; }

Thursday, April 28, 2016

CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG TRÊN QUÊ HƯƠNG

Cảm giác Sự Chết vốn sẵn có từ lâu qua thân phận Người Lính trên Quê Hương Miền Nam Việt Nam. Đấy là Năm 1965, với cơn mưa u uất mùa hạ Miền Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không đủ lớn, không dài lâu để cho ta có cảm giác được tẩy rửa, cuốn trôi. Mưa âm âm, ngột ngạt làm bốc dầy thêm mùi xác chết của những đơn vị gồm Tiểu Đoàn 2, Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 Bộ Binh; Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân; và Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù với những người lính mà sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ than van, ghìm lại hơi thở dài nặng nhọc... Tất cả những người lính cao thượng khắc kỷ vừa kể ra vào những ngày của tháng 6 năm 1965 ấy đã là những xác chết căng cứng, da tím sẫm bốc mùi xanh xao tanh tưởi... Những khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu sẫm, đất bùn đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi đụng trận, một chốn gọi là xã Đồng Xoài, Quận Đôn Luân, Tỉnh Bình Dương, nơi chỉ xa Sài Gòn khoảng năm-mươi cây số đường chim bay.
Rồi từ Giao Thừa Mậu Thân, bắt đầu ở Huế, ngõ Âm Hồn, lối đi ra đường Mai Thúc Loan, hướng Cửa Đông Ba. Khoảng đường u thẫm chập dầy bóng đen đêm Xuân 1968... Với tình thế nguy biến qua cảnh tượng người lính xao xác chạy dọc những khu nhà đổ nát, vừa chạy tránh đạn, vừa kéo xác đồng đội... Người Lính kéo xác đồng đội ngang qua căn nhà có xác người đàn bà chết trong vị thế quỳ trước chiếc bàn thờ xiêu đổ tung toé, hẳn đang khấn lạy, cầu xin... Nhưng còn có những xác chết chỉ còn thân người, bởi chiếc đầu đã bị cắt lià, vất tung đâu đó. Bên cạnh, thây cô gái tóc dài lây lất, khuôn mặt chỉ còn những tảng thịt rời rã. Nhận biết đấy là người thiếu nữ do chiếc áo dài trắng và áo len màu tím than, màu riêng biệt đặc trưng của người thiếu nữ xứ Huế. Nhưng, như một an ủi khốn cùng, dù ở Huế, hay quanh ngoại ô Sài Gòn, vùng Nhị Bình, Thạch Lộc, Hóc Môn, Gia Định trong dịp chiến loạn Mậu Thân 1968, người sống vẫn còn khả năng phân biệt đấy là xác chết của lính hay của dân; của dân chúng Huế hay gã bộ đội Sinh Bắc-Tử Nam, hoặc cán binh Mặt trận giải phóng... qua áo quần, dạng tướng, đôi dép Nhật làm ở Chợ Lớn, giày botte de saut của lính Cộng hòa hay loại dép râu mang theo từ Miền Bắc của bộ đội cộng sản. Thây chết nằm suốt dọc cù lao sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước, Bình Triệu, Thạnh Lộc, Nhị Bình, Gò Vấp... Cả một vùng hoa mai tàn tạ trong ánh nắng lung linh mùi tử khí.

Tiếp đến năm 1972, cảnh chết trên quê hương miền Nam tăng vụt cường độ với bất hạnh, tang thương nhân lên gấp bội phần cho dù trí tưởng tượng về tình huống khốn cùng từ lâu đã được người Việt hằng mang nặng, chuẩn bị gánh chịu. Trên chín cây số từ La Vang, nam Quảng Trị đến Cầu Trường Phước lớp nhựa đường đã hoàn toàn chảy nhão, đun nóng sôi bởi một thứ lửa nhân tạo. Lửa được cháy lên do từ áo quần, tay nải, bao bị, gồng gánh, và tế bào thịt da của người tẫm vào lưỡi lửa của xe cộ, xăng nhớt. Tất cả biến thái nên thành ngọn lửa bền bỉ âm ỉ. Thế nên trên quãng đường chín cây số nam Thị Xã Quảng Trị mà giới báo chí Miền Nam đặt nên tên đau thương Đại Lộ Kinh Hoàng hoàn toàn không còn dạng thây ma để được gọi nên là xác chết, mà chỉ là những mảnh xương cốt rời rã, lăn lóc, lẫn lộn đất, đá, cát vương vãi dưới gầm khung xe cháy nám, nơi ổ súng cong queo, sau những bụi lùm trơ trọi, những gò, đụn oan khiên mà ổ mối đùn lên gây tanh mùi máu.

Trong cùng lúc, vào thời điểm đầu mùa Hè, 1972 ở An Lộc nơi Bệnh viện Tiểu Khu Bình Long cũng xẩy ra tình cảnh kinh hoàng đau thương tương tự. Vì pháo binh yểm trợ cho các sư đoàn 5, 7 bộ binh cộng sản đã học được một kinh nghiệm hữu dụng: "Ban ngày chỉ pháo xuống nhiều điểm bên trong thị xã để dân chúng tin rằng "bộ đội giải phóng" không pháo kích vô chỗ bệnh viện!" Nhưng vào ban đêm, Trường Trung Học Cộng Đồng, Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long... nơi lớp lớp người bị thương đang lê lết trong bãi máu, giữa những người hấp hối để cầu sống sót, cầu được lúc bình yên. Cho dẫu bình yên được chết... Những nơi nầy biến thành những điểm tập trung của pháo binh cộng sản. Điễn hình chỉ trong một đêm 10 Tháng Tư, 1972 đã có hơn tám ngàn quả đạn 130 ly rơi xuống xé toang đám xác người. Người sống lẫn kẻ chết, tất cả đồng tung lên ngật ngật với thân thể con người chỉ còn là những mảnh vụn tơi tả lẫn với bụi, khói, mảnh thép.

Chiều ngày 28 tháng 4, với tình cảnh sống-chết đan kín, xen kẻ cùng nhau trong suốt chặng đường dài hơn một thập niên như trên vừa kể ra... Tất Cả Hiện Đủ Trong Buổi Sáng Ngày 30 tháng Tư Năm 1975. Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh của những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngõ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hoả ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đổ xuống không ngắt nhịp. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn. Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO, Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ, ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống. Đống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc Năm Trăm Trần Hưng Đạo của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam; giấy bạc đô-la của ngân khố Mỹ. Tất cả cùng trộn lẫn với thịt da thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung toé, hiện thực nơi trần thế cảnh địa ngục vô vàn mà nhà thơ Dante người Ý đã diễn tả qua thi ca.
Sáng 29 tháng 4, những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị. Nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có danh hiệu "Thành mọi" bởi nước da ngâm đen quá độ ra chỗ đậu tàu.. Anh nổ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, Trung Úy Thành thấy rõ những vị trí pháo của binh đội cộng sản.. Anh nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh. Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán phòng không cộng sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài giỏi lách ra khỏi vùng hỏa tập lưới đạn của giặc. Anh đáp xuống lại phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mù bởi cuộc dội bom chiều hôm trước, và cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc nầy. Mặc, Thành một mình tự tay nạp đạn vào tàu, anh trở lại bầu trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất - Cửa ngõ của Miền Nam. Anh nhìn xuống những vị trí pháo cộng sản mà giờ nầy tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Thành chúc mũi tàu, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm.. Một mình anh.. Phải chỉ một mình anh - Trung úy Trang Văn Thành, "Thành Thiếu Sinh Quân". Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, dây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt... Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian trên quê hương.

Sáng 30 tháng 4, năm 1975. Sàigòn vắng lạnh. Trời bỗng nhiên trở mưa. Cơn mưa ngắn, từng giọt khô nồng, u uất. Chiếc xe Zil Trung Cộng từ hướng đường Trần Hưng Đạo, chạy chậm rãi qua bùng binh chợ Bến Thành.. Những người đi đường nhìn lên, ngó mông trống trải. Xe tới trước thềm Hạ Viện, đám thiếu nữ dáng dấp nhà nông nhẩy xuống, một người đội mũ tai bèo, chắc là người chỉ huy trung đội lính phụ nữ, từ ca-bin xe bước ra, chỉ chỏ, ban lệnh, kéo từng người vào vị trí gọi là “chiến đấu”... Các đồng chí, các đồng chí... bố trí đây nì, sẵn sàng tác chiến... Giọng người vùng miền Bắc Trung Việt cấm cẳng, the thé. Những thiếu nữ thôn quê ngồi bất động nghiêm trọng. Tất cả đều mặc áo quần mới, áo mầu xanh dương, quần đen, vải nội hoá còn nguyên dấu hồ, dây đạn đeo chéo qua thân, miết xuống những thớ thịt ở ngực, phần bụng. Băng đạn trên thân người mới tinh màu đồng đỏ au.

Từ Công Trường Lam Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt cộng”. Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính cộng sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạc kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ .. Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính hả? Không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoãi, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng, thức ăn, rượu, bia. Tiếng súng nổ, đạn bay lên trời... Và những gã thanh niên mang băng đỏ dẫn đám lính cộng sản chạy lúp xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến thấy hình hài một Người Lính vừa tự sát. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975, chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long.

Trước cổng Trại Nguyễn Trung Hiếu, hậu cứ Tiểu Đoàn 1 Dù, Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù tròng mắt khô khan ráo hoảnh sau bao ngày đêm không ngủ sáng lên ánh mắt dứt khoát quyết định ở lại với những lính của đơn vị khi lắng nghe báo cáo cuối cùng của đại đội giữ Ngã Tư Bảy Hiền vừa bắn cháy thêm hai xe tăng của quân Miền Bắc... Có một xác con trẻ trần truồng không biết ai ném ra từ bao giờ lên mặt đường. Một cô gái mặc áo dài trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini cạnh lề đường, bình thản, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh chụp thây đứa trẻ chết. Tay đứa bé mà giờ nầy đã miết xuống mặt nhựa đường do đám người chạy loạn từ khu Ngã Tư Bảy Hiền giẫm lên. Cô gái nhỏ giải thích: "Chụp để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết!" Hóa ra Sự Ác do cộng sản giáo dục có thể chụp xuống lòng người mau chóng đến thế sao?" Bấy giờ chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.
Một trung đội lính Dù mà thật sự chỉ khoảng hơn một Tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh cư xá Sĩ quan Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, trước 1972 là Tư lệnh phó Sư đoàn Dù. Chuẩn Tướng Hậu đang trải chiếc bản đồ trên mui xe jeep, bàn tính với những viên sĩ quan. Khi biết lệnh đầu hàng đã thi hành, ông vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rủa.. Dẫu vừa nhận lệnh.. "Anh em ai về nhà nấy" từ Tiểu Đoàn Trưởng Hạnh. Nhưng viên Thiếu úy trả lời quyết liệt: "Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu..". Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, khi tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn... Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm.. Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nổ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.

Cùng lúc, trong ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, tại một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh thuộc Khoá 1 Nam Định, chuyên ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường dây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Hai người cùng trao đổi lời đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng. Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước. Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng. Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẩn bị từ trước. Cuối cùng Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!

Ở Vùng IV, đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời mình bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử. Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn... rất nhiều người không ai biết cấp Thiếu, Trung úy kể cả binh sĩ, hạ sĩ quan,.. cũng không thiếu những người dân, những người dân thường đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam. Phần những người còn sống nơi Miền Nam phần lớn, nếu không nói là hầu hết sau khi đã đi qua biên giới tử sinh nầy đều có mặc cảm phạm tội - Tội đã sống sót. Đấy là cảm ứng có thật kể từ ngày 15 tháng 3 khi nhìn đoàn người di tản dọc Tỉnh Lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, xuống Tuy Hoà. Khi đứng trên Đèo Hải Vân ngày 25 tháng 3, chứng kiến đoàn người chạy loạn từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng. Khi nghe ra tiếng hờn đau ai oán của người đàn bà chân trần, tóc rối, lật vạt áo dài ra để thấy đứa con nhỏ đã chết từ lâu trên tay. Sáng 30 Tháng Tư, mỗi người Việt nơi Miền Nam từ hoàn cảnh riêng hiểu ra một Mối Đau Chung - Mối đau lần chết thật với Miền Nam.
Người Nhật là một dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Sepuku (mổ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, Người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá Con Người. Người Việt xử dụng Cái Chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần cao thượng. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những người đã sống lâu dài dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954... Tất cả đã cùng phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã và đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ nạn, với chính thân xác của mình. 41 năm sau Ngày 30 Tháng Tư ý nghĩa cao thượng nầy vẫn luôn hiện thực với những thế hệ Việt thứ hai, thế hệ người Việt thứ ba...

Phan Nhật Nam
Ngày 30-4-1975 của 41 năm sau