; }

Monday, December 28, 2020

TRỞ VỀ NHÀ

 HUY PHƯƠNG

“…Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta…”

Vào ngày 15 tháng 8 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Hành TrìnhTrở Về Nhà” (Operation Homecoming,) khoảng 140 cựu tù nhân chiến tranh của Hoa Kỳ (POW,) đã từng bị giam cầm ở Bắc Việt, sẽ tập họp về thành phố Frisco, phía Bắc Dallas, để gặp gỡ nhau trong bốn ngày từ 15 -19 tháng 8. Sáng kiến tổ chức buổi hội ngộ này là do một cựu chiến binh Mỹ gốc Việt, anh Tanner Ðỗ, từng chiến đấu tại Iraq và Syria, nhằm để vinh danh các cựu tù binh Mỹ trong nhà tù Bắc Việt. Một việc làm ý nghĩa hơn nữa là một buổi ăn trưa đặc biệt sẽ do Hội Cựu Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt khoản đãi để tỏ tình đoàn kết và tri ân những người Mỹ đã một thời chiến đấu cho tự do của miền Nam.

Người tù Hoa Kỳ bị Bắc Việt giam cầm lâu nhất là Trung uý Phi Công Everett Alvarez, cũng là phi công đầu tiên bị bắn hạ tại Hòn Gai, Quảng Ninh. Ông bị bắt vào tháng 8-1964 và đã ở trong nhà tù Hoả Lò 8 năm 7 tháng.

Về mặt tuyên truyển, Trần Trọng Duyệt, trưởng cai tù Hoả Lò ca tụng tính “khoan hồng, nhân đạo” của Bắc Việt: “Trên thế giới, có lẽ không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở nước ta. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có từ hàng ngàn năm trước của dân tộc ta!” Trong khi đó thì sử gia Hoa Kỳ Andrew H. Lipps, trong “Operation Homecoming: The Return of American POWs from Vietnam” đã ghi nhận:

“Hãy tưởng tượng bạn đang bị nhốt trong một cái chuồng; hãy tưởng tượng chung quanh chuồng đầy mùi xú uế; hãy tưởng tượng những thức ăn hư thúi bạn phải ăn có nhiều dòi bọ đến độ nếu bạn chỉ nuốt phải vài con thôi là kể như bạn có phước; hãy tưởng tượng bạn biết rõ mình có thể chết bất cứ lúc nào, tuỳ hứng của gã cai tù; hãy tưởng tượng ngày này qua ngày khác bạn bị tra tấn cả thể xác và tâm lý, bằng những thủ đoạn không phải để bẻ gãy xương mà là tinh thần của mình. Làm tù binh cộng sản Bắc Việt là như vậy đó!

Sau hiệp định Paris, vào hai tháng đầu năm 1973, đã có 591 tù binh Hoa Kỳ bị Việt Cộng giam cầm về đến Hoa Kỳ, trong khi có những người “trở về trên chiếc băng-ca,” như Trung Sĩ Chuyên Viên Không Quân James R. Cook, hay “hòm gỗ cài hoa” xếp hàng trên những chuyến C.130 về Travis AFB. Cũng có tới 1,200 quân nhân Mỹ hy sinh trên chiến trường Việt Nam không để lại dấu vết (MIA.)

Dù thua hay thắng, những người tù trở về hẳn đã bỏ hết một thời xuân xanh, gia đình đổ vỡ và có những vết thương tâm lý không thể nào hàn gắn được. Nhưng người chiến binh Hoa Kỳ còn lá cờ tổ quốc, được trải thảm đỏ, được mặc lại bộ quân phục ngày xưa và được trở lại phục vụ cho đất nước của mình.

Còn xót xa nào như của những chiến sĩ VNCH đang bị giam cầm trong nhà tù đối phương, mà nghe tin thua trận, quốc gia đầu hàng, không còn con đường về. Người lính TQLC Cao Xuân Huy bị địch bắt trên đường lui binh, trong nhà tù, nghe tin miền Nam thất trận, đang châm thuốc lào, cây đóm cháy đến tay mà không biết nóng. Phi công trực thăng Chung Tử Bửu gãy cánh ở Hạ Lào, trong khi đang bị đày lên Thạch An, Đông Khê, Cao Bằng (BắcViệt,) cùng những tù binh miền Nam, nghe tin Saigon thất thủ mà lòng tan nát.

Trong một quốc gia thất trận, khốn khổ đổ lên đầu dân chúng, nhưng người lính vẫn là người chịu trách nhiệm và nhận sự nhục nhã. Vì vậy mà chúng ta đã có những tướng lãnh và quân nhân can trường tự sát trong ngày lui binh để cho chúng ta còn có thể hãnh diện vì có những đồng đội như thế!

Ai bị địch quân cầm tù ngoài chiến trận cũng hy vọng được giải thoát, được có ngày trở về nhà bằng cách này hay cách khác, vượt thoát, chiến thắng hay qua điều đình, nhưng người lính miền Nam thì không.

Đành rằng cũng có những người cựu chiến binh Hoa Kỳ bị hoàn cảnh nghiệt ngã xô đẩy trở thành những kẻ không nhà, nhưng những người tù binh miền Nam, ra khỏi nơi giam cầm phải chịu bao nhiêu cảnh ngang trái đau lòng. Chúng ta trở về không phải trên thảm đỏ, mà trên con đường cát bụi gập ghềnh với bao nhiêu nỗi khó khăn khuất mặt đang chờ đón.

Ngày nay những người tù miền Nam lưu lạc trên khắp trái đất này, nhưng cũng như có người cam phận ở lại, chịu số phận lưu vong ngay trên quê hương mình.

Những cuộc hội ngộ cựu tù nhân chiến tranh của Hoa Kỳ (POW,) đã từng bị giam cầm ở Bắc Việt thì thỉnh thoảng chúng ta mới biết đến, nhưng những cuộc hội ngộ chúng ta, những quân nhân VNCH đã mang số phận tù đầy dưới danh từ mỹ miều là “cải tạo” ở hải ngoại này thì có rất nhiều. Người Mỹ chỉ có một hội “Hoả Lò,” trong khi chúng ta có hàng chục Hội Tù qua những địa danh ở hai miền, Nam phải kể Bình Điền- Ái Tử, Quảng Nam- Đà Nẵng, Hàm Tân, Suối Máu; Bắc có Yên Bái- Phong Quang- Vĩnh Quang, Nam Hà, Thanh Phong, Phú Sơn, Nghệ Tĩnh…Những cuộc hội ngộ Tù Binh Mỹ không có vinh danh người vợ tù, như những vợ, người mẹ Việt Nam đã trải qua những ngày bữa đói, bữa no, đã từng theo những chuyến xe trâu, băng đồng, vượt suối thăm chồng, vì những người vợ nhà ở Mỹ còn có quyền lợi lãnh tấm check lương của chồng, nhưng người tù miền Nam thì không?

Phi Công Everett Alvarez, đã ở trong nhà tù Hoả Lò Bắc Việt 8 năm 7 tháng, nhưng những người tù miền Nam đã ở trong tay “anh em” của họ, nhiều nhất là 17 năm.

Đại tá Nguyễn Công Vĩnh ở tù Việt Bắc hai lần. Trong trận chiến 1972, khi chúng ta còn chính phủ, ông chỉ ở tù một năm, sau đó (1973) được trao trả tù ninh. Năm 1975 khi mất nước, thời gian ở tù của ông kéo dài 13 năm. Không còn đơn vị, không còn cấp chỉ huy, không còn đồng đội, trong cảnh “sẻ nghé tan đàn,” mỗi người để buông trôi theo số phận an bài. Không ít anh em tan nát gia đình, sống đơn độc, quạnh hiu cho tới ngày cuối đời trong một căn nhà dưỡng lão nào đó, mà không ai biết đến sự ra đi của mình.

Nếu không có nước Mỹ, quốc gia đã dấn thân vào cuộc chiến bảo vệ cho miền Nam, một lần nữa điều đình với kẻ thù cho chúng ta được sống tự do, cuộc sống của hằng trăm nghìn tù nhân “cải tạo” và gia đình sẽ ra sao?

Quả thật là hôm nay chúng ta có tự do, nhưng là tự do của một người tỵ nạn, bị bứt gốc rễ khỏi quê hương. Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người lưu vong Tây Tạng đã cho rằng tự do này là thứ “tự do trong lưu đày.” Tâm sự của ông Quách Tòng Đức, một nhân vật của thời Đệ I Cộng Hoà thì: “Lưu đày, dù trên mảnh đất dân chủ, chưa phải là Tự Do, Người Việt tha hương, vào tuổi gần đất xa trời, vừa đau buồn hướng về Đất Mẹ, vừa thao thức tự vấn như Thôi Hiệu trong bài thơ Đường Hoàng Hạc Lâu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!”

(Quê nhà biết ở nơi đâu?

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

Tản Đà.)