; }

Thursday, April 25, 2019

30/04 : VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐỂ LẠI NHIỀU DI SẢN QUÝ CHO NGÀY NAY VÀ TƯƠNG LAI


Trước tiên, di sản lớn nhất của VNCH đã để lại cho thế hệ sau 1975 phải nói đến là nền âm nhạc phong phú, đa dạng và chan chứa tình tự dân tộc và văn hóa dân gian.

Bất chấp chủ trương diệt tận gốc rễ của chính quyền mới sau tháng 4/1975, nét văn hóa bất diệt này vẫn tồn tại ở miền Nam và sau đó lan dần ra miền Bắc. Ban đầu chỉ có một số nhỏ bài hát được phép trình diễn chính thức, nhưng danh sách này lớn dần và đến nay thì hình như không có lệnh cấm giới hạn nữa.
  
Phong trào nhạc Bolero, hay còn được gọi là "nhạc vàng" tràn ngập bây giờ là ví dụ hùng hồn nhất.
                                                                                                                        
Nhưng trong giới hạn của bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến các di sản chính khác về giáo dục, kinh tế, chính trị hành chính và xã hội.

Tự hào tuổi trẻ và nền giáo dục Miền Nam

Đọc xong vài quyển sách gợi chuyện cũ, tưởng như đã được rũ sạch nỗi ấm ức cái "hội chứng Việt Nam" (Vietnam syndrome) từ lâu về một đất nước phú cường văn minh như Nam Hàn phải có trong giấc mơ cho xứ mình.

Thật sự từ trên 40 năm nay, sau khi du học ở tuổi 18 rồi ra trường, sống và đi làm nhiều nơi, tôi vẫn chưa tỉnh hay thoát ra khỏi "NÓ". Tôi chưa giải tỏa được nỗi ấm ức của "giấc mơ xưa" ở tuổi thanh xuân. Tôi từng có những giấc mơ đội đá vá trời và lòng tự tin nhưng suốt đời vẫn chưa tìm thấy chốn "dung thân" để phục vụ lý tưởng tuổi trẻ.

Đã từng về làm việc ở Sài Gòn từ đầu thập niên 2000 cho đến 2014, tôi thấy hàng ngày sự phồn thịnh hơn của xã hội về vật chất so với những ngày tuổi trẻ miền Nam của tôi, nhưng tôi vẫn tò mò tìm hiểu nơi đám người tuổi trẻ hiện nay, xem họ có chia sẻ cái "phần hồn ngày xưa" của đám anh em chúng tôi đã lớn lên trong cùng thành phố này.

Chúng tôi lớn lên trong khung cảnh của một đất nước loạn ly, nhưng may mắn còn được hấp thụ một nền giáo dục, tuy mang tiếng "từ chương" lý thuyết nhưng vẫn có một giá trị tối thiểu nào đó được chứng minh sau này khi đàn chim non miền Nam chúng tôi tốt nghiệp trung học, bay ra khắp các chân trời thế giới đã ghi lại nhiều thành tích trong các trường đại học Âu Mỹ.

Chúng tôi còn may mắn lớn lên trong một nền lễ giáo cổ truyền Việt Nam còn sót lại, tôn trọng các giá trị gia đình cao đẹp từ ngàn xưa, những tin yêu vào tình đời tình người vẫn còn mạnh mẽ.

Nhất là thời kỳ "vàng son" 1955-63 của nền Đệ nhất Cộng hòa trong thanh bình thịnh vượng của một VNCH dân chủ tương đối.

Đáng nói nhất là đám thiếu niên tuổi 15-16 thuở chúng tôi đã manh nha một lòng yêu nước mãnh liệt, muốn góp tay xây dựng một đất nước phú cường bằng sự chăm chỉ học hành trau dồi kiến thức, mơ tưởng đến một nền kinh tế hùng mạnh, một xã hội ấm no công bằng.

Chúng tôi chỉ có ý nghĩ đơn giản như đại đa số thanh thiếu niên trong các nước Á châu khác lúc ấy, là sẽ cố gắng học hành hay làm việc để xây dựng đất nước bằng một nền kinh tế vững chắc. Đó là lưu dấu kỷ niệm đậm đà nhất của tuổi thanh niên mới lớn ở miền Nam.

Sau này, khi có dịp về sống ở Sài Gòn rồi ngồi trầm ngâm hàng giờ bên ly cà phê ở quán Continental, tôi ngỡ ngàng xem từng đoàn xe máy phóng như đua chung quanh Nhà hát Thành phố -Trụ sở Hạ nghị viện VNCH trước 1975 - của những người trẻ tuổi bây giờ.
Giới trẻ VN đang hướng về tương lai

Họ la hét ầm ĩ, có vài cô mặc thiếu vải nhún nhảy tự nhiên trên băng sau của những chiếc xe máy Honda đắt tiền kiểu mới nhất, ăn mừng trận bóng tròn vừa thắng Thái Lan hay Malaysia.

Họ hét to "Việt Nam vô địch" như thể hiện ý chí chiến thắng đó giống các nhóm khán giả đông đảo thường la to mỗi lần có mặt trên những sân vận động.

Nhóm đua xe đông quá và dường như tạo thành sức sống mãnh liệt cho cái thành phố quá tải của đất nước được mệnh danh là "non trẻ" này, khi các nhóm trẻ từ 20 đến 40 tuổi được ước tính chiếm 40% dân số, vẫn là một ẩn số lớn về xã hội và chính trị.

Những người trẻ bay lượn trong phố đêm trên những "mô tô bay" như biểu hiện của tự do, của văn minh còn được tìm thấy cho tuổi trẻ của mình trong đất nước đó. Tôi chợt hiểu tại sao họ thường "đi bão, xuống đường" tràn ngập với những rừng cờ đỏ, băng rôn hay tô son vẽ mặt đậm màu quốc kỳ để chào mừng một trận vừa thắng "kẻ địch".

Bên trên những chiếc xe máy tốc độ giúp cái hừng khí ngắn ngủi chợt tìm thấy, lòng yêu nước được dịp tỏ rõ qua những sự kiện thể thao. Đam mê còn lại đó cùng những ly bia đầy giúp họ xóa đi cái vô cảm hàng ngày với những vấn đề lớn hơn của xã hội, và bớt đi cái mặc cảm thiếu trách nhiệm với một đất nước tụt hậu thua kém láng giềng. Họ có vẻ ít nghĩ xa như vậy.

Những người lớn tuổi xưa cũ của thành phố này thường tỏ lộ u hoài, nói với tôi là họ nhớ lại các thế hệ cùng tuổi như chúng tôi dạo 1960-1970. Ngay chính Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, Nguyễn Thị Kim Ngân, vốn gốc tỉnh Bến Tre thời VNCH, cũng phải tâm sự lên tiếng khen nền giáo dục cũ của miền Nam.

Những ý nghĩ vụn này đã tạo dịp cho tôi được sống lại những tự hào của một thời tuổi trẻ trong thành phố Sài Gòn, được hưởng nền giáo dục VNCH, với lý tưởng mộng mị cho một Việt Nam hùng mạnh tương lai.

Ra đi du học mong trau dồi kiến thức với tâm huyết hừng hực của một thanh niên tuổi 20, và sau này lúc ra đời làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn mang trái tim phục vụ tuổi 30 dù mái tóc đã điểm sương.
Nồng nhiệt đón người Mỹ trở lại Sài Gòn: Vợ của diễn viên Hollywood, bà Pamela Hasselhoff bắt tay các cô gái Việt Nam trong lễ đón chiếc phi cơ của United Airlines, Boeing 747-400 trong chuyến bay thương mại đầu tiên của một hãng hàng không Hoa Kỳ trở lại Tân Sơn Nhất tháng 12/2004

Và cùng với người Sài gòn bấy giờ, tôi vẫn thấy bừng lên sức sống với giấc mơ xưa: Biết đâu sẽ có một ngày?

Di sản cộng hòa cho Việt Nam nay là gì?

A. VNCH và thành công kinh tế thị trường

Dù chưa được quen thuộc nhiều với các định chế kinh tế và tài chính quốc tế hay các nền kinh tế tư bản lớn, VNCH đã biết sớm theo các qui luật của nền kinh tế thị trường và nhất là nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân.

Điều này tương phản hoàn toàn với nền kinh tế VN bây giờ, sau 44 năm thống nhất, vẫn loay hoay với lý thuyết "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" mà không ai chứng minh được.

Các thay đổi lớn sau ba thập niên Đổi Mới từ những năm 1986-1989 đã giúp VN có một bộ mặt tương đối phồn thịnh ở các thành thị, nhưng đi dần vào bế tắc nếu không có các cải cách thể chế song hành với cải cách kinh tế ở giai đoạn tới. So sánh thời kỳ 21 năm dưới VNCH với thời gian ít hơn một nửa so với 44 năm của nước VN thống nhất, hai di sản kinh tế nổi bật của VNCH là:

Cách mạng Xanh

Đặc biệt là chính sách "Cải Cách Điền Địa" dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa được tiếp nối bởi "Người Cày Có Ruộng" dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhằm lấy lại các mảnh ruộng bao la nằm tập trung trong tay một số nhỏ đại điền chủ từ thời Pháp thuộc, phát đất rộng rãi cho các tầng lớp nông dân và khuyến khích tự do trồng trọt, nhất là lúa gạo, để miền Nam tự cường.

Ngoài ra, và quan trọng nhất, là những năm về sau Chính phủ VNCH đã cho áp dụng một chính sách qui mô cho gieo hạt lúa mới "Thần Nông" trên toàn vùng đồng bằng Cửu Long, làm tăng gia đột biến năng suất trồng lúa và mức sản xuất gạo của đất nước, đưa đến cả khả năng xuất cảng gạo bắt đầu vào năm 1974. Đây là thành tích kinh tế đáng kể của VNCH khi cuộc chiến tương tàn cũng đi vào giai đoạn ác liệt nhất.

Nước VN thống nhất sau tháng 4/1975 mới chỉ nhận ra tầm quan trọng của chính sách sản xuất lúa gạo tự do với Đổi Mới từ năm 1986 khi đến bờ vực của nạn đói, lúc không sản xuất đủ gạo ăn và dân chúng bắt đầu phải trộn cơm với bo bo từ những năm 1980.

Từ khi chính phủ trung ương ở Hà Nội thay đổi chính sách bằng "ngòi bút" từ nghị quyết năm 1986 cho phép dùng giá cả và sản xuất tự do, di chuyển gạo từ vùng thừa sang vùng thiếu, đã làm lại cuộc "cách mạng xanh" nói trên của VNCH, khởi đầu toàn chiến lược đổi mới nông nghiệp và tiếp đó "lột xác" toàn nền kinh tế trong ba thập niên theo sau.

Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng này đã được thừa hưởng di sản có sẵn của chính sách tự do trồng trọt ở đồng bằng Cửu Long, diện tích trồng đã được phân phối rộng và công bằng ở miền Nam, và nhất là kiến thức nông gia trong việc canh tác lúa "Thần Nông" đã có sẵn. Đáng kể hơn là việc có thể đem kỹ thuật và giống lúa này ra đồng bằng sông Hồng ngoài Bắc, khiến mức sản xuất lúa gạo của toàn cõi tăng kỷ lục, và không ngạc nhiên khi chỉ chục năm sau VN đang từ thiếu gạo ăn trong nước, trở thành xứ xuất cảng gạo hạng ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ.

Khai thác dầu khí

VNCH đã tìm ra vài "túi dầu" đầu tiên vào các năm 1973-74 ở thềm duyên hải Vũng Tàu, chỉ tiếc là chưa kịp thì giờ và vốn đầu tư khai thác để tìm ra dung lượng lớn đáng kể đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng thiếu an ninh do cuộc chiến tiếp diễn hàng ngày đã là yếu tố quyết định khiến các nhà đầu tư ngần ngại.

Nhiều quan sát viên quốc tế và nhà bình luận chính trị sau này đã tiếc cho VNCH là chưa đủ thời gian để khai thác các mỏ dầu và khí ngoài khơi khổng lồ, nhất là đủ để hấp dẫn các hãng dầu Hoa Kỳ.

Nếu có, và nếu các hãng này ký kết khai thác với chính phủ miền Nam dạo đó, chưa chắc gì có cảnh Henry Kissinger ký kết bán đứng VNCH vào năm 1972, sửa soạn cho hiệp định ngừng bắn Paris 1973 và ngày nhân dân miền Nam phải bỏ cuộc tháng 4/75.

Sau 1975, nước VN thống nhất thừa hưởng trọn vẹn và dầu khí từ miền Nam trở thành tài nguyên chủ lực của nền kinh tế VN bây giờ. Ngoài việc đem lại số xuất cảng đáng kể hàng năm cho dân chúng và nguồn lực phát triển, đáng tiếc là một phần tài nguyên đó cũng bị mất mát do tham nhũng và đầu tư phung phí như các tài liệu điều tra mới đây về đầu tư ở Venezuela chỉ ra.

Không cần nhìn đâu xa phức tạp hơn, phải chăng một phần di sản của VNCH là đây?

B. Nền dân chủ của VNCH

Nền dân chủ phôi thai của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) trong khung cảnh mới dành lại độc lập và nền dân chủ được củng cố thêm của Đệ Nhị Cộng Hoà (1967-1975) tuy khiêm nhượng và tương đối, do bị đe dọa hàng ngày bởi cuộc chiến, vẫn cho phép nhân dân miền Nam sống hạnh phúc trong khuôn khổ nhân quyền được tôn trọng theo hiến chương Liên Hiệp Quốc và các quyền tự do căn bản nhất như bầu cử, ngôn luận, hội họp, biểu tình v.v…vẫn được thực thi.
Một ngôi chùa của người Hoa trong Chợ Lớn

Chủ trương pháp trị, hay thượng tôn pháp luật (rule of law) của cả hai nền Cộng hòa với bầu cử Quốc hội và Tổng Thống tương đối tự do; nền hành chánh trung ương và địa phương được điều khiển bởi các chuyên viên kỹ trị được đào tạo bài bản trong các trường chuyên môn (thí dụ nổi bật là trường Quốc gia Hành chánh của miền Nam). Ở mỗi tỉnh, người tỉnh trưởng là nhân vật chính trị hay quân sự do Chính phủ trung ương bổ nhiệm, nhưng Phó Tỉnh trường thường là chuyên viên kỹ trị.

Trái lại, Việt Nam thống nhất bây giờ mới chỉ cổ võ cho bầu cử tự do nhưng chưa bao giờ được thực hiện trong thực tế qua các cuộc ứng cử và bầu cử các Hội đồng Nhân dân và Đại biểu Quốc hội.

Tương tự, Việt Nam bây giờ mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm về cải cách hành chánh như dưới thời VNCH và cử chuyên viên kỹ trị ở cấp trung ương và địa phương.

Quốc hội Việt Nam bây giờ mới sửa soạn các dự thảo luật đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc áp dụng những mô hình mới về tổ chức bộ máy từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc chính phủ trung ương, và chính quyền địa phương cấp Tỉnh và cấp Huyện.

Theo đó, Thủ tướng cũng có thêm quyền thành lập, sát nhập, hay giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc cấp Tỉnh và cấp Huyện.

C. Các tổ chức Xã hội Dân sự

Các tổ chức này dưới thời VNCH được tự do thành lập và hoạt động với qui chế tự trị về cả hành chính và tài chính. Ví dụ như Tổng liên đoàn Lao công hay các Tổ chức chính trị, xã hội và Hiệp hội.

Còn hiện nay, Nhà nước tìm mọi cách để trì hoãn không trình ra Quốc hội hai Dự luật lập hội và Biểu tình, mặc dù hai quyền này của dân đã quy định trong Hiến pháp 2013.

Người dân cũng không được quyền ra báo, như đã duy định trong "quyền tự do ngôn luận" ở Điều 25 Hiến pháp 2013 viết:

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."
Sinh viên biểu tình chống chính phủ Nguyễn Khánh, tháng 8/1964 ở Sài Gòn

Như nói ở trên, những dòng viết ngắn của tôi nhân dịp 44 năm từ biến động lịch sử 30/04/75 không phải là để thêm nước mắt cho một đau buồn còn ghi đậm dấu trong tâm hồn tôi, một con dân Việt Nam Cộng hòa cũ.

Với thời gian hơn 50 năm từ tuổi thiếu niên rời trường, ra nước ngoài du học, rồi bôn ba theo vận nước nổi trôi làm việc bên ngoài, tôi lại tìm cách "chim quay về tổ" trong 12 năm để tò mò xem xứ mình ra sao.

Nhưng cuối cùng, sau những trải nghiệm với thực tế và con người "mới", tôi lại phải ra đi tìm về một nơi qui ẩn để nghĩ lại đời mình và quê hương cũ một cách bình tĩnh hơn.

Tôi tự cho mình trên nguyên tắc là người thuộc "Bên Thua Cuộc" với hai cơ hội bỏ lỡ từ thời 1963 của Đệ nhất Cộng hòa và 1975 của thời Đệ nhị Cộng hòa. Nhưng không phải hoàn toàn do lỗi chúng ta, mà quan trọng hơn là do sự phản bội của nước bạn "đồng minh" Hoa Kỳ không giữ lời cam kết ngăn chặn cuộc tấn công miền Nam của lực lượng cộng sản.

Lời hứa bằng giấy trắng mực đen của Tổng thống đảng Cộng hòa Richard Nixon lúc bấy giờ đã hứa bằng văn thư với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, sau khi ông Thiệu bằng lòng ký Hiệp định Paris 1973.

Do đó mà chúng ta đành chấp nhận kiếp tha hương hiện tại do số mệnh đi từ vận nước không khá kéo dài suốt từ hơn 70 năm nay.

Dù không giữ được miền Nam thân yêu, nhưng chúng ta, những người miền Nam đã để lại di sản VNCH đáng kể cho cả đất nước và dân tộc hôm nay và tương lai.

Các kênh truyền thông và các cuộc tiếp xúc của tôi với người trong nước đều cho thấy đại đa số đồng bào ta đều hướng về di sản đó với lòng thán phục và thiện cảm, cũng như lòng ngưỡng mộ của họ với các nền dân chủ tiến bộ phương Tây.

  Một cách công bằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận về "legacy" của "Bên Thắng Cuộc" (như tựa đề cuốn sách của Huy Đức), nói đúng ra là huyền thoại "chiến thắng" của họ năm 1975 nhờ vào sự mệt mỏi bỏ cuộc của Mỹ do áp lực chính trị ngay từ trong lòng Washington, D.C. và tham vọng chính trị cá nhân của Henry Kissinger muốn bỏ rơi VNCH như "món quà chuộc" lấy lòng Trung hoa, mở ra chiến thắng chính trị và thương mại cho Mỹ với thị trường rộng lớn 1,3 tỷ dân Trung Hoa.

Phần khác, họ đạt được chiến thắng quân sự sau cùng nhờ sự yểm trợ tích cực bền bỉ của Liên Xô và Trung cộng.

Họ đã nắm được quyền hành chính trị, xét cho cùng thì cũng là một "legacy" thôi và nếu họ biết "góp vốn" bằng cái đó vào việc xây dựng một Việt Nam tương lai dân chủ và văn minh trong tình hòa giải dân tộc cả trong và ngoài nước, thì sẽ là công lao lớn cho dân tộc và đất nước.

Nhưng nếu các nhà lãnh đạo hiện nay chỉ biết nắm giữ quyền hành toàn trị, gậm nhắm quá khứ "vinh quang" của chiến thắng 1975 thì "di sản" đó sẽ bị lịch sử xóa đi nhanh chóng.

Đã trải qua thời VNCH, cuộc sống ở hải ngoại và có dịp về Việt Nam ngày nay thường xuyên, tôi tin vào lẽ tuần hoàn của Trời Đất sẽ phải áp dụng cho quê hương cũ: "Cùng tắc biến, biến tắc thông…"

Nhiều người lãnh đạo cũ của VNCH ở tuổi 35-50 lúc ra đi năm 1975 đều đã nằm xuống.

Nhóm lãnh đạo 60-80 tuổi của VN bây giờ cũng phải ra đi vì quy luật thời gian trong 5-10 năm nữa.

  
Các tang lễ liên tiếp của thế hệ lãnh đạo cộng sản 'kháng chiến' gần đây và sắp tới cho thấy họ đang thành quá khứ, và không phải một mà hai ba thế hệ khác trẻ hơn đang trưởng thành, chỉ chưa có quyền được làm chủ quốc gia.

Đất nước không thể "tắc" mãi như thế này, và sắp đến lúc phải có chữ "THÔNG" mà thôi.

Nhất là các thế hệ trẻ 25-55, lớp người quyết định vận mệnh của đất nước Việt Nam trong 5-10 năm nữa, sẽ nối tiếp bó đuốc lãnh đạo và, cùng với thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở hải ngoại quay về, họ sẽ có thể hướng đất nước về một hướng tốt đẹp hơn nhiều.

Và tôi tin rằng họ sẽ để lại tên tuổi trong lịch sử một Việt Nam dân chủ, phồn thịnh, hùng cường trong vùng Đông Nam Á.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Vũ Thăng Long, gửi bài tới Diễn đàn BBC News Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ


Saturday, April 20, 2019

TRÒ CHUYỆN GIỮA TOM GLENN VÀ GEORGE J. VEITH "THÁNG TƯ ĐEN"

BM
Nguyên tác: “Tom Glenn speaks with the author of Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975” (May 10, 2012)

LỜI GIỚI THIỆU:

BM
Tom Glenn

Tháng Tư 1975, khi Tom Glenn – một nhân viên mật vụ – rời khỏi Việt Nam thì George J. Veith chỉ mới tốt nghiệp trung học Hoa Kỳ. 

Đến khi “Jay” Veith rời quân ngũ với cấp bậc Đại Úy binh chủng Thiết Giáp đóng quân tại Đức thì Tom Glenn dành nhiều thì giờ với những bệnh nhân AIDS vì đó là cách duy nhất giúp ông quên đi những ám ảnh đớn đau từ Việt Nam. Một người già, một người trẻ, cách nhau cả một thế hệ nhưng cả hai có cùng một điểm chung: Việt Nam.

Đối với Tom đó là mảnh đất ông đã để lại một phần thân thể – tai ông bị điếc vì tiếng bom nổ. Đối với Jay đó là vùng đất chưa bao giờ đặt chân tới nhưng chất chứa quá nhiều thứ bị che dấu. Sau nhiều năm ròng rã tìm hiểu, Jay đã khám phá ra nhiều điều đáng kinh ngạc. Những sự thật lịch sử trong hai năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa được ông trưng ra trong tác phẩm dày trên 600 trang: “Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75“.

BM
  
Dưới đây là cuộc phỏng vấn tác giả “Black April ” – George J. Veith, được thực hiện bởi tác giả “Last of The Annamese” – Tom Glenn.

Tom Glenn: Anh đã có 3 cuốn sách viết về [chiến tranh] Việt Nam, thế nhưng anh lại lớn lên khi cuộc chiến đã tàn. Lý do gì anh đam mê đề tài này đến thế?

Jay Veith: Ngay khi tôi chỉ mới là đứa trẻ, tôi đã rất thích thú với hai điều trong lịch sử: những biến cố quân sự và những bí ẩn lịch sử. Do đó, tôi bị thu hút bởi vấn đề Tù Binh/Quân Nhân Mất Tích, một vấn đề đáp ứng cả hai sở thích của tôi từ lúc nhỏ. Khoảng 20 năm trước, một người bạn biết đến khả năng biên khảo của tôi đã nhờ tôi giúp ông truy tìm một số tài liệu trong căn cứ quân sự Carlisle Barracks tại tiểu bang Pennsylvania. Trong khi lục lạo các hồ sơ trong “Vietnam Room”, tôi phát giác ra các bản sao những báo cáo gốc của cơ quan Joint Personnel Recovery Center, một đơn vị được thành lập tại Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu tù binh Hoa Kỳ. Vậy mà hầu như chưa có tài liệu nào được công bố về đơn vị này, theo như tôi được biết. Và vì luôn bị thôi thúc phải viết, nên tôi đã nhận ra ngay là cuối cùng thì dịp may đã đến với tôi!

Tom Glenn: Những cuốn sách của anh được viết với cung cách của người có kinh nghiệm trực tiếp. Anh đã từng đến Việt Nam chưa? Anh có nói được tiếng Việt không?

Jay Veith: Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam – mặc dù tôi luôn muốn đến thăm nơi ấy. Sau khi dành rất nhiều thì giờ nghiên cứu về chiến tranh [Việt Nam], tôi cảm thấy như đó là quê hương thứ hai của mình! Tôi không nói được tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi có một người bạn tốt, ông Merle Pribbenow, là người đã dịch tất cả các tài liệu rất bao quát nầy. Ông Merle từng phục vụ tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn từ tháng Tư, 1970 cho đến ngày 29 tháng Tư, 1975. Thật may mắn cho tôi vì Merle, cũng như tôi, có một mối quan tâm sâu sắc, trong việc đưa ra ánh sáng những gì đã thực sự xảy ra trong cuộc chiến. Đối với ông ấy, cũng giống như đối với ông, đó là chuyện cá nhân. Còn đối với tôi, đó chỉ là một bí ẩn lịch sử lớn cần được điều tra.

Tom Glenn: Nếu anh không nói được tiếng Việt, vậy làm thế nào anh có thể phỏng vấn những người Việt đã trải qua cuộc biến động tại Việt Nam? Anh đã phỏng vấn bao nhiêu người Việt?
 
Jay Veith: Phỏng vấn những người Việt Nam là một công việc đầy tế nhị, khác hẳn phỏng vấn những người Mỹ. Một khi đã xác định được một sĩ quan người Việt nào bạn muốn nói chuyện, cách tốt nhất là được sự giới thiệu chính thức từ một người hoặc là trong gia đình ruột thịt, hay thuộc “đại gia đình quân đội” (cùng khoá, cùng đơn vị, cùng binh chủng v.v…) hoặc từ người đã từng là sếp trực tiếp hoặc từng có cấp bậc cao hơn. Nếu như họ đồng ý cho phỏng vấn, bạn phải đi theo trình tự: giải thích bạn là ai, bạn đang tìm kiếm thông tin gì, và bạn dự định làm gì với thông tin đó. Thường thì tôi bắt đầu bằng cách hỏi họ sinh ra ở đâu, họ vào quân đội như thế nào, v.v… Sau khi chúng tôi cảm thấy khá thoải mái với nhau, và cũng còn tùy thuộc vào tính khí và khả năng nói tiếng Anh của người ấy, chúng tôi mới có thể đi vào các khía cạnh cụ thể của một trận chiến.

Nếu người được phỏng vấn có trở ngại về tiếng Anh, tôi sẽ yêu cầu họ viết những trải nghiệm của họ bằng tiếng Việt và sau đó tôi nhờ người dịch lại. Cách làm này đạt kết quả rất tốt. Tôi đã phỏng vấn khá nhiều, có lẽ khoảng 45 sĩ quan, từ Đại Tướng Cao Văn Viên – vị Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội miền Nam Việt Nam – xuống đến các tiểu đoàn trưởng.

Nhiều người rất cởi mở, họ không chỉ ngạc nhiên khi thấy một người Mỹ quan tâm đến câu chuyện của họ mà còn vui mừng khi tôi muốn tìm hiểu về kinh nghiệm chiến tranh của họ. Tuy nhiên cũng có một số người rất đắn đo trong lời nói. Một số khác thì không thể thuật lại một cách chi tiết vì bị bệnh tật hoặc tinh thần chưa ổn định, hậu quả của nhiều năm tù đày. Còn một số ít, phần nhiều là các sĩ quan cao cấp, đã từ chối nói chuyện.

Đối với tất cả những sĩ quan tôi có dịp tiếp xúc, cuộc phỏng vấn bắt họ phải trải qua những thời khắc vô cùng đau đớn. Tôi không thể nào thể hiện đầy đủ lòng biết ơn với những người ấy.

Thật không dễ dàng [khi phải] chứng kiến những người đàn ông luống tuổi – những người từng dạn dày trong chiến đấu, từng khổ nhọc trong tù đày – đã bật khóc khi nói đến sự mất mát đồng đội hoặc sự kết thúc chiến tranh.

Tom Glenn: Tôi được biết có hai sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tự sát khi Miền Nam thất thủ. Trường hợp tuẫn tiết như thế có nhiều không?

Jay Veith: Tôi lại biết có tới năm vị tướng đã tự sát. Rất nhiều sĩ quan cấp thấp hơn cũng đã tuẫn tiết.

Một câu chuyện không được ghi lại trong sách (Black April) nhưng luôn ám ảnh tôi. Có lần tôi phỏng vấn tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn Nhảy Dù. Lúc ấy là khoảng 1 giờ sáng, và chúng tôi đang ngồi trên bậc thềm trước nhà anh ta. Khi chúng tôi gần xong câu chuyện thì anh chợt bắt đầu kể về những ngày cuối cùng [của cuộc chiến]. Anh cho biết vào đêm 29 tháng Tư, vị lữ đoàn trưởng của anh đã ra lệnh cho đơn vị anh phải yểm trợ để bảo vệ căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt. Vị lữ đoàn trưởng còn năn nỉ anh đừng bỏ rơi ông ấy. Vì vậy, khi anh tiểu đoàn trưởng này bắt đầu rời khỏi căn cứ để đảm nhiệm việc phòng thủ bên ngoài vành đai, anh đã hết sức phân vân giữa hai lựa chọn: Hoặc khi ra khỏi cổng căn cứ thì rẽ phải để đi đến các vị trí được chỉ định. Hoặc rẽ trái và đi về phía bến cảng, tại đó anh hy vọng gặp được một tàu Hải Quân đang thoát chạy ra khơi. Và, người sĩ quan ấy đã chọn… rẽ phải, chọn ở lại với nhiệm vụ được giao phó.

Cuối ngày hôm sau, sau khi nghe lệnh đầu hàng, anh nhận được tin qua máy truyền tin từ một đồng đội cho biết họ đang rút lui đến một tòa nhà trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt. Do dự vài phút, nhưng rồi anh cũng lái xe jeep đến nơi tập họp. Nhưng đúng lúc anh vừa tới nơi thì nghe thấy một tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển cả tòa nhà. Rất nhiều đồng đội của anh đã tự sát trong đó. Anh chấm dứt câu chuyện, mắt anh đẫm lệ. Còn tôi, lặng im mà xúc động đến run cả người.

Nghe xong câu chuyện ấy chúng ta còn điều gì để nói nữa?

Và điều tệ nhất ở đây là, do hậu quả của việc rẽ phải thay vì rẽ trái – để làm tròn nhiệm vụ và không bỏ rơi những người lính cũng như người chỉ huy – người sĩ quan ấy đã phải ngồi tù 10 năm!

Tom Glenn: “Tháng Tư Đen” đưa ra những câu trả lời thỏa đáng cho rất nhiều câu hỏi của tôi về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Vậy, còn có những câu hỏi nào anh cảm thấy vẫn cần có câu trả lời?

Jay Veith: Câu hỏi chính sẽ xoay quanh những gì Bộ Chính Trị [Bắc Việt] đã thực sự toan tính ngay trước và ngay sau khi ký kết Hiệp Định Hòa Bình Paris. Vẫn còn một lỗ hổng khá lớn trong sách vở Việt Nam về khoảng thời gian này. Đối với số câu hỏi khác, ông sẽ phải đợi cho đến khi tập thứ hai của tôi ra đời! Cuốn sách này sẽ đề cập đến các mưu đồ chính trị và ngoại giao.

Tom Glenn: Vì lý do nghề nghiệp, tôi chú ý tới vai trò của sự lừa bịp về mặt tình báo truyền tin và truyền thông trong trận chiến cuối cùng. Theo anh, tầm quan trọng của mỗi yếu tố như thế nào?
 
Jay Veith: Chiến lược của Cộng Sản cho mỗi chiến dịch bao gồm các kế hoạch lừa dối công phu. Hầu hết các kế hoạch này là nhằm đánh lừa tình báo truyền tin của Mỹ và QLVNCH mà trong chiến tranh có lẽ là nguồn tin tình báo tốt nhất của chúng ta. Tuy nhiên, có những ý kiến khác nhau về việc Cộng Sản có thành công hay không. Tại Ban Mê Thuột, chắc hẳn nó đã đóng một vai trò quan trọng, ít ra trong việc khiến cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú tin rằng quân đội Bắc Việt sẽ tấn công vào Pleiku chứ không phải vào Ban Mê Thuột. Với Quân Đoàn I, tôi nghĩ đó là một thất bại hoàn toàn. Câu hỏi lớn hơn, hy vọng một ngày nào đó Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency –NSA) sẽ trả lời, là họ và tình báo tuyền tin của miền Nam thực sự đã biết tới mức nào. Tôi cho rằng điều đó phù hợp với câu hỏi của ông về những gì vẫn còn cần câu trả lời.

Tom Glenn: Trong số rất nhiều câu chuyện buồn về những người phải cam chịu thất bại, câu chuyện nào khiến anh xúc động nhất?

Jay Veith: Những chuyện xúc động thì quá nhiều. Câu chuyện người sĩ quan mà tôi vừa kể là buồn nhất. Sau đó, anh ấy nói với tôi là khi còn ở trong trại tù Cộng Sản, anh đã phải ăn gián để sống. Một nguồn protein tốt, anh còn nói thế. Tôi hỏi anh đã ăn bao nhiêu con gián? Chắc cỡ 10 ngàn con, anh trả lời. Hãy thử tưởng tượng mình phải bỏ con gián vào miệng! Tôi còn nhớ tới một vị chỉ huy tiểu đoàn khác, lần này là một sĩ quan Biệt Động Quân, anh nói với tôi rằng cha mẹ anh đã phải trông chừng anh liên tục từ ngày có lệnh đầu hàng cho đến khi anh phải trình diện đi tù. Họ sợ anh sẽ tự tử vì quá tuyệt vọng.

Tom Glenn: Tôi thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Iraq và đặc biệt là Afghanistan. Có đúng thế không?

Jay Veith: Không hẳn vậy. Kẻ thù hoàn toàn khác, trật tự chính trị thế giới đã được định hình lại hoàn toàn, và người ta không thấy thái độ chống chiến tranh gay gắt xảy ra trong chiến tranh [Iraq]. Nếu nhìn rộng hơn ra, tôi cho rằng người ta có thể rút ra sự tương đồng về một cuộc chiến bất khả chiến thắng, v.v…, nhưng tôi không cho rằng các viễn kiến lịch sử tương tự nhau.

Tom Glenn: “Tháng Tư Đen” là cuốn sách đầu tiên của một bộ hai tập. Vậy, chủ đề của cuốn sách thứ hai là gì? Bao giờ thì sách được xuất bản?

Jay Veith: Cuốn thứ hai sẽ đề cập tới các vấn đề chính trị, ngoại giao và kinh tế làm Nam Việt Nam sụp đổ. Cụ thể, sách sẽ thảo luận về các mưu mô ngoại giao trong những ngày cuối khi các quốc gia cố gắng dàn xếp một lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, sách sẽ nói tới một câu chuyện có lẽ là bí mật lớn cuối cùng của Chiến Tranh Việt Nam. Còn khi nào nó sẽ được xuất bản thì xin để cho tôi thêm vài năm. Việc nghiên cứu coi như đã xong, tôi chỉ cần tìm thời gian để viết.

(Ghi chú: Jay Veith quyết định nghỉ việc vào tháng Năm 2018 để dành toàn thời gian cho sách – TBA)

Tom Glenn: Trong tất cả các yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam, điều gì nghiêm trọng nhất? Chúng ta có thể tránh được điều ấy không?

Jay Veith: Đúng, chúng ta có thể tránh đươc. Nhưng nó đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ về ý chí và sự tham gia của người Mỹ, là những yếu tố mà chúng ta sẽ rất khó khăn để duy trì.

Tom Glenn: Nếu tất cả hỏa lực, nhân lực và tài nguyên mà Hoa Kỳ mang đến không thể chiến thắng cuộc chiến chống lại Bắc Việt, tại sao chúng ta nghĩ rằng chỉ riêng Nam Việt Nam có thể làm nổi điều đó? Kế hoạch Việt Nam Hóa (đào tạo và trang bị cho Nam Việt Nam tiếp tục chiến đấu mà không có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường) có tác dụng gì không?

Jay Veith: “Việt Nam Hóa” đã có tác dụng. Tuy nhiên, không có tướng lãnh Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam nào tin rằng đất nước này có thể đứng vững nếu không có đầy đủ sự yểm trợ của Không Quân Mỹ. Lý do đơn giản là vì địa hình Việt Nam, chứ không phải vì sự thiếu ý chí của Nam Việt Nam. Tôi sẽ trình bày chính xác hơn trong cuốn sách tiếp theo của tôi. Nhìn bên ngoài, tình hình tiếp tế của Bắc Quân có vẻ rất tốt. Nhưng có điều ít ai biết hay hiểu ra, đó không phải là do Trung Cộng và Nga Xô chi viện ào ạt mà là do Bắc Việt đã dốc tất cả kho vũ khí của họ ra. Nói một cách khác, họ đánh xả láng cú chót để giành chiến thắng. Thật không may, lần này họ đã đoán đúng. Tôi chỉ mới phát hiện ra điều này trong khi xem xét một số ấn phẩm mới của Cộng Sản. Cho ông biết trước một chút xíu thôi đấy nhé.

Tom Glenn: Một số người tin rằng nỗ lực chống cộng ở Việt Nam đã bất khả thi ngay từ đầu. Chiến thắng của Bắc Việt [có phải] là đương nhiên không?

Jay Veith: Không đúng. Nếu chúng ta quyết định cắt đường mòn Hồ Chí Minh bằng quân đội Hoa Kỳ, tôi tin rằng chúng ra đã có thể thắng cuộc chiến. Sau khi Hải Quân cắt đứt nguồn tiếp tế trên biển, và nếu chúng ta phong tỏa hải cảng Sihanoukville (Cambodia), thì “cách mạng” tại Nam Việt Nam không còn nguồn cung cấp nữa, do đó, về căn bản, sẽ thoái hóa thành một cuộc chiến tranh du kích lẻ tẻ, một cuộc chiến mà người miền Nam có thể cáng đáng được.

Tom Glenn: Vậy thì với những điều bây giờ chúng ta đã biết, liệu Hoa Kỳ khi đó có nên nhúng tay vào Việt Nam không? Một câu hỏi cực kỳ tế nhị cho anh trả lời đấy.

Jay Veith: Tôi sẽ phải tránh né câu hỏi nầy bằng cách yêu cầu ông suy nghĩ như sau. Một trăm năm nữa, khi các học giả viết lịch sử của nước Mỹ và thế giới trong thế kỷ 20, chẳng biết họ sẽ định nghĩa cuộc sống Mỹ vào thời kỳ này như thế nào? Họ sẽ nhập chung thời kỳ hậu Đệ Nhị Thế Chiến với một khoảng thời gian dài hơn sau đó, và mô tả thời kỳ đó là một cuộc chiến dài chống lại chủ nghĩa Cộng Sản chăng? Nếu vậy, ai đã thắng cuộc chiến đó? Nếu nhìn từ góc độ lịch sử lâu dài hơn, tôi nghĩ mọi người cuối cùng sẽ đánh giá Việt Nam một cách không thiên vị hơn.

* GHI CHÚ:

I. Về tác giả Tom Glenn:

BM
  
Tiểu thuyết về Việt Nam của ông có tên “Last of The Annamese“. Tác phẩm kể câu chuyện của một sĩ quan Quân Lực VNCH và người vợ tận tụy. Cả hai đã cùng tuẫn tiết tháng Tư 1975. Xoay quanh họ là hình ảnh đau thương của một Nam Việt Nam bị bức tử.

II. Về tác giả George J. Veith:

BM
  
– George J. Veith là cựu Đại Úy binh chủng Thiết Giáp Hoa Kỳ từng phục vụ tại Đức quốc.

– Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt tháng Tư 1975, ông chỉ mới tốt nghiệp trung học. Vì sở thích lúc còn trẻ của ông là tìm hiểu về các biến cố quân sự và các bí ẩn lịch sử, nên khi lớn lên ông luôn quan tâm tới vấn đề Tù Binh/Quân Nhân Mất Tích (POW/MIA), là hai vấn đề đáp ứng sở thích và ý hướng của ông.

– Vốn có khiếu trong công việc biên khảo dù không là nghề nghiệp chính, “Jay” được yêu cầu thực hiện cuộc tìm kiếm tài liệu trong văn khố của căn cứ quân sự Carlisle Barracks. Tại đây, cơ duyên đã đưa vào tay ông những tài liệu mật về Trung Tâm Giải Cứu Nhân Viên Hỗn Hợp (Joint Personnel Recovery Center) – một tổ chức bí mật được thành lập năm 1966 để thu thập và phân tích các báo cáo tình báo về người Mỹ bị bắt ở Lào, Campuchia & Việt Nam và tổ chức các cuộc đột kích giải cứu.

– Kết quả, Jay đã cho ra đời hai tác phẩm:

BM
  
“Code-Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts during the Vietnam War ” (1998).

“Leave No Man Behind: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War ” (2004).

– Từ đó, Jay đặc biệt quan tâm tới những gì đã xảy ra trong cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Cơ duyên thêm một lần nữa đưa Jay gặp gỡ Thiếu Tướng Lê Minh Đảo khi muốn tìm hiểu thêm về mặt trận Xuân Lộc 1975. Jay và bạn ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng suốt một năm về đề tài này. Bài viết của họ làm tướng Đảo hài lòng vì đã mô tả chân thực tình hình chiến trường lúc ấy.

BM
  
Từ đó, tướng Đảo yêu cầu Jay thực hiện một cuộc biên khảo về hai năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Bởi vì đa số người Mỹ cho rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ là “những kẻ tham nhũng và hèn nhát”, do đó chứng minh ngược lại thành kiến này là vô cùng khó khăn. Nhưng, Jay đã nhận lãnh cuộc thử thách!

– Bẩy năm tiếp theo, Jay lao vào công việc tìm và đọc vô số tài liệu từ cả ba phía: Hoa Kỳ, Bắc Việt và Nam Việt Nam. Ông cũng phỏng vấn rất nhiều sĩ quan QLVNCH. Cuối cùng, năm 2012, cho ra đời tác phẩm có tên: “Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75“.

III. Về các tác phẩm của George J. Veith:

BM  
CODE-NAME BRIGHT LIGHT: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts during the Vietnam War

– Trong các chủ đề về Chiến Tranh Việt Nam, chủ đề gây đau đớn và tranh cãi nhiều nhất cho người Mỹ là vấn đề POW / MIA (Prisoner of War / Missing in Action).

– “Mật Mã Ánh Sáng: Chuyện Chưa Kể Về Những Nỗ Lực Giải Cứu Tù Binh Trong Chiến Tranh Việt Nam” kể lại những cố gắng giải cứu đồng đội giữa những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm tại Lào, Campuchia & Việt Nam, đó là những câu chuyện bi thảm nhưng đầy tình người.

– Bắt đầu từ các nhóm Tìm Kiếm & Cứu Nạn (SAR – Search And Rescue) rồi các nhóm Nghiên Cứu & Quan Sát (SOG – Studies And Observations), hợp lại năm 1966 để thành Trung Tâm Giải Cứu Nhân Viên Hỗn Hợp (JPRC – Joint Personnel Recovery Center) dấu dưới vỏ bọc một cơ quan an ninh quốc gia, và thường được gọi với cái tên bí mật là “Bright Light “.

– Thế nhưng, những hành động dũng cảm – thậm chí liều lĩnh – đã không đem lại “ánh sáng” cho tất cả các tù binh: đã có khoảng 500 người lính Việt Nam Cộng Hòa được giải thoát, 110 thi thể lính Mỹ được đưa về, nhưng đau đớn thay, không một chiến binh Hoa Kỳ nào được giải cứu!

  
– Vậy lý do gì khiến cho các nỗ lực của JPRC suốt 6 năm, với hơn 125 cuộc giải cứu, đã gặp thất bại? Có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, những “trại giam” thường xuyên di chuyển nên rất khó truy ra dấu vết. Thứ hai, do địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Sau cùng là sự miễn cưỡng của các cấp chỉ huy Mỹ khi cho rằng phải chịu rủi ro quá cao mà kết quả không có gì chắc chắn. Do quá nhiều trở ngại trong khi các hoạt động giải cứu lại đòi hỏi phải thật nhanh chóng và chính xác, vì thế, kết quả thật thương tâm…

– Tác giả cũng mô tả chi tiết về hoàn cảnh những tù binh bị bắt ra sao, bị giam cầm thế nào. Có nhiều người bị chết trong khi bị bắt giữ, có người tìm cách vượt ngục và chịu đựng cuộc đuổi giết dã man của quân cộng sản.

– Điều bi thảm hơn, vì phải giữ bí mật tuyệt đối nên điệp vụ Bright Light đã gây nên nỗi đau đớn khôn cùng cho gia đình các chiến sĩ bị cầm tù hay mất tích. Họ cho rằng chẳng ai thèm ngó ngàng gì tới những người thân yêu của họ đã lên đường chiến đấu vì Tổ Quốc. 

Từ đó, họ lớn tiếng phản đối sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Còn với nhiều sĩ quan Hoa Kỳ từng tham gia điệp vụ, mặc cảm đã không giải cứu được đồng đội trở thành nỗi thống hận đầy xót xa, cay đắng, thế nhưng vẫn phải cố kìm nén trong im lặng… 
 
LEAVE NO MAN BEHIND: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War

– Bill Bell gia nhập quân ngũ năm 17 tuổi, rồi trở nên một Airborne-Ranger (Biệt Kích Dù) trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ông đã 4 lần tới Việt Nam. Ông thông thạo tiếng Việt, Thái và Lào. Sau chiến tranh, ông trở lại VN với chức vụ Chief of the U.S. Office cho cơ quan POW/MIA Affairs tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ 12 năm, ông giúp đưa về nước 359 hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ.

– Với kiến thức sâu sắc về Cộng Sản, với tính bền bỉ không kém một người châu Á, cộng với sự uyển chuyển “biết mình, biết người” của một nhà thao lược, tất cả đã giúp Bill thực hiện xuất sắc một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tế nhị. Ông tận sức tìm kiếm “câu trả lời” cho những gia đình có con, anh, em, hay chồng đã mất tích trên chiến trường Việt Nam để họ vơi bớt nỗi đau khôn nguôi.   

Bill Bell đã cống hiến những năm tháng thanh xuân cho nhiệm vụ, từ những ngày đầu khi còn là anh lính bộ binh trẻ hành quân trên núi rừng Cao Nguyên Trung Phần, đến người sĩ quan tiếp nhận lính Mỹ mất tích trong chiến dịch Operation Homecoming. Ông là một trong những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam trên nóc tòa Đại Sứ tháng Tư 75. Ông cũng là người đến những trại tị nạn bị bỏ rơi để phỏng vấn những nạn nhân đang trong tình trạng tuyệt vọng.

– Và chính Bill cũng chịu chung nỗi đau chia lìa của hàng triệu người dân Việt Nam: Vợ và con trai ông đã tử nạn trên chuyến bay đầu tiên của chiến dịch Operation Babylift ngày 4 tháng Tư 1975.

– Bill Bell là điển hình cho sự đấu tranh bền bỉ và khôn ngoan của một người Mỹ hơn 25 năm đối đầu với kẻ thù xảo quyệt và tàn nhẫn CSVN, ngoài mặt chúng rêu rao những lời hoa mỹ về “hàn gắn vết thương quá khứ” nhưng sau lưng xử dụng người chết để mặc cả lợi lộc chính trị và kinh tế.

– “Không Bỏ Lại Bất Kỳ Ai: Bill Bell Trong Nỗ Lực Tìm Kiếm Những Tù Binh Và Người Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam” là câu chuyện thật của một nỗ lực đậm tình người. Qua đó, cũng vạch trần bộ mặt thật của CSVN, như được mô tả qua nguyên văn của đồng tác giả George J. Veith: “the cold hearted rulers of Hanoi“.

BM  
THÁNG TƯ ĐEN: Những Ngày Tháng Cuối Cùng của Miền Nam Việt Nam 1973-1975 (Dịch giả: Nguyễn Ngọc Anh)

– “Tháng Tư Đen” đã sưu tầm rất nhiều tài liệu Mỹ bản gốc, những cuộc phỏng vấn chưa bao giờ được công bố của một số nhân vật chính thuộc phía VNCH, và rất nhiều các điện tín và văn kiện tối mật của phe Cộng Sản Bắc Việt để viết thành một cuốn sử trung thực nhất về một trong những sự thảm bại lớn nhất và chấn động nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà tới bây giờ vẫn còn bị dư luận Mỹ hiểu sai.

– “Tháng Tư Đen” nghiên cứu sâu xa về hai năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, làm sáng tỏ những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam chỉ trong vòng 55 ngày. Sách trình bày những nguyên nhân chính, từ các tính toán độc ác của Cộng Sản Bắc Việt cố tình phá hoại Hiệp Định Paris ngay sau lúc ký kết, đến việc Mỹ lạnh lùng cắt bớt viện trợ cho Miền Nam, cho đến các quyết định quân sự và chính trị sai lầm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu…

– “Tháng Tư Đen” đưa ra những bằng chứng đi ngược lại các luận điểm của các học giả và giới truyền thông Mỹ và quốc tế từng rêu rao rằng “Đồng minh Miền Nam của Mỹ là một bọn độc tài tham nhũng chỉ biết dựa vào hỏa lực của quân đội Mỹ”.

– “Tháng Tư Đen” kết luận:

BM
  
1/ Đến năm 1973, mặc dù phải đối phó với các vấn đề nội bộ và kinh tế, Quân Đội Nam Việt Nam đã phát triển thành một lực lượng chiến đấu có khả năng đánh bại quân Cộng Sản Bắc Việt. Nếu quân đội đó đã được chi viện đầy đủ và được Hoa Kỳ yểm trợ lâu dài sau thỏa ước ngưng bắn, thì kết cục của cuộc chiến có thể khác xa.

2/ “Việt Nam Hóa” đã có tác dụng. Tuy nhiên, không có tướng lãnh Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam nào tin rằng đất nước này có thể đứng vững nếu không có đầy đủ sự yểm trợ của Không Quân Mỹ. Lý do đơn giản là vì địa hình Việt Nam, chứ không phải vì sự thiếu ý chí của Nam Việt Nam.
  
3/ Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là “những kẻ bất tài vô dụng” như cái nhìn đầy thành kiến của phương Tây. Nhiều người trong số họ đã biểu lộ lòng can đảm lạ thường, thậm chí trong những tình huống tuyệt vọng như trong các trận đánh ở Tân Sơn Nhứt, Hố Nai và nhiều nơi khác nữa.



Lược dịch_Trịnh Bình An