộng quân tấn công vào ngày hôm sau. 

Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3  ở ngay phía Nam DMZ và ở chân đồi phía Tây đều bị tấn công dữ dội vào Chủ nhật Phục Sinh ngày 2 tháng Tư. Trung tá QLVNCH Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3, đã đầu hàng toàn bộ đơn vị của mình cùng căn cứ Carroll, một căn cứ hỏa lực cũ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Trung Tá Đính cũng không cho phá hủy kho đạn lớn hoặc vô hiệu hóa hơn 20 khẩu pháo, trong đó có 4 khẩu 175 mm. 

Các cố vấn Mỹ là Trung tá Bill Camper và Thiếu tá Joe Brown đã gửi một tin vô tuyến ngắn gọn cho biết họ sẽ rời khỏi căn cứ. Vì lý do an ninh, họ không cho biết Trung đoàn 56 đã đầu hàng hàng loạt. Một Trung tá Mỹ mới được thuyên chuyển đến gởi ra một mệnh lệnh  "Không được rời căn cứ!" Camper và Brown bất chấp mệnh lệnh nhằm tránh bị bắt sống và đã rời trên chiếc trực thăng Chinook CH-47 do Đại úy Harry Thain lái, người về sau đã nhận được huân chương cho cuộc giải cứu táo bạo này.

Việc mất căn cứ Carroll dẫn đến một cuộc triệt thoái quân về các vị trí gần thị xã Đông Hà. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giúp làm chậm bước quân Bắc Việt. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm thiết lập một hàng phòng thủ liên hoàn đã bị thất bại bởi Tư Lệnh Quân đoàn I liên tục ra các lệnh thiếu sự phối hợp. Ngày 28 tháng 4, Đông Hà thất thủ. Ba ngày sau thành Quảng Trị tan hoang, quân đội triệt thoái. 

Tình trạng hỗn loạn đã diễn ra. Thủy Quân Lục Chiến VNCH giữ vững kỷ luật và chặn đứng đường tiến quân của cộng quân bằng một tuyến phòng thủ kiên cố dọc theo sông Mỹ Chánh, cách Huế 15 dặm. 

Những thành công ban đầu của phe cộng sản đã củng cố sự lạc quan của những lãnh đạo diều hâu trong Bộ Chính trị Bắc Việt và gạt qua những thành viên muốn có sự thận trọng. Lê Duẩn, thủ lĩnh của phe chủ chiến, cương quyết cho rằng môi trường chính trị tại Hoa Kỳ sẽ ngăn cản Tổng thống Richard Nixon có phản ứng mạnh mẽ vì năm 1972 là năm bầu cử tổng thống và công chúng Hoa Kỳ bị xem là đã mệt mỏi với chiến tranh. Đó là một suy đoán hoàn toàn sai lầm về tổng thống Hoa Kỳ.

qtri 2
Cuộc tấn công của quân đội cộng sản đã gây làn sóng di tản của dân Quảng Trị đổ vào Huế. Ai nấy gồng gánh bồng bế nhau chạy loạn.

Tuy nhiên, vào thời điểm này trong cuộc chiến, các chọn lựa đáp trả mạnh mẽ từ Hoa Kỳ bị hạn chế. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1972, có 68,100 lính Mỹ ở Việt Nam, giảm từ mức cao nhất là 543,100 quân vào tháng 4 năm 1969. Năm đó, chính quyền Nixon khởi xướng chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, rút ​​dần quân đội Mỹ để chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho miền Nam Việt Nam. Chỉ còn lại hai lữ đoàn chiến đấu của Mỹ, một ở phía Bắc Nam Việt Nam và một ở khu vực Sài Gòn với nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các căn cứ không quân và cơ sở hậu cần của Hoa Kỳ. 

Nixon loại trừ việc điều quân bộ binh mà tấn công bằng không quân. Ông điều động thêm phi cơ đến Đông Nam Á, tiếp tục ném bom ra mạn Bắc và ra lệnh thả mìn phong toả các cảng của Bắc Việt. Không Quân Hoa Kỳ và các chiến đấu cơ trên các hàng không mẫu hạm, với 206 phi cơ B-52 ném bom và hơn 800 phản lực chiến đấu đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Vào đầu tháng Năm thì tình thế tại miền Nam Việt Nam bị xem là lâm vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng. 

Việc mất Quảng Trị và hỗn loạn tại Huế đã dẫn đến quyết định từ Tổng Thống Thiệu là tướng Lãm phải bị thay. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh vùng đồng bằng sông Mekong và được xem là một trong những tướng tài nhất của miền Nam Việt Nam sẽ thay thế. Tướng Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng bay ra vùng Một trong vòng 24 tiếng. Quân lực VNCH chuẩn bị phản công.

Những cuộc giao tranh đẫm máu  

qtri 1
Súng 40 ly M42A1 gắn trên chiến xa M41 của quân lực VNCH đang nã đạn vào các vị trí của cộng quân Bắc Việt trên Quốc lộ Một.

Trung tướng Ngô Quang Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng thân tín bay ra Quân đoàn I trong vòng chưa đầy 24 giờ sau lệnh bổ nhiệm từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vị tân tư lịnh thể hiện một phong cách riêng khi chuyển bộ chỉ huy chính của Quân đoàn I từ Đà Nẵng ra Huế, nơi chỉ là một sở chỉ huy tiền phương nhỏ do một số sĩ quan và cố vấn Hoa Kỳ chỉ huy nhưng ông vẫn bay về Đà Nẵng đánh tennis và ăn tối ở nhà.  

Tuyến quân tại sông Mỹ Chánh cần được tăng viện. Tướng Trưởng đề nghị Tổng Thống Thiệu cho bổ sung quân số. Ngày 8 tháng 5, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đến tăng viện và củng cố lại tuyến đường mặt biển. Hai tuần sau, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và bộ chỉ huy sư đoàn Dù bay đến Huế. Các đơn vị thiện chiến nhất bao gồm sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, sư đoàn Dù và sư đoàn 1 QLVNCH lúc này xem như đã nằm dưới quyền chỉ huy của tướng Trưởng.

qtri 3
Trung tướng Ngô Quang Trưởng tại Bộ Chỉ huy Lữ đoàn TQLC/VNCH, phía Bắc Huế. 

Bày binh bố trận tốt cho phép vị tướng trở nên quyết đoán táo bạo hơn. Lữ đoàn 369 của Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở màn cuộc tấn công vào hậu cứ cộng quân ngay phía Nam thị xã Quảng Trị với hai tiểu đoàn phi đội. Hai ngày sau, vào ngày 15 tháng 5, Sư đoàn 1 QLVNCH tái chiếm được căn cứ hỏa lực cũ của Mỹ là Bastogne, củng cố phía mạn Tây dẫn vào Huế. Trong khi quân đội VNCH tiếp tục chiến đấu với địch quân thì các cố vấn Mỹ đã điều các cuộc không kích đầy hữu hiệu.

Cuộc phản công của Quân đoàn I mang mật danh là Chiến Dịch Lam Sơn 72 nhằm đẩy lùi địch quân qua khỏi khu vực phi quân sự DMZ. Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng tái chiếm cổ thành Quảng Trị, là thành phố tỉnh lỵ duy nhất nằm trong tay địch, trước khi tiến quân xa hơn ra phía Bắc. Thị trấn này không có giá trị chiến lược và tướng Trưởng muốn bỏ qua nó vì ông muốn tiêu diệt các đơn vị Cộng quân và chiếm lại các vùng đã mất trước, nhưng lệnh của tổng thống Thiệu đã buộc các sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến đi vào một cuộc đụng độ đẫm máu trong nội đô với quân địch. 

Một kế hoạch tinh vi nhằm đánh lừa địch quân về thời gian và địa điểm của cuộc tấn công được vạch ra. Đó là cho "lộ bí mật" về một cuộc nhảy dù và một cuộc đổ bộ vào hậu cứ của địch quân. Tuy nhiên, cú lừa này không tạo ra hiệu quả đặc biệt gì vì bộ chỉ huy quân cộng sản trong khu vực đã nhận được thông tin chi tiết về cuộc tấn công thật sự từ một điệp viên của họ cài vào trong ban tham mưu Quân đoàn I. 

Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu vào ngày 28 tháng 6 khi Thủy Quân Lục Chiến và lính Dù mở cuộc tấn công trong đêm qua sông Mỹ Chánh. Mặc dù kế hoạch đã bị lộ, họ cũng gặp sự kháng cự giới hạn từ địch quân. Các sĩ quan cao cấp đầy tự tin của QLVNCH hy vọng sẽ tái chiếm được cổ thành Quảng Trị trong chín ngày nhưng dự tính này đã thiếu chính xác. 

Quân tiến công được hỗ trợ bởi các cuộc oanh kích của B-52, có sự yểm trợ mạnh trên không cùng hỏa lực của hải quân Hoa Kỳ với hai tiểu đoàn lính Dù và hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH đổ bộ vào phía sau tuyến kháng cự chính của địch quân. Dù vậy, sư đoàn Dù cũng phải mất một tuần mới đến được vòng ngoài của thị xã. Tốc độ tiến quân chậm đã giúp phía địch quân có được thời gian để củng cố trong cổ thành. 

Được xây dựng vào năm 1824, bốn mặt của cổ thành có chiều dài 1,640 feet (khoảng 500 mét) và tất cả đều được bảo vệ bởi một con hào rộng. Những bức tường gạch dày cao gần 30 feet (hơn 9 mét) với một tháp pháo đài ở mỗi góc thành. 

Tư lệnh Sư đoàn Dù là Trung tướng Dư Quốc Đống ra lệnh cho Lữ đoàn Dù 2, gồm ba tiểu đoàn với hơn 2,000 lính dù, đánh chiếm thị xã. Đại tá Trần Quốc Lịch cam đoan với tướng Đống rằng Lữ đoàn của ông sẽ chiếm lại nhanh chóng và đã chuẩn bị rượu champagne để ăn mừng chiến thắng. Dù vậy, Đại Tá Lich vẫn cho tấn công khá thận trọng. 

Thiếu tá Lê Văn Mễ, một sĩ quan có năng lực xuất chúng chỉ huy đơn vị chủ lực của lữ đoàn là Tiểu đoàn Dù 11, biết sự  thận trọng của Đại Tá Lịch đã khiến tiểu đoàn của ông mất phần chủ động. Cố vấn Hoa Kỳ của Thiếu tá Mễ là Đại úy Gail “Woody” Furrow, nói với một cố vấn khác rằng: “Họ đã trên đường bỏ chạy! Chúng ta nên bỏ qua thị xã Quảng Trị và tiến thẳng đến DMZ”. 

Tư lệnh quân Bắc Việt tại chiến trường này là Trung tướng Trần Văn Quang, biết Tổng Thống Thiệu sẽ cho thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để tái chiếm thị xã. Biết là một cuộc chiến đẫm máu sẽ diễn ra, ông ta đã chuyển một số trung đoàn bộ binh vào trong cổ thành và sử dụng một trung đoàn khác để xây dựng các công sự bên trong thị xã. Súng cối và đại bác, đặc biệt là pháo hạng nặng 130 ly do Liên Xô chế tạo đã được tái bố trí để hỗ trợ tối đa hỏa lực. Các đại bác 130 ly đã phóng những quả đạn nặng 70 pound đi xa khoảng 17 dặm, vượt xa tầm bắn của các loại pháo 105 và 155 ly của phía VNCH. Pháo binh và súng cối của cộng quân đã gây ra phần lớn thương vong cho lính VNCH.

 

Cuộc tấn công của Lữ đoàn 2 Nhảy Dù bắt đầu vào ngày 10 tháng 7. Hai tiểu đoàn 6 và 11 tấn công từ phía Nam, trong khi Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù thực hiện cuộc tấn công chính từ phía Đông Bắc. Các tiểu đoàn 5 và 6 Nhảy Dù, tăng viện vào ngày 25 tháng 6, không đủ quân số chiến đấu do thiệt hại từ chiến trường An Lộc kéo dài từ tháng Tư đến giữa tháng Sáu. Đại úy Earl Isabell, cố vấn của Tiểu đoàn 5, sau đó cho biết: “Chúng tôi được chỉ định là mũi tấn công chính nhưng không được bổ sung thêm quân số. Chúng tôi cần thêm vài đại đội. Các tân binh thì hầu như chưa được huấn luyện còn các chỉ huy dày dặn kinh nghiệm tử nạn tại An Lộc vẫn chưa được thay thế”.

Các Tiểu Đoàn 6 và 11 Nhảy Dù đã giành được ưu thế vành ngoài thị xã, nhưng quân Bắc Việt đã chiến đấu ở mỗi góc nhà. Cuộc xung kích được tính từng mét và mỗi tòa nhà chiếm được. Tiểu Đoàn 1 của sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã mở một cuộc tấn công bằng đường không ở cách thị xã Quảng Trị khoảng một dặm về phía Đông Bắc vào sáng ngày 11 tháng 7 để ngăn chặn giao thông trên đường 560, song song với sông Thạch Hãn là tuyến tiếp tế chính của quân cộng sản phòng thủ. Tiểu đoàn được chở trên 34 chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ  và 6 trực thăng tấn công Cobra của Quân đội Hoa Kỳ hộ tống. 

Cuộc đổ quân được yểm trợ bởi hỏa lực Hải Quân và các cuộc oanh tạc của B-52 nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Súng tự động và hỏa tiễn địa-không SA-7 bắn lên như mưa. Một chiếc CH-53 Sea Stallion và hai chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight chở Thủy Quân Lục Chiến bị bắn hạ. Một chiếc trực thăng vô tình hạ cánh gần một chiếc xe tăng T-54 của cộng quân được ngụy trang khá kỹ nhưng chiếc Cobra hộ tống có trang bị phi đạn chống tăng nên đã tiêu diệt được chiếc xe tăng này. 

Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 và cố vấn của ông là Đại úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ  Lawrence Livingston đã dẫn đầu các cuộc xung phong vào ngày 11 tháng 7 nhằm phá hủy các công sự của cộng quân đang chặn đường tiến quân lính VNCH. Livingston đã được tặng thưởng bội tinh vì sự anh dũng của mình. Trận đánh tiếp diễn trong ba ngày. Đến ngày 14 tháng 7, đường 560 đã bị cắt đứt. Quân Bắc Việt phải tìm đường khác thay thế để tiếp tế cho quân của mình tại Quảng Trị.

Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã thực hiện cuộc tấn công chủ lực vào đêm ngày 11 tháng 7. Hỏa lực pháo binh được bắn trước và 18 cuộc xuất kích của Không quân Hoa Kỳ đã làm yếu các công sự phòng thủ của tòa thành. Tuy nhiên, quân phòng ngự của địch quân đã chặn được Tiểu đoàn 5 ngay sát chân tường thành. 25 lính bị tử nạn và hơn 100 lính bị thương.

Lệnh cấm Không Quân Mỹ không kích vào bên trong thị xã được ban hành vào ngày 15 tháng 7 vì Tổng Thống Thiệu muốn tái chiếm Quảng Trị mà không cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Ông bối rối trước các báo cáo rằng Không Quân Hoa Kỳ đã cứu được An Lộc và Kontum. Trước sự phản đối của tướng Trưởng, một vòng tròn tưởng tượng đã được vẽ xung quanh thị xã. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã bị cấm trong khu vực đó.

Khúc khải hoàn viết bằng máu 

qtri 4
Chiến đấu trong thành phố Quảng Trị, có cả những lần cận chiến xáp lá cà đẫm máu.

Quân Bắc Việt vẫn mở các cuộc tấn công nhằm phá vỡ những cuộc hành quân phối hợp của phía VNCH. Họ tấn công Tiểu Đoàn 5 vào ngày 15 tháng 7 và gần như chiếm được trạm chỉ huy tiểu đoàn. Vì một lý do không giải thích được, cuộc tấn công đã bị dừng lại khi chiến thắng nằm trong tầm tay của cộng quân. Hai ngày sau, một cuộc tấn công tương tự vào Tiểu Đoàn 6, hai bên đánh xáp lá cà trước khi quân Bắc Việt rút lui. 

Lính Dù của quân lực VNCH tấn công nhưng kết quả giới hạn và thương vong tăng lên. Những người cộng sản nướng quân cho chuyện cầm cự vì việc giữ được Quảng Trị là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Mặc dù đường 560 đã bị chặn, các chuyến phà trên sông Thạch Hãn vẫn chuyển quân, hàng tiếp liệu và khí cụ thay thế vào cổ thành, cố duy trì ưu thế về quân số của mình. Trong khi đó, phía chính quyền Sài Gòn đã gặp khó khăn để đáp ứng kịp nhu cầu thay quân.  

Bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù 2 nhận mệnh lệnh mở một cuộc tấn công khác. Lần này Tiểu Đoàn 5 được tăng cường thêm hai Đại Đội từ Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù thiện chiến và một Trung Đội xe tăng. Trước cuộc tấn công vào đêm 23 tháng 7, một chiếc F-4 Phantom của Không lực Hoa Kỳ đã được phép thả một quả bom đạn đạo laser nặng 2,000 cân Anh xuống thành lũy phía Đông Bắc của tòa thành để Tiểu đoàn 5 đột kích vào pháo đài. Khi trời rạng sáng, lệnh hạn chế không lực Hoa Kỳ lại bị áp đặt và Không Quân VNCH được ra lệnh thay thế. Một phi cơ đã vô tình thả ba quả bom 500 cân vào giữa lính nhảy dù, gây thiệt mạng 45 lính và làm bị thương nặng 100 lính khác.Tiểu đoàn 5 buộc phải rút lui, chấm dứt cuộc tấn công. 

Cuộc chiến đấu kéo dài hai tuần gần như xoá sổ cả Lữ đoàn 2 Nhảy Dù. Tiểu đoàn 5 bị thiệt hại nặng nề nhất. Đơn vị có 600 quân bị tử trận hết 98 lính và 400 lính bị thương. Hai tiểu đoàn còn lại cũng không khá hơn. Bốn trong sáu cố vấn Mỹ bị thương và phải chở vào bệnh viện. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH tiếp viện cho Sư đoàn Dù vào ngày 27 tháng 7. Một cố vấn Thủy quân lục chiến Mỹ đã phải giật mình trước những gì nhìn thấy tại Quảng Trị. 

Quảng Trị là hình ảnh của Berlin vào năm 1945. Hố bom khắp mọi nơi. Mọi cấu trúc hầu như đã bị phá hủy, chỉ còn những tòa nhà trơ trọi vách.

qtri 5
Quang cảnh đổ nát của thành phố sau trận chiến. 

Hầu hết lính Thủy Quân Lục Chiến tin rằng họ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế nếu lính Dù chưa làm được. Sự lạc quan của họ nhanh chóng tụt xuống khi cuộc tấn công ban đầu bị chao đảo sau khi đối đầu với một lực lượng phòng vệ vượt trội về quân số phía địch quân. Thiếu tướng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là Richard Rothwell, cố vấn cho Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến VNCH, đã đổ lỗi một phần điều này cho Sư đoàn Dù đã không bảo vệ được sườn trái của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến. Nhiều pháo đài cũ ở phía Tây Quốc lộ Một do cộng quân chiếm giữ đã nã pháo vào các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang tấn công. Trước đó thì Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù đã cho rằng các pháo đài nằm quá xa để có thể cản đường tiến công dọc theo trục mà Thủy Quân Lục Chiến sử dụng. 

Bất kể là gì, bộ tham mưu Quân Đoàn I đã không giao trách nhiệm về các pháo đài và thiết lập ranh giới chính xác giữa hai sư đoàn. Đây là một sơ suất tác chiến quan trọng của bộ tham mưu trong chiến tranh quy ước vì chỉ từng tác chiến đơn vị nhỏ mà hiếm khi chỉ huy phối hợp trong môi trường chiến thuật. 

Cuộc tấn công vào ngày 3 tháng 8 cũng bị sa lầy. Tổng Thống Thiệu buộc phải gỡ bỏ các hạn chế các cuộc oanh tạc của Mỹ vào Quảng Trị, nhưng quyết định đó cũng không thay đổi được gì khi trận chiến đã trở thành các cuộc đọ sức giữa pháo binh VNCH và các cuộc oanh tạc của Không Quân Hoa Kỳ đối đầu với pháo binh cộng quân. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đơn giản là không đủ lực lượng để thắng được đông đảo địch quân. Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến cần được tăng quân.  

Trong suốt tháng 8, các cuộc giao tranh tại từng mỗi góc nhà và pháo binh liên tục gây ra nhiều tổn thất hơn cho binh lính VNCH. Kể từ ngày 30 tháng 3, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến hùng mạnh với 15,000 quân đã thiệt mạng hết 1,358 lính và 5,500 lính bị thương. Các cuộc giao tranh cũng đã gây ra một thiệt hại tương tự cho các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn. Vào đầu tháng Bảy, đơn vị Cố vấn Thủy Quân Lục Chiến đã phải yêu cầu khẩn cấp chín sĩ quan thay thế những sĩ quan Mỹ tử nạn.

Những lời yêu cầu lặp đi lặp lại của tướng Lân về việc tăng thêm quân đã được đáp ứng vào ngày 8 tháng 9. Ba tiểu đoàn của Liên đoàn 1 Biệt Động Quân đến thay cho Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 147 ở phía Bắc thị xã, nhằm giúp Thủy Quân Lục Chiến dồn thêm các tiểu đoàn cho cuộc tấn công. Lúc này tướng Lân đã có trong tay sáu tiểu đoàn, gồm bốn tiểu đoàn ở hướng Nam và hai tiểu đoàn ở hướng Bắc để thực hiện nhiệm vụ. Ông vẽ sơ đồ giáp công đến giữa thành, bố trí Lữ đoàn 147 ở hướng Bắc và Lữ đoàn 258 ở hướng Nam. Tiểu đoàn 6 được ra lệnh tấn công từ hướng Đông Nam. 

Để kéo đối phương ra khỏi Quảng Trị, Hạm Đội 7 của Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ giả. Lữ đoàn đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến số 9 đã thực hiện tất cả kế hoạch này, bao gồm tung sóng vô tuyến giả, trinh sát các bãi đổ bộ và đưa 400 lính Biệt Động Quân VNCH lên các tàu đổ bộ của Hoa Kỳ. Vào ngày 9 tháng 9, các cuộc pháo kích của Hải Quân, các cuộc không kích chiến thuật và một cuộc tấn công bằng bom B-52 đã dội xuống bãi biển phía Đông thị xã Quảng Trị. Khi trận ném bom ngưng lại, quân Bắc Việt xông ra khỏi các hầm boong-ke để xáp chiến với lực lượng đổ bộ. Họ bị kẹt trong làn pháo của Hải Quân và bị tổn thất nặng nề. Thiết giáp lội nước và trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã vào đến bờ biển nhưng lại quay lưng lại không tham chiến. 

Trong khi Lữ đoàn 9 cầm chân đối phương, cuộc tấn công vào cổ thành mở màn. Phía Cộng quân tái bố trí một số pháo binh của họ trước mối nguy từ Hạm đội 7 đã làm giảm hỏa lực trước các lữ đoàn tấn công. Nhưng Thủy Quân Lục Chiến VNCH vẫn phải đối mặt với một trận đánh khốc liệt. Những đống gạch đổ nát do pháo kích đã tạo ra những vị trí phòng thủ tuyệt vời và hệ thống hầm công sự của cộng quân đã chống đỡ được phần nào hỏa lực phía Thủy Quân Lục Chiến. 

Đêm 9 tháng 9, Trung tá Đỗ Hữu Tùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 6 Thần Ưng TQLC cho một mũi thám báo đột nhập thành. Nhóm này báo lại là đã gặp sự kháng cự ít ỏi, vậy là Trung Tá Tùng phát lệnh tấn công ngay tối hôm sau. Rạng sáng đầu ngày 11 tháng 9, một chốt đại đội đã cắm vào được vào bên trong góc Đông Nam của tòa thành. Trung Tá Tùng tung thêm lính TQLC vào. Đồng thời, các Tiểu đoàn 1 và 2 chiếm được phía sông Thạch Hãn, chặn đường hoạt động của phe địch. Cộng quân phản công nhưng Thủy Quân Lục Chiến giữ vững được chiến tích xương máu của mình. 

Về phía Bắc, các Tiểu đoàn 3 và 7 đã quét sạch khu vực đóng quân cộng sản. Sáng ngày 15 tháng 9, Tiểu đoàn 3 xông vào thành. Cộng quân bắt đầu một trận pháo kích dữ dội để cắt Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 ra nhau, nhưng cả hai đơn vị này vẫn giữ được đội hình tác chiến vào xế chiều.

12:45 trưa ngày 16 tháng 9, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa phất phới tung bay trên Tây môn cổ thành, xem như chấm dứt 138 ngày lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt.  

Tin chiến thắng đi khắp thế giới. Với miền Nam Việt Nam, việc chiếm lại được tỉnh lỵ cuối cùng trong tay địch là một điều hết sức vui mừng. Ngày 20 tháng 9, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra ủy lạo Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, chúc mừng bộ tham mưu, các sĩ quan và binh sĩ. Việc thăng cấp và trao huân chương đã được thực hiện cùng khắp.

Thiếu tướng Lục Quân Hoa Kỳ Howard Cooksey, Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy Viện Trợ Quân Sự Vùng Một còn đề nghị tặng Huân chương Tổng thống Hoa Kỳ, một anh dũng bội tinh cho lính Mỹ hay đồng minh đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường, cho toàn bộ chiến sĩ Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH, dù điều này không có dấu hiệu đã diễn ra.


John D. Howard

(Bản dịch Đinh Yên Thảo)

 

Nguồn: historynet.com

 

Tuesday, August 16, 2022

NÓI VỀ NGƯỜI THƯỢNG, NGƯỜI VIỆT VÀ ĐÔNG TÂY NAM BẮC NGHE CHƠI…

NGUYỄN GIA VIỆT

Đọc được một đoạn của ông Bình-nguyên Lộc, ông viết:
"Chúng tôi tin rằng người Thượng Việt là gốc tổ của Lạc bộ Trãi và Thượng Nam Dương là gốc tổ của Lạc bộ Mã".
Hồi trước 1975 người Việt kêu những dân tộc thiểu số sống trên núi rừng là "người Thượng".
Rất đơn giản, chữ 上 (thượng) có nghĩa ở phía trên và chữ 下(hạ) có nghĩa ở phía dưới.
Ngoài Bắc họ kêu đầy đủ hơn là người ở miền thượng du, dân thượng du là Mường, Thổ, Thái và Mán.
Có vùng thượng du sẽ có miền trung du và hạ thu. Hạ du là đồng bằng, trung du là giữa đồng bằng và đồi núi.
Ông Nguyễn Đức Toàn có bài "Quê em miền trung du" nổi tiếng qua tiếng hát Thái Thanh:
"Quê em miền trung du
Đồng suối lúa xanh rờn
Giặc tràn lên thôn xóm
Dâu bờ xanh thắm
Nong tằm chín lứa tơ
Không tay người chăm bón"
Người Miền Nam không kêu thượng du, họ kêu thẳng là "Thượng" khi ám chỉ người Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông.
Ông Lê Dinh có bài "Chiều lên bản Thượng":
"Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương
Nắng úa trên ngàn lá khi ánh chiều buông
Tiếng hát cô Mường vương trên rừng chiều bao la
Qua suối đồi khe lá"
Người Việt xưa xác định hướng là: Đông, Tây, Nam, Bắc và Thượng, Hạ.
Trong "Quan Âm Thị Kính" thằng mõ rao vầy:
"Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ Tây Đông
Con gái phú ông
Tên là Mầu Thị
Tư tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Già trẻ gái trai
Ra đình ăn khoán."
Tất cả các làng Việt ở Bắc đều có người rao mõ.
Thằng Mõ là một nét đặc trưng của làng xã Miền Bắc, trong Nam không có Thằng Mõ.
Thằng mõ thường cầm cái mõ bằng đốt tre già khô và cái dùi tre, đi tới đâu gõ một hồi rồi cất tiếng rao cho mọi người biết những điều muốn thông báo.
Mõ đều là “dân ngụ cư”.
Dân chánh cư trong làng phải có hai điều kiện: đã cư trú ít nhứt 3-5 đời và có điền sản.
Còn ngoài ra là dân ngụ cư ráo trọi, dân ngụ cư phải dựng nhà ở rìa làng, ngoài đê không được vào đình, không được tham dự việc làng, không được hưởng ruộng công và sống bằng nghề làm mướn, phải đi rao mõ.
"Chiềng làng" là gì? Nhiều người nói chiềng là "thưa trình".
Một câu chèo cổ khác được Lương Thế Vinh thế kỷ XV ghi lại trong cuốn Hí phường phủ lục như sau:
“Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hoà trung
Nghe tôi giáo trống...”
Tuy nhiên có lẽ không phải!
Thái Lan có nhiều tỉnh tên Chiang (Chiềng) như Chiang Mai, Chiang Rai. Chiềng là thủ phủ của một mường. Bên Lào thì chiềng thành xiêng, thí dụ Xiêng Khoảng, Xiêng Khọ.
Vậy chiềng trong ngôn ngữ Việt là làng mà thôi. Tức chữ chiềng có bà con dân tộc Mường, Thái.
Văn hóa Việt cổ ở Bắc Kỳ có dính chút xíu với tộc Mường này. Người Mường hay người Mol, Mon, Mwon, Mwal, Mul và Mọi…
Mường là một từ tiếng Thái, được người Thái và người Mường dùng để chỉ một vùng, một địa phương, một làng của người sơn cước nói chung, sau này không hiểu sao dân tộc Mường lại có tên Mường?
Chiềng hay Xiềng là cái làng của người Thái. Bên Thái Lan có thành phố Chiang Mai đó. Mường là cái làng của người Mường.
Chạ là cái làng cổ của người Việt xưa ở Bắc Kỳ.
Như vậy “làng chạ” tức là làng xóm.
Thành ra các từ ngữ chỉ sự “ăn dầm nằm dề” như chung chạ, lang chạ, ăn chung ở chạ là có dính ở cái mé này.
Còn lang là gì? Thanh Hóa có huyện Lang Chánh. Lang là một ông đứng đầu mường.
Người Mường quan niệm rằng họ và Việt xưa có chung một tổ tiên trực hệ đều là người Lạc Việt.
Ai cũng nói Mường và Việt là hai dân tộc có dính nhau, bằng chứng là cách mặc váy và yếm của người đàn bà Mường và đàn bà Miền Bắc xưa cũng giống nhau.
Tuy nhiên điều này chưa ai chứng minh rõ vì bỡi ngày nay hai tộc Mường và Việt đã khác xa nhau và rất khác biệt nhau về mức độ văn minh.
Nói về Miền Nam đi.
Theo truyền thống lập làng, thường địa danh Nam Kỳ xưa theo nguyên tắc khi tách, chia làng thì sẽ thêm vô sau tên làng cũ chữ Nhứt, Nhì, Đông, Tây, Nam, Bắc và Thượng hoặc Hạ làm tên làng mới.
Bốn hướng Đông,Tây, Nam, Bắc xuất phát từ chữ tứ trấn (四 鎮) hay tứ chánh.
Nam Kỳ đọc thành "Tứ chiếng".
Đại Nam nhất thống chí đã nhận định: “Dân thôn dã thì chất phác, dân thành thị thì du đãng”.
Như vậy có thể hiểu thôn tứ chiếng là thôn có chợ và bến ghe thuyền ở bốn hướng tụ lại.
“Trai tứ chiếng, gái giang hồ
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên”
Năm 1836 thời Nguyễn huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình (Gia Định) có 6 tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hoà Thượng, Dương Hoà Trung, Dương Hoà Hạ.
       Địa danh Tân Thới Nhứt là một trong hai mươi thôn thuộc tổng Dương Hoà Thượng
Tân Thới Nhứt sau đó lên xã và tồn tại tới ngày nay.Nghe chữ là biết Tân Thới Nhứt là tách ra từ làng gốc Tân Thới.
Đó là vùng "Thập bát phù viên" (18 thôn vườn trầu).Từ 1698 có 6 thôn đầu tiên là:
Tân Thới Nhứt
Tân Thới Nhì
Tân Thới Trung
Tân Phú
Thuận Kiều
Xuân Thới Tây
Sau đó có thêm và tổng cộng là :
Tân Thới Bình
Tân Thới Đông
Tân Thới Tây
Tân Thới Trung
Tân Thới Nhứt
Tân Thới Nhứt Tây
Tân Thới Nhì
Tân Thới Nhì Tây
Tân Thới Tam
Tân Thới Tứ
Đệ nhứt chữ Nhứt ở đất Sài Gòn phải là Tân Sơn Nhứt.
Tân Sơn Nhứt là một giáp thuộc thôn Tân Sơn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào Gia Định, sau nâng lên thành thôn Tân Sơn Nhứt.
Tân Sơn Nhứt thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; phía đông giáp thôn Phú Nhuận, An Hội; phía Tây giáp thôn Tân Sơn Nhì; phía Nam giáp Phú Thọ và thôn Tân Sơn Nhì; phía Bắc giáp thôn Hạnh Thông Tây, thôn An Hội.
Sau thời Pháp, thôn Tân Sơn Nhứt thành làng rồi xã. Làng này rất cao ráo, không bao giờ ngập nước nên chúa Nguyễn Ánh đã lập lăng mộ linh mục Bá Đa Lộc ở làng này.

         Chừng năm 1920 Pháp đã giải tỏa lấy đất gần hết làng Tân Sơn Nhứt xây sân bay, và gọi là phi trường Tân Sơn Nhứt.
Phần đất còn lại nhỏ hẹp hợp với phần còn lại của làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
 Tổng diện tích của Tân Sơn Nhứt khi đó là nó rộng hơn 3.600 ha. Phi trường Tân Sơn Nhứt vang danh thế giới, vậy mà phải ngậm đắng nuốt cay bị đổi tên thành Tân Sơn Nhất sau 30/4.
Người Nam Kỳ ngày xưa viết nhứt rõ ràng.
Nam Kỳ ta xưa kêu số đếm,chữ 一 là nhứt ,nhì (nhị ) 二 ,tam 三
"Nhứt gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối"
Ăn chơi có câu: "Nhứt lưỡi nhì râu tam đầu tứ củ".
Người Bắc không kêu được chữ Nhứt, kêu bị lẹo lưỡi.
Đất Bà Quẹo có con đường thiên lý từ cổng thành Sài Gòn trổ ra tới Tây Ninh khúc biên giới qua Cam Bốt, con đường này ngày nay là Trường Chinh, là ranh giới hai làng Tân Sơn Nhứt và Tân Sơn Nhì.
Ngày nay ở Hóc Môn vẫn còn đình Tân Thới Nhứt ở góc đường Phan Văn Hớn - Nguyễn Ảnh Thủ, đình Tân Thới Nhì ở đường Dương Văn Dương được dựng vào thời vua Tự Đức vẫn còn đình Tân Thới Trung ở xã Tân Trung, đình thần Xuân Thới Thượng.
Bà Điểm nay vẫn còn các địa danh ấp Trung Lân, Tiền Lân, Hậu Lân, Đông Lân, Nam Lân, Tây Bắc Lân.Tất cả các ấp có chữ Lân nầy xưa thuộc xã làng Tân Thới Nhứt của tỉnh Gia Định.
 
 
Trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"có câu:
“Khá thương thay:
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ“
Dân ấp,dân lân là cái gì?
Thời Nguyễn ở Nam Kỳ có 3 loại làng:
- Làng lớn còn gọi là đại thôn, còn gọi là xã.
- Làng vừa gọi là trung thôn.
- Làng nhỏ gọi là tiểu thôn, còn gọi là lân, ấp, phố, phường, mạn, nậu…
Mỗi xã có thể chia ra 2, 3 thôn. Mỗi thôn có thể chia ra 2 – 3 ấp hoặc 2 -3 lân
Dân ấp, dân lân là cái gì? Là dân ở xóm thôn nhỏ,xa xôi cách trở.
Nhà Nguyễn quy định mỗi xã, đại thôn và trung thôn phải có một cái đình và một quán canh tuần, còn lân, ấp thì không cần.
Biên Hòa còn đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên.Long An ở Cần Đước còn xã Tân Lân.
Vậy đó!

Đình Thạnh Hòa Thốt Nốt

Tại xứ Long Xuyên xưa có địa danh Thốt Nốt là tên một cái chợ nhỏ tại làng Thạnh Hòa Trung thuộc tỉnh An Giang nhà Nguyễn.
Pháp qua, làng Thạnh Hòa Trung được chia ra thành hai làng mới, lấy tên là làng Thạnh Hòa Trung Nhứt và làng Thạnh Hòa Trung Nhì.Khi đó, chợ Thốt Nốt thuộc về làng Thạnh Hòa Trung Nhứt.
Pháp cho lập quận Thốt Nốt tỉnh Long Xuyên là lấy theo tên chợ Thốt Nốt.
 
      Gò Công là tỉnh nhỏ. Gò Công có 5 tổng và 40 làng,xứ này đất hẹp, người đông, phong thổ gần biển nên ruộng có nước mặn, nhiều phèn và mỗi năm chỉ làm ruộng có một mùa.
Gò Công xưa có làng Bình Phục Nhứt và Bình Phục Nhì, nguyên thủy là từ làng Bình Phục mà ra.
Ngày nay Bình Phục Nhứt thuộc Chợ Gạo, còn Bình Phục Nhì thì bị bỏ chữ Phục, thành xã Bình Nhì thì thuộc huyện Gò Công Tây.
Chữ Thượng và Hạ còn rất rõ ở tỉnh Long An, tỉnh này chia ra hai vùng thường và hạ.
Nhà thơ Hoài Vũ có bài thơ "Gửi người Miền Hạ" mà sau này được làm nhạc thành bài "Anh ở đầu sông em cuối sông" tả cảnh hoàng hôn đẹp chết ngất ở sông Vàm Cỏ khúc Miền Hạ Cần Đước như sau:
"Anh ở đầu sông em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông
Thương nhau đã chin ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!
Ôi bát ngát chân trời miền hạ!
Tím tình yêu, tím cả ước mong
Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá
Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng"
Hóc Môn vẫn còn xã Xuân Thới Thượng và Trung Lập Thượng.
Cái chữ thượng và hạ còn rất rõ trong Quốc Hội, lưỡng viện.
Việt Nam Cộng Hòa từng có lưỡng viện Quốc Hội gồm Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện.
Trụ sở Hạ Nghị Viện nay là Nhà Hát Thành Phố, còn trụ sở Thượng Nghị Viện là Hội Trường Diên Hồng.
Hạ Viện có nhiệm kỳ 4 năm, bầu theo từng cá nhân, theo từng tỉnh. Hạ Viện có từ 100 đến 200 dân biểu. Hạ Viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm và 2 người thuộc dân tộc thiểu số Bắc Việt di cư vào Nam.
Dân Biểu thường là dân điền chủ, trí thức, bác sĩ, doanh nhân, nhà giáo lâu năm.
Thượng Viện có từ 30 tới 60 nghị sĩ, nhiệm kỳ là 6 năm, bầu theo liên danh, lấy toàn quốc làm đơn vị độc nhứt.
Bắc Kỳ kêu mùa nóng nhứt trong năm là mùa hạ,Nam Kỳ kêu mùa hè.
Hạ trong tiếng Hán có nghĩa là phía dưới và mùa hè.
Hạ là dưới,thượng là trên nên địa danh Nam Kỳ có Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, sông Sở Thượng, sông Sở Hạ ở Đồng Tháp.
Rồi có câu chửi "đồ thượng đội hạ đạp" là trên nịnh dưới khinh của tiểu nhơn.
Hạ là hè xuất xứ từ tiết hạ chí của lịch Tàu, hạ chí nóng bức, bực bội.
Bắc kêu mùa nóng là mùa hạ.
Ở Nam Kỳ nhà nào cũng có cái hè nhà, hè là phần đất hai bên hoặc dưới cái nhà sau tương đối trống trải vì có ao hồ, kinh rạch, cây cối và gió mát.
Nam Kỳ thường cất nhà bếp, đặt mấy hàng lu chậu và chất củi chụm, cất chuồng trâu, đặt cây rơm bên hè nhà.
Câu đố vầy:
"Anh dắt em ra sau hè
Vừa đẩy vừa đè nước chảy re re"
Đó là mài dao.
Có bài hát "Còn thương góc bếp chái hè" thì hiểu là cái bếp nằm mé bên cái chái tạm sau hè
Mùa hạ chí nóng nên dân Nam Kỳ hay xách đít ra hè đón gió nên lâu ngày kêu mùa nóng là mùa hè.
"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn".
Kêu mùa hè nhưng trong lịch dân Nam Kỳ vẫn đọc và ghi tiết "hạ chí" chứ không ghi "hạ hè" nha.
Người Thượng hay người Khmer, người Chàm đều mang quốc tịch Việt.
Chữ "Việt" là chữ linh thiêng.
Chúng ta qua nhiều triều đại,từ Nam Việt ,Đại Cồ Việt tới Đại Việt, Đại Nam (Đại Việt Nam) và Việt Nam đều đề cao chữ Việt. Trên bia mộ cổ thời chúa Nguyễn và cả thời Gia Long hay có chữ 越 故 (Việt cố)
Chữ 越 (Việt) trên bia mộ thời chúa Nguyễn không phải là một sự tùy tiện, nó có ý nghĩa rõ .
Hai chữ này được dịch: “nước Việt xưa”; “nước Cổ Việt”; “Nước Việt cổ”; “nước Việt ngày cũ”.
Nhìn sơ qua để thấy chữ Việt quan trong trong văn hiến nước ta cỡ nào, sống làm người Việt, chết làm kẻ cố lại Việt, làm ma Việt.
Người Việt thời phải là dân tộc Việt chứ.
"Duy, ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam bắc chi phong tục diệc dị"
(Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác)
Khi sắp xếp các dân tộc thời có người Việt gốc Khmer, người Việt gốc Chàm, người Việt gốc Thượng m.
Duy nhứt, có người "Kinh" gốc Việt thiệt sự vô duyên. Sau 1975 chữ "Kinh" làm người Việt không hiểu ở đâu nó lòi ra.
NGUYỄN GIA VIỆT

Thursday, July 21, 2022

ĐÀ LẠT : CON ĐƯỜNG SẮT ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ CHÂU Á NAY CÒN ĐÂU ...

 Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được xem là con đường huyền thoại của châu Á, nhưng chỉ sau một thời ngắn đã bị mai một, hoang phế.

Con đường huyền thoại:

Được xây dựng từ năm 1902 - 1932, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được xem là con đường huyền thoại của châu Á.

Gọi là con đường huyền thoại vì đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi của Thế giới: Một của Việt Nam và một của Thụy Sĩ. Nhưng con đường của Việt Nam kỳ vĩ hơn vì nó vừa dài lại có độ độ dốc lớn hơn con đường của Thụy Sĩ.

đu dây vượt thác

Người Pháp và Thụy Sĩ cùng với các thợ Việt đã mất gần 30 năm mới hoàn thành được tuyến đường răng cưa độc đáo, một trong hai đường răng cưa ngoạn mục nhất trên thế giới.


Đường sắt “leo núi”

Đường sắt răng cưa (được thiết riêng cho đầu máy hơi nước răng cưa), với thiết kế có răng cưa giữa đường ray là loại đặc chủng dùng để leo núi, giúp kéo đoàn tàu lên những đoạn đồi, dốc độc nhất vô nhị ở Châu Á.

đu dây vượt thác

Để đoàn tàu có thể hoạt động, người ta phải đốt lò than với nhiệt độ hơn 300 độ C, tăng nhiệt để đun 12 m3 nước, tạo ra sức kéo lên tới 700 tấn.


đu dây vượt thác

Các bánh răng cưa được thiết kế chuyên dụng cho việc leo núi


đu dây vượt thác

Bánh răng của đầu máy bám chặt vào răng cưa đường ray để tàu leo lên dốc và xuống dốc


Khi tàu chạy đến gần đoạn răng cưa, lái tàu giảm tốc độ, khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu, cho móc vào đường ray răng cưa (nằm giữa 2 thanh ray trơn) rồi khóa hệ thống bánh răng. Bánh răng của đầu máy bám chặt vào răng cưa đường ray để tàu leo lên dốc và xuống dốc. Những bánh răng cưa này có thể tự điều chỉnh chiều cao phù hợp với độ mòn của các bánh xe mặt bằng.

 

Giấy phút huy hoàng chỉ trong chốc lát

Sau  năm 1975, sau khi được khôi phục, tàu đã kéo còi trở lại (5/1975). Nhưng chỉ chạy được chưa tới 30 chuyến thì đoàn tàu chính thức ngưng chạy. Sau đó bị tháo dỡ, đa phần dùng để đại tu cho tuyến đường Bắc - Nam (đường sắt Thống Nhất), nhưng vì đoạn đường sử dụng đầu máy thông thường, không khớp với các bánh răng cưa (được thiết riêng cho đầu máy hơi nước răng cưa) thì bị đem đi … bán phế liệu.

 

đu dây vượt thác

Đoạn đường sử dụng đầu máy thông thường, không khớp với các bánh răng cưa thì sau đó đã bị đem đi … bán phế liệu.


đu dây vượt thác

Tuyến đường có đi ngang cầu Dran, Đơn Dương Nhưng chỉ một thời gian sau cũng bị dỡ bỏ, bán phế liệu

 

đu dây vượt thác

Vua Bảo Đại và Toàn Quyền Pháp Rene Robin khánh thành tuyến xe lửa


Tất cả chỉ còn là hoài cổ?

Ngày nay ở Việt Nam đâu còn thấy hình ảnh đoàn tàu ì ạch “thở” phì phò leo núi! Còn đâu ngắm cảnh con tàu nhả làn khói than đá hay gỗ thông băng qua cánh rừng thông trong làn khói phản phất mùi nhựa thông, mùi than đá!

Các đầu kéo hơi nước, toa xe, cơ phận rời và thiết bị mà trọng lượng tổng cộng là 250 tấn rời khỏi Việt Nam.


Có ai còn nhớ tiếng va chạm kim khí răng của bánh răng đầu máy với răng của đường ray mà tưởng tượng cảnh con tàu ghì sát, ôm chặt vào đường sắt để leo lên hay tuột xuống núi vùng mù sương Langbiang Đalat? Có ai còn nhớ tiếng còi “hít”chói tai đặc trưng của tàu chạy bằng hơi nước xưa kia…?

Những thứ đó phải vượt hành trình nửa vòng trái đất để đến xứ Thụy Sĩ mà nghe, mà thấy, những đầu kéo của ta đang hoạt động trên “đất khách, quê người”.


Thực tại

Vào những năm cuối cùng của thế kỉ 20, các kỹ sư người Thụy Sĩ đã sang Việt Nam để tìm kiếm những đầu máy cổ nguyên gốc của họ. Họ mua lại tất cả 7 đầu kéo mà Việt Nam xử dụng tới năm 1967, cùng với 2 bộ sườn xe và một số thiết bị, toa chở hàng ... đem về Thụy Sĩ với chiến dịch mang tên “Back to Switzerland”.

tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Những đầu máy đã được tập kết về Thụy Sĩ và được tu sửa lại


tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Và đưa vào sử dụng từ năm 1993


tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Đầu máy chạy bằng hơi nước còn lại duy nhất của thế giới chuẩn bị vượt đèo Furka, Thụy Sĩ


tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Còn ở Việt Nam, đầu máy nằm trơ trọi, miễn cưỡng trở thành vật phẩm trưng bày tại ga Đà Lạt


Những đầu máy đó khi được chuyển về Thụy Sĩ thì như được tái sinh một lần nữa. Cụ thể là 3 trong số 7 đầu kéo được đưa vào sử dụng từ năm 1993, các đầu kéo và các thiết bị còn lại được tân trang như mới và được đưa ra trưng bày tại buổi triển lãm “Tuyến đường sắt miền núi Furka” tại Bảo tàng Vận tải ở Lucerne, Thụy Sĩ.


-----------------------------

Nguồn : https://thuthachviet.com/Bai-Viet/da-lat-con-duong-sat-doc-nhat-vo-nhi-chau-a-nay-con-dau...-222


CÂU CHUYỆN PHÁ HOẠI TUYẾN ĐƯỜNG SẮT RĂNG CƯA THÁP CHÀM - ĐÀ LẠT

 Posted on Tháng Sáu 16, 2017 by Phan Ba
Hình: Áp phích xe lửa răng cưa Đà Lạt
Do địa hình phức tạp, người Pháp đã phải cần đến 25 năm để xây dựng tuyến đường sắt răng cưa đặc biệt từ Phan Rang lên đến Đà Lạt, tiêu tốn mất 200 triệu đồng Franc Pháp. Thế nhưng sau năm 1954, tuyến đường sắt răng cưa độc đáo này nhiều lần đã là mục tiêu tấn công của MTDTGP. Việt Cộng đã đặt m.ìn tự n.ổ khi tàu chạy ngang qua chừng tám lần. Qua phá hoại, một chiếc đầu tàu đã trật đường ray, trong một lần khác, m.ìn n.ổ đã tạo ra một hố to cho tới mức đầu tàu đã sụp vào trong hố đó và không chạy được nữa.
Năm 1967, một nhóm bốn người có vũ trang chận đoàn tàu chở hàng lại trên đoạn Da Tho (Le Bosquet) và Cầu Đất (Entrerays). Nhóm điều hành đầu tàu bốn người bị bắt mang vào khu rừng gần đó. Tại lần này, tổ lái tàu chỉ bị hỏi cung. Hai tuần sau đó, cũng chiếc đầu tàu đó và cũng cùng tổ lái tàu đó đã bị cũng nhóm bốn người đó chặn lại ở giữa tuyến Cà Bơ (K’Beu) và Ei Gió (Bellevue). Lần này tổ lái cũng phải rời khỏi đoàn tàu và phải cung cấp thông tin bằng cách nào có thể phá hủy đầu tàu một cách hiệu quả nhất. Ý tưởng đầu tiên của nhóm du kích là muốn cho n.ổ ở nơi đốt lò. Nhưng người lái tàu đã có thể giải thích cho họ hiểu rằng cho nổ lò hơi trong lúc không có thời gian kịp chạy ra đến một khoảng cách an toàn là một hành động t.ự s.át. Người lái tàu đề nghị cho nổ những thùng dầu được gắn thêm trên tàu, nhưng lại đánh lừa bốn người du kích bằng cách chỉ vào một thùng đựng nước. Do vậy, sau vụ nổ và sau khi nhóm du kích đó rút đi, người lái tàu với máy liên lạc vô tuyến đã có thể gọi một đầu máy khác cộng với quân đội VNCH tháp tùng bảo vệ đi đến nơi mà mang chiếc đầu tàu hư hỏng nhẹ này về đến Đà Lạt.
Sau sáu tháng sửa chữa, một tổ lái khác đã lái đoàn tàu từ Đà Lạt về Sông Pha và lần này thì đầu máy 40-302 đã chạy trên một quả mìn có sức n.ổ mạnh cho tới mức lò hơi của đầu máy đã n.ổ tung. Ba thợ đốt lò Hữu, Bích và Ngọc bị phỏng nặng và ch.ết ngay tại chỗ. Người lái tàu tên An bị sức n.ổ hất văng lên một cành cây. Ông thoát ch.ết, “chỉ” bị gãy tay.
Đầu tàu 40-302 bị phá hủy hoàn toàn, sau đó được kéo về Cầu Đất. Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo ngưng hoạt động sau đó.
---------------------------
Đầu máy xe lửa răng cưa trên đường trở về lại Thụy Sĩ
Sau năm 1975, trong lúc thiếu vật liệu để tái xây dựng đường sắt Thống Nhất, đường ray đặc biệt của tuyến đường sắt răng cưa cũng bị tháo dỡ nhằm lấy vật liệu mặc dù không phù hợp. Được chế tạo đặc biệt cho các yêu cầu cao của đường sắt leo núi, ngay từ bu lông đến đai ốc cũng đã khác với vật liệu thông thường rồi. Sau đó chúng bị trộm cắp và mang đi bán sắt vụn.
Đầu máy xe lửa sau khi được phục hồi
Rồi đến năm 1990, toàn bộ các đầu máy xe lửa răng cưa hay những gì còn sót lại từ chúng được bán phế liệu về cho Thụy Sĩ (là nước đã sản xuất ra các đầu máy này), chấm dứt mọi hy vọng mỏng manh tái thiết tuyến đường sắt vốn là một kỳ công kỹ thuật độc đáo của người Pháp để lại. Hai chiếc đầu tàu sau đó đã được người Thụy Sĩ phục hồi và bây giờ vẫn hoạt động đều đặn trên tuyến đường sắt răng cưa leo núi tại Thụy Sĩ (Furka-Bergstrecke).
Tấn bi kịch về công trình kỹ thuật độc đáo của người Pháp ở Việt Nam này là điển hình cho sự phá hoại miền Nam vì ngu dốt và thiển cận!
Nguồn: Phan Ba
 
 TOÀN BỘ CÁC ĐẦU MÁY XE LỬA RĂNG CƯA ĐƯỢC BÁN PHẾ LIỆU VỀ CHO THỤY SĨ