Lâm Vĩnh Thế
Ngày 30-3-1972, 3 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) vượt Khu Phi Quân Sự (tiếng Anh gọi là DeMilitarized Zone, viết tắt là DMZ), tấn công vào các căn cứ phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) ở phía Bắc và phía Tây của tỉnh Quảng Trị thuộc Vùng I. Cuộc Tổng Tấn Công 1972, mà giới truyền thông Hoa Kỳ gọi là “The Easter Offensive” thật sự bắt đầu. Ba ngày sau, 3 sư đoàn khác của CSBV tấn công vào An Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh BÌnh Long ở Vùng III, cách Sài Gòn 60 km về hướng Bắc. Và ngày 14-4-1972, tỉnh Kontum thuộc Vùng II cũng bị 2 sư đoàn CSBV tấn công. Tại vùng I, ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị lọt vào tay quân CSBV sau khi Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh của QLVNCH, quyết định rút khỏi căn cứ Cổ Thành Quảng Trị (có tên là Cổ Thành Ðinh Công Tráng). Phía Bắc tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế bị đe dọa nặng nề. Ngày hôm sau, 3-5-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng,[1] đang là Tư Lệnh Quân Ðoàn IV, thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm trong chức vụ Tư Lệnh Quân Ðoàn I. Ngay chiều hôm đó, cùng với một số sĩ quan thân cận trong bộ tham mưu của mình, Tướng Trưởng bay ngay ra Huế. Từ phi trường Phú Bài, tin “Tướng Trưởng đã về” loan truyền đi nhanh chóng và thành phố Huế như được hồi sinh. Sau một thời gian cấp tốc ổn định tình hình tại Huế, Tướng Trưởng tổ chức cuộc hành quân lấy tên là “Chiến Dịch Lam Sơn 72″ nhằm phản công để tái chiếm Quảng Trị. Chiến Dịch Lam Sơn 72 chính thức kết thúc khi QLVNCH đã toàn thắng và chiếm lại được Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 15-9-1972. Bài viết này cố gắng ghi lại phần nào diễn tiến của trận đánh này: trận đánh đẩm máu nhứt trong suốt thời gian kéo dài 20 năm của Chiến Tranh Việt Nam.
Tầm Quan Trọng về Chính Trị của Trận Ðánh
Khi ông Richard M. Nixon nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 1-1969, Hoa Kỳ đang có trên nửa triệu quân tại VNCH, với 31.000 quân đã tử trận, và Chiến Tranh Việt Nam đã trở thành mối chia rẽ trầm trọng nhứt trong dân chúng Mỹ kể từ khi cuộc Nội Chiến (Civil War, 1861-1865) chấm dứt cách đó hơn một trăm năm. Tổng Thống Nixon phải tìm cách làm thế nào để Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi cuộc chiến mà không mang tiếng là bỏ rơi đồng minh VNCH. Giải pháp ông tìm ra được gọi là chính sách Việt-Nam-hóa chiến tranh (Vietnamization of the War): rút quân Mỹ ra khỏi Miền Nam từ từ, theo từng đợt, có kế hoạch, song song với việc chuẩn bị cho QLVNCH có thể tự đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm trong cuộc chiến tự vệ này. Cuộc thử lửa đầu tiên của chính sách này là cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 (tháng 2 và 3-1971) của QLVNCH tấn công sang Lào, nhắm phá hủy các căn cứ hậu cần trên đường mòn Hồ Chí Minh của CSBV. QLVNCH có đạt được một số mục tiêu của cuộc hành quân này nhưng cũng đã phải trả một giá khá đắt với nhiều tổn thất nặng nề. Miền Bắc thì cho rằng họ đã đánh bại QLVNCH và, như vậy, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon đã thất bại. Cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972 lần này của Bắc Việt là để cho cả thế giới thấy rõ sự thất bại hoàn toàn, không thể chối cải được, của chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.
Từ giữa năm 1968, sau cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân, Mỹ và Bắc Việt, và sau đó cả VNCH và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã bắt đầu hòa đàm tại Paris. Cuộc thương thuyết đã kéo dài 4 năm và đang đi đến giai đoạn phải kết thúc. Cả 2 phe lâm chiến đều muốn chiếm thế thượng phong trên mặt trận quân sự để có lợi thế trong mặt trận ngoại giao. Trận Quảng Trị trở thành một ván bài hết sức quan trọng mà cả hai phe đều muốn thắng.
Về phía VNCH và Hoa Kỳ, bằng mọi giá, phải tái chiếm Quảng Trị. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I, đã được giao cho sử dụng những đơn vị thiện chiến nhứt của QLVNCH. Hoa Kỳ cũng muốn thấy QLVNCH tái chiếm Quảng Trị, nên đã cố gắng hết sức hỗ trợ phi pháo cho QLVNCH trên chiến trường. Chưa bao giờ sự yểm trợ phi pháo của Hoa Kỳ được thực hiện với một cường độ ác liệt như vậy. Ngoài việc yểm trợ tối đa bằng đại pháo cũng như phi cơ oanh kích từ các chiến hạm của Hạm Ðội Thái Bình Dương ở ngoài khơi Biển Ðông còn có cả những phi vụ “trải thảm” liên tục bằng phi cơ chiến lược B-52 xuất phát từ căn cứ Andersen ở đảo Guam và căn cứ U-Tapao ở Thái Lan. Thống kê của Không Quân Mỹ cho thấy, chỉ nội trong 3 tháng 4-5-6/1972, tại mặt trận Quảng Trị, đã có tất cả 2.700 phi vụ B-52, với tổng số bom đã trải thảm là 57.000 tấn.[2] Về Hải Quân Hoa Kỳ, lực lượng tham chiến lúc đó là Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm 77 (Task Force 77) thuộc Ðệ Thất Hạm Ðội, với 2 hàng không mẫu hạm Hancock và Coral Sea (về sau tăng cường thêm 4 hàng không mẫu hạm nữa là Kitty Hawk, Constellation, Midway và Saratoga) và rất nhiều khu trục hạm và tuần dương hạm. Mỗi hàng không mẫu hạm đều có 1 không đoàn (air wing) với khoảng 90 phi cơ phản lực thuộc các loại F4 (Phantom), A7 (Corsair) và A6 (Intruder).[3] Dĩ nhiên, số thương vong của quân Bắc Việt do những vụ yểm trợ phi pháo này của Hoa Kỳ lên đến mức kinh hoàng.
Về phía Bắc Việt, để chứng tỏ là chính sách Việt Nam hóa hoàn toàn thất bại, bằng mọi giá, phải giữ cho được Quảng Trị; lệnh “tử thủ” Quảng Trị được Hà Nội áp đặt lên các cấp chỉ huy các lưc lượng đang chiếm giữ Quảng Trị. Khi Tướng Trưởng ra lệnh bắt đầu Chiến Dịch Lam Sơn 72 để phản công nhằm tái chiếm Quảng Trị vào ngày 28-6-1972 thì Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng đã nằm trong tay địch gần 2 tháng trời. Các lực lượng Bắc Viêt đã có quá dư thì giờ để thực hiện và tổ chức các công sự cần thiết cho việc tử thủ này, từ hầm hố, giao thông hào, chướng ngại vật cho đến việc bố trí các trận địa pháo, hỏa tiển, phòng không, vv. Các đơn vị của Sư Ðoàn Nhảy Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) của QLVNCH phải trả giá bằng máu cho từng thước đất, từng con đường, từng ngôi nhà mà họ chiếm lại. Chưa bao giờ hai lực lương tổng trừ bị thiện chiến nhứt của QLVNCH đã có số thương vong cao như vậy trong suốt thời gian gần 20 năm của Chiến Tranh Việt Nam.
Tương Quan Lực Lượng Hai Bên
Các lực lượng CSBV bảo vệ Quảng Trị gồm các đơn vị sau:
· 2 Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 320 B: Trung Ðoàn 48 và Trung Ðoàn Triệu Hải
· 1 Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 325: Trung Ðoàn 95
· 1 Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 308: Trung Ðoàn 88
· 2 Tiểu đoàn địa phương của Quảng Trị
· về sau, khi trận đánh đã diễn ra ác liệt, còn có thêm sự chi viện của các đơn vị còn lại của Sư Ðoàn 325 và Sư Ðoàn 312
Về phía QLVNCH, lực lượng tấn công tái chiếm Quảng Trị gồm có các đơn vị sau:
· 2 Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn Dù: các Lữ Ðoàn 2 và 3
· 3 Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn TQLC: các Lữ Ðoàn 147, 258 và 369
· Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù
· 2 Thiết Ðoàn 7 và 18 của Binh Chủng Thiết Giáp
· các tiểu đoàn pháo binh của hai Sư Ðoàn Dù và TQLC
Về phía Hoa Kỳ, hoàn toàn không có sự tham dự của các lực lượng bộ chiến (ground combat troops) nhưng có sự yểm trợ rất lớn về phi pháo, kể cả B-52.
Kế Hoạch Phản Công của Tướng Trưởng
Kế hoạch phản công để tái chiếm Quảng Trị của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tân Tư Lệnh Quân Ðoàn I, gồm 2 phần chánh:
· Phần I: ổn định tình hình tại Huế
· Phần II: tấn công lên phía Bắc để tái chiếm Quảng Trị
Giữ vững Huế
Sau khi Quảng Trị thất thủ, cùng với việc CSBV truy kích các đơn vị của QLVNCH triệt thoái giữa Quảng Trị và Thừa Thiên, tạo ra Ðại Lộ Kinh Hoàng trên Quốc Lộ 1, thành phố Huế vừa phải gánh chịu áp lực rất nặng của địch từ bên ngoài vừa phải đối phó với tình hình khó khăn bên trong thành phố do việc hàng vạn dân tỵ nạn từ Quảng Trị kéo vào và các tệ nạn do binh sĩ vô kỷ luật của các đơn vị triệt thoái gây nên.
Ðể ổn định tình hình và lòng dân tại thành phố Huế, hành động đầu tiên của Tướng Trưởng là ban ra 2 lệnh hết sức quan trọng: 1) Thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn I tại phía Bắc thành phố Huế với nhiệm vụ chặn đứng tất cả các cuộc tấn công của quân CSBV; và, 2) Ra lệnh cho tất cả các quân nhân đã bỏ đơn vi, hay lạc đơn vị, hoăc không còn đơn vị, phải lập tức trình diện với các cấp thẩm quyền quân sự trong thành phố; những quân nhân không tuân theo lệnh này sẽ bị bắn bỏ ngay tại chỗ. Chỉ trong vài ngày tình hình an ninh và lòng dân của thành phố Huế được ổn định ngay.
Tướng Trưởng quyết định giao việc phòng thủ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế cho 2 đơn vị thiện chiến của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn I. Sư Ðoàn TQLC, với Tư Lệnh mới là Ðại Tá Bùi Thế Lân,[4] được giao nhiệm vụ phòng thủ phía Bắc và phía Tây Bắc của Huế. Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, với Tư Lệnh là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú [5], chịu trách nhiệm phòng thủ hướng Nam và Tây Nam của Huế, ngăn chận tấn công của quân CSBV từ thung lũng A Shau.[6]
Về phía Bắc của Huế, tuyến phòng thủ của TQLC chạy dài theo bờ Nam của sông Mỹ Chánh với Lữ Ðoàn 147 bên tả và Lữ Ðoàn 369 bên hữu. Lữ Ðoàn 147, với Lữ Ðoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo, gồm 3 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Ðoàn 1 (Quái Ðiểu), Tiểu Ðoàn 4 (Kình Ngư), Tiểu Ðoàn 7 (Hùm Xám), và Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh TQLC (Lôi Hỏa). Lữ Ðoàn 369, với Lữ Ðoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Thế Lương, gồm 3 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Ðoàn 3 (Sói Biển), Tiểu Ðoàn 6 (Thần Ưng), Tiểu Ðoàn 9 (Mãnh Hổ), và Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh TQLC (Nỏ Thần). Hai lữ đoàn TQLC này có nhiệm vụ ngăn chận tất cả các cuộc tấn công xuống phía Nam của các đơn vị thuộc 3 sư đoàn CSBV là các Sư Ðoàn 304, Sư Ðoàn 325 và Sư Ðoàn 308.
Về phía Tây và Tây Nam của Huế, các đơn vị của Sư Ðoàn 1 BB của Tướng Phú có nhiệm vụ chặn đứng tất cả các cuộc tấn công của các đơn vị của Sư Ðoàn 324B của CSBV từ Thung lủng A Shau.
Sau gần 2 tháng tổ chức phòng thủ và ổn định hoàn toàn tình hình mặt trận Huế, Tướng Trưởng chuyển sang thế phản công với mục tiêu tái chiếm Quảng Trị.
Phản công tái chiếm Quảng Trị
Các chuẩn bị trước khi Lam Sơn 72 bắt đầu
Cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị mang tên là Chiến dịch Lam Sơn 72, chính thức khởi sự vào ngày 28-6-1972, và chấm dứt vào ngày 16-9-1972 sau khi TQLC của QLVNCH đã cắm cờ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị.
Vì tầm quan trọng rất lớn của cuộc hành quân phản công này, các cuộc chuẩn bị cho chiến dịch này được thực hiện rất kỷ lưởng, bao gồm tất cả 3 giai đoạn: [7]
· 10 ngày đầu của tháng 6-1972: tất cả các đơn vị được rà soát, sắp xếp lại trên toàn mặt trận
· Từ ngày 11 đến ngày 18-2-1972: ở phía Tây, Sư Ðoàn 1 BB mở một cuộc tấn công về hướng căn cứ hỏa lực Veghel; về phía Bắc, các đơn vị Dù và TQLC mở những cuộc hành quân phía Bắc sông Mỹ Chánh để thăm dò lực lượng địch
· Từ ngày 19 đến 27-6-1972: mở 2 cuộc hành quân nhằm mục tiêu đánh lừa địch, quân Dù tấn công vào Cam Lộ, và TQLC đổ bộ vào Cửa Việt
Hai ngày trước khi Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu, Tướng Trưởng ra lệnh phát động một cuộc oanh kích rất dữ dội vào các địa điểm đóng quân, các vị trí pháo, cũng như các khu vực hậu cần của địch. Ngoài các đơn vị phi pháo cơ hữu của QLVNCH, còn có sự tham dự tích cực của các đơn vị phi pháo của Hoa Kỳ, bao gồm cả các pháo hạm ngoài khơi và oanh tạc cơ chiến lược B-52 xuất phát từ Thái Lan (căn cứ U- Tapao) và đảo Guam, như chúng ta thấy trong bản đồ bên dưới đây:
Chiến dịch Lam Sơn 72 thật sự bắt đầu
Ngày 28-6-1972 Chiến dịch Lam Sơn 72 chính thức bắt đầu, với 2 mũi tấn công chính về hướng Bắc, phối hợp với một mũi phụ về hướng Tây Nam Huế. Vì xuất thân là một sĩ quan Nhảy Dù (chức vụ đầu tiên trong binh nghiệp của ông, vào tháng 7-1954, là một Thiếu Úy Trung Ðội Trưởng của Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù [8]), Tướng Trưởng quyết định giao cho Sư Ðoàn Nhảy Dù làm mũi tấn công chính trong cuộc hành quân quan trong này. Hướng tấn công của Sư Ðoàn Dù là phía Tây Nam Quốc Lộ 1, tiến về phía La Vang. Mũi tấn công thứ nhì ở phía Bắc được giao cho Sư Ðoàn TQLC, dọc theo hương lộ 555, tiến về phía Triệu Phong. Mũi tấn công phía Tây Nam Huế là trách nhiệm của Sư Ðoàn 1 BB. Phía Nam đèo Hải Vân, trách nhiệm bảo vệ Ðà Nẳng được giao cho Sư Ðoàn 3 BB đang được tái thiết và tái huấn luyện dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh mới là Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh.[9]
Cuộc phản công hướng về phía Bắc với hai Sư Ðoàn Dù và TQLC, với mục tiêu là chiếm lại cho được Quảng Trị, có thể được xem như gồm 2 đợt:
· Đợt 1: từ ngày 28-6-1972 đến ngày 27-7-1972 với Sư Ðoàn Dù là lực lượng chính
· Ðợt 2: từ ngày 27-7-1972 đến ngày 16-9-1972 khi toàn thắng, chiếm lại được Cổ Thành Ðinh Công Tráng (Quảng Trị), với Sư Ðoàn TQLC là lực lượng chính.
Ðợt 1 của cuộc tấn công với Sư Ðoàn Dù
Sau khi nhận nhiệm vụ tại Quân Ðoàn 1, Tướng Trưởng đã yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho ông để trám vào sự mất mát của Sư Ðoàn 3 BB, và đã được tăng viện 2 Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn Dù. Lữ Ðoàn 2, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Trần Quốc Lịch (về sau thăng lên Chuẩn Tướng, làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh[10]), đến Huế vào ngày 8-5-1972 và được Tướng Trưởng điều động lên ngay mặt trận phía Bắc, trấn giữ phòng tuyến dọc bờ Nam của sông Mỹ Chánh, cùng với Lữ Ðoàn 258 (với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh) của Sư Ðoàn TQLC. Lữ Ðoàn 3, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Trương Vĩnh Phước, cũng được tăng viện cho Vùng I vào ngày 22-5-1972. Ngay sau đó, Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn Dù, với Tư Lệnh là Trung Tướng Dư Quốc Ðống, cũng bay ra Vùng I, và đặt bộ chỉ huy tại Bải Ðổ Quân Sally (Landing Zone (LZ) Sally) ở phía Nam Sông Bồ, ngay bên cạnh Quốc Lộ 1.[11]
3 giờ sáng ngày 28-6-1972, Ðại Tá Trần Quốc Lịch điều động 3 tiểu đoàn của Lữ Ðoàn vượt sông Mỹ Chánh tấn công lên phía Bắc: Tiểu Ðoàn 2 do Thiếu Tá Nguyễn Ðình Ngọc làm Tiểu Ðoàn Trưởng đi cánh trái, Tiểu Ðoàn 1 do Thiếu Tá Lê Hồng làm Tiểu Ðoàn Trưởng đi giữa, và Tiểu Ðoàn 3 do Thiếu Tá Trần Văn Sơn làm Tiểu Ðoàn Trưởng đi cánh phải. Nhờ yếu tố bất ngờ, các tiểu đoàn Dù này đã đạt được những kết quả rất khích lệ, phá được phòng tuyến của quân Bắc Việt, tấn công thẳng vào Bộ Chỉ Huy của Trung Ðoàn chiến xa 203 của địch, tịch thu được nhiều vũ khí nặng (như súng cối 61 và 82 ly, súng phòng không 37 và 57 ly) và luôn cả 3 chiến xa T54 của địch. Các lực lượng Dù tiếp tục tiến lên phía Bắc, và sau đó Tiểu Ðoàn 3 mở mũi dùi tấn công về phía Ðông nhằm tái chiếm quận Hải Lăng. Rạng sáng cùng ngày, thêm hai Tiểu Ðoàn Dù nữa là Tiểu Ðoàn 9 (với Tiểu Ðoàn Trưởng là Trung Tá Trần Hữu Phú) và Tiểu Ðoàn 11 (với Tiểu Ðoàn Trưởng là Thiếu Tá Lê Văn Mễ) được trực thăng vận đổ xuống phía Bắc sông Nhung. Hai tiểu đoàn này cùng đi song song, tiến lên phía Bắc và nhổ hết tất cả các chốt của địch. Chắc chắn đã đoán được mục tiêu của cuộc phản công này của QLVNCH là nhắm vào việc chiếm lại Quảng Trị, địch quân đã chống cự rất mãnh liệt, với những cuộc pháo kích liên tục bằng đại pháo 122 ly và 130 ly cũng như hỏa tiển 107 ly, gây thương vọng rất nặng nề cho các tiểu đoàn Dù. Một thí dụ điển hình là trận Tân Lê Phước Môn, tất cả 4 đại đội trưởng của Tiều Ðoàn 9 đều bị thương, với Ðại Úy Ngưu, Ðại Ðội Trưởng của Ðại Ðội 94 bị tử thương. Sau nhiều trận kịch chiến với quân Bắc Việt trong khoảng 10 ngày, Tiểu Ðoàn 3 Dù chiếm lại được quận Hải Lăng vào 4 giờ chiều ngày 7-7-1972. Trong trận này, Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Trần Văn Sơn bị thương nặng và được thay thế bởi Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng, Tiểu Ðoàn Phó của Tiểu Ðoàn 9 Dù.[12] Với Hải Lăng được tái chiếm, con đường tiến lên phía Bắc hướng về Cổ Thành Quảng Trị của các đơn vị QLVNCH đã được rút ngắn rất nhiều nhưng việc tiến quân hoàn toàn không dễ dàng hơn một chút nào hết. Còn ngược lại nữa là khác. Lý do thật đơn giản: các lực lượng địch chiếm giữ Quảng Trị đã nhận được lệnh tử thủ. Trọn 3 tuần lễ, từ ngày 7-7 đến ngày 27-7-1972, các tiểu đoàn Dù (tăng cường thêm với Tiểu Ðoàn 5 vừa giải tỏa xong An Lộc) đã tiến rất chậm trong phần đất rất ngắn giữa sông Nhung và sông Thạch Hãn vì sự chống trả mãnh liệt của địch. Chỉ sau khi phi cơ B-52 trải thảm dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn, Tiểu Ðoàn 5 mới vượt được sông Thạch Hãn, tiến vào đóng quân tại khu vực của thôn An Thái, chỉ còn cách Cổ Thành Ðinh Công Tráng độ 3 km về phía Tây Nam. Trận đánh tái chiếm Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng của các tiểu đoàn Dù thật sự bắt đầu vào ngày 17-7-1972 với các cánh quân được bố trí như sau:
· Tiểu Ðoàn 7 phía Tây Thị xã
· Tiểu Ðoàn 11 từ bờ sông Thạch Hãn đến ngã ba Long Hưng
· Tiểu Ðoàn 9 phía Nam Thị xã
· Tiểu Ðoàn 6 phía Ðông Thị xã
· Tiểu Ðoàn 5 là lực lượng chính tấn công vào Cổ Thành Ðinh Công Tráng
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 5 Dù, quyết định ngày hôm sau, 18-7-1972, toàn bộ tiểu đoàn sẽ đồng loạt tấn công vào Cổ Thành, với mục tiêu là nội trong 2 ngày phải chiếm cho được ít nhứt là phân nữa chu vi bờ thành.
Cổ Thành Đinh Công Tráng được xây dựng vào năm 1823 thời vua Minh Mạng. Lúc mới xây thành làm bằng đất; đến năm 1838 thì mới được xây lại bằng gạch. Thành hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 500 m, nên chu vi của thành gần 2000 m. Tường thành cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m. Bao quanh thành có hào rộng 4 m, sâu 8 m, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Khi trận Quảng Trị bắt đầu vào ngày 30-3-1972 thì trong Cổ Thành là bản doanh của tiểu khu Quảng Trị và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh của QLVNCH (Bộ chỉ huy Tiền phương của Sư Ðoàn 3 thì đóng ở căn cứ Ái Tử). [13]
Với quy mô kiên cố của thành như vậy, với quyết tâm tử thủ của các lực lượng địch chống giữ thành, cùng với sự yểm trợ tối đa của các đơn vị chiến xa, pháo binh, và phòng không của địch, các cánh quân Dù đã bị tổn thất rất nặng nề với những số thương vong rất lớn. Nhưng ngược lại với các đợt oanh kích phi pháo của hải quân và không quân Hoa Kỳ (máy bay B-52 trải thảm), quân Bắc Việt cũng phải trả giá rất đắt trong việc chống giữ Cổ Thành Ðinh Công Tráng.
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Dù, lực lượng tấn công chinh, chỉ định Ðại Ðội 51, với Ðại Úy Trương Ðăng Sỹ làm Ðại Ðội Trưởng, và Ðại Ðội 52, với Trung Úy Hồ Tường làm Ðại Ðội Trưởng, cùng song song tiến lên trước. Cuộc tiến quân vô cùng khó khăn vì sự chống trả quyết liệt của địch. Ta hảy nghe lời kể lại cuộc tiến quân của chính Ðại Úy Sỹ (về sau thăng cấp lên Thiếu Tá) như sau:[14]
“Từ làng Trí Bưu, về hướng Tây Bắc, mục tiêu kế tiếp là Nhà Thờ Trí Bưu. Tôi và Hồ Tường song song bung đội hình từng bước tiến lên, nhường làng Trí Bưu lại cho Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. Đoạn đường từ đây đến Nhà Thờ Trí Bưu khoảng vài trăm thước cũng không phải dễ đi …
Tôi đã xử dụng tất cả hỏa lực yểm trợ: 18 khẩu 105 ly, cơ hữu Nhảy Dù, 4 khẩu 155 ly, 2 khẩu 175 ly của Quân đoàn 1…
Ngày nào cũng có ít nhất hai phi tuần oanh tạc. Ban đêm, thỉnh thoảng còn được hải pháo từ Đệ nhất hạm đội bắn yểm trợ. Nếu cần thiết, còn được 18 khẩu 105 ly của Thủy quân Lục chiến tăng cường. Ngày nào ít lắm cũng có một hay hai lần bắn “T.O.T”.
Có lúc chúng tôi phải tiến quân trong mưa bụi của pháo binh, mục đích không cho địch quân ngóc đầu khỏi hố. Tôi áp dụng chiến thuật từng bước nhảy vọt. Hồ Tường tiến tới từ 50 đến 100m thì dừng lại bố trí, 51 tiến lên qua mặt 52, rồi lại tiến lên 50m đến 100m dừng lại hầm hố bố trí, cứ thế tiến dần …
Nhưng sức kháng cự của địch quân còn quá mạnh, nhất là bên cánh phải còn khu làng nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn, địch bắn qua quá rát. Ban đêm đôi lúc chúng tôi còn nghe cả tiếng chiến xa địch.”
Trước thực tế chiến trường như vậy, nhiều đơn vị đã được tăng phái cho mũi dùi tấn công của hai Ðại Ðội 51 và 52 của Tiểu Ðoàn 5 Dù:
· Ðại Ðội 2 Trinh Sát của Sư Ðoàn Dù
· 1 đại đội của Tiểu Ðoàn 11 Dù (Tiểu Ðoàn “Song Kiếm Trấn Ải”)
· 2 đại đội của Lữ Ðoàn 81 Biệt Kích Dù (vừa giải vây An Lộc xong, nổi tiếng với 2 câu thơ ca tụng của người dân An Lộc: “An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Kích Dù vị quốc vong thân”)
Mặc dù đã được tăng viện như thế, mũi dùi tấn công Cổ Thành Ðinh Công Tráng của các đơn vị Nhảy Dù vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì sức chống trả điên cuồng của địch. Ðại Úy Sỹ đã 2 lần cố gắng tạo cơ hội cho đơn vị của mình dựng quốc kỳ VNCH trên Cổ Thành nhưng cả 2 lần đều không kéo dài được lâu. Lần thứ nhứt, ông sử dụng một toán cảm tử gồm 8 binh sĩ, với Hạ sĩ nhứt Trần Tâm làm trưởng toán, và Binh nhứt Hồ Khang, một người sinh trưởng và lớn lên tại Quảng Trị, sẽ có nhiệm vụ dựng cờ. Toán cảm tử xuất phát lúc nửa đêm, và đến sáng sớm thì họ thành công dựng được quốc kỳ VNCH, nhưng lập tức địch tập trung pháo dữ dội vào địa điểm dựng cờ. Hai Ðại Ðội 51 và 52 tiến lên ngay để tiếp cứu toán cảm tử. Khi đến gần bờ thành, họ không thể tiến được nữa vì bị hào thành rộng gần 10 m ngăn chận. Ðêm hôm đó, Ðại Úy Sỹ được trinh sát báo cho biết 4 binh sĩ trong toán cảm tử đã bị tử thương, số còn lại bị mất tích. Sáng hôm sau, ông cho gọi một phi tuần máy bay khu trục A1 Skyraider của Không Quân VNCH đến dội bom, đánh sập được một góc tường thành, lấp được khoảng hào thành đó. Các đơn vị Dù vượt qua hào, tiến vào chiếm và bám chặt góc tường thành đã bị đánh sụp đó. Ðại Úy Sỹ cho dựng cờ VNCH lần thứ hai, nhưng ngay lúc đó một phi tuần phản lực cơ A37 oanh kích lầm vào các đon vị Dù gây thương vong cho hơn phân nửa các đơn vị Dù. Cuộc tấn công của Tiểu Ðoàn 5 Dù vào Cổ Thành Ðinh Công Tráng phải tạm ngưng. Ngày hôm sau, 26-7-1972, có lệnh từ Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Ðoàn Dù bàn giao việc tấn công Cổ Thành lại cho Sư Ðoàn TQLC.[15]
Ðợt 1 của cuộc tấn công với Sư Ðoàn TQLC
Trở lại thời gian đầu tháng 5-1972, sau khi cử Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thay Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I vào ngày 2-5-1972, thì 2 ngày sau, vào ngày 4-5-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng cử Ðại Tá Bùi Thế Lân, lúc đó đang là Tư Lệnh Phó lên thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang làm Tư Lệnh Sư Ðoàn TQLC. Ðến cuối tháng, vào ngày 28-5-1972, Ðại Tá Lân vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức, do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân gắn sao cho ông ngay Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn TQLC tại Huế.
Ngay từ ngày đầu của Chiến dịch Lam Sơn 72, 28-6-1972, thi hành lệnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, tân Tư Lệnh của Sư Ðoàn TQLC, đã điều động ngay 4 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Ðoàn 3,5,7 và 8 tiến lên phía Bắc, dọc theo bờ biển, bên phía Ðông của Quốc Lộ 1, song song với Sư Ðoàn Dù. Các tiểu đoàn TQLC đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của các đơn vị của Sư Ðoàn 304 Bắc Việt đóng chốt trong hàng loạt các công sự bê tông vững chắc (bunkers).
Ngày 29-6-1972, 2 Tiểu Ðoàn 1 và 4, với tổng số 1.450 quân, được trực thăng vận (bằng các trực thăng CH-46 và CH-53 của TQLC Hoa Kỳ) đổ xuống phía Ðông Bắc Thị xã Quảng Trị, dọc theo Hương Lộ 555 tại 2 Bãi Ðổ Quân (LZ = Landing Zone) Flamingo và Hawk. Nhờ các oanh kích bằng phi pháo, kể cả B-52 trải thảm, các tiểu đoàn TQLC không gặp sự kháng cự mạnh mẻ của địch tại các LZ. Tuy nhiên, sau đó, địch quân đã nhiều lần sử dụng bộ binh có chiến xa yểm trợ tìm cách bao vây các đơn vị TQLC nhưng đều bị tiêu diệt bằng hải pháo từ các chiến hạm Hoa Kỳ ở ngoải khơi, cách bờ biển khoảng 4 km. Tổng kết vào cuối tháng 6, riêng các tiểu đoàn TQLC đã gây tổn thất đáng kể cho địch quân như sau: 1.515 chết, 15 bị bắt làm tù binh, và 18 chiến xa bị phá hủy.[16]
Trong hai tuần lể đầu của tháng 7-1972, các tiều đoàn TQLC được lệnh cũng cố các vị trí đã chiếm được của địch. Tướng Lân thấy cần phải thực hiện thêm một cuộc hành quân nữa, nhằm đưa một tiểu đoàn lên xa hơn phía Bắc để ngăn chận viện quân của địch. Mục tiêu của cuộc hành quân này là cắt đứt Hương Lộ 560, dài khoảng 17 km, từ căn cứ Cửa Việt (một căn cứ cũ của QLVNCH) cho đến Thị Xã Quảng Trị, con đường huyết mạch tiếp tế cho các lực lượng của địch cố thủ trong Thị Xã Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng. Ngày 11-7, Tướng Lân ra lệnh bắt đầu một cuộc hành quân trực thăng vận mới này, đưa Tiểu Ðoàn 1 (danh hiệu Quái Ðiểu, với Tiểu Ðoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Ðăng Hòa) đổ xuống Triệu Phong, tại các Bãi Ðổ Quân Blue Jay và Crow. Ðây cũng là một cuộc đổ quân vô cùng nguy hiểm vì là nhảy thẳng vào lòng địch, và chắc chắn sẽ gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Do đó, đích thân Tướng Trưởng và Tướng Lân đã đến tận nơi xuất phát, bắt tay tiễn đưa trước khi Thiếu Tá Hòa bước lên trực thăng. Mặc dù các bãi đáp đã được “dọn cỏ” trước bằng phi pháo và B-52, đoàn trực thăng 32 chiếc (cũng của TQLC Hoa Kỳ, gồm 17 chiếc CH-53, mổi chíếc chở được 60 binh sĩ, và 15 chiếc CH-46, mỗi chiếc chở được 20 binh sĩ) của cuộc hành quân đã được dịch quân dàn chào thật kỷ bằng các dàn phòng không 23 và 37 ly. Chiếc trực thăng của Thiếu Tá Hòa bị trúng dạn phòng không nhưng may mắn không bị rớt, nhưng khi vừa nhảy ra khỏi trực thăng, Thiếu Tá Hòa đã bị trúng ngay một mãnh đạn pháo 57 ly của địch và bị thương ở đùi phải. Sau khi được băng bó vết thương, ông vẫn ở lại mặt trận và tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn. Một chiếc trực thăng CH53 bị trúng phòng không và nổ tung trên trời, 60 người trên máy bay chỉ còn 12 người sống sót. Sau khi cuộc đổ quân hoàn tất, Tiểu Ðoàn 1 có số tổn thất là trên 100 người, vừa chết vừa bị thương. Sau 3 ngày giao tranh liên tục và ác liệt với các đơn vị địch luôn luôn có chiến xa yểm trợ, Tiểu đoàn 1, đã chận đứng tất cả các cuộc phản công, bắn cháy nhiều chiến xa của địch bằng súng M72, và giữ vững được phòng tuyến, hoàn thành tốt đẹp mục tiêu của cuộc hành quân. Sau đó, Tiểu Ðoàn 1 được Tiểu Ðoàn 2 (danh hiệu Trâu Ðiên, với Tiểu Ðoàn Trưởng là Thiếu Tá Trần Văn Hợp) tiến lên thay thế, mở rộng phòng tuyến ra đến cầu Ba Bến, giúp cho Công Binh TQLC bắt được cầu phao qua sông Vĩnh Ðịnh để cho các chiến xa M48 đầu tiên của Thiết Ðoàn 20 tiến vào phòng thủ các vùng lãnh thổ mà trước đó Tiểu Ðoàn 1 đã chiếm giữ được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngày 14-7-1972, Tiểu Ðoàn 1 được lệnh rút về Huế để dưỡng quân và bổ sung quân số.[17]
Ngày 22-7-1972, Tướng Lân lại cho mở một cuộc hành quân mới ở phía Bắc và phía Ðông của Thị Xã Quảng Trị, nhằm cắt đứt toàn bộ các đường tiếp tế và truyền tin của địch. Ðây là một cuộc hành quân hỗn hợp giữa hai tiểu đoàn của Lữ Ðoàn 147 TQLC với các đơn vị thiết ky và bộ binh. Các đại đội của Tiểu Ðoàn 5 được trực thăng vận đổ xuống hai Bãi Ðổ Quân Lima và Victor (xem bàn đồ bên dưới), cách thị xã khoảng 3 km về phía Ðông Bắc, chỉ gặp kháng cự tương đối yếu ớt của địch, nhưng, ngược lại, các đơn vị bộ binh và thiết kỵ thì bị địch chống cự mãnh liệt trước khi kết nối được với các đơn vị TQLC. Ðến giữa trưa thì cả hai tiểu đoàn của Lữ Ðoàn 147 đã kết nối được với nhau và địch quân bị đẩy lùi về phía sông Cửa Việt. Trong các cuộc giao tranh trong hai ngày kế tiếp, các đơn vị TQLC đã thanh toán xong tất cả các chốt của địch, với 133 địch quân tử trận, 5 chiến xa bị bắn cháy, và một bệnh viện dả chiến với 100 giường của địch đã bị san bằng.[18] Cuộc hành quân này kết thúc Ðợt 1 của Chiến DỊch Lam Sơn 72 mà Sư Ðoàn TQLC chỉ giữ vai trò phụ. Theo quyết định của Tướng Trưởng, từ ngày 27-7-1972, Sư Ðoàn Dù bàn giao lại cho Sư Ðoàn TQLC vai trò lực lượng tấn công chính với mục tiêu là, bằng mọi giá, phải chiếm cho bằng được Thị Xã Quảng Trị với biểu tượng là Cổ Thành Ðinh Công Tráng.
Ðợt 2 của cuộc tấn công với Sư Ðoàn TQLC
Ngày 27-7-1972, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân đưa ra kế hoạch hành quân tấn công tái chiếm Cổ Thành Ðinh Công Tráng như sau:
· Lữ Ðoàn 258, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh, trước sau đã sử dụng tất cả 7 tiểu đoàn tác chiến của TQLC là các Tiểu Ðoàn 1,2,3,5,6,8,9, Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh 105 ly của Sư Ðoàn TQLC, Thiết Ðoàn 17 (thuộc Lữ Ðoàn 1 Kỵ Binh, với các thiết vận xa M-113, Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Nguyễn Viết Thạnh), và 1 Chi đoàn chiến xa M48, chịu trách nhiệm khu vực phía Tây Nam của Cổ Thành, sẽ là lực lượng tấn công chính vào Cổ Thành; ngoài ra, tại Bộ Chỉ Huy của Lữ Ðoàn 258 TQLC lúc nào cũng có sự hiện diện của một toán gồm 10 cố vấn Hoa Kỳ, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Gordon Keiser, TQLC Hoa Kỳ, Cố Vấn Trưởng của Lữ Ðoàn 258, “chuyên đảm nhiệm thiết lập kế hoạch hoả lực yểm trợ cũa Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ từ Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm 77 của Hạm Ðội 7 ngoài Thái Bình Dương và các phi vụ phi cơ chiến lược B52 từ Guam và Thái Lan.”[19]
· Lữ Ðoàn 147, với Lữ Ðoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo, sử dụng 3 tiểu đoàn tác chiến và Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh của TQLC, phụ trách khu vực phía Ðông Bắc của Cổ Thành, là lực lương tấn công phụ vào Cổ Thanh và ngăn chận viện quân của địch từ phí Bắc kéo xuống.
· Lữ Ðoàn 369, với tân Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Nguyễn Thế Lương (thay thế Ðại Tá Phạm Văn Chung lên làm Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn TQLC), làm lực lượng trừ bị.
Về mặt chiến thuật, Tướng Lân quyết định áp dụng xa luân chiến. “Các Tiểu Ðoàn TQLC từ 1 đến 9 thay phiên nhau trực thuộc Lữ Ðoàn lên tuyến đầu chiến đấu, rồi lui về sau bổ sung nghỉ ngơi. Nhờ vậy các Tiểu Ðoàn TQLC đều được bổ sung đều đặn, khả năng chiến đấu không quá suy giảm vì tổn thất.” [20]
Cuộc hành quân phản công tái chiếm Quảng Trị của Lữ Ðoàn 258 TQLC được chia ra làm 3 giai đoạn:
· Giai đoạn 1: từ ngày 27-7-1972 đến ngày 29-8-1972
· Giai đoạn 2: từ ngày 29-8-1972 đến ngày 9-9-1972
· Giai đoạn 3: từ ngày 9-9-1972 đến ngày 16-9-1972
Giai đoạn 1: từ 27-7 đến 29-8
Trong giai đoạn này, Lữ Ðoàn 258 sử dụng 3 Tiểu Ðoàn 3, 5 và 9. Ðại Tá Ngô Văn ÐỊnh quyết định dàn quân như sau:
· Tiểu Ðoàn 3 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh phụ trách phía Ðông Nam Cổ Thành, tại khu vực Nhà thờ Trí Bưu
· Tiểu Ðoàn 9 của Trung Tá Nguyễn Kim Ðể phụ trách phía Nam Thị xã Quảng Trị, tại khu vực Ngả ba Long Hưng
· Tiểu Ðoàn 5 của Thiếu Tá Hồ Quang Lịch làm trừ bị cho Lữ Ðoàn, cũng đóng tại Ngã ba Long Hưng
Sáng ngày 27-7-1972, Tiểu Ðoàn 3 TQLC tiến vào thay thế các đơn vị của Tiểu Ðoàn 5 Dù ở phía Nam Cổ Thành, cách bờ thành vào khoảng 200 m. Khi các đơn vị của Tiểu Ðoàn 3 TQLC tiến lên thì cũng bị địch chống trả mảnh liệt như đối với Tiểu Ðoàn 5 Dù trước đây. Sau 2 tuần lễ giao tranh, với tỹ lệ thương vong gần 50% (400/700), Tiểu Ðoàn 3 được lệnh rút về gần Bộ Chỉ Huy của Lữ Ðoàn 258 ở Cù Hoan để dưỡng quân và bổ sung quân số. Tiểu Ðoàn 8 tiến vào thay thế Tiểu Ðoàn 3. Sau hơn 2 tuần giao tranh với địch, Tiểu Ðoàn 8 cũng bị tổn thất rất nặng, lại phải rút ra và Tiểu Ðoàn 3, sau khi đã được bổ sung, lại tiến lên thay thế Tiểu Ðoàn 8, cố gắng nhổ các chốt còn lại của địch và mở rộng khu vực kiểm soát của Tiểu Ðoàn 3 tới sát bờ thành.
Trong thời gian của giai đoạn 1 này, các đại đội của Tiểu Ðoàn 9 thay phiên nhau tấn công, nhổ các chốt của địch tại khu vực Ngã ba Long Hưng, khu Bệnh viện, và trường Bồ Ðề, sát bờ sông Thạch Hãn, dọc theo đường Trần Hưng Ðạo dẫn vào Thị xã Quảng Trị. Tổn thất của Tiểu Ðoàn 9 cũng rất nặng với số thương vong lên đến khoảng 300. Sau đó, Tiểu Ðoàn 9 rút về khu vực Gia Ðằng để dưỡng quân và bổ sung quân số vũ khí và được Tiểu Ðoàn 1 tiến lên thay thế.
Với các thành quả đạt được bằng xương máu này của Tiểu Ðoàn 3 và Tiểu Ðoàn 9, đường vào Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng đã được mở toang ra cho các đơn vị của TQLC. Nhưng trận chiến vẫn chưa chấm dứt và máu của các chiến sĩ TQLC còn phải đổ thêm nhiều nữa.
Giai đoạn 2: từ 29-8 đến 9-9
Trong giai đoạn 2 này, Lữ Ðoàn 258 đã được tăng cường và sử dụng đến 5 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Ðoàn 1,3,5,6, và 8.
Cuộc chiến đấu đầy cam go với tổn thất không kém trong giai đoạn 1 của các tiểu đoàn TQLC lần này diễn ra ngay bên trong Thị xã Quảng Trị. Mục tiêu của các tiểu đoàn TQLC là diệt tất cả các chốt của địch, chiếm giữ các cơ sở hành chánh trong Thị Xã, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng: tấn công và chiếm lại Cổ Thành Ðinh Công Tráng.
Ðại Tá Ðịnh phân công cho các tiểu đoàn như sau:
· Tiều Ðoàn 1, thay thế Tiểu Ðoàn 9, sẽ từ khu Bệnh Viện tấn công lên phía Bắc, chiếm lại Ty Cảnh Sát, nhà máy điện, trường nữ tiểu học, và doanh trại của Cảnh Sát Dã Chiến.
· Tiểu Ðoàn 3, thay thế Tiểu Ðoàn 8, tiếp tục chiếm giữ phía Ðông Nam Cổ Thành
· Tiểu Ðoàn 5 chịu trách nhiệm khu Ðông Nam của Ngã Ba Long Hưng
· Tiểu Ðoàn 6 (với Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng là Tiểu Ðoàn Trưởng) chịu trách nhiệm càn quét địch ở phía Bắc Ngã Ba Long Hưng và tiến về phía Tây Nam Cổ Thành
· Tiểu Ðoàn 8 (với Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán là Tiểu Ðoàn Trưởng), sau khi bàn giao khu vực cho Tiểu Ðoàn 3, được lệnh rút về phía sau làm trừ bị.
Trong suốt 2 tuần lễ của giai đoạn 2 này, các tiểu đoàn TQLC đã luôn luôn gặp sự kháng cự rất mãnh liệt của địch. Chiến thuật tác chiến trong thành phố (đã từng được các đơn vị TQLC áp dụng nhuần nhuyễn tại Huế và Sài Gòn trong Trận Tết Mậu Thân 1968) đã lại được 4 Tiểu Ðoàn TQLC 1,3,5 và 6 đem ra sử dụng một lần nữa. Họ đánh cận chiến với địch để giành lại từng khu phố, từng con đường, từng ngôi nhà. Thêm vào đó, các đơn vị pháo binh của địch đóng bên ngoài thị xã, vẫn tiếp tục pháo vào, gây khó khăn và tổn thất khá năng cho các đơn vị TQLC. Tuy vậy, sau cùng, các tiểu đoàn TQLC cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, tiến sát vào các bờ thành của Cổ Thành Ðinh Công Tráng.
Giai đoạn 3: từ 9-9 đến 16-9
Ðây là giai đoạn cuối cùng của Chiến DỊch Lam Sơn 72, với mục tiêu là tái chiếm Cổ Thành Ðinh Công Tráng. Tướng Lân quyết định dùng 2 Lữ Ðoàn, 147 ở phía Ðông Bắc (với 2 Tiểu Ðoàn 3 và 7; Lữ Ðoàn Trưởng 147 là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo và Lữ Ðoàn Phó là Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc) và 258 ở phía Tây Nam (với 4 Tiểu Ðoàn 1,2,5 và 6), cùng một lúc tấn công vào Cổ Thành.
Mục tiêu chính của Lữ Ðoàn 258, là Dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị (MT 90; MT = Mục Tiêu) và Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị (MT 28), được giao cho Tiểu Ðoàn 2, với Thiếu Tá Trần Văn Hợp là Tiểu Ðoàn Trưởng và Ðại Úy Phạm Văn Tiền là Tiểu Ðoàn Phó, có Bộ Chỉ Huy đóng ở Ngã Ba Long Hưng, tại góc đường Lê Huấn và Quốc Lộ 1.
Việc tấn công và chiếm giữ hai Mục Tiêu 28 và 90 này được Thiếu Tá Hợp giao cho Ðại Ðội Ðại Ðội 4 với Đại Úy Lê Quang Liễn là Đại Đội Trưởng, và Ðại Ðội 5 với Trung Úy Huỳnh Văn Trọn là Ðại Ðội Trưởng. Chắc chắn cũng đã biết được ý đồ của các đơn vị TQLC đã có mặt trong Thị Xã nên từ sáng sớm ngày 14-9-1972, địch đã “dàn chào” 2 Ðại Ðội 4 và 5 của Tiểu Ðoàn 2 bằng một trận pháo 130 ly rất dữ dội nhưng không gây được tổn thất gì nghiêm trọng. Sau khi trận pháo chấm dứt, Ðại Ðội 4 tiến chiếm mục tiêu đầu tiên là Trường Phước Môn, và sau đó là Trường Trung học Teresa, và bắt được một số tù binh. Khai thác các tù binh, Ðại Úy Liễn biết được họ thuộc một một đơn vị của Sư Ðoàn 320 B vừa vượt sông Thạch Hãn tối hôm trước để tăng viện cho các đơn vị của địch còn đang cố thủ trong Thị Xã. Ðêm hôm đó, cùng với Ðại Ðội Phó là Trung Úy Nguyễn Hữu Hào và Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 5 là Trung Úy Trọn, Ðại Úy Liễn thảo luận và lên kế hoạch thật tỉ mỉ cho cuộc tấn công vào MT 28 vào sáng hôm sau, 15-9-1972. Với sự yểm trợ của 2 chiến xa M48 và 2 thiết vận xa M113, hai Ðại Ðội 4 và 5 của Tiểu Ðoàn 2 TQLC, tuy gặp sự chống trả mãnh liệt của các chốt địch, đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm lại được Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị (tức MT 28) vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 15-9-1972, với kết quả vô cùng rực rỡ như sau:
“Riêng Ðại Ðội 4 đã tịch thu được một số lớn chiến lợi phẩm và một kho tiếp liệu gồm:
· 412 súng cá nhân
· 102 súng cộng đồng
· 40 thùng lương khô do Trung Cộng sản xuất
· 23 máy truyền tin của Trung Cộng
· 18 tù binh
· Nhiều hố chôn tập thể và xác quanh khu vực Tòa Hành Chánh và khu hầm ngầm bên trái Tòa Hành Chánh, khoảng 30 xác.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến phải dùng 6 đợt thiết vận xa M113 để chuyển tù binh và chiến lợi phẩm về Bộ Chỉ Huy.” [21]
Về phần Lữ Ðoàn 147, phụ trách tấn công từ hướng Ðông Bắc, mục tiêu chính là thanh toán nốt các chốt của địch còn cố tử thủ trong tòa Cổ Thành Ðinh Công Tráng đã đổ nát vì bom đạn trong hơn hai tháng đã qua. Nhiệm vụ chính này được Lữ Ðoàn 147 giao cho Tiểu Ðoàn 3, với Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh làm Tiểu Ðoàn Trưởng và Thiếu Tá Trần Kim Ðệ là Tiểu Ðoàn Phó.
Thiếu Tá Cảnh phân công cho 2 đại đội của Tiểu Ðoàn 3 là Ðại Ðội 2 của Ðại Úy Giang Văn Nhân và Ðại Ðội 3 của Ðại Úy Nguyễn Văn Thạch nhiệm vụ nhổ chốt này. Sáng sớm ngày 15-9-1972, Ðại Ðội 3 tiến lên trước, phá vở được phòng tuyến của địch nơi cửa Hữu của Cổ Thành, các Trung Ðội của Ðại Ðội 2 lập tức tràn lên bờ thành, tỏa ra tấn công vào tất cả các cửa thành. Trung Ðội 22 chiếm cổng chính cửa Tiền đường Lê Văn Duyệt. Các chốt của địch quân kháng cự yếu ớt, rút về cố thủ ở cửa Tả đường Phan ÐÌnh Phùng, nhưng đã quá trể. Tất cả các cánh quân của cả hai Ðại Ðội 2 và 3 của Tiểu Ðoàn 3 đồng loạt xung phong, tràn vào tất cả các ngỏ ngách của khu vực này của Cổ Thành. Tiếng súng kháng cự của địch thưa dần và sau cùng tắt hẳn. Tiểu Ðoàn 3 TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Cổ Thành Ðinh Công Tráng trong phạm vi của Thị Xã Quảng Trị đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các đơn vị TQLC của QLVNCH. Cổ Thành với tường thành cao 9,4 m, dưới chân dày đến 12 m, đã bị các trận phi pháo kinh khủng của QLVNCH và Hoa Kỳ phá tan nát, chỉ còn là đống gạch vụn, giống như một phế tích.
“Sau gần 24 giờ chiến đấu không nghỉ, những người lính của Ðại Ðội 2 Tiểu Ðoàn 3 TQLC đã dựng ngọn cờ trên cổng thành cửa Tả vào mờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972.” [22]
Lễ thượng cờ VNCH được cử hành chính thức ngày hôm sau, lúc 12 giờ 45 trưa ngày 16-9-1972. Chiến Dịch Lam Sơn 72, khởi sự ngày 28-6-1972, đã chấm dứt với chiến công rực rỡ của Sư Ðoàn TQLC, QLVNCH, chiếm lại được tỉnh Quảng Trị đã lọt vào tay quân địch từ ngày 1-5-1972.
Thay Lời Kết
Trong trận đánh quyết liệt và đẫm máu này, “bên thắng cuộc,” tức Miền Bắc Cộng sản (theo cách gọi của nhà văn Huy Ðức của Miền Bắc trong tác phầm có cùng tên), đã thua đậm, và “bên thua cuộc,” tức Miền Nam Tự do, lại thắng lớn, nhưng cả 2 bên đều phải chịu những tổn thất rất lớn. Thống kê chính thức về tổng số thương vong của cả hai phe trong trận đánh tái chiếm Quảng Trị, từ ngày 28-6-1972 cho đến ngày 16-9-1972, rất khó có thể biết một cách thật chính xác, nhứt là đối với quân Bắc Việt đã tử thủ và bị chôn vùi trong những đổ nát của Thị Xả Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng do các trận oanh kích của phi cơ và hải pháo từ Hạm Ðội 7, của Không Lực VNCH cũng như các phi vụ trải thảm của B-52.
Về phía QLVNCH, chỉ riêng đối với Lữ Ðoàn 258 TQLC, từ ngày 29-3 đến ngày 16-9-1972, tổng số thương vong chính thức là 3.911 gồm 637 tử thương và 3.274 bị thương.
Dĩ nhiên, các con số này không bao gồm thương vong của 2 Lữ Ðoàn 147 và 369 của Sư Ðoàn TQLC, cũng như của các đơn vị của Sư Ðoàn Dù, và các binh chủng khác của QLVNCH đã có tham gia trận đánh (Biệt Ðộng Quân, Biệt Cách Dù, Thiết Giáp, vv). Trong tác phẩm của mình, tác giả Dale Andradé (Ghi chú số 17; tr. 196), đã viết như sau: “… the South Vietnamese marines suffered more than 5,000 casualties since June, 3,658 of them during the seven-week battle to recapture the citadel. Almost one out of every four marines in the entire division was wounded or killed.” (tr. 196; xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… Thủy Quân Lục Chiến của Nam Việt Nam đã có tổng số thương vong hơn 5.000 từ tháng 6, trong đó có 3.658 là trong thời gian trận đánh 7 tuần lễ tái chiếm cổ thành. Gần như là một phần tư binh sĩ của sư đoàn đã bị thương hoặc tử trận”).
Về phía quân Bắc Việt, tổng số thương vong chính thức cũng khó có thể biết chính xác được. Một điều gần như chắc chắn là 2 Trung Ðoàn 48 và Triệu Hải của Sư Ðoàn 320 B, đã tử thủ trong Thị Xã và Cổ Thành, đã bị tổn thất rất nặng, gần như đã bị xóa sổ. Trong tài liệu chính thức của Việt Nam cộng sản gần đây, “công bố tại mít tinh kỷ niệm 40 năm”của trận đánh, Miền Bắc công nhận họ đã tổn thất 36.000 quân, và quả thật, 2 Trung Ðoàn 48 và Triệu Hải đã bị xóa sổ. Trung Ðoàn Triệu Hải từ 1.500 quân chỉ còn lại không tới 1 tiểu đội (khoảng 12 người), và Trung Ðoàn 48 đã bị tổn thất hơn 80% quân số.[23] Về hồi ức cá nhân, Ðại Tá Vũ Trung Thướng, trong trận Quảng Trị năm 1972 là Chính Trị Viên của Ðại Ðội 5, Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 48, Sư Ðoàn 320 quân Bắc Việt, đã kể lại như sau: “…từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, Đại đội 5 của tôi từ 120 quân, nhưng sau đó chỉ còn 17 người sống sót.” [24]Mới đây nhứt, ngày 16-1-2018, Đội Quy Tập Hài Cốt Liệt Sĩ 584 của Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Quảng Trị đã cho biết vừa tìm thấy thêm 12 hài cốt tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, Thị xã Quảng Trị.[25] Chắc chắn, trong tương lai, sẽ còn có thêm nhiều, rất nhiều, những vụ tìm thấy và khai quật được hài cốt của các binh sĩ Bắc Việt đã bị chôn vùi tại khu vực Thị Xã Quảng Trị và Cổ Thành Ðinh Công Tráng trong trận đánh đẫm máu nhứt trong Chiến Tranh Việt Nam này.
Ghi Chú:
2. Lavalle, A.J.C., editor. Airpower and the 1972 spring invasion. Washington, D.C.: United States Air Force, Office of Air Force History, 1985. (U.S.A.F. Southeast Asia monograph series; v. 2, monograph 3). Tr. 58.
3. Brand, Matthew C. Airpower and the 1972 Easter Offensive. Fort Leavenworth, Kansas: U.S. Army Command and General Staff College, 2007. (Luận văn Master of Military Art and Science của Trung Tá Không Quân Hoa Kỳ Matthew C. Brand). Tr. 83.
4. Thiếu Tướng Bùi Thế Lân là 1 trong những sĩ quan TQLC kỳ cựu nhứt của QLVNCH. Ông sinh tháng 11-1932 tại Hà Nội, tốt nghiệp Thiếu Úy Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức ngày 1-6-1954, và gia nhập ngay binh chủng TQLC, giữ chức vụ Ðại Ðội Trường, Tiểu Ðoàn 1 TQLC. Năm 1960, ông thăng cấp Trung Úy và làm Tham Mưu Trưởng của Liên Ðoàn TQLC. Ngày 1-6-1961, ông thăng cấp Ðại Úy và làm Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 4 TQLC. Năm 1963, ông được gởi đi du học Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu TQLC tại Quantico, Virginia, Hoa Kỳ. Sau khi tồt nghiệp, trở về nước, ông thăng Thiếu Tá và được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Lữ Ðòan TQLC. Sau đó ông lần lượt thăng cấp lên Trung Tá (1963) và Ðại Tá (1964), và năm 1971, ông kiêm nhiệm luôn chức vụ Tư Lệnh Phó TQLC. Ngày 4-5-1972, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh TQLC, và ngày 24-5-1972 ông vinh thăng Chuẩn Tướng. Ðầu tháng 4-1975, ông thăng Thiếu tướng. Sau năm 1975, ông sống tại Hoa Kỳ và mất ngày 14-1-2014 tại San Jose, tiểu bang California, hưởng thọ 82 tuổi.
5. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sinh ngày 16-10-1928 tại Hà Ðông, tốt nghiệp Thiếu Úy Khóa 8 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt năm 1953, gia nhập binh chủng Nhảy Dù, là một Trung dội trưởng của Tiểu Ðoàn 5. Năm 1954 ông thăng cấp Trung Úy, chỉ huy một đại đội của Tiểu Ðoàn 5 Dù, tham dự trận Ðiện Biên Phủ, đặc cách thăng cấp Ðại Úy tại mặt trận. Khi Ðiện Biên Phủ thất thủ, ông bị bắt làm tù binh, đến tháng 7-1955 mới được trao trả về cho Quân Ðội Quốc Gia. Ông lần lượt thăng cấp như sau: Thiếu tá năm 1960, Trung Tá năm 1964, Ðại Tá năm 1965, Chuẩn Tướng năm 1969, và Thiếu Tướng năm 1971. Ngày 5-11-1974, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Ðoàn II. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú là 1 trong 5 tướng lãnh của QLVNCH đã tuẩn tiết vào ngày 30-4-1975.
6. Ngô Quang Trưởng. The Easter Offensive of 1972. Washington, D.C.: US Army Center of Military History, 1980. Tr. 54.
7. Ngô Quang Trưởng, sđd, tr. 65.
8. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy. Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. San Jose, Calif.: Hương Quê, 2011. Tr. 235.
9. Hòa Khánh. Sư Ðoàn 3 Bộ Binh trở lại chiến trường, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://dongsongcu.wordpress.com/2016/03/10/su-doan-3-bo-binh-tro-lai-chien-truong/ Việc Sư Ðoàn 3 phục hồi nhanh chóng và có thể trở lại chiến trường, và chỉ sau một năm, năm 1973, đã được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đánh giá là một sư đoàn có khả năng chiến đấu rất tốt, là công đầu của tướng tư lệnh, Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Dinh, thăng cấp Thiếu Tướng ngày 1-7-1973.
10. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, sđd, tr. 400.
11. Ngô Quang Trưởng, sđd, tr. 56.
12. Hành Quân Lam Sơn 72, tái chiếm Quảng Trị, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://bienxua.wordpress.com/2017/08/09/hanh-quan-lam-son-72-tai-chiem-quang-tri/
13. Cổ Thành Quảng Trị và Ðại Lộ Kinh Hoàng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi-vn.facebook.com/quanlucvnch/photos/a.287209888044351.59269.275596229205717/605102579588412/
14. Trương Ðăng Sỹ. Nhảy Dù và Cổ Thành Ðinh Công Tráng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://dongsongcu.wordpress.com/2016/09/21/nhay-du-va-co-thanh-dinh-cong-trang-2/
15. Trương Ðăng Sỹ, tài liệu vừa dẫn bên trên.
16. Melson, Charles D. và Curtis G. Arnold. U.S. Marines in Vietnam: the war that would not end, 1971-1973. Washington, D.C.: U.S. Marines Corps Headquarters, History and Museums Division, 1991. Tr. 110. Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.marines.mil/Portals/59/Publications/U.S.%20Marines%20in%20Vietnam%20The%20war%20that%20would%20not%20end%201971-1973%20PCN%2019000311200_1.pdf
17. Nguyễn Ðăng Hòa. “Trận đổ bộ Triệu Phong, 11/7/1972,” trong Tuyển tập 2: Hai mươi mốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975). Santa Ana, Calif.: Tổng Hội TQLC/VN tại Hoa Kỳ, 2005. Tr. 404-414.
18. Andradé, Dale. America’s last Vietnam battle: halting Hanoi’s 1972 Easter Offensive. Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 2001. Tr. 189-190.
19. Ngô Văn Ðịnh. Trận Quảng Trị năm 1972 của Lữ Đoàn 258 TQLC, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://tqlcvn.org/hoiky/hk-tranQT72-ld258-tqlc.htm
20. Phạm Văn Chung. Cờ bay trên Cổ Thành Quảng Trị, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ccb-co-bay-tren-co-thanh-quang-tri/
21. Lê Quang Liễn. “Ðại đội 4/TÐ2/TQLC và trận tái chiếm tòa hành chánh Quảng Trị (14/9/72),” trong Tuyển tập 2: Hai mươi mốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975). Santa Ana, Calif.: Tổng Hội TQLC/VN tại Hoa Kỳ, 2005. Tr. 416-423.
22. Giang Văn Nhân. “Tiểu đoàn 3/TQLC dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị 15/9/1972,” trong Tuyển tập 2: Hai mươi mốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975). Santa Ana, Calif.: Tổng Hội TQLC/VN tại Hoa Kỳ, 2005. Tr. 438-450.
23. Ích Duệ. Vài nét về chiến trường Quảng Trị 1971, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://hieuminh.org/2012/07/26/vai-net-ve-chien-truong-quang-tri-1972/
24. Xuân Hải. Ðại đội 120 người, hết trận đánh chỉ còn 17, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://infonet.vn/dai-doi-120-nguoi-het-tran-danh-chi-con-17-post128750.info
25. Ngọc Lan – Lệ Truyền. Khai quật thêm được 12 hài cốt liệt sỹ tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:http://thixaquangtri.gov.vn/default.aspx?TabID=100 modid=445&ItemID=2430
Lâm Vĩnh Thế
21.1.2018
(Nguồn : namkyluctinh.org)