; }

Monday, September 21, 2020

NỘI CÁC CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM

 

Nội các Đế quốc Việt Nam của Thủ tướng Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng

Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.
Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.
Nhân chuyện một cuốn sách của Trần Trọng Kim vừa bị thu hồi ở Việt Nam, các bạn tìm hiểu ít nhất năm việc lớn chính phủ của ông làm được năm 1945:
1. Lập lại quốc hiệu Việt Nam
Đây là tên nước 'ước mơ' của Hoàng đế Gia Long nhưng không được Thanh triều công nhận.
Tên nước Đại Nam do Vua Minh Mạng đặt đã bị Pháp xóa để lập ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong Liên bang Đông Dương.
Được Nhật Bản trao trả 'độc lập', vua Bảo Đại và chính phủ đã nhanh chóng tuyên bố quốc hiệu là Việt Nam.

Báo 'ĐIỆN TÍN' đăng tin Việt Nam tuyên bố Độc lập
Đây cũng là cái tên mà Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đặt cho các đảng phục quốc, cách mạng.
Riêng phái cộng sản chưa dùng tên này cho ba đảng đầu tiên của họ mà từ 1930 đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

"Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: "Đầu voi phất ngọn cờ vàng". Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc...Chữ ly còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương."   Trần Trọng Kim  

Quốc hiệu Việt Nam do chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố với thế giới sau đã thành tên nước cho cả hai chế độ ở Nam và Bắc đến 1975 và ngày nay.

Đế quốc Việt Nam năm Bảo Đại 20 chọn cờ vàng ba sọc đỏ với một sọc đứt quãng theo quẻ Ly của Kinh Dịch làm quốc kỳ.
Nhà Nho học Trần Trọng Kim dẫn sử để nói đó là màu cờ vàng của Triệu Thị Trinh khi khởi nghĩa chống quân Ngô.
2.Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục
Dù có một số nỗ lực dùng tiếng Nhật thời Nhật Bản chiếm Đông Dương, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Việt và một số văn bản Hán ngữ đến năm 1945.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, đóng vai trò chính trong việc ra quyết định dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp.
Ông soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt và đưa bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Đây là cơ sở cho chương trình trung học trên toàn Việt Nam ở cả hai miền dưới hai chế độ đối nghịch.
Các sách giáo khoa chịu ảnh hưởng của giai đoạn Hoàng Xuân Hãn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu từ 1936 đến 1947.
Đó là thời gian ông xuất bản tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, soạn từ vựng danh từ khoa học Toán Lý Hóa cho người Việt Nam.
3.Đòi lại miền Nam để thống nhất lãnh thổ
Theo sử gia Lê Mạnh Hùng, ngày 16/06, Vua Bảo Đại ra tuyên bố thống nhất tương lai của ba kỳ về một.
Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ngay lập tức đàm phán với Nhật để đòi lại ba thành phố trực trị của người Pháp trước đó là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cuộc gặp của Trần Trọng Kim với gặp Trung tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật tại Đông Dương trong tháng 7 đã đem lại kết quả quan trọng.
Tân chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo ba đô thị lớn: Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh làm Thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).
Hà Nội thời Pháp: phố mang tên nhà thám hiểm thực dân Jean Dupuis ở lối vào Ô Quan Chưởng
Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên phố từ tên Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
Sang tháng 8/1945, Nhật Bản đồng ý trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Không có quân đội riêng, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ dựa vào tình thế và quyết tâm của các trí thức để đàm phán với Nhật Bản.
Nhưng về mặt chính trị, tâm lý dân tộc và hành chính, nhận lại Nam Kỳ là thành tựu có tính biểu tượng quan trọng.
Hành động này không chỉ xóa nỗi nhục bại trận - cuộc chiến mất nước của Đại Nam bắt đầu từ Nam Kỳ - mà còn duy trì giấc mơ thống nhất ba miền các bậc tiền bối nuôi dưỡng.
4.Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập
Dù không có thực quyền và không được các đại cường công nhận - bởi là chính quyền có quan hệ mật thiết với Đế quốc Nhật - Trần Trọng Kim, đã lập ra Hội đồng dự thảo Hiến pháp
 Hội đồng gồm các trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường.
Hiến pháp công nhận tự do lập nghiệp đoàn, các hội nghề nghiệp.
Tổng hội Công chức ra đời để làm lực lượng chính trị ủng hộ cho tân chính phủ.
Các hội đoàn thanh niên sau là cơ sở cho các phong trào vũ trang chống Pháp của cả phe cộng sản và cộng hòa.
Trong Tuyên chiếu 03/05/1945, vua Bảo Đại đã viết:
"Muốn cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến pháp.
Hiến pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của nhân-dân."
Đặc biệt, theo lời nhà vua, "Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả."
Tuy nhiên, hoạt động lập pháp này đã không hoàn tất được vì các công việc cấp bách hơn như cứu đói cho miền Bắc.
Theo sử gia Trần Gia Phụng, chính phủ Trần Trọng Kim tuy được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, đã hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.
5. Rút lui và trao quyền cho thế hệ cách mạng
Các hạn chế của chính phủ Trần Trọng Kim đã được nói đến nhiều, gồm cả việc không có Quốc hội, không có quân đội và không được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản.
Nội các này đã tan rã trong làn sóng cách mạng nổi lên và mục tiêu giành giật vùng ảnh hưởng của các đại cường.
Ý thức được những vấn đề đó, các trí thức trong chính phủ này đã chọn con đường trao lại quyền lực không đổ máu cho một chính quyền do Việt Minh lãnh đạo.
Được biết vua Bảo Đại đã không cho binh lính mai phục bắn vào nhóm thanh niên theo Việt Minh trèo lên kỳ đài ở Huế hạ cờ vàng và kéo cờ đỏ sao vàng lên cột ngày 21/08.
Tại Hà Nội, tuần hành của Tổng hội Công chức ngày 19/08 bị 'cướp cờ' biến thành biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo.
Dù vậy, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đã không cho Bảo an binh bắn vào đoàn biểu tình và cũng không yêu cầu quân Nhật can thiệp.
Là chính phủ chuyên viên đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại, nội các Trần Trọng Kim đã rút lui trong hòa bình để trao quyền lại cho thế hệ các chính khách và nhà làm cách mạng chuyên nghiệp.
Theo chính lời ông Trần Trọng Kim kể lại, quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào giai đoạn tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng trong các năm 1945-46.
Về thể chế, Đế quốc Việt Nam rút lui đã khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cộng hòa với các tiến bộ và hệ lụy như đã biết về sau.

Saturday, September 12, 2020

CUỘC CHIẾN KIỂM THÍNH THÀNH CÔNG NHẤT CỦA TÌNH BÁO MỸ

 

Click image for larger version

Name:	d.jpg
Views:	0
Size:	90.5 KB
ID:	1652228
Thiết bị nghe trộm đặc biệt "Cocoon"; Nguồn: topwar.ru
 

Trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã thu thập thông tin tình báo bằng mọi cách, kể cả dùng tàu ngầm và thiết bị chuyên dụng để nghe trộm qua các đường cáp dưới đáy biển.

Khởi đầu đối đầu trên biển

Trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ rất muốn có được thông tin về công nghệ tàu ngầm và hỏa tiển của Liên Xô, đặc biệt là việc thử ICBM và khả năng tấn công hạt nhân đầu tiên.

Các nỗ lực đầu tiên để thu thập thông tin tình báo về Liên Xô bằng tàu ngầm bắt đầu vào cuối những năm 1940. Tuy nhiên, chuyến do thám của hai tàu ngầm diesel-điện USS "Cochino" (SS-345) và USS "Tusk" (SS-426) của Mỹ gần bờ biển bán đảo Kola năm 1949 đã bị thất bại hoàn toàn.

Những chiếc tàu ngầm được trang bị thiết bị trinh sát điện tử hiện đại đã không thể thu được một số khả dĩ thông tin có giá trị, trong khi tàu ngầm Cochino còn bị hỏa hoạn.

Tàu ngầm "Tusk" đã tìm cách đến cứu chiếc tàu bị nạn, đưa một phần thủy thủ đoàn khỏi "Cochino" và kéo nó về các cảng của Na Uy. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm xấu số này không đến được Na Uy, một vụ nổ đã xảy ra, và tàu bị chìm; bảy thủy thủ thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Mặc dù thất bại, các Hải quân và cộng đồng tình báo Mỹ không từ bỏ dã tâm của mình.

Các tàu của Mỹ thường xuyên tiếp cận bờ biển Liên Xô để do thám cả ở bán đảo Kola và Viễn Đông, bao gồm cả vùng Kamchatka. Mùa hè năm 1957, gần Vladivostok, các tàu hộ vệ chống ngầm của Liên Xô đã phát hiện và buộc tàu trinh sát đặc nhiệm USS "Gudgeon" của Mỹ phải nổi lên. Hải quân Liên Xô cũng không từ việc sử dụng cả bom độ sâu.

Tình hình thực sự bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện ồ ạt của các tàu ngầm nguyên tử, vốn có thể hoạt động độc lập hơn nhiều và không phải nổi lên mặt nước trong suốt chiến dịch.

Việc chế tạo tàu ngầm trinh sát dùng năng lượng hạt nhân đã mở ra các cơ hội và khả năng mới. Một trong những tàu ngầm loại này là USS Halibut (SSGN-587), được hạ thủy vào tháng 1/1959 và được đưa vào trang bị tháng 1/1960.

Tàu ngầm hạt nhân Halibut

Tàu ngầm do thám chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Halibut; Nguồn: topwar.ru    
 
Tàu ngầm hạt nhân USS Halibut (dịch sang tiếng Nga là "Cá chim", còn có ký hiệu SSGN-587) ban đầu được thiết kế như một tàu ngầm cho các chiến dịch đặc biệt.

Nhưng trong một thời gian dài, nó đã được sử dụng để phóng thử
hỏa tiển dẫn đường và với vũ khí hỏa tiển, nó cũng được sử dụng như một tàu ngầm hạt nhân đa năng. Năm 1968, Halibut đã được hiện đại hóa sâu và được tái trang bị cho các nhiệm vụ do thám hiện đại.

SSGN-587 là tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ có lượng choán nước trên mặt nước hơn 3.600 tấn và dưới nước khoảng 5.000 tấn, có chiều dài 106,7m, tốc độ tối đa trên mặt nước 15 hải lý/giờ và tốc độ khi lặn 20 hải lý/giờ, lò phản ứng hạt nhân có công suất cực đại 7.500 mã lực, chứa được 97 thủy thủ.

Năm 1968, tàu ngầm Halibut được hiện đại hóa tại nhà máy đóng tàu Mare Island (California) và quay trở lại căn cứ tại Trân Châu Cảng vào năm 1970.

Trong thời ở nhà máy, các thiết bị đẩy bên, sonar gần và xa, một phương tiện kéo bằng tời dưới nước, thiết bị hình ảnh và video trên tàu, và một camera lặn đã được trang bị cho chiếc tàu ngầm này.

Ngoài ra, trên tàu ngầm được cài đặt các thiết bị máy tính hiện đại và mạnh, cũng như một bộ thiết bị khảo sát hải dương khác nhau. Với các trang thiết bị này, Halibut đã nhiều lần đến biển Okhotsk, kể cả trong lãnh hải của Liên Xô, để thực hiện các hoạt động do thám.

Chiến dịch do thám Ivy Bells

Vào đầu năm 1970, giới chức quân sự Mỹ biết được sự tồn tại của một đường dây liên lạc bằng cáp giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) ở Kamchatka và Sở chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok được đặt dưới đáy biển Okhotsk.

Thông tin được nhận từ các đặc vụ đã được xác nhận bởi trinh sát vệ tinh, và thực tế Liên Xô tuyên bố biển Okhotsk là lãnh hải của mình, đưa ra lệnh cấm tàu nước ngoài qua lại. Các cuộc tuần tra thường xuyên, cũng như các cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương được thực hiện trên biển, các cảm biến âm học đặc biệt được đặt ở phía dưới.

Hải quân, Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cục An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đã quyết định tiến hành một chiến dịch tình báo bí mật mang mật danh “Ivy Bells” (“Hoa thường xuân”) - nghe trộm cáp liên lạc dưới biển để bắt các thông tin đặc biệt quan trọng về công nghệ tàu ngầm hạt nhân và
hỏa tiển chiến lược của Liên Xô đóng tại căn cứ ở Vilyuchinsk.

Halibut với các thiết bị trinh sát hiện đại đã được sử dụng cho chiến dịch đặc biệt này, có nhiệm vụ tìm một cáp ngầm và lắp đặt một thiết bị nghe trộm đặc biệt có tên là "Cocoon".

"Cocoon" được tích hợp tất cả những thành tựu của công nghệ vô tuyến-điện tử tiên tiên nhất của người Mỹ vào thời điểm đó. Hình dáng bên ngoài thiết bị được đặt ngay phía trên cáp biển này là một khối hình trụ dài khoảng 7m, đường kính 1m.

Ở phần đuôi của nó có một nguồn năng lượng plutonium, về thực chất, là một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ. Nó cần thiết cho hoạt động của thiết bị được lắp đặt trên tàu, bao gồm cả máy ghi âm, được sử dụng để ghi lại các cuộc trò chuyện/đàm thoại.

Tháng 10/1971, Halibut đã thâm nhập thành công biển Okhotsk và tìm được cáp thông tin liên lạc dưới nước của Hải quân Liên Xô ở độ sâu lớn (các nguồn khác nhau cho biết từ 65 đến 120m). Tại khu vực đã định, một phương tiện điều khiển dưới biển sâu được phóng từ một tàu do thám, sau đó các thợ lặn căn chỉnh và lắp đặt Cocoon lên dây cáp.

Thiết bị này thường xuyên ghi lại mọi thông tin các cuộc đàm thoại giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô ở Petropavlovsk-Kamchatsky và Vilyuchinsk và Bộ chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok.

Trình độ công nghệ của những năm đó còn hạn chế, thiết bị không có khả năng truyền dữ liệu, tất cả thông tin đều được ghi lại và lưu trữ trên phương tiện từ tính. Mỗi tháng một lần, các tàu ngầm Mỹ phải quay lại khu vực cài thiết bị để các thợ lặn thu thập băng từ đã ghi, lắp đặt băng từ mới trên Cocoon. Sau đó, thông tin nhận được được đọc giải mã và nghiên cứu toàn diện.

Một phân tích về các đoạn ghi âm cho thấy Liên Xô tin tưởng vào độ tin cậy và khả năng không bị nghe trộm của cáp, vì vậy nhiều bản tin được truyền đi dưới dạng văn bản mở, không mã hóa.

Nhờ các thiết bị trinh sát và việc sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng, hạm đội Mỹ trong nhiều năm đã có được các thông tin tuyệt mật liên quan trực tiếp đến an ninh của Liên Xô và Mỹ. Quân đội Mỹ tiếp cận được thông tin về căn cứ chính của các tàu ngầm chiến lược thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Chiến dịch Ivy Bells bị bại lộ

Sĩ quan NSA Pelton tiết lộ về chiến dịch Ivy Bells bị bắt năm 1985; Nguồn: topwar.ru

 Chiến dịch Ivy Bells là một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất của Hải quân Mỹ, CIA và NSA trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó đã kết thúc trong thất bại. Sau hơn 8 năm nghe trộm thông tin liên lạc của Hải quân Liên Xô ở Viễn Đông, bí mật về thiết bị nghe trộm kết nối với cáp dưới biển đã được KGB biết đến. Một sĩ quan NSA đã cung cấp thông tin về chiến dịch này cho đặc vụ Liên Xô cư trú tại Hoa Kỳ.

Sĩ quan NSA đó là Ronald William Pelton - người đã thất bại trong một cuộc kiểm tra nói dối vào tháng 10/1979 khi được hỏi về việc sử dụng ma túy. Bài kiểm tra được thực hiện là một phần hồ sơ và ảnh hưởng đến sự nghiệp của Pelton - người bị giáng chức, bị tước quyền truy cập thông tin mật, và lương hàng tháng của nhân viên NSA bị cắt một nửa.

Cay cú với việc này, tháng 1/1980, tiếp cận Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, Pelton - người đã làm việc tại NSA trong 15 năm - đã chia sẻ những thông tin quý giá có thể tiếp cận trong suốt sự nghiệp của mình, trong đó có chiến dịch Ivy Bells.

Thông tin có được đã cho phép Hải quân Liên Xô trong những ngày cuối tháng 4/1980 tìm thấy và trục vớt, đưa lên mặt nước thiết bị trinh sát "Cocoon"của Mỹ.

Chiến dịch do thám Ivy Bells chính thức bị khép lại. Điều đáng nói nữa là nhờ thông tin có giá trị, Pelton đã nhận được từ Liên Xô 35 nghìn USD - số tiền không thể so sánh với chi phí của Mỹ cho chiến dịch do thám ở biển Okhotsk và những thông tin thực sự vô giá mà Bộ chỉ huy Mỹ nhận được trong nhiều năm.

 Tuấn Anh/VOV