Lãnh đạo của BKA, ông Jorg Ziercke. (ĐVO)
Báo chí Đức dẫn tin từ cơ
quan điều tra hình sự liên bang BKA (cơ quan có chức năng phản gián nội
địa ở Đức) đưa tin về việc bắt giữ cặp vợ chồng Nga ở Marburg, bị vạch
tội làm việc cho cơ quan tình báo.
Theo nguồn tin ở
BKA, Haydrun và Andreas (họ của những người bị bắt không được tiết lộ)
đã hợp tác với cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) hơn 20 năm.
Hai
vợ chồng bị bắt quả tang đúng lúc Haydrun nhận điện mật từ Moscow. Cuộc
liên lạc điện đài này bị người Đức chặn thu và xác định địa chỉ máy
thu. Tình tiết cuối cùng này bị các chuyên gia Nga trong lĩnh vực tình
báo và phản gián tiếp nhận một cách nghi ngờ.
Một
trong những chỉ huy cũ của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia), ông Vladimir
Rubanov nói: “Các phương pháp cổ xưa như vậy không thích hợp với thực
tiễn hiện nay”. Thành viên Hội đồng Xã hội, Bộ Quốc phòng, biên tập viên
Tạp chí Quốc phòng, ông Igor Korotchenko cũng có cùng quan điểm.
Khi
trao đổi với Izvestia, ông này bày tỏ nghi ngờ: “Khó mà tin được là cô
ta gõ ma níp để truyền tin. Bây giờ người ta sử dụng công nghệ liên lạc
vệ tinh tức thời – bản tin mật được nén thành xung, xung này được bắn
lên vệ tinh, sau đó được truyền về Trung tâm. Điện trả lời cũng được
truyền đi như vậy”.
Korotchenko giải thích, công
nghệ như vậy làm cho việc chặn thu của trinh sát vô tuyến đối phương là
không thể thực hiện được. Chuyên gia này nói thêm: “Việc chặn thu và xác
định địa chỉ máy thu – đấy là cách như trong phim về Stirlitz (*) và
Gestapo, khi ôtô chở máy chặn thu đi vòng vèo qua các phố”.
"Điệp viên đóng hộp"
Cựu giám đốc xí nghiệp bảo vệ Atoll Sergei Sokolov cho rằng thất bại của điệp viên bất hợp pháp chỉ có thể do 2 nguyên nhân.
Ông
này nhấn mạnh với báo Izvestia: “Nếu điệp viên bất hợp pháp bị phát
hiện, thì hoặc là anh ta tự làm lộ mình, hoặc bị phản bội. Và còn điều
này, khi phát hiện ra nhóm điệp viên bất hợp pháp trên lãnh thổ của
mình, các cơ quan tình báo phản gián thường cố gắng không làm ầm ĩ,
ngược lại, họ cố không gây ra sự chú ý và tuyển mộ những gián điệp đã bị
lộ hoạt động cho mình”.
Còn nếu các cơ quan tình
báo phản gián lại chia sẻ thông tin với các phương tịên thông tin đại
chúng, cung cấp hàng loạt tiểu tiết, kể cả tên những kẻ bị bắt, điều đó
chỉ có thể là chúng ta đang biết đến một chiến dịch tuyên truyền rộng
rãi, chứ lợi ích thu được từ việc tuyển mộ lại những điệp viên bất hợp
pháp tiềm tàng này là không đáng kể so với hiệu quả của một vụ bê bối
gián điệp. Chắc là đôi vợ chồng A. bị bắt ở ở Marburg thuộc loại các
điệp viên này.
Một nguồn tin trong giới tình báo đối ngoại nhận định với
Izvestia
:
“Ngoài các tổ điệp báo bất hợp pháp đang hoạt động, ở châu âu, chúng ta
còn có các “điệp viên đã đóng hộp”. Theo người tiếp chuyện báo Izvestia
không muốn xưng danh, những người này đã hoạt động từ thời Liên Xô, vẫn
duy trì liên lạc với cơ quan tình báo Nga, nhưng do tuổi cao đã không
can dự đến công việc nữa và được sử dụng như những “hộp thư”.
Nguồn
tin của chúng tôi nhấn mạnh: “Đây không còn là vấn đề còn hoạt động
tình báo nữa. Một điệp viên tốt qua thử thách trở thành như thành viên
trong gia đình, không thể bỏ rơi người đó được. Người ta đã có giấy tờ
cư trú hợp pháp, đã nghỉ hưu, có gia đình nhưng dẫu sao đôi khi họ vẫn
đưa và nhận tin. “Hộp thư” nghĩa là như thế đó. Chúng ta không bỏ rơi
họ”.
Gần như chắc chắn, các “điệp viên đóng hộp”
như vậy bị cơ quan phản gián các nước tương ứng giám sát chặt chẽ nhưng
kín đáo. Vậy thì tại sao phía Đức bây giờ lại quyết định gây ra vụ bê
bối gián điệp này, công khai phanh phui các điệp viên xem ra chả gây hại
gì.
Nhà chính trị học Đức Alexander Rahr giả định:
“Có thể, việc này liên quan đến tương lai trở lại cương vị Tổng thống
Nga của Vladimir Putin”. Ông này nói thêm: “Tuy nhiên, bất kể những
người tổ chức rò rỉ tin cho các phương tiện thông tin đại chúng theo
đuổi những mục đích gì đi nữa, rõ ràng là cho đến nay chưa có được một
vụ bê bối đúng nghĩa từ câu chuyện này. Chưa có chính khách Đức nào sử
dụng nguy cơ hoạt động gián điệp Nga, ngay các cơ quan tình báo phản
gián Đức cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nào”.
Ông
Igor Korotchenko nhắc nhở, dẫu sao thất bại của tổ điệp báo, dù là đã
“đóng hộp” vẫn là đòn đánh tác chiến và đòn đánh nghiêm trọng vào uy tín
của các cơ quan tình báo phản gián. Ông này xác nhận: “Lưới điệp báo
tiềm tàng từ chối hợp tác, còn những kẻ đã chấp nhận hợp tác, thường lặn
xuống và hạn chế hoạt động tối đa để không bị rơi vào tay phản gián”.
Chuyên
gia này tin rằng SVR ngày nay phải tập trung tìm ra kẻ phản bội mà nếu
không có hắn ta thì các cơ quan tình báo phản gián Đức khó mà có thể
phát hiện ra dấu vết các điệp viên Nga bất hợp pháp.
(*)
Stirlitz: Tên nhân vật chính trong phim truyền hình nhiều tập của Liên
Xô “Mười bảy khoảng khắc của mùa Xuân” nói về chiến sĩ tình báo Xô Viết
hoạt động trong hang ổ phát xít Đức đầu năm 1945.
|